Tin Trong Nước – 22/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 22/9/21

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thêm, dự báo đổ bộ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định

NLĐ – Chiều nay 22/9, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 300km, cách bờ biển Bình Định khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12 đến 16 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Từ chiều mai 23-9, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 1,5-3m; biển động mạnh. Ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Ảnh tổng hợp.

Nước sinh hoạt một khu đô thị Hà Nội đầy giun sán

Kienthuc – Hàng trăm hộ dân khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tới đường dây nóng báo Tri thức và Cuộc sống, bày tỏ sự khiếp hãi khi hàng ngày họ phải sống chúng với hệ thống nước sinh hoạt nhiễm bẩn, đầy giun sán.

Những ngày qua, các hộ dân khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp nhà nào cũng quấn đầy vải xung quanh các vòi nước bên trong căn hộ của mình, thỉnh thoảng lại tháo mấy tấm vải đen ngòm dính đầy giun sán mang đi đổ.

Rất nhiều hộ đã đi lắp hệ thống lọc nước riêng, hoặc mua các bình nước tinh khiết to đùng về phục vụ việc nấu nướng trong gia đình, nhiều người không đủ can đảm tắm rửa.

Nguyên nhân là đường nước của một số tòa nhà ở đây đang có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng, nước xả ra đục ngầu. Sự việc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Có mặt tại tòa nhà Nơ 21, tiếp phóng viên, bà Nguyễn Thị Khang, một cư dân đang sinh sống ở đây, vẫn không dấu nổi khuôn mặt hãi hùng.

Bà Khang mới mua lại căn hộ tầng 8 tòa nhà Nơ 21 cách đây 2 tháng, đúng lúc Hà Nội giãn cách vì dịch COVID-19 nên chỉ quanh quẩn trong nhà.

“Lúc đầu tôi cũng không tin, sau hàng xóm nói mãi, tôi đành thử mượn cái thau nhôm xả nước vào, chờ lắng xuống và quan sát mới rợn người khi thấy giun sán tung tăng ngoe nguẩy. Tôi phát hãi khi mấy hôm trước cứ vô tư rửa rau, nấu cơm rồi ăn hết vào người. Mấy ngày hôm nay tôi không dám nấu nướng gì, chỉ ăn tạm bánh mì cho đỡ đói, không biết mình có dính bệnh tật gì không?”, bà Khang lo sợ.

Cũng tòa nhà đó, khi biết có nhà báo đến, anh T. (xin được dấu tên) liền tức tốc mời vào căn hộ của mình, rồi tháo nước cho chúng tôi chứng kiến. Anh  ngán ngẩm cho biết, cách đây chưa lâu, con trai anh mới 5 tuổi cứ có dấu hiệu lở loét, gãi sồn sột, rồi lăn đùng ra ốm, người cứ gầy đi. Ban đầu, anh không biết nguyên nhân, định chờ Hà Nội hết giãn cách sẽ đưa cháu đi khám.

Sau khi người dân trong khu ồn ào lên việc nguồn nước nhiễm khuẩn nặng, gia đình anh T. tức tốc mua ngay một cái máy lọc nước to đùng đặt trong nhà, lọc đi lọc lại thật kỹ, nấu thật chín. Từ lúc đó, anh T. thấy cháu có vẻ ăn được cơm, dù vẫn gầy gò, nhưng không còn ngứa ngáy nữa, cũng không kêu đau bụng suốt ngày.

“Tôi không kết luận việc con trai tôi bị như vậy là do đâu, chờ bác sĩ khám đã, nhưng tôi nghi là do nước sinh hoạt. Nhà báo xem, toàn giun sán thế này, ai mà chịu nổi! Chúng tôi ký kết hợp đồng và thanh toán đầy đủ với bên cung cấp nước cơ mà”, anh T. bức xúc.

Một chủ hộ có nhà tại chung cư Nơ 3 cũng cho biết: “Mới tối hôm qua thôi, tôi tá hỏa khi xả vòi nước ở bếp thì phát hiện có nhiều giun sán trong nước. Tôi chạy xuống tầng dưới hỏi một gia đình khác và họ kiểm tra thì cũng thấy tình trạng tương tự”.

Vợ anh T thông báo có nhà báo đến chứng thực sự việc lên nhóm chat chung, rồi đưa máy điện thoại cho xem, chỉ thấy cư dân nhao nhao lên, toàn ý kiến mời chúng tôi qua căn hộ của họ quan sát, rồi nhờ dư luận lên tiếng để các cơ quan ban ngành có liên quan vào cuộc.

Thêm 11.527 ca COVID-19

NLĐ – Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 718.963 ca nhiễm. Trong đó, các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (353.655), Bình Dương (187.493), Đồng Nai (42.362), Long An (31.041), Tiền Giang (13.464).

Cả nước có thêm 11.919 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 487.262. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.991 ca.

Trong ngày cả nước ghi nhận 236 ca tử vong riêng TP.HCM (181), Bình Dương là (37). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.781 ca.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 35.675.840 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 28.745.680 liều, tiêm mũi 2 là 6.930.160 liều.

Lên phương án đi lại giữa các tỉnh, thành phố

Dân Trí – Chiều nay (21/9), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra dự thảo về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo dự thảo này, Bộ GTVT nhấn mạnh mục đích khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng bước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn.

Các cảng hàng không, ga đường sắt trên địa bàn địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16.

Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện mức độ bình thường mới, Bộ GTVT tổ chức vận tải hành khách hoạt động bình thường theo 2 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Hành khách khi đi trên phương tiện vận tải hành khách đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19 phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2: Hành khách khi đi trên phương tiện vận tải đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19, phải đáp ứng các yêu cầu về thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Người đã tiêm đủ liều vắc-xin trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng.

Người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện của ngành Y tế theo quy định.

Người có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định (sau đây gọi là Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm).

Bộ GTVT yêu cầu phương tiện vận chuyển hành khách phải thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế hoặc hướng dẫn của Bộ GTVT.

Về việc vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh; trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn.

Với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không đang có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung do Bộ GTVT cấp theo quy định, giấy chứng nhận người khai thác do Cục HKVN cấp còn hiệu lực theo quy định của Bộ GTVT về quy chế an toàn hàng không.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-22-9-nuoc-sinh-hoat-mot-khu-do-thi-ha-noi-day-giun-san-ap-thap-nhiet-doi-kha-nang-manh-them-du-bao-do-bo-thua-thien-hue-den-binh-dinh.html