Tin Trong Nước – 21/9/21
Tin sáng 21/9: Bí thư Đồng Nai nói chống dịch theo cách châu Âu; Đề xuất phạt 6 triệu đồng nếu trốn nộp phí trạm BOT
Bí thư Đồng Nai nói chống dịch theo cách châu Âu
Tuoitre – Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nói tỉnh đang chống dịch theo cách châu Âu.
Cụ thể, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 20 tháng 9, ông Lĩnh cho biết Đồng Nai đã cho mở lại các “vùng xanh” và chống dịch theo cách một số nước châu Âu đang áp dụng.
Nghĩa là chấp nhận phát sinh F0 trong “vùng xanh”, chính quyền điều trị, chăm sóc các F0 này theo hướng khoanh gọn, đánh gọn, dứt điểm vùng nào ra vùng đó, không khoanh rộng gây mất nguồn lực như trước đây.
Bên cạnh đó, trả lại quyền tự chủ cho doanh nghiệp và sự nỗ lực của người dân. “Người dân tự test nhanh. F0 không triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà, nếu vượt qua được thì tốt, còn trở nặng thì y tế xã chuyển ngay lên tầng trên. Phương án theo mô hình châu Âu như vậy”, ông Lĩnh nói.
Về mặt kiểm soát F0, Đồng Nai đang đi ngang với khoảng 800 – 900 ca mỗi ngày, trong khi chỉ có khoảng 300 ca xuất viện.
Bí thư Đồng Nai cho biết: “Với tình trạng thâm hụt như vậy sẽ khiến các không gian cách ly, không gian điều trị quá tải và vỡ trận. Từ đó khiến 3 mũi còn lại cũng rơi vào quá tải, tử vong cao và rơi vào khủng hoảng kinh tế”.
TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hiện đã tiếp cận cách chống dịch không theo phương châm ZeroCovid và họ sẽ mở lại sớm nhất trên toàn quốc.
Ông Lĩnh kiến nghị: “Vắc xin là mấu chốt của sự kết nối sắp tới.”
Ông cũng đề nghị Chính phủ nâng tỉ lệ vắc xin cho 5 địa phương của vùng Đông Nam Bộ ngang bằng thì mới kết nối kinh tế được
Đề xuất phạt 6 triệu đồng nếu trốn nộp phí trạm BOT
Dân Trí – Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Đáng chú ý trong dự thảo Nghị định 100 trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung xử phạt đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền qua trạm thu phí từ 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định 100 cũng quy định rõ các trường hợp không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng từ 1-2 triệu đồng như xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng.
Tăng mức phạt hành vi người điều khiển ô tô che biển số xe tăng mức 800.000 đồng đến 1 triệu đồng lên mức 4-6 triệu đồng.
Từ 2-3 triệu đồng tăng lên 4-6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10-20%.
Dự thảo Nghị định tăng mức phạt lên 13-15 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20-50%.
Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%.
Yêu cầu xem xét phản ánh về việc thu phí xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội
Zing – trước đó, Văn phòng Chính phủ nhận được thông tin phản ánh về việc theo quy định các chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 đều do ngân sách Nhà nước chi trả.
Tuy nhiên, hiện có không ít trường hợp bệnh nhân (chưa biết có nhiễm Covid-19 hay không) khi tới một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để điều trị phải xét nghiệm Covid-19 theo chỉ định và thanh toán chi phí này.
Về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội xem xét, có thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật; đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế.
8.681 ca nhiễm, 215 ca tử vong trong 24h
VnExpress – Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại các địa phương lên cụ thể như sau: TP.HCM lên 341.699, Bình Dương 179.705, Đồng Nai 40.842, Long An 30.596, Tiền Giang 13.270, Đồng Tháp 8.091, Khánh Hòa 7.542, Tây Ninh 7.149, Cần Thơ 5.159, Đà Nẵng 4.859, Kiên Giang 4.440, Hà Nội 4.166, Bà Rịa – Vũng Tàu 4.075, An Giang 3.621, Bình Thuận 3.009, Phú Yên 2.963, Vĩnh Long 2.138, Bắc Ninh 1.867, Bến Tre 1.865, Đăk Lăk 1.680, Quảng Bình 1.482, Trà Vinh 1.447, Quảng Ngãi 1.136, Bình Phước 1.121, Bình Định 1.083, Sóc Trăng 1.020, Ninh Thuận 824, Thừa Thiên Huế 796, Đăk Nông 630, Quảng Nam 605, Gia Lai 525, Hậu Giang 510, Thanh Hóa 427, Bạc Liêu 350, Cà Mau 302, Lâm Đồng 274, Quảng Trị 165, Hà Nam 80.
Trong ngày hôm qua 20/9, Việt Nam ghi nhận 215 ca tử vong, trong đó riêng TP.HCM 163 ca.
Tính đến hôm qua 20/9 có 464.326 ca khỏi bệnh, 214.116 ca đang điều trị và 17.305 ca tử vong.
Tín tối 21/9: Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc; Doanh nghiệp tự xét nghiệm cho shipper
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc
NLĐ – Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký thay Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ thị nêu rõ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tại những vùng đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu vực đã khống chế được dịch để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam.
Yêu cầu Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản); khẩn trương đàm phán thống nhất với cơ quan liên quan của Trung Quốc giảm tỉ lệ kiểm dịch động thực vật vào thị trường Trung Quốc.
Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan này hướng dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế ban hành các quy định bảo đảm phòng chống dịch; phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT đánh giá tác động, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1/1/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống GTVT thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con.
Bên cạnh đó, sớm xử lý tình trạng thiếu container rỗng và có giải pháp giảm giá cước vận tải phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu; chủ trì xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ điều tiết lưu lượng xe đỗ, tập kết tại khu vực cửa khẩu và trên các tuyến đường lên cửa khẩu để tránh ùn tắc.
“Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan tại cửa khẩu làm thủ tục và thông quan nhanh chóng đối với các mặt hàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu đường bộ qua biên giới phía Bắc, ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; tăng thời gian làm việc, đẩy mạnh thông quan điện tử, tạo thuận lợi trong việc thông quan đối với nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”- Chỉ thị nêu rõ.
Phát hiện sán trong suất ăn ca, công nhân tá hoả
Thanhnien – Trước đó, trên mạng xã hội facebook, anh Cường (ở H.Kim Thành, tỉnh Hải Dương), một người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Ohsung Vina, đã đưa hình ảnh thức ăn (cá) được cho là suất ăn ca của công nhân Công ty TNHH Ohsung Vina có nhiều con vật lúc nhúc, nhìn giống con sán.
Cũng trong bài viết của mình, anh Cường phản ánh rằng, đã 2 lần thức ăn ca của công nhân Công ty TNHH Ohsung Vina xảy ra tình trạng trên. Bản thân anh Cường làm việc tại công ty này 3 tháng thì có 1 lần bị đau bụng sau khi ăn cơm.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Cường cho biết, do Công ty TNHH Ohsung Vina có bếp ăn nên người lao động không được mang đồ ăn ở bên ngoài vào để sử dụng. Chính vì vậy, anh cùng các công nhân rất mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và yêu cầu công ty chấm dứt tình trạng cho người lao động sử dụng thức ăn kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công bố nguyên nhân cán bộ y tế tử vong tại phòng làm việc
Sáng 21/6, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân ông N., cán bộ Trung tâm y tế huyện Nghi Lộc (Nghệ An), tử vong tại nơi làm việc.
“Người này tử vong là do tự treo cổ, gia đình cũng không yêu cầu mổ tử thi. Các chứng cứ cho thấy vụ việc không có dấu hiệu tội phạm”- lãnh đạo Công an huyện Nghi Lộc thông tin.
Hà Nam xét nghiệm toàn bộ thành phố Phủ Lý
VnExpress – Sáng 21/9, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch tỉnh Hà Nam, cho biết 10 ca dương tính chủ yếu là người thuê trọ trên địa bàn TP. Phủ Lý, công nhân trong khu công nghiệp. CDC Hà Nam đang cho chạy mẫu lại lần nữa để khẳng định. Những trường hợp này cũng chưa được Bộ Y tế ghi nhận, xem như nghi nhiễm.
“Từ đêm nay đến hết ngày 22/9, tỉnh sẽ lấy mẫu toàn bộ 170.000 cư dân TP Phủ Lý và tầm soát toàn bộ 80.000 công nhân trong các khu công nghiệp trọng điểm để đánh giá lại tình hình”, ông Huy cho biết.
Ông Huy khuyến cáo người dân Phủ Lý hạn chế ra khỏi nhà trong những ngày tới, để lực lượng y tế tập trung xét nghiệm và truy vết tìm F0.
Các cơ sở ăn uống tại Phủ Lý tạm dừng bán tại chỗ, chỉ cho mang về; dừng hoạt động vui chơi trung thu đông người. Học sinh toàn tỉnh Hà Nam tạm dừng đến trường trong tuần này. Tỉnh đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân TP Phủ Lý, nhờ lực lượng y tế Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang hỗ trợ tiêm phòng và xét nghiệm.
Thêm 11.692 ca COVID-19
VnExpress – Các ca nhiễm hôm nay gồm: TP.HCM 6.521, Bình Dương 3.609, Đồng Nai 590, Long An An 254, Kiên Giang 134, An Giang 121, Tiền Giang 105, Tây Ninh 59, Cần Thơ 43, Đồng Tháp 27, Bình Định 22, Khánh Hòa 18, Đà Nẵng và Bình Thuận 15, Cà Mau 14, Bà Rịa – Vũng Tàu 13, Hà Nội, Hà Nam và Quảng Bình đều 12, Ninh Thuận và Bình Phước 11, Đăk Nông, Đăk Lăk, Phú Yên đều 10, Quảng Ngãi 9, Vĩnh Long và Hậu Giang 6, Thanh Hóa và Bạc Liêu 4, Lâm Đồng và Nghệ An 3, Quảng Nam 2, Trà Vinh và Bến Tre một. Trong đó có 6.835 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 707.436 ca nhiễm.
Hôm nay, có 240 ca tử vong tại: TP HCM 184, Bình Dương 41, Kiên Giang và Bình Thuận 3, Long An và Tiền Giang 2, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, An Giang, Đà Nẵng, Bình Phước đều một.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 229 ca/ngày. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 17.545 ca.
Doanh nghiệp tự xét nghiệm cho shipper
VnExpress – Động thái trên được chính quyền TP.HCM đưa ra sau khi số lượng shipper đăng ký hoạt động trở lại tăng đột biến những ngày qua (từ 20.000 lên 82.000 người). Điều này khiến việc lấy mẫu xét nghiệm ở các trung tâm y tế bị quá tải. Một số nơi shipper phải xếp hàng dài gần 500m chờ lấy mẫu.
Theo đó, từ ngày 22 đến hết 23/9, các doanh nghiệp và shipper tổ chức tập huấn lấy mẫu. Sở Y tế sẽ cung cấp bộ xét nghiệm dựa vào số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/một lần. Thời gian này các shipper sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.