Tin Trong Nước – 20/5/21
Thêm 45 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế tối 20/5 ghi nhận 45 ca dương tính nCoV, trong đó 40 ca trong nước và 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
45 ca mới được ghi nhận từ số 4765-4809. Trong đó, 40 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 24, Bắc Ninh 10, TP HCM 3, Lạng Sơn, Hải Dương và Vĩnh Phúc mỗi nơi một ca.
Như vậy, hôm nay Bộ Y tế công bố tổng cộng 113 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 1761, ghi nhận ở 30 tỉnh thành.
Số ca nhiễm mới tối nay nâng tổng ca nhiễm ở Bắc Giang lên 668, Bắc Ninh 377, TP HCM 6, Lạng Sơn 22, Hải Dương 21, Vĩnh Phúc 89.
2 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Bộ Y tế thông báo, trong ngày hôm nay (20/5) đã có tổng 2 ca tử vong, cả 2 bệnh nhân đều qua đời hôm 19/5.
Theo tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, bệnh nhân 3197, nữ, 64 tuổi, có tiền sử viêm gan B mạn cách đây 10 năm, ung thư gan phát hiện cách đây 4 tháng, đã qua đời hôm qua 19/5.
Theo tiểu ban điều trị, chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu, kiệt bạch cầu, nhiễm COVID-19.
Bệnh nhân cũng đã được các giáo sư đầu ngành hội chẩn quốc gia ngày 18-5, trong phiên hội chẩn 20 ca bệnh nặng. Tuy nhiên, do bệnh lý nền nặng không đáp ứng điều trị, bà đã qua đời ngày 19/5.
Người thứ 2 tử vong là BN3554, 81 tuổi, nam, có tiền sử đau khớp gối nhiều năm, xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, gout.
Ngày 3/5, bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương với chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân xơ gan, gout. Ngày 11/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, chống viêm, chống đông, duy trì vận mạch.
Ngày 19/5 bệnh nhân có diễn biến nặng, mặc dù đã được bệnh viện cấp cứu hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong tối cùng ngày.
Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đường vào, viêm mủ khớp gối 2 bên trên bệnh nhân xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm COVID-19.
Như vậy, đây là ca tử vong thứ 39 liên quan COVID-19 trong nước, là ca tử vong thứ tư trong đợt bùng phát dịch kể từ ngày 29/4.
Bắc Ninh cách ly xã hội huyện Quế Võ
VnExpress – Sau hai ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, từ 15h hôm nay, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, với dân số khoảng 200.000 bắt đầu cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, quyết định nâng mức độ chống dịch ở huyện Quế Võ khi sáng nay huyện ghi nhận 2 ca nhiễm mới. Phía bắc huyện giáp với huyện Việt Yên – ổ dịch lớn của tỉnh Bắc Giang với vài trăm ca nhiễm trong khu công nghiệp.
Theo Chỉ thị 16, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, nhân viên sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ đến công sở trong trường hợp thật cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu…; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.
Đến nay tỉnh Bắc Ninh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với huyện Thuận Thành, TP. Bắc Ninh, Quế Võ; các huyện Lương Tài, Tiên Du, thị xã Từ Sơn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Ở bên trong các huyện, thành phố này có nhiều điểm phong tỏa cục bộ.
Từ 14h hôm nay, Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp phường xã chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất cho cán bộ, nhân viên nghỉ luân phiên, tối thiểu 50% tổng số cán bộ.
Bắc Ninh là ổ dịch lớn thứ hai cả nước với 367 ca trên tổng số 1.722 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng của cả nước tính từ ngày 27/4.
Nhân viên y tế Ninh Bình không được ra tỉnh ngoài
VnExpress – Từ hôm nay, nhân viên y tế Ninh Bình không được ra ngoài tỉnh, trường hợp cần thiết phải xin phép thủ trưởng cơ quan.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đã ban hành hàng loạt chỉ đạo sau khi địa phương ghi nhận 2 ca Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch thứ tư.
Ngoài yêu cầu không ra khỏi địa phương đối với nhân viên y tế, chính quyền Ninh Bình cũng khuyến cáo người dân, cán bộ công chức, viên chức không đi ra ngoài tỉnh; hạn chế các hoạt động tập trung đông người tại các địa điểm phục vụ ăn uống.
Chủ các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát… chỉ được tiếp nhận số lượng khách không quá 50% số bàn hiện có và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, một bàn không quá hai người, các bàn có tấm chắn ở giữa; thường xuyên đo thân nhiệt, nhắc nhở khách sát khuẩn tay…
Từ hôm nay, tỉnh Ninh Bình cũng tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách đi đến những vùng có dịch và ngược lại.
Ninh Bình hiện ghi nhận 2 ca 4692 và 4693, đều liên quan Bệnh viện K cơ sở 3. Theo đánh giá của cơ quan y tế địa phương, hai ca bệnh này đều được cách ly, giám sát y tế chặt chẽ nên không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Một gia đình 3 người nhiễm Covid-19 ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM
Thanhnien – Lúc 14 giờ ngày 20/5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết sau khi phát hiện bà Đ.T.T. (58 tuổi), làm nghề bán quán ăn, ngụ hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3, nhiễm Covid-19, HCDC đã điều tra những người liên quan.
Điều tra ban đầu đã xác định 15 trường hợp tiếp xúc gần tại nơi ở của bệnh nhân T. Kết quả xét nghiệm khẩn 15 trường hợp này, HCDC đã xác định thêm 2 trường hợp dương tính là 2 người con sống cùng nhà của bệnh nhân T. ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu.
Qua điều tra dịch tễ, ngày 19.5, bệnh nhân T. có triệu chứng bệnh đường hô hấp, đến khám tại Trung Tâm Medic, có kết quả xét nghiệm X-quang phổi và CT scanner phổi có tổn thương.
Bệnh nhân T. được hướng dẫn đến khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chiều cùng ngày.
Hỗ trợ khẩn cấp tiền cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Danviet – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa ban hành Quyết định về việc chi hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Các đối tượng được hỗ trợ là lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch Covid -19 gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, mức hỗ trợ từ 10-50 triệu đồng/đơn vị.
Đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người.
Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày, tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.
Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
Người nghèo, doanh nghiệp bị phá sản sẽ được xóa nợ
Thanhnien – Từ đây, nhiều người nghèo, mất khả năng lao động vĩnh viễn, hay doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, sẽ được xóa nợ.
Theo quy định mới, nguyên nhân khách quan để người đi vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, được xem xét khoanh nợ, xóa nợ được bổ sung chi tiết hơn so với Quyết định 50/2010. Chẳng hạn, quy định mới nêu rõ, khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên. Hay biến động chính trị, kinh tế – xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; doanh nghiệp (DN) tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; DN tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề, hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động, dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn.
Đồng thời, các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của tòa án, nhưng người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo thông báo của cơ quan thi hành án; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ; khách hàng bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật…
Thêm 24 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 21/5 ghi nhận 24 ca dương tính COVID-19 tại Bắc Giang 15, Điện Biên 6, Hải Dương 2, Bắc Ninh một.
24 ca mới được ghi nhận từ số 4810-4833, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 1.786, ghi nhận ở 30 tỉnh thành.
Số ca nhiễm mới sáng nay nâng tổng ca nhiễm ở Bắc Giang lên 683, Bắc Ninh 378, Điện Biên 48, Hải Dương 23, Vĩnh Phúc 89…
Tại Bắc Ninh: Ca 4810, nữ, 33 tuổi, địa chỉ thành phố Bắc Ninh, là F1 của ca 4518, đã được cách ly từ trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Tiên Du.
Tại Điện Biên: Ca 4811-4812 và 4815-4818, là các trường hợp F1, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 19-20/5 dương tính với nCoV.
Tại Hải Dương: Ca 4813, nữ, 64 tuổi, là F1 của ca 4706, và ca 4814, nữ, 37 tuổi, là F1 của ca 4707, đều địa chỉ tại thành phố Hải Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 20/5 họ dương tính với nCoV, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
Tại Bắc Giang: Ca 4819-4833 là 13 ca liên quan dịch tễ đến các trường hợp mắc trước đó tại Khu công nghiệp Quang Châu và 2 ca trong vùng phong tỏa, kết quả xét nghiệm ngày 19-20/5 dương tính với nCoV.
Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 4.833 ca trong đó 3.355 ca ghi nhận trong nước và 1.478 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 1.785 ca. Số ca bệnh đã điều trị khỏi: 2.689 ca. Số ca tử vong: 39.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà
VnExpress – Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Ninh “mạnh dạn tính đến tình huống có nhiều người bị nhiễm”, khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ thì “thí điểm cách ly F1 tại nhà”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu đề nghị trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, với hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, chiều 20/5. Ông lưu ý việc thí điểm áp dụng trước mắt ở quy mô nhỏ, với các gia đình có điều kiện về nhà cửa, đảm bảo khoảng cách với xung quanh. Người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) sẽ được cách ly tại nhà, kết hợp giám sát bằng công nghệ và hàng xóm, người dân xung quanh.
Ông cũng yêu cầu Bắc Ninh thí điểm hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm, có giám sát của cán bộ y tế, để thực hiện xét nghiệm nhanh. Bắc Ninh đã có 8 huyện, thành phố xuất hiện ca Covid-19 nên những nơi giãn cách xã hội cần khai báo y tế bắt buộc. “Nếu có thể thì khai báo y tế toàn tỉnh”, ông nói.
Cho rằng chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan các khu công nghiệp lớn, hàng trăm nghìn công nhân, ông Đam nhấn mạnh “đây là lúc phát huy tinh thần sáng tạo”. Ông đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có camera giám sát, do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, “để khi có nhiều người nhiễm thì thu dung những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng, nhằm theo dõi, sẵn sàng chuyển đến khu điều trị nếu bị nặng”.
Tại cuộc họp, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết sau khi đóng cửa 4 khu công nghiệp, giãn cách xã hội 4 huyện và TP Bắc Giang, “tỉnh đã quản lý được toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch, gồm người cách ly tập trung và tại nhà”. Địa phương đang tập trung phòng chống dịch lây nhiễm cộng đồng. Ông Dương cho biết, có hai nguồn ở Bắc Giang là từ khu công nghiệp và liên quan ổ dịch Thuận Thành (Bắc Ninh).
Năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt 100.000 mẫu gộp mỗi ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại. “Bắt đầu từ ngày mai sẽ không còn mẫu tồn, trả được kết quả xét nghiệm trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm xét nghiệm cũng đã được giải quyết”, ông Dương khẳng định.
Tỉnh đưa vào vận hành 8 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với 1.280 giường. Ngày mai, 21/5, sẽ có thêm một bệnh viện dã chiến 300 giường hoạt động. Một bệnh viện khác 600 giường đang được chuẩn bị để điều trị bệnh nhân nhẹ.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, cho biết trong số các ca nhiễm, đáng chủ ý có 6 ca trong khu công nghiệp của Samsung, Canon… Tỉnh đã tăng cường các loại xét nghiệm, trong đó có phương pháp gộp 20 mẫu. “Tỉnh có nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, nếu xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu”, bà Giang nói. Bắc Ninh cũng chuẩn bị hai bệnh viện dã chiến, bố trí thêm các giường điều trị bệnh nhân nặng; tập trung xét nghiệm nhóm nguy cơ cao. “Chúng tôi quyết tâm để các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động”, lãnh đạo tỉnh nói.
Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang lập phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho của Samsung)…
Thực khách tá hỏa khai báo khi chủ quán nhiễm Covid-19
Thanhnien – Nghe thông tin chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) – hẻm ‘ẩm thực’ nổi tiếng – cùng 2 người con nhiễm Covid-19, cả con hẻm bị phong tỏa, nhiều thực khách tá hỏa đi khai báo y tế.
Sáng 20/5, hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19 là chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh và 2 người con trong gia đình.
Nghe tin con hẻm bị phong tỏa, nhiều người buôn bán gần đó, khách tới ăn và cả shipper “quen mặt” ở con hẻm không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Nhiều dân văn phòng gần bên cũng bàn tán xôn xao, nhớ lại lịch trình xem ngày gần nhất ghé hẻm ăn là khi nào, có tiếp xúc với những ai…
Theo ghi nhận, khoảng 9 giờ sáng, rất đông nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, công an có mặt bên trong con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, hàng rào thép gai được xếp chặn cả 2 đầu, những người đang ở bên trong không thể ra ngoài, tập trung chờ lấy mẫu xét nghiệm.
Khoảng 12 giờ, một người phụ nữ trẻ tuổi đang định chạy xe vào hẻm ẩm thực thì được lực lượng chức năng thông tin về chủ quán ăn nghi nhiễm Covid-19. Khi được hỏi: “Cô có ăn ở quán bánh canh đó không? Nếu có thì lên phường khai báo y tế”, người này bất ngờ đáp: “Tôi mới ăn ở đó mấy ngày trước”. Dứt câu, người này lập tức rời đi.
Anh T. (làm việc tại Q.3) khi nghe tin chủ quán bánh canh O Thanh trong hẻm ẩm thực nghi nhiễm Covid-19 cũng hốt hoảng ngồi vạch lại lịch trình, xem lần gần nhất ghé quán là khi nào để đi khai báo y tế.
Đến giữa trưa, bà Lê Thị Kim Ngọc (50 tuổi, đối diện hẻm ẩm thực) cũng thấp thỏm đi ra đi vào cùng những người gần đó. Bà Ngọc cho biết, bà bán cà phê xa quán ăn của người chủ nhiễm Covid-19, nhưng người phụ quán lại sống gần nhà của bà nên bà cũng lo không biết chuyện gì xảy ra.
“Người phụ quán đã được lấy mẫu xét nghiệm rồi. Mong cho nó âm tính, chứ lỡ mà mắc chắc phong tỏa con hẻm tôi ở luôn quá. Bây giờ ở đâu cũng thấy dịch bệnh, tôi bán cà phê mấy nay cũng ế lắm”, bà Ngọc tâm sự.
NÓNG: TP.HCM phát hiện ca dương tính lần 1 ở Gò Vấp
Tuoitre – TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 ca dương tính lần 1 với COVID-19 ở phường 8, quận Gò Vấp. Thông tin này vừa được các cơ quan chức năng TP.HCM xác nhận và cho biết đang trong quá trình xác minh.
Chiều 20/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa phát hiện thêm 1 ca dương tính lần 1 tại P.8 (Q.Gò Vấp). Các cơ quan chức năng đang vào cuộc khoanh vùng, truy vết, cách ly, khử khuẩn.
TS.BS Nguyễn Trung Hòa – giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp – cho biết đơn vị nhận được thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về trường hợp này.
Ông Hòa chưa thông tin cụ thể về bệnh nhân, đồng thời chưa khẳng định liệu ca này có liên quan đến 3 ca dương tính với COVID-19 cùng một gia đình trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3) vừa được phát hiện trong ngày hay không.
Tối 20-5, lực lượng chức năng P.8, Q.Gò Vấp cử nhiều lực lượng như công an, trật tự đô thị, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố có mặt tại hẻm 954 Quang Trung để khoanh vùng do liên quan ca nhiễm COVID-19 tại đây.
Lực lượng chức năng dựng rào chắn, dựng bảng “Khu vực cách ly tạm thời”. Người dân cũng không được ra vào khu vực hẻm này. Nhiều nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong hẻm.
Xuất hiện phong trào đi Mỹ tiêm vaccine
Thesaigontimes – Gần đây, Thái Lan đã xuất hiện trào lưu đi du lịch Mỹ để tiêm vắc xin, xu hướng này cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam.
Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn ngày 20/5 nhắc tới Công ty du lịch Hồng Ngọc Hà ở quận 1, TP.HCM, là doanh nghiệp tung ra chương trình du lịch sang Mỹ kết hợp với tiêm vaccine.
Tờ báo dẫn lời ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng truyền thông của công ty, nói rằng chỉ vài ngày sau khi quảng cáo tua đi Mỹ tiêm vaccine ngừa Covid-19, Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà đã nhận cả trăm cuộc điện thoại hỏi thông tin về các tua này. Theo dự kiến, những khách hàng đầu tiên sẽ lên đường vào khoảng cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy năm nay.
Hoa Kỳ là điểm đến ưa chuộng cho ngành “du lịch vaccine”, vì nước này dư thừa vaccine và có sự chọn lựa với những vaccine được chứng minh có hiệu quả như Pfizer và Moderna, cũng như Johnson & Johnson.
Chủ đầu tư nói sử dụng lao động TQ không phép tại dự án điện gió vì… áp lực tiến độ
Tuoitre – Liên quan đến các dự án điện gió tại Đắk Lắk sử dụng lao động Trung Quốc không phép, mới đây chủ đầu tư thừa nhận việc đưa lao động Trung Quốc vào Việt Nam trong khi chưa có giấy phép lao động là trái quy định, nhưng do… áp lực tiến độ nên chấp nhận làm sai.
Cụ thể, theo Tuổi Trẻ, trong buổi làm việc với Sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đắk Lắk hôm 20/5 đại diện các nhà thầu 4 dự án điện gió cho biết, trước khi đưa người nước ngoài vào làm việc đã tìm hiểu nhưng do không biết ngôn ngữ, không có nhân lực am hiểu pháp luật Việt Nam nên sai sót.
Ngoài ra, các nhà thầu nói rằng do áp lực phải bàn giao dự án trước 31-10-2021 cho chủ đầu tư nên mới sai phạm. Nếu tỉnh không cho “vừa làm vừa khắc phục” thì tiến độ dự án chắc chắn sẽ bị chậm.
Tin cũng cho biết sau buổi làm việc, nhà chức trách hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được cấp phép. Các nhà đầu tư phải cam kết thực hiện hoàn thành các thủ tục, không tái vi phạm.
Cán bộ thanh tra trộm giấy quyền sử dụng đất mang đi cầm cố
Ngày 20/5, theo nguồn tin Thanh Niên, Công an H.Phú Tân (Cà Mau) đang điều tra vụ cán bộ thanh tra trộm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi cầm cố.
Theo thông tin ban đầu, lợi dụng lúc cán bộ phụ trách bộ phận một cửa của Văn phòng UBND và HĐND H.Phú Tân đi học nghị quyết, ông T.N.L, cán bộ thanh tra huyện này, đã lấy trộm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Tố Mai và ông Nguyễn Văn Đồi.Để hợp thức hóa việc cầm cố, ông L. đã làm giả biên nhận bà Mai bán đất và làm giả giấy ủy quyền do bà Mai ủy quyền cho mình. Trên giấy ủy quyền, ông L. tự ý ký tên Chủ tịch UBND TT.
Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân) và đóng dấu Thanh tra H.Phú Tân, sau đó mang đến tiệm vàng ở TT.Cái Đôi Vàm cầm lấy 100 triệu đồng để trả nợ.Khi phát hiện bà Mai là người quen, ông L. tiếp tục làm giả giấy ủy quyền của ông Đồi, mang đến tiệm vàng trên để đổi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Mai ra.
Vụ việc được phát giác khi cán bộ của bộ phận một cửa phát hiện bị mất 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. Làm việc với cơ quan công an, ông L. đã thừa nhận việc lấy trộm nêu trên.
Tài xế gặp em bé 2 tuổi lang thang lúc 1h sáng: ‘Tôi không sợ cướp, lương tâm không cho phép bỏ qua’
Vietnamnet – Mới đây, một đoạn clip gần 4 phút ghi lại hình ảnh tài xế bắt gặp em bé 2 tuổi lang thang một mình trong đêm khuya khiến cư dân mạng kinh ngạc.
Tối 18/5, camera hành trình xe ô tô của anh Nguyễn Xuân Trường ghi lại được hình ảnh khiến cư dân mạng “sốc”, đó là hình ảnh em bé nhỏ tầm 2 tuổi đi lang thang một mình giữa đêm tối lúc 1h sáng.
Qua tìm hiểu được biết, vụ việc xảy ra tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khi xảy ra vụ việc chỉ có mình anh Trường trong xe. Sau tầm 20 phút anh Trường đi gọi cửa những nhà dân quanh đó, đã có người dân mở cửa và nhận ra em bé là con của ai, sau đó bố mẹ em bé đã tới nhận con.
Anh Trường cho biết: “May mắn là em bé không bị làm sao, đường đêm lúc đó rất vắng. Bố mẹ cháu vì đi làm cả ngày mệt quá về ngủ quên không đóng cửa nên cháu bé đã dậy và đi chơi một mình”.
“Lúc đầu tôi không dám bế em bé ngay vì quá bất ngờ. Nhà tôi cũng có con nhỏ nên tôi không hề sợ bị bẫy, bị cướp gì hết, lương tâm của tôi không có cho phép mình bỏ qua một em nhỏ đang lang thang giữa đường một mình như vậy. Tôi không sợ bị cướp bởi nếu có tôi sẽ bỏ của chạy ngay, tài sản của mình để đó thì sau quay lại lấy vì mọi việc đều có pháp luật lo rồi” – anh Trường chia sẻ thêm.
Mặc dù có đặt tình huống lo ngại dàn cảnh cướp tài sản nhưng cư dân mạng ai nấy đều cảm kích hành động của tài xế Trường:
“Tình huống này tốt nhất không bế, giữ khoảng cách bảo đảm an toàn cho bé, nên bấm còi, gọi um xóm lên. Cảm ơn bác tài xế nhiều ạ”;
“Có camera hành trình và bác tài cũng tỉnh không vội bế cháu bé. Nó gài bắt cóc lại mệt”;
“Cảm ơn bác tài đã không bỏ đi, và trong tình huống oái oăm như vậy nhưng vẫn xử lý tỉnh táo. Chúc bác tài vạn dặm bình an!”;
Bên cạnh đó, rất nhiều người trách bố mẹ cháu bé đã để xảy ra cảnh con nhỏ lang thang ngoài đường giữa đêm:
“Không hiểu bố mẹ trông con kiểu gì mà để con đêm khuya một mình ra đường”.
Được biết, anh Nguyễn Xuân Trường làm nghề cho thuê xe dịch vụ ở Bình Định. Khi giao con cho bố mẹ cháu bé anh cũng không chụp lại tấm ảnh nào, anh chỉ trích xuất hình ảnh từ camera hành trình của xe, chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện của mình cho anh em tài xế biết về tình huống gặp phải khi tham gia giao thông mà thôi.
Mong rằng qua tình huống này, các bậc phụ huynh dù đi làm có mệt tới đâu cũng nên lưu tâm trông con nhỏ cẩn thận, bởi không phải lúc nào cũng gặp may mắn như cháu bé ở Bình Định này.