Tin Trong Nước – 21/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 21/8/21

Sáng 21/8: Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM; Đề xuất công chức Saigon mặc đồng phục để nhận diện

Ảnh Zing/Tuổi Trẻ.

Đề xuất công chức Saigon mặc đồng phục để nhận diện

VnExpress – Ngày 20/8,  Sở Nội vụ TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND thành phố về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Trong văn bản, Sở Nội vụ đề xuất UBND thành phố xem xét việc kiểm soát di chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”.

Cụ thể:

Trong trường hợp đi làm bằng xe gắn máy thì phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường và mặc đồng phục của thành phố trong suốt quá trình di chuyển để lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 có thể nhận diện.

Nếu di chuyển bằng ô tô, bên cạnh việc đeo thẻ và mặc đồng phục, phải có thêm thẻ đi đường dán tại kính trước bên trái ô tô trong suốt quá trình di chuyển.

Theo đề xuất, đồng phục của thành phố là loại áo khoác/áo bib (dạng áo lưới mặc bên ngoài để nhận diện, thường dùng trong thể thao; thành phố dự định chọn áo màu xanh dương), có logo nhận diện theo hướng dẫn. Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở, các cơ quan, đơn vị đăng ký số lượng đồng phục với Sở Công thương.

Công an TP. HCM sẽ sắp xếp luồng di chuyển riêng đối với công chức khi được nhận diện từ xa, tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với công chức khi tham gia giao thông không đeo thẻ công chức hoặc thẻ ngành, không mang theo thẻ đi đường hoặc dán thẻ đi đường (đối với xe ô tô) và không mặc đồng phục trong suốt quá trình di chuyển đến trụ sở cơ quan, đơn vị và về nơi cư trú.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm về vi phạm của công chức, viên chức, người lao động và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng.

Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng đề xuất UBND thành phố một số giải pháp khác trong tháng cao điểm giãn cách xã hội, kéo dài đến ngày 15/9.

Theo đó, các cơ quan nhà nước sắp xếp cho công chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ để một số lượng công chức phù hợp làm việc trực tiếp tại trụ sở để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chỉ đạo của thành phố theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” tại trụ sở hoặc địa điểm lưu trú gần trụ sở theo hình thức luân phiên hàng tuần.

Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM

Zingnews – Theo báo chí trong nước, Bộ Chính trị vừa điều động, phân công Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương.

Theo đó, Phong sẽ thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025, thôi chức Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

Nguyễn Thành Phong sinh năm 1962, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Phong từng học Đại học Kinh tế TP.HCM.

Người dân Saigon không tự đi chợ, lương thực được phát tận nhà

Zingnews – Trong 2 tuần tới đây, 100% nhu yếu phẩm cho người dân Saigon do lực lượng chức năng đảm nhiệm phân phối.

Thông tin này được đề cập trong cuộc họp chiều 20/8 của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam với lãnh đạo TP.HCM.

Thành phố dự kiến các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng, từ đó tính cụ thể, chi tiết số lượng hàng hóa (gạo, đường, nước mắm, dầu ăn…) mỗi ngày.

Cũng theo lãnh đạo TP.HCM, địa phương sẽ triển khai việc không phát phiếu đi chợ trong thời gian tới. Thành phố đang chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp các quận/huyện/thành phố Thủ Đức và triển khai xuống phường/xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân; từ đó, siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức “cung ứng” theo 2 hình thức: Trả tiền và hỗ trợ miễn phí.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết đã thành lập 310 đội công tác vừa chuyển gói an sinh, lương thực, thực phẩm đến tận từng nhà dân.

Để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP.HCM đề nghị các bộ, ngành hợp tác giải quyết vấn đề.

1.000 quân nhân chuẩn bị từ Hà Nội vào Saigon chống dịch

Thanhnien – Từ 21 – 23/8, sẽ có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên quân y từ Hà Nội vào Saigon phục vụ công tác chống dịch COVID-19.

Nhiệm vụ của các bác sĩ, học viên này là lấy mẫu xét nghiệm; tiêm phòng vắc xin; quản lý, điều trị chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Cũng trong ngày 20/8, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, đã có công văn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho các chuyến bay đưa các cán bộ, nhân viên quân y và trang thiết bị từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Giám đốc bệnh viện tỉnh Gia Lai bị đình chỉ công tác

VnExpress – Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai bị đình chỉ công tác 10 ngày vì thiếu trách nhiệm trong phòng dịch và tổ chức tiêm vaccine không đúng.

Quyết định trên do Nguyễn Đình Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai ký hôm 20/8. Lý do tạm đình chỉ công tác do Mỹ thiếu trách nhiệm trong việc xử lý, chỉ đạo công tác phòng, chống COVID -19 ngày 19/8; tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh không đúng quy định.

Ngoài ra, Mỹ còn để xảy ra sai sót trong chế độ thông tin báo cáo, xử lý ca nhiễm Covid-19.

Sở Y tế yêu cầu Phạm Bá Mỹ kiểm điểm, giải trình các nội dung vi phạm và bàn giao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho Nguyễn Đăng Bảo, Phó giám đốc bệnh viện.

Trả lời VnExpress, Phạm Bá Mỹ cho biết, chưa nhận được quyết định tạm đình chỉ công tác của Sở Y tế, chỉ nghe thông tin qua điện thoại. “Bây giờ tổ chức quyết định vậy thì phải chấp hành. Còn về đúng sai như thế nào phải qua hội đồng phán xét mới khách quan”, Mỹ nói.

Theo Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-21-8-de-xuat-cong-chuc-tp-hcm-mac-dong-de-nhan-dien-ong-nguyen-thanh-phong-thoi-giu-chuc-chu-tich-ubnd-tp-hcm.html

Trưa 21/8: Bắt giữ 11 người bơi qua sông nhập cảnh trái phép từ Campuchia; Phó chủ tịch phường thôi việc sau vụ ‘bánh mì’

Ảnh: Zing/Thanh Niên.

Bình Phước: Bắt giữ 11 người bơi qua sông nhập cảnh trái phép từ Campuchia

TTXVN – Ngày 21/8, Đồn Biên phòng Tân Thành (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước) cho biết, vừa phát hiện và bắt giữ 11 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Theo lời khai ban đầu, những người này sang Campuchia từ khoảng tháng 2/2020 bằng đường chính ngạch tại tỉnh Tây Ninh và làm thuê tại Thủ đô Phnôm Pênh. Thời gian gần đây lực lượng chức năng Campuchia tiến hành kiểm tra gắt gao, do giấy tờ hết hạn nên các đối tượng trên đã tìm cách để trở về Việt Nam.

Phó chủ tịch phường thôi việc sau vụ ‘bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu’

Zing – Sáng 21/8, Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã ký quyết định cho thôi việc đối với ông Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, từ ngày 1/9.

Theo Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Lê Hữu Thọ có đơn xin nghỉ việc và được thành phố chấp nhận.

Cũng theo Khánh, trước đó thành phố Nha Trang đã có quyết định kỷ luật Thọ bằng hình thức cảnh cáo trong vụ giữ phương tiện, giấy tờ tùy thân của một nam công nhân khi anh này ra ngoài mua bánh mì, vị cán bộ cho rằng “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”.

Bình Dương cách ly 11 phường với chiến thuật “khóa chặt, đông cứng”

Dân Trí – Để tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, từ 0h ngày 22/8, Bình Dương nâng mức giãn cách xã hội với 11 phường ở TP. Thuận An và thị xã Bến Cát, với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà”.

Ngành Y tế được đề nghị khẩn trương điều phối, bổ sung lực lượng lấy mẫu cho TP Thuận An và thị xã Tân Uyên trong xét nghiệm sàng lọc bóc tách F0; phải hoàn thành việc lấy mẫu trong vòng 5 ngày, có phương án đến từng nhà để xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người dân ở 11 phường nêu trên.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận gần 60.000 ca mắc Covid-19, trong đó khoảng 28.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện.

Ba Lan bàn giao hơn 500.000 liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam

Zing – Hôm qua 20/8, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cùng cán bộ đại sứ quán đã tham dự buổi lễ bàn giao hơn 500.000 liều vaccine Astra Zeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Ba Lan viện trợ cho Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện cơ quan chức năng Ba Lan đánh giá cao và trân trọng mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam đang căng thẳng, Chính phủ Ba Lan hy vọng với sự sẻ chia và giúp đỡ này, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch để ổn định phát triển kinh tế. 

Đại diện Cục Dự trữ Chiến lược Quốc gia Ba Lan khẳng định cơ quan này sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước để có thể sớm chuyển lô 3 triệu liều vaccine cho Việt Nam. 

Trước đó, vào hôm 17/8, chính phủ Ba Lan công bố quyết định tặng cho Việt Nam hơn 500.000 liều vaccine Astra Zeneca, đồng thời viện trợ nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 4 triệu USD.

Chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt mua bổ sung gần 20 triệu liều Pfizer

Tuoitre – Theo quyết định do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành, Chính phủ chấp thuận hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, đối với việc mua bổ sung xấp xỉ 20 triệu liều vắc xin Pfizer.

Với 2 hợp đồng ký cho đến nay, Việt Nam sẽ mua tổng cộng 51 triệu liều Pfizer, vắc xin đã về hàng tuần từ tháng 7 vừa qua (với số lượng riêng quý 3 khoảng 3 triệu liều, còn lại về trong quý 4). Gần 20 triệu liều mua bổ sung này là vắc xin dành cho trẻ vị thành niên 12-17 tuổi, gồm khoảng 9 triệu trẻ.

Theo Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/trua-21-8-bat-giu-11-nguoi-boi-qua-song-nhap-canh-trai-phep-tu-pho-chu-tich-phuong-thoi-viec-sau-vu-banh-mi.html

Tối 21/8: Thêm 11.321 ca COVID-19; TP.HCM kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa

Ảnh tổng hợp.

Dân Trí – Tính từ 18h30 ngày 20/8 đến 18h ngày 21/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước, với 7,428 ca cộng đồng.

Trong đó, tại Bình Dương (4.505), TP.HCM (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1).

Như vậy trong 24h giờ qua số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, TP.HCM tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.

Trong ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 3.425 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới. Trong ngày 21/8, số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị chưa chuyển số liệu.

TP.HCM kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa

NLĐ – Sáng 21/8, người dân Saigon đã ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá. Lãnh đạo TP HCM kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, TP cam kết sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19.

“Thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân”. Đó là khẳng định của ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM – sáng 21/8.

Thực tế cho thấy, sau khi có thông tin TP.HCM tiếp tục tăng cường, phòng chống dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 23/8, tình trạng người dân ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá.

Điều này đã dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

TP.HCM đã kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19.

“TP.HCM không phong tỏa, không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”

Dân Trí – Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM khẳng định, trong 2 tuần tới, thành phố không phong tỏa toàn bộ, không ban bố tình trạng khẩn cấp mà chỉ siết chặt, nâng cao các biện pháp đã thực hiện.

Thông tin trên được Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM nói tại buổi họp báo chiều 21/8.

Phạm Đức Hải thông tin, sau khi biết thành phố sẽ tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với mức độ lây lan của dịch Covid-19, người dân đã lo lắng, tập trung đông để mua sắm, tích trữ hàng hóa. Điều này khiến mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội và ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

“Nếu tình trạng này không dừng lại, chúng ta sẽ khó chấm dứt sự lây lan của dịch Covid-19. Chúng tôi khẳng định không phong tỏa, không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”, Phạm Đức Hải tái khẳng định.

Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM cho biết, trong 2 tuần tới, thành phố sẽ tập trung tăng cường 4 phần việc chính. Những phần việc đó gồm tăng cường lực lượng y tế, công an, quân đội; tăng cường phương tiện máy móc, thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm, khám chữa, điều trị; tăng cường lương thực, thực phẩm, chăm lo đời sống người dân; tăng cường siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội.

“Các biện pháp tăng cường trên, thực tế, thành phố đã thực hiện và nay nâng lên một mức. Ví dụ như trước đây chúng ta giãn cách chưa nghiêm nên giờ phải làm nghiêm hơn, chính quyền chưa kỷ luật, kỷ cương, chúng ta siết chặt lại”, Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Dừng toàn bộ tàu chở khách tuyến Bắc Nam

VnExpress – Ngày 21/8, Công ty Đường sắt Sài Gòn đã quyết định tạm ngừng chạy tàu SE8 tại ga Sài Gòn ra Bắc từ ngày 23/8; chiều ngược lại, tàu SE7 dừng chạy tại ga Hà Nội từ ngày 25/8 cho đến khi có thông báo mới.

Sau khi đôi tàu SE7/SE8 tạm dừng, toàn mạng lưới đường sắt quốc gia không còn tàu khách, chỉ có tàu hàng hoạt động.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, việc tạm dừng chạy đôi tàu trên do dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, lượng hành khách sụt giảm mạnh. Nhiều ga trên tuyến đường sắt Bắc Nam đã đóng cửa để phòng dịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, nên dù tàu hoạt động thì hành khách không thể lên tàu.

Đang lưu thông trên đường, xe tải chở 300 chiếc xe đạp bị cháy rụi

Dân Trí – Vào 11h30 ngày 21/8, xe tải mang BKS 89C-053.96 do tài xế Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1987, trú tỉnh Đăk Lăk) điều khiển, chở 300 chiếc xe đạp từ một xưởng sản xuất ở tỉnh Hưng Yên về Đăk Lăk, trên xe còn có hai người khác.

Ngọn lửa bùng phát dữ dội, bao trùm chiếc xe tải (ảnh: Dân Trí).

Trên đường di chuyển qua dốc Mùa Thu – đoạn qua địa bàn thị trấn Khâm Đức, tài xế phát hiện có đám cháy phát ra từ gầm xe. Cả 3 người trên xe lao ra tìm cách dập lửa, do đám lửa bốc cháy dữ dội nên cả 3 đành bất lực nhìn ngọn lửa bùng phát.

Xe tải cùng 300 chiếc xe đạp bị cháy rụi (Ảnh: CTV/Dân Trí).

Hậu quả, toàn bộ 300 chiếc xe đạp cùng chiếc xe tải đã thiêu rụi; một người bị bỏng nặng ở vùng ngực khi chữa cháy. Nguyên nhân vụ cháy đang được Công an huyện Phước Sơn tiếp tục điều tra.

Theo Minh Sang

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-21-8-them-11-321-ca-covid-19-tp-hcm-keu-goi-nguoi-dan-hay-binh-tinh-khong-thu-gom-hang-hoa.html