Tin Trong Nước – 24/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 24/8/21

Sáng 24/8: 72 người tại Bệnh viện Quân dân y dương tính COVID-19

72 người tại Bệnh viện Quân dân y dương tính COVID-19

Zing – Tối 23/8, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, địa phương này vừa ghi nhận ổ dịch tại Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp gồm 72 trường hợp test nhanh dương tính COVID-19.

72 người trên gồm 54 bệnh nhân và 18 người nhà. Những trường hợp này đang chờ kết quả để khẳng định.

Tối 23/8, Đồng Tháp ghi nhận thêm 100 ca dương tính COVID-19. Tổng số ca ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp kể từ 27/4 đến 23/8 là 6.111, trong đó, 2.337 người đã khỏi Covid-19.

Ảnh chụp màn hình Zing.

TP.HCM tiếp tục bổ sung nhóm người được ra đường từ 23/8

VTC – 3 lực lượng được ưu tiên, không yêu cầu giấy đi đường khi qua chốt gồm: Lực lượng, cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành giấy đi đường do Sở Y tế cấp; Người đi tiêm vaccine có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy mời tiêm chủng; Nhân viên hệ thống phân phối của siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm có thẻ nhân viên và giấy xác nhận của đơn vị. 

Bên cạnh đó, TP.HCM bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được ra đường gồm:

Thứ nhất: Trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy); giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách, báo số lượng về Công an TP.HCM (mã 1A).

Thứ hai: Nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các doanh nghiệp đang sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp sẽ tổng hợp danh sách này, báo số lượng về Công an TP.HCM (mã 12).

Với các phương tiện vận tải hàng hóa (gồm tài xế và 1 phụ xế) được ngành giao thông vận tải cấp thẻ QR Code, lực lượng chức năng không kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.

Đề xuất xe cứu thương tại TP.HCM ngưng hú còi cả ngày lẫn đêm

Tienphong – Tiếng còi xe cứu thương đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong đại dịch COVID-19. Ban chỉ đạo chống dịch TPHCM đề nghị ngành y tế xem xét phương án ngưng hú còi cả ngày lẫn đêm để người dân bớt hoang mang, lo lắng.

Đó là nội dung được ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM nêu lên tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều 23/8 về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

“Đường phố đã rất thông thoáng, không còn tình trạng ùn ứ hoặc đông phương tiện lưu thông. Do đó, tôi đề nghị các phương tiện cấp cứu nên tạm dừng việc hú còi cả ngày và đêm mà chỉ cần dùng đèn xoay. Việc sử dụng âm thanh còi hú sẽ tăng thêm sự lo lắng, hoang mang cho cộng đồng. Chúng ta cần để cho nhân dân an tâm, tránh những yếu tố gia tăng sự căng thẳng. Ngành y tế cần cân nhắc không hú còi xe cứu thương cả ngày và đêm”.

Nha Trang: Chủ tịch phường viết thư kêu gọi chủ nhà miễn tiền cho người thuê trọ

Tối 23/8, bức thư kêu gọi miễn, giảm tiền thuê trọ của chủ tịch UBND phường Phước Long, TP Nha Trang (Khánh Hòa) được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo đó, bức thư có nội dung: “Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thành phố Nha Trang nói chung và phường Phước Long nói riêng. 

Vì vậy, đời sống của bà con nhân dân đã bị ảnh hưởng nhiều mặt trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những người dân lao động tự do, công nhân thuê phòng trọ đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu thốn, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng,

Thay mặt lãnh đạo phường Phước Long, tôi kêu gọi và đề nghị quý ông (bà) chủ nhà trọ, chủ căn hộ đang cho thuê mở rộng tấm lòng nhân ái, chung tay cùng chính quyền và nhân dân phường Phước Long bằng việc làm thiết thực nhất hiện nay là miễn tiền thuê trọ, thuê căn hộ cho các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà, thuê phòng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tôi tha thiết đề nghị quý ông (bà) động viên các gia đình, cá nhân hiện đang thuê nhà trọ, căn hộ “Ai ở đâu ở yên đó” thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường Phước Long”.

Ông Ngô Khắc Thinh, chủ tịch UBND phường Phước Long, cho biết trên địa bàn phường có hơn 2.000 lao động, công nhân…, đây là những người bị mất việc do dịch bệnh.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn thu nhập của nhiều lao động, công nhân trên địa bàn bị mất hoặc giảm đáng kể. Thấu hiểu được khó khăn đó, phường đã gửi thư đến các chủ nhà trọ, chung cư để miễn giảm tiền thuê nhà, cùng chia sẻ, hỗ trợ với người dân một phần và mong muốn người dân ở yên trong nhà để dễ quản lý, bảo đảm công tác phòng chống dịch”, ông Thinh nói.

Cũng theo ông Thinh, ngay sau khi phát hành thư kêu gọi, nhiều chủ trọ đã đồng ý miễn hoặc giảm tiền thuê nhà. 

Đà Nẵng yêu cầu quận, huyện không cứng nhắc trong chống dịch làm khó người dân

Thanhnien – Chiều tối 23/8, tại cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện cần phải chủ động xử lý những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình trước tình trạng có những việc phải lên cấp TP xử lý.

“Các quận, huyện phải chủ động đừng để nhân dân kiến nghị trong khi lại thuộc thẩm quyền của UBND quận. Ví dụ như một vườn hoa của người ta, các anh đừng quá máy móc không cho người ta đến tưới nước. Việc này tôi đã nói rất nhiều lần rồi. Mình cho họ ra cánh đồng, tưới nước, bắt cá… là chuyện bình thường chứ không đến nỗi quá cứng nhắc để rồi người ta phải phản ánh”, ông Chinh dẫn ra một số ví dụ cho thấy có sự máy móc trong việc không cho người dân ra ngoài.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo, thời gian tới H.Hòa Vang sẽ đến thời kỳ thu hoạch lúa, chính quyền huyện cần có phương án cho người dân ra ngoài để thu hoạch. Ngành nông nghiệp TP cũng phải tháo gỡ việc lưu thông trứng cút hiện đang bị dồn ứ.

“Tại sao mình giải cứu các địa phương khác được, còn chính trong địa bàn của mình lại không? Vô lý là trong khi hàng ngày chúng tay phải nhập (hàng hóa). Các quận, huyện phải chủ động trong vấn đề này, đừng quá máy móc”, ông Chinh nhấn mạnh lần nữa.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-24-8-72-nguoi-tai-benh-vien-quan-dan-y-duong-tinh-covid-19.html

Trưa 24/8: Phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam; Ông Phan Văn Mãi được giới thiệu bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) (ảnh: Thanh Niên/VnExpress).

Phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam

VnExpress – Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam hôm nay, bắt đầu chuyến thăm theo lời mời của của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, báo chí trong nước cho biết.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Phó tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Bà Harris thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á, 7 tháng sau khi bà nhậm chức Phó tổng thống Mỹ. Trước khi tới Việt Nam, bà đã dừng chân ở Singapore, nơi bà khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Phan Văn Mãi được giới thiệu bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM

Thanhnien – Sáng nay 24/8, theo nguồn tin của báo Thanh Niên, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM được giới thiệu bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM.

Nguồn tin cũng cho biết, phương án nhân sự này đã được Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất.

Ông Phan Văn Mãi được giới thiệu đảm nhiệm trọng trách mới, sau 2 tháng 23 ngày, kể từ ngày được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Ảnh chụp màn hình Dân Trí.

Trước đó, Bộ Chính trị ngày 20/8 quyết định điều động ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch TP.HCM giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Phong được điều động trong bối cảnh dịch COVID-19 tại TP.HCM chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vài trăm ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày.

Bộ đội giám sát chặt từng ngõ hẻm ở TP.HCM

Zing – Trong đợt siết chặt giãn cách xã hội ở TP.HCM, quân đội không chỉ chốt chặn ở các tuyến đường lớn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát từng con hẻm.

Lực lượng quân đội cùng các đơn vị địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường. Lực lượng này có nhiệm vụ tuần tra, giám sát người dân thực hiện giãn cách, cứu trợ, đi chợ thay cho người dân.

Các con hẻm “vùng đỏ” tại TP.HCM đều được quân đội giám sát 24/24 giờ để đảm bảo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.

Nhiều hẻm cử người đại diện phối hợp với quân đội theo dõi công tác tiếp tế thực phẩm, xét nghiệm, quản lý người ra vào. Ngoài ra còn có lực lượng dân phòng cùng bộ đội đi tuần các con hẻm.

Theo kế hoạch, lực lượng quân sự sẽ tỏa ra khắp các quận, huyện tại TP.HCM, tham gia tuần tra canh gác, vận chuyển lương thực thực phẩm, đem các túi an sinh đến các hộ khó khăn.

Hà Nội tạm đóng cửa chợ Hà Đông do F0 từng đến mua hàng

VTC – Tối 23/8, Ban Quản lý chợ Hà Đông thông báo đến các tiểu thương về việc tạm thời đóng cửa 3 ngày (24- 26/8) cho đến khi có thông báo mới vì có ca F0 từng đến mua hàng ở chợ.

Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 là nữ, sinh năm 1966, địa chỉ Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Hà Đông. Đây là người sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 20/8 (gần khu vực gia đình có 5 bệnh nhân dương tính phát hiện qua sàng lọc khu vực nguy cơ). Qua khai thác lịch trình, trường hợp này từng đi mua hàng tại chợ Hà Đông.

Nỗi lo dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam

Cafef – Nhiều ý kiến lo ngại, việc áp dụng quá cứng nhắc các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể sẽ kích hoạt làn sóng dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đều cho các doanh nghiệp linh hoạt áp dụng phương án sản xuất kinh doanh trong mùa dịch và tự chịu trách nhiệm.

Phần lớn các quốc gia chỉ tung ra các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chứ không áp dụng các biện pháp cứng nhắc nào đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, ở những vùng dịch không nghiêm trọng, chính phủ Nhật khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống chỉ hoạt động trong khung giờ nhất định. Doanh nghiệp nào tuân thủ khuyến cáo này thì sẽ được hưởng trợ cấp. Hay như Chính phủ Hàn Quốc chỉ dành sự quan tâm đặc biệt đến khối doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương. Ngoài cho vay vốn rẻ, còn miễn giảm thuế, mà không có quy định nào can thiệp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, các ông lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô như Ford, GM, Crysler,… chọn cách chia nhỏ, hoặc cắt giảm quy mô sản xuất. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, các tập đoàn này chỉ duy trì hoạt động của những bộ phận cấp thiết.

Nhìn chung, các quốc gia đều tôn trọng quyền hoạt động hoặc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện tối đa về tài chính.

Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” đã và đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí này đã phải ngừng sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp trong nước gặp khó với phương án này bao nhiêu, thì các doanh nghiệp FDI cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều. 

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham cho biết, mỗi tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau, quy định không thống nhất khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Minh nhấn mạnh “Chính phủ cần đưa ra giải pháp, chiến lược chung để doanh nghiệp sống chung với dịch, bởi chưa biết khi nào Covid-19 kết thúc. 

Một chuyên gia cho rằng, không nên áp dụng mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” ở một địa bàn, một ngành mà nên cho phép doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp, tự đăng ký và tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần sớm giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, như miễn cách ly cho chuyên gia nước ngoài có hộ chiếu vaccine vào Việt Nam ngắn ngày; thực hiện thủ tục thông quan khẩn cấp 24/24; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ở các doanh nghiệp FDI…

Vị chuyên gia này nhấn mạnh “Nếu việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm trung gian kéo dài sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất thành phẩm, khiến doanh nghiệp FDI gặp khó khăn”. Ông kiến nghị nếu Việt Nam không sớm gỡ các nút thắt này, có nguy cơ kích hoạt làn sóng dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/trua-24-8-pho-tong-thong-my-tham-viet-nam-ong-phan-van-mai-duoc-gioi-thieu-bau-lam-chu-tich-ubnd-tp-hcm.html

Tối 24/8: Thêm 10.811 ca COVID-19; Test nhanh 170.000 mẫu ở TP.HCM phát hiện 6.000 mẫu dương tính

Ảnh minh hoạ.

Test nhanh 170.000 mẫu ở TP.HCM phát hiện 6.000 mẫu dương tính

PLO – Chiều 24/8, trả lời câu hỏi về chiến dịch xét nghiệm diện rộng mấy ngày qua, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, khác với trước, chiến dịch xét nghiệm lần này TP.HCM sẽ tập trung xét nghiệm “vùng đỏ” và “vùng cam” trước. Dự kiến, TP xét nghiệm 2 triệu mẫu, chậm nhất trong ngày 25/8 phải xong.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, số liệu ngày xét nghiệm ngày đầu tiên (ngày 23/8) cho thấy chiến dịch chưa đáp ứng được tiến độ. Cụ thể, ngày đầu ngành y tế xét nghiệm được khoảng 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), trong đó phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính. Ông cho rằng đây là tỉ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỉ lệ 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Do triển khai khối lượng công việc lớn nên ngành y tế để người dân tự thực hiện test nhanh với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Trưa nay, Sở Y tế đã họp với quận, huyện, TP để bàn cách đẩy nhanh tiến độ thực hiện, làm sao chậm nhất trưa 25/8 đạt được chỉ tiêu. Yêu cầu đặt ra là tất cả người dân trong vùng đỏ, cam phải được xét nghiệm để có thông tin đánh giá tình hình dịch tại TP, từ đó có các biện pháp tiếp theo.

“Ngày hôm nay và ngày mai, tôi tin rằng sẽ đạt được tiến độ”, ông Hưng nói.

Thêm 10.811 ca COVID-19

VnExpress – Ngày 24/8 có tổng cộng 10.811 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.797 trường hợp ghi nhận trong nước.

Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận tại TP.HCM tăng 376 ca, Bình Dương tăng 445 ca, Đồng Nai tăng 176 ca, Long An tăng 5 ca, Khánh Hòa tăng 78 ca.

Trong số ca nhiễm hôm nay, 4.017 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 228 ca), 6.780 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 759 ca).

Hôm nay là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao thứ ba kể từ đầu dịch với 10.797 ca. Ngày có số ca nhiễm cao nhất là 21/8 (13.417), ngày có số ca nhiễm cao thứ hai là 22/8 (11.346). TP.HCM hôm nay ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ 1/8 với 4.627 ca.

Ngày 24/8 ghi nhận 348 ca tử vong tại: TP.HCM 292 ca, Bình Dương 35, Đồng Nai 4, Đồng Tháp và Tiền Giang đều 3, Bà Rịa – Vũng Tàu và Sóc Trăng đều 2, các tỉnh An Giang, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đều một.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến ngày 24/8 là 9.014 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong trên thế giới.

10.797 ca ghi nhận tại: TP.HCM 4.627 ca, Bình Dương 3.628, Đồng Nai 799, Long An 393, Khánh Hòa 203, Đồng Tháp 162, Đà Nẵng 153, Tây Ninh 105, Tiền Giang 93, Cần Thơ 72, Hà Nội 66, Bà Rịa – Vũng Tàu 64, Kiên Giang 61, Bình Thuận 56, Sóc Trăng và An Giang đều 42, Nghệ An 28, Phú Yên 24, Đăk Lăk 21, Bình Phước 20, Thừa Thiên Huế 13, Bến Tre 12, Vĩnh Long và Quảng Nam đều 11 ca, Hà Tĩnh 10, Hậu Giang, Quảng Trị và Sơn La đều 9 ca, Bạc Liêu và Lạng Sơn đều 7, Trà Vinh 6, các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng và Bình Định đều 5, Ninh Thuận 4, Gia Lai, Bắc Ninh và Bắc Giang đều 3, Quảng Bình 2, các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Nam, Hải Phòng và Cà Mau đều một.

1 bác sĩ chăm sóc 1.000 bệnh nhân, Bình Dương cầu viện gấp

Zing – Báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sáng nay 24/8, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.

Ông nói: “Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”. Ông cho biết tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ. Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được điều vào hỗ trợ chống dịch ở Bình Dương cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu lực lượng điều dưỡng có chuyên môn. 

Trong ngày 24/8, 100 bác sĩ nội trú sẽ vào Bình Dương và số bác sĩ này sẽ được bổ sung cho lực lượng tầng 3. Như vậy, các lực lượng tầng 3 hiện tại có thể bổ sung xuống các tầng dưới, giải quyết phần nào tình trạng quá tải của cơ sở y tế.

Ngoài ra, Bình Dương cũng rất thiếu các loại thuốc chống đông và đang đề xuất mua thuốc generic (thuốc không còn bản quyền như thuốc dược gốc) để giải quyết tình trạng này. Ông cũng đề nghị các bệnh viện chữa trị tầng 1 cần có đủ các phương tiện tối thiểu khi tiếp nhận F0 vào.

Hà Nội: Dựng ‘tường’ tôn dài 200m ngăn cách 2 quận để phòng COVID-19

Dantri – Nhằm bảo đảm công tác phòng dịch COVID-19 một cách hiệu quả tại các khu vực gần vùng dịch, đêm 22/8 lực lượng chức năng thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã lập hàng rào chắn bằng tôn cao hơn 2m, dài gần 200m tại ngõ 54, đường Ngọc Hồi, nơi giáp ranh giữa thị trấn Văn Điển và phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai).

Ngõ 54, đường Ngọc Hồi tiếp giáp với phường Hoàng Liệt, có tổng số 150 hộ dân gồm 400 nhân khẩu, đây là con ngõ có lợi thế do có mặt đường để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, trong thời gian phòng chống dịch.

Theo ông Lê Ngọc Thường, Phó chủ tịch thị trấn Văn Điển,  huyện Thanh Trì, hiện tại có một số điểm dịch, đường Tứ Hiệp đã phong tỏa và đóng cửa nhiều khu chợ nên người dân chủ yếu sẽ hoạt động tại ngõ 54 Ngọc Hồi, lưu lượng ra vào trong một buổi sáng ước tính khoảng 700-800 lượt ra vào, buổi chiều thì vắng hơn 100-200 lượt. Nhận thấy nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra, đặc biệt vừa qua ở khu chung cư HH Linh Đàm cũng đã có nhiều F0, nên việc lập rào chắn là cần thiết để quản lý công tác phòng dịch.

Các CLB đồng ý huỷ V-League và hạng Nhất

VnExpress – Toàn bộ 27 CLB đều tán thành hủy mùa giải 2021 thay vì lùi sang năm 2022, trong cuộc họp chiều 24/8.

Tuy nhiên, các bên chưa chốt được việc có hay không trao chức vô địch V-League 2021 cho đội đầu bảng. Tương tự, việc đội cuối bảng có phải xuống hạng Nhất và phương án chọn đội dự các giải châu lục mùa giải tiếp theo cũng chưa được thông qua. VPF sẽ xem xét theo các hướng dẫn của AFC và trình, xin ý kiến Ban chấp hành VFF.

V-League 2021 tạm dừng từ 7/5 do các cầu thủ SLNA thuộc diện F2 của một người nhiễm Covid-19. VPF dự định nối lại vào ngày 31/7 nhưng kế hoạch đổ bể do Covid-19 bùng phát trở lại. Ban tổ chức giải sau đó đề xuất lùi sang tháng 2/2022 và được Hội đồng quản trị VPF thông qua. Tuy nhiên, hàng loạt CLB V-League lên tiếng phản đối. Thường trực VFF và Ban chấp hành VFF cuối cùng thống nhất huỷ V-League 2021 trong các cuộc họp ngày 21/8.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-24-8-them-10-811-ca-covid-19-test-nhanh-170-000-mau-o-tp-hcm-phat-hien-6-000-mau-duong-tinh.html