Tin Trong Nước – 21/12/21
Bộ Y tế lên tiếng vụ giá kit xét nghiệm Việt Á bị ‘nâng khống’
VnExpress – Ba ngày sau khi giám đốc Việt Á bị khởi tố, Bộ Y tế ra thông cáo nêu “thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm” và các địa phương “tự chịu trách nhiệm về việc mua sắm”.
Chiều 21/12, thông cáo của Bộ Y tế cho biết, vào tháng 3/2020 đã cấp
phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm Realtime PCR chẩn đoán COVID-19 (gồm LightPoweriVA COVID-19 1st RT-PCR Kit, và LightPoweriVA COVID-19 1st RT-rPCR Kit), thời hạn 6 tháng để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.
Đến tháng 12/2020, Bộ Y tế cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ kit LightPoweri của Việt Á.
Bộ Y tế nói việc cấp phép cho nhiều sản phẩm là để tăng cường nội địa
hóa, chủ động nguồn cung và tạo sự cạnh tranh về giá sinh phẩm xét
nghiệm. Tất cả sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu.
Việc cấp phép đối với sản phẩm của Việt Á và các nhà sản xuất khác
không phụ thuộc vào danh sách do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Lý
do, mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ,
sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có
nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo
quy định của từng tổ chức, quốc gia đó. Công ty mong muốn sản phẩm của
mình được đưa vào danh sách của WHO thì nộp hồ sơ đề nghị WHO xem xét.
Trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá.
Thời điểm Công ty Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là
470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét
nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP giá 385.000
đồng/sản phẩm…
“Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa
phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện
mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch,
mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện
mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực
hiện”, Bộ Y tế lý giải.
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Cổ phần công nghệ
Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm
Covid-19. Doanh nghiệp đã cung ứng kit cho 62 tỉnh, thành phố, doanh thu
gần 4.000 tỷ đồng.
Kit test của Công ty Việt Á được cấp phép ‘thần tốc’ như thế nào?
Thanh Niên
– Ngày 23/1/2020, Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Để phòng
chống dịch, Bộ KH-CN đã phê duyệt đề tài nghiên cứu được thực hiện
giữa Học viện Quân y và Công ty CP Công nghệ Việt Á (VietACorp).
Ngày 2/3/2020, Bộ trưởng Bộ KH-CN ban hành Quyết định số 489/QĐ-BKHCN
thông qua kết quả đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và
realtime RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-COVID-19)”.
Ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề
tài này đã họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 2 bộ sinh phẩm
realtime PCR chẩn đoán COVID-19 (LightPoweriVA COVID-19 1st RT-PCR Kit,
LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit). Chỉ sau đó 1 ngày, tức này
4.3.2020, Bộ Y tế đồng ý cấp phép cho kit test của VietACorp và Học viện
Quân y.
Lý giải về việc cấp phép thần tốc này, Bộ Y tế cho biết khi cấp phép
đã căn cứ vào ý kiến của hội đồng và căn cứ vào kết quả đánh giá đáp ứng
về độ nhạy và độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.
Ngoài ra, còn có kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của công ty đã đạt
tiêu chuẩn ISO 13485:2016 do Tổ chức Bureau Veritas cấp (đây là tổ chức
đã được Bộ KH-CN công nhận) và theo các quy định tại Nghị định
36/2016/NĐ-CP, Nghị định 169/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm
thời cho 2 bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng, từ ngày
4/3/2020, để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.
Phạt 137 triệu đồng chủ nhãn hàng quảng cáo phản cảm trên tàu Cát Linh
VnExpress
– Liên quan đến vụ việc sáng 11/12 trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh
chụp nhóm nam thanh niên cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh –
Hà Đông. Họ mang theo banner quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng khiến cộng
đồng mạng phản ứng vì quảng cáo trái thuần phong mỹ tục.
Đến ngày 21/12, UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành
phố đã ban hành quyết định xử phạt chủ nhãn hàng V.N 137 triệu đồng với 3
lỗi vi phạm.
Làm việc với Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, chủ nhãn hàng thừa nhận toàn bộ sai phạm và chấp hành xử lý.
Cầu 54 tỷ đồng sắp hoàn thành bất ngờ sập xuống sông
Dân Trí – Ngày 21/12, một cây cầu đang xây dựng ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau bất ngờ bị lún trụ và sập nhịp chính xuống sông.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 9h sáng cùng ngày, người dân ở 2
bờ sông Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) nghe tiếng động lớn và
hoảng hốt thấy một trụ chính cầu vượt sông Cái Đôi Vàm bị lún, kéo theo
nhịp giữa sập xuống.
Tại hiện trường, trụ giữa bị lún sâu khoảng 4m, kéo theo sập 2 nhịp
giữa. Trong đó, có một nhịp rơi xuống nước, chắn ngang dòng sông Cái Đôi
Vàm thông ra biển. Rất may, phía dưới sông không có tàu thuyền neo đậu
nên không thiệt hại về người.
Công trình này đã xây dựng cơ bản hoàn thành, đang tiến hành lắp lan
can cầu. Hiện đơn vị thi công đang tiến hành đánh giá thực trạng, tìm
nguyên nhân và giải pháp khắc phục sự cố.
Công trình xây dựng cầu Cái Đôi Vàm là công trình giao thông cấp III
với tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trên 54 tỷ đồng, do Công ty TNHH
Tập đoàn Thương mại – vận chuyển – xây dựng Sử Thành Phú thi công.
Cả nước hơn 16.000 ca COVID-19, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu số F0 mới
Dân Trí
– Tính từ 16h ngày 20/12 đến 16h ngày 21/12, trên Hệ thống Quốc gia
quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.325 ca nhiễm mới (tăng 1.350 ca so
với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.309 ca cộng đồng).
Hà Nội là địa phương ngày thứ 2 liên tiếp đứng đầu cả nước số mắc mới trong ngày, với 1.704 ca bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này:
TPHCM (496.183), Bình Dương (289.464), Đồng Nai (95.496), Tây Ninh
(65.900), Long An (39.760). Như vậy kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có
1.571.780 ca nhiễm.
Trong ngày ghi nhận 250 ca tử vong, riêng TP.HCM 58 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.041 ca.