Tin Trong Nước – 23/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 23/6/21

Sáng 23/6: Đề xuất “sốc”, đưa lãi suất tiền gửi về 0%; Cưa 26 cây hoa giấy lĩnh 7 năm tù

Minh Sang

Ảnh tổng hợp.

Đề xuất “sốc”, đưa lãi suất tiền gửi về 0%

Dantri – Sáng nay (22/6), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Theo VAFI, mức lãi suất này hiện đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, thậm chí, có một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi). Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Văn bản của VAFI còn dẫn chứng ngay cả một số nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đã áp dụng lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0% còn lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng 0,2-0,7%/năm.

Tại Việt Nam, tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5-6,2%. Theo VAFI, mức này “rất cao” so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng gấp 2-3 lần. Điều này được cho là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Lãi suất tại Việt Nam “neo” cao, theo nhìn nhận của VAFI, có nguyên nhân cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ.  

Theo đánh giá của VAFI, thời gian qua, NHNN đã có  giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia và nhờ đó, đã xuất hiện dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK).

“Trong lúc khó khăn do dịch Covid- 19 này, TTCK lại phát triển đã giúp cho hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước tồn tại phát triển và thêm nhiều khả năng chống chọi với những khó khăn mới” – VAFI nhìn nhận.

Tuy nhiên, dòng tiền lớn nhàn rỗi lớn cũng đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế cũng như tạo rào cản thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Giá đất tăng còn tác động tiêu cực tới an sinh xã hội khi hàng  triệu người lao động khó có khả năng mua được một ngôi nhà cho chính mình.

VAFI cho rằng, Việt Nam có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0%: chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu hỗ trợ thu ngoại tệ lớn, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán thời gian qua đều tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19.

Hạ lãi suất về 0% bằng cách nào?

Để hiện thực hóa được đề xuất nói trên, VAFI đưa ra một loạt giải pháp, trong đó, đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản.

Theo VAFI, có thể áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu thu ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. Giải pháp này được cho là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Hiệp hội này cũng đề nghị hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Để làm được việc này, theo VAFI, Bộ Tài chính cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các đối tượng tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ thấp lãi suất huy động.

“Tiền gửi tiết kiệm hiện nay không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào nhưng tại sao đầu tư vào trái phiếu thì phải chịu thuế trong khi huy động vốn dài hạn qua kênh trái phiếu quan trọng hơn rất nhiều so với  tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn?” – phía VAFI đặt vấn đề.

Khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ thì NHNN cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở một mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô.

Theo VAFI, cần kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hàng năm. Khi đại dịch Covid-19 đi qua, tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công cần giảm dần để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, đủ sức đương đầu với mọi cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai.

Đồng thời, VAFI đánh giá, hệ thống ngân hàng trong nước cần tiếp tục được củng cố theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém, cải thiện cơ cấu cổ đông bằng việc tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự, hạn chế dần tình trạng ngân hàng thuộc sở hữu của một tập đoàn và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ ngân hàng nào.

Người cưa 26 cây hoa giấy ở Vũng Tàu lĩnh 7 năm tù

VnExpress – Nguyễn Văn Vũ, người cưa 26 cây hoa giấy đã ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố Vũng Tàu gây xôn xao dư luận xã hội thời gian qua, đã nhận hình phạt thích đáng 7 năm tù.

Bản án đối với Vũ (quê Tiền Giang) về tội Hủy hoại tài sản, Trộm cắp tài sản được TAND TP Vũng Tàu đưa ra ngày 22/6. Bị cáo phải bồi thường cho đơn vị quản lý các cây bông giấy là Công ty cổ phần Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu hơn 290 triệu đồng.

Theo cáo trạng, rạng sáng những ngày đầu năm nay, Vũ chạy xe máy mang theo cưa tay từ nhà ở xã Long Sơn đến các đường Võ Nguyên Giáp và Hai Tháng 9 (TP. Vũng Tàu) cưa 15 thân bông giấy dù (13-15 năm tuổi) trồng trên dải phân cách. Đồng thời, ông ta thuê hai thanh niên không rõ lai lịch cưa 9 thân. Số bông giấy cưa được, Vũ phân thành 28 khúc ươm trong chậu xi măng sau đó sẽ bán.

Ngoài ra, cuối năm 2020, Vũ cưa thân và nhổ trộm 2 cây bông giấy trị giá 9,5 triệu đồng của hai người dân ở xã Long Sơn.

Người đàn ông bị bắn gục khi đang đi xe máy

VnExpress – Anh Nguyễn, 49 tuổi, đang đi xe máy từ quốc lộ 45 về nhà ở xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, đã bị nhóm thanh niên áp sát, nã đạn vào người.

Ngày 22/6, Công an tỉnh Thanh Hoá phát thông báo truy tìm ba nghi can Đỗ Ngọc Anh (17 tuổi), Lê Thanh Tùng (19 tuổi, cùng ở phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa) và Phạm Minh Anh (24 tuổi, ở phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) để điều tra hành vi giết người và gây rối trật tự công cộng.

Theo nhà chức trách, khoảng 22h ngày 17/6, anh Nguyễn trúng đạn ngã ra đường, được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu. Nhóm gây án trốn khỏi hiện trường.

Cơ quan điều tra xác định ba thanh niên tình nghi nói trên là những kẻ gây ra vụ nổ súng. Nguyên nhân vụ án được xác định xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm nam nữ.

Đường Hà Nội ngập, cây đổ ngổn ngang sau cơn mưa lớn giữa đêm

Vtc – Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, tối 22/6, nhiều khu vực nội thành Hà Nội đón trận mưa lớn, một số nơi mưa kéo dài nhiều giờ khiến các tuyến đường không kịp thoát nước, rơi vào tình trạng ngập úng.

Ngoài ra, mưa lớn kèm gió to còn quật đổ hàng loạt cây xanh. Ở trên các tuyến phố Xã đàn kéo dài, Nguyễn Phúc Lai, Nguyễn Du… hàng chục cây đổ ngổn ngang, gây khó khăn cho người đi đường.

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia, mưa lớn sẽ còn tiếp diễn ở Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ từ nay đến ngày 25/6 với lượng phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

Triệt phá “sàn giao dịch ngoại hối” quy mô nghìn tỷ

Ngày 22/6, Công an TP. Hải Phòng cho Thanh Niên biết, vừa triệt phá một “sàn giao dịch ngoại hối” trên mạng có dấu hiệu lừa đảo.

Sàn giao dịch này có địa chỉ Hitoption.net và có rất nhiều nhà đầu tư tham gia với số tiền giao dịch rất lớn.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền để điều tra, xử lý về hành vi phạm tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Sàn giao dịch Hitoption tự giới thiệu đến từ Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Công an TP.Hải Phòng xác định sàn giao dịch trên do người Việt Nam lập ra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đã chỉ đạo Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Phòng CSHS và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh. Ngày 2/6, Ban chuyên án huy động 40 cán bộ, chiến sĩ tổ chức thành 7 tổ công tác phối hợp với Công an TP. Hà Nội, triệu tập các đối tượng tham gia vào tổ chức, hoạt động của sàn Hitoption.

Lời khai của các đối tượng

Qua lời khai của các đối tượng, Ban chuyên án xác định từ tháng 6/2020, Nguyễn Thế Dương (25 tuổi, ở phòng 1605, tòa nhà Star Tower, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group, đã nhờ Nguyễn Văn Quyền (38 tuổi, ở khu đô thị Vinhomes Ocean Park, TP.Hà Nội) thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net, sử dụng chế độ chơi tự động để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh của chế độ chơi tự động để làm cho khách hàng thắng hoặc thua theo ý muốn của Dương.

Cụ thể, nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây. Nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền.

Chị Th., một người làm trong lĩnh vực tài chính và có tham gia một số sàn BO (viết tắt của Binary Option, sàn giao dịch theo hình thức quyền chọn nhị phân – PV) tương tự, khẳng định: “Về bản chất, các sàn BO là đánh bạc bằng công nghệ cao.

Dựa theo tỷ giá của các cặp tiền ảo tại thời điểm đó, trong một khoảng thời gian nhất định (như sàn Hitoption.net là 30 giây – PV), người chơi sẽ đặt tiền lựa chọn xanh (lên), đỏ (xuống). Đáng nói, ở sàn Hitoption, người chơi phó mặc, ủy thác cho robot tự động chơi.

Những người môi giới thường nói với nhà đầu tư là nên để cho robot chơi hộ, nếu tự chơi nhà đầu tư sẽ rất dễ bị “cháy” tài khoản. Trong khi robot này hoàn toàn có thể bị khống chế bởi người lập ra nó”.

Dương và đồng phạm điều chỉnh cho người chơi thắng, thua theo ý muốn

Về vấn đề này, Công an TP. Hải Phòng cho biết khi tham gia vào sàn Hitoption, nhà đầu tư có thể tự chơi hoặc ủy thác cho robot do sàn cung cấp chơi tự động với lãi suất được các đối tượng cam kết là từ 6 – 15%/tháng. Trong vòng 100 ngày, người chơi có thể rút gốc và lãi. Thực chất, Dương và đồng phạm làm chủ hệ thống để điều chỉnh cho người chơi thắng, thua theo ý muốn của mình nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Anh Trần Thanh Song, một chuyên gia công nghệ ở TP. Hải Phòng, phân tích: robot chơi hộ nhà đầu tư là do chính chủ sàn tạo ra. Chủ sàn sẽ làm ra một thuật toán để khống chế sự thắng thua của người chơi.

Ví dụ, trong 30 giây người chơi đặt lệnh. Đến giây thứ 29, thuật toán sẽ đếm bên nào đặt nhiều tiền hơn thì cho bên đó thua. Theo cách đó, bên thua sẽ dần mất sạch tiền cho chủ sàn. Số tiền đó được chủ sàn trả cho bên thắng. Bên thắng sẽ mất phí giao dịch. “Cứ như vậy, tài khoản chủ sàn ngày càng phình to còn số tiền trong tài khoản của nhà đầu tư sẽ biến mất dần”, anh Song phân tích.

Theo Công an TP. Hải Phòng, sau một thời gian, khi nhà đầu tư yêu cầu rút tiền thì Dương không cho rút và điều chỉnh chế độ làm cho những người này liên tục bị thua lỗ, dẫn đến hết tiền trên tài khoản.

Trên thực tế, rất nhiều người chơi đã tham gia hình thức đánh bạc theo kiểu này. Để mở rộng quy mô hoạt động, Nguyễn Thế Dương thành lập Công ty TNHH MTV ANT Group và thuê gần 100 nhân viên gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội để quảng cáo, môi giới, tư vấn nhà đầu tư tham gia sàn Hitoption.

Khi có khách hàng nạp tiền đầu tư thì nhóm môi giới sẽ được hưởng hoa hồng từ 1 – 6%. Hiện Dương đã xây dựng, hình thành 6 nhóm kinh doanh với hàng chục thành viên mỗi nhóm. Khi người chơi giới thiệu người chơi mới tham gia thì được hưởng 1,5% tiền hoa hồng.

Qua tài liệu thu thập được từ sàn Hitoption, cơ quan công an xác định có 969 người tham gia, tổng số dư hiện tại của nhà đầu tư tại thời điểm kiểm tra là gần 15 tỉ đồng. Tại Hải Phòng, Cơ quan công an đã làm rõ được hơn 30 người đã đầu tư tổng cộng 16,1 tỉ đồng trên sàn Hitoption.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-sang-23-6-de-xuat-soc-dua-lai-suat-tien-gui-ve-0-cua-26-cay-hoa-giay-linh-7-nam-tu.html

Tối 23/6: Đường sắt xin vay cứu trợ 800 tỷ đồng không tính lãi; Quảng Nam đề xuất loại bỏ 6 dự án thủy điện

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Đường sắt xin vay cứu trợ 800 tỷ đồng không tính lãi

VnExpress – Trước nguy cơ mất hết vốn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin vay 800 tỷ đồng không lãi để bổ sung nguồn vốn giảm sút từ đầu năm.

Ngày 23/6, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đề xuất trên là một trong những kiến nghị gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì Covid -19.

Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ doanh nghiệp này mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động. Do đó, đơn vị kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm.

Đồng thời, VNR kiến nghị được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021. Đơn vị này cũng kiến nghị ưu tiên được tiêm phòng vaccine cho trên 6.000 lao động tuyến đầu vì có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Năm 2020, VNR đã lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Các năm trước, ngành đường sắt thường tăng cường vận chuyển khách vào dịp hè để bù đắp cho các tháng thấp điểm. Tuy nhiên năm nay dịch kéo dài nên sản lượng vận tải hành khách trong dịp hè cũng bị mất, càng ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động.

Hiện VNR có 1.169 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, và 136 người nghỉ không hưởng lương. Số lao động nghỉ việc chủ yếu là ở các công ty vận tải do các đoàn tàu bị dừng hoạt động.

Hai Giáo sư xin giảm án cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội

Dân Trí – Theo dự kiến, ngày mai (24/6), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương của các bị cáo.

Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, Giáo sư Phạm Ngọc Đính (nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Giáo sư Vũ Sinh Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) có đơn gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội xin khoan hồng, giảm án cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.

Trong đơn, hai vị giáo sư viết: “Chúng tôi không thể thanh minh hết cho những sai lầm mà Nguyễn Nhật Cảm cùng một số đồng nghiệp ở CDC Hà Nội đã mắc phải. Tuy nhiên, là những người từng có thời gian công tác tại các đơn vị y tế dự phòng và Viện nghiên cứu Y học dự phòng, chúng tôi cho rằng, Nguyễn Nhật Cảm đã mang tác phong (có phần quan liêu) của nhà khoa học.

Trong điều kiện bận rộn, cùng lúc điều hành rất nhiều loại công việc chuyên môn, nghiệp vụ; cộng thêm việc chưa sát sao cụ thể, chưa thấy rõ những phức tạp, lỗ hổng của việc đấu thầu mua trang bị, vật tư vào thời gian chống đại dịch trong điều kiện chưa có được những văn bản hướng dẫn cụ thể từ trên, Nguyễn Nhật Cảm đã để xảy ra những sai lầm quan trọng trong việc mua sắm thiết bị PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây Covid-19.

Nguyễn Nhật Cảm trưởng thành từ cơ sở qua công tác thực tế phòng, chống dịch, lại được Nhà nước và ngành y tế đào tạo bài bản, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa tâm huyết với nghề, dám nghĩ, dám làm và đã có nhiều đóng góp và thành tích đối với ngành y tế Hà Nội nói riêng và hệ thống y tế dự phòng cả nước nói chung, cũng như trong việc đào tạo, giảng dạy cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng y dược.

Trước tình hình các dịch bệnh mới nổi và tái xuất hiện ngày càng phức tạp, trong đó có những bệnh dịch rất nguy hiểm như Covid-19, nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là người làm trong lĩnh vực y tế dự phòng, còn rất thiếu và còn hạn chế về năng lực quản lý chuyên môn, nên công tác phòng chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

Do đó, xét theo tình hình thực tế, năng lực cũng như đóng góp đã có, chúng tôi kính mong TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm được hưởng lượng khoan hồng, giảm mức án để có cơ hội nhanh chóng được hòa nhập cộng đồng.

Với danh dự và lòng tin của những người đã từng phục vụ trong hệ thống y tế dự phòng nhiều năm qua, chúng tôi tin tưởng rằng Nguyễn Nhật Cảm, nếu được cho một cơ hội, sẽ tiếp tục cống hiến cho xã hội theo chuyên môn y học đã được đào tạo”.

Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Nhật Cảm: 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh: 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Trần Duy: 6 năm tù và Nguyễn Ngọc Quỳnh: 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quảng Nam đề xuất loại bỏ 6 dự án thủy điện

VnExhiipress – Sáu dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam gồm A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl và Đăk Pring 2 bị đề nghị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Ngày 23/6, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho hay Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh đã ký văn bản gửi các sở ngành về chủ trương nêu trên. Theo đó, Sở Công Thương Quảng Nam sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát cơ sở pháp lý, sau đó UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tại kỳ họp tới đây để xem xét theo thẩm quyền.

Trong 6 thủy điện bị đề xuất loại bỏ, hai dự án đã cấp phép đầu tư gồm Chà Vàl (huyện Nam Giang) công suất 7 MW; ảnh hưởng đến 42 ha đất, trong đó 13 ha rừng phòng hộ; Đăk Pring 2 (huyện Nam Giang) công suất 8 MW, chiếm diện tích 45 ha đất.

Ba dự án mới có chủ trương nghiên cứu đầu tư, gồm: A Vương 4 (huyện huyện Tây Giang và Đông Giang) công suất hơn 10 MW, chiếm gần 83 ha đất, trong đó 3,8 ha rừng sản xuất; Sông Bung 3 (huyện Nam Giang) công suất 16 MW, diện tích 38,6 ha, ảnh hưởng gần 2 ha rừng phòng hộ; A Banh (huyện Tây Giang), công suất 4,2 MW, chiếm 7,7 ha đất, trong đó 5,2 ha rừng sản xuất.

Dự án cuối cùng là Đăk Di 4 (huyện Nam Trà My), công suất 19,2MW, được cho phép nghiên cứu đầu tư năm 2003 với diện tích 155 ha, trong đó 31,6 ha rừng sản xuất. Năm 2008, theo đề xuất của chủ đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công công trình trong quý IV, năm 2009, song doanh nghiệp không thực hiện. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án này.

Quảng Nam quy hoạch 46 dự án thủy điện với tổng công suất 1.816 MW. Trong đó, 22 dự án đã vận hành, công suất 1.273 MW; 8 dự án đang xây dựng; 12 dự án chuẩn bị đầu tư và 4 dự án khảo sát xin chủ trương.

Tháng 10/2020, Quảng Nam hứng chịu đợt mưa lũ kéo dài, gây sạt lở đất ở miền núi, làm 43 người chết, 13 người mất tích và 350 người bị thương, 650 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 4.381 nhà hư hỏng nặng. Cơ sở hạ tầng miền núi bị tàn phá nặng nề, tổng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng.

Khởi tố thêm 3 đối tượng trong vụ án kê khống mộ để trục lợi

TTXVN – Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, vừa quyết định khởi tố thêm 3 đối tượng về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP. Huế). Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Ba đối tượng bị khởi tố gồm: Dương Nhật Phong (sinh năm 1983, chuyên viên Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế); Nhiêu Khánh Phước Hưng (sinh năm 1979), Đoàn Văn Hoài (sinh năm 1964), đều là chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế), ba đối tượng trên đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được phân công khi tham gia công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Bắc Hương Sơ, để xác nhận nhiều ngôi mộ thuộc diện di dời không đúng thực tế. Trong đó, có 353 mộ giả, làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến bồi thường không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 700 triệu đồng.

Hai vợ chồng tử vong vì điện giật trong lúc chích cá

Zing – Theo đó, khoảng 19h ngày 22/6, vợ chồng ông Bạch Văn Quang và Nguyễn Thị Thu Danh (cùng 49 tuổi, ngụ thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) chèo ghe, sử dụng bộ kích điện từ nguồn bình ắc quy chích cá trên sông Trà Khúc.

“Khi đến địa phận xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, do không cẩn thận, vợ chồng ông Quang bị điện giật tử vong tại chỗ”, ông Hùng nói.Sông Trà Khúc đoạn qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa(Quảng Ngãi), nơi xảy ra vụ việc thương tâm.

Khoảng 20h cùng ngày, vợ chồng em ruột của nạn nhân chèo ghe đánh bắt cá ở khu vực này thì phát hiện thi thể của vợ chồng ông Quang.

Khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Sơn Tịnh phát hiện trên ghe nạn nhân vẫn còn bộ kích điện từ nguồn bình ắc quy là công cụ đánh bắt cá. Do phía gia đình nạn nhân không yêu cầu khám nghiệm tử thi và điều tra vụ án nên địa phương đã bàn giao thi thể cho gia đình để lo hậu sự.

Vụ học trò nghèo bị giữ học bạ ở Đắk Nông: Hiệu trưởng không dạy vẫn nhận tiền đứng lớp

Nld – Liên quan đến vụ ‘cậu học trò nghèo không có tiền đóng quỹ bị trường giữ học bạ’, thông tin mới nhất tiết lộ, dù không đứng lớp giảng dạy, nhưng ông Nguyễn Ngọc Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn nhận khoản tiền phụ cấp này trong suốt thời gian dài.

Cụ thể, ông Hải về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập từ tháng 10/2018 đến nay. Tại các cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của một số giáo viên trong trường, vị hiệu trưởng này thừa nhận không trực tiếp dạy tiết tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, mỗi tháng ông Hải vẫn nhận hơn 3 triệu đồng phụ cấp ưu đãi ngành (còn gọi là phụ cấp đứng lớp).

Trong khi đó, theo quy định, Hiệu trưởng trường có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng là 2 tiết/tuần.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường hợp hiệu trưởng như ông Hải phải dạy 2 tiết tiêu chuẩn/tuần. Nếu thực sự ông Hải không dạy thì không được nhận tiền phụ cấp đứng lớp.

Như báo chí trong nước phản ánh trước đó, sau khi kết thúc năm học 2019-2020, em Y H. Bkrông, một học sinh nghèo của địa phương, do còn nợ tiền quỹ nên ông Hải không trả học bạ chuyển cấp khiến em Y H. Bkrông phải nghỉ học. Dù giáo viên chủ nhiệm đã lên trình bày hoàn cảnh khó khăn của em Y H. Bkrông nhưng vị hiệu trưởng vẫn không cho rút hồ sơ.

Rất may, một cô giáo mầm non phát hiện nên đưa em này lên đóng 550.000 đồng cho hiệu trưởng rồi xin cho em học cấp 2 khi đã vào năm học 3 tuần.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-toi-23-6-duong-sat-xin-vay-cuu-tro-800-ty-dong-khong-tinh-lai-quang-nam-de-xuat-loai-bo-6-du-an-thuy-dien.html