Tin Trong Nước – 19/3/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 19/3/22

Tin tối 19/3: Sinh viên, người lao động chật vật với giá xăng, giá gas tăng; Ngỡ ngàng với chống dịch kiểu ‘chỉ ra đường khi cần thiết’

Ảnh tổng hợp.

Ngỡ ngàng với chống dịch kiểu ‘chỉ ra đường khi cần thiết’

Như Thanh Niên thông tin, ngày 17/3, mạng xã hội lan truyền 2 văn bản của TT. Vũng Liêm và xã Trung Ngãi (H. Vũng Liêm, Vĩnh Long) quy định các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 do 2 địa phương này đã chuyển từ cấp độ 1 (nguy cơ thấp) lên cấp độ 4 (nguy cơ rất cao).

Theo văn bản, 2 địa phương trên yêu cầu ngừng tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà và ngoài trời. Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, được cấp phiếu đi chợ 3 lần/tuần. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về, đảm bảo tuân thủ quy tắc 5K. Ngừng hoạt động bán hàng rong, vé số dạo. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự ngừng hoạt động. Nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu và các hoạt động như karaoke, game, massage, chợ đêm… ngừng hoạt động kể từ ngày 17/3 cho đến khi có thông báo mới.

Sau khi văn bản được ban hành, người dân 2 địa phương trên rất hoang mang và cho rằng các quy định này cứng nhắc, chưa phù hợp với tình hình dịch Covid-19 hiện tại, bởi số người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 đạt gần 100%, số người tiêm mũi nhắc đã hơn 43%.

Tối cùng ngày (17.3), trả lời PV Thanh Niên về vấn đề trên, bà Phạm Thị Nở, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết UBND tỉnh đã trao đổi với Giám đốc Sở Y tế, sẽ liên hệ với H.Vũng Liêm cách xử lý linh hoạt hơn. “Hiện H.Vũng Liêm đã chỉ đạo thu hồi các văn bản trên”, bà Nở thông tin thêm.

Bệnh viện 1A báo cáo khách hàng tử vong khi nâng ngực

Ngày 19/3, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Bệnh viện 1A thuộc Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã có báo cáo gửi cơ quan quản lý, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về trường hợp bệnh nhân N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) tử vong khi phẫu thuật nâng ngực.

Theo báo cáo này, chị N. bị thiểu sản ngực (ngực nhỏ) hai bên, có yêu cầu phẫu thuật tạo hình ngực và được bác sĩ Nguyễn Văn Thiết giới thiệu đến Bệnh viện 1A (còn gọi là Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM) khám thực hiện phẫu thuật.

Bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu theo quy trình của bệnh viện. Phương pháp điều trị là phẫu thuật tạo hình ngực bằng túi gel; phương pháp vô cảm là gây mê nội khí quản.

Bác sĩ phẫu thuật là Nguyễn Văn Thiết, có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp bổ sung phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có hợp đồng lao động với Bệnh viện 1A.

Bác sĩ gây mê hồi sức là Võ Văn Tuấn, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức, có hợp đồng lao động với Bệnh viện 1A.

Theo báo cáo của Bệnh viện 1A, bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử trí hồi sức tích cực theo đúng quy trình. Hiện vụ việc đang đợi kết quả giám định pháp y của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình.

Sinh viên, người lao động chật vật thích ứng với giá xăng, giá gas tăng

Tuổi Trẻ – Phòng trọ rộng 5-7m2 nằm trong con ngõ sâu gần trường. Phạm Ngọc Hà (sinh viên năm cuối, quê Tuyên Quang) đang cùng Đào Phương Linh (sinh viên năm cuối, quê Hưng Yên) tính toán lại sinh hoạt phí.

Từng gạch đầu dòng: trứng gà 40.000 đồng/chục, rau muống 30.000 đồng/ mớ to, cà chua 15.000 đồng/cân khiến Hà “hoa mắt”. Nhưng hãi nhất là tiền phòng 2,8 triệu đồng/3 người, điện nước 4.000 đồng/số điện.

Với quỹ sinh hoạt phí “phình to”, Phương Linh tính sẽ phải tìm thêm việc gia sư tiếng Hàn để vừa tích lũy kinh nghiệm, bớt phải xin tiền cha mẹ ở quê, do năm cuối nên tiền học liệu làm khóa luận khá tốn kém.

Hà cho biết: “Mỗi tháng, bố mẹ gửi cho 3 triệu đồng. Xăng tăng nên cái gì cũng tăng, em không còn đi ăn ngoài nữa. Bố mẹ tính nếu mua thịt, rau củ để lâu như khoai lang, khoai tây, su hào, cà rốt, bắp cải gửi lên thì vẫn rẻ hơn mua tại Hà Nội, lại còn tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thế là từ tháng nay, em chỉ ra chợ mua cà chua, hành, tỏi, dầu ăn, còn lại bố mẹ đóng thùng gửi từ quê lên”.

Chị Nguyễn Thị Nga (44 tuổi, quê Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) phải căng mình làm công việc kéo xe thuê ở chợ Long Biên để tồn tại trên thành phố, dành dụm tiền gửi về quê nuôi hai con đang học phổ thông.

Chị Nga kể: “Việc thì bập bõm, ngày có, ngày không. Có ngày nhiều người thuê thì kiếm được 100.000-200.000 đồng, ngày nhiều mới được 300.000 đồng. Nhưng có ngày ngồi từ 21h đến sáng không được chuyến nào vì ít khách, chủ buôn nhập hàng ít đi”.

Chồng chị chạy Grab, trừ xăng xe, tiền ăn trưa cũng được 100.000-150.000 đồng. Nhưng giờ có ngày chả được nghìn nào. Tiền nhà cứ mở mắt ra là mất 40.000 đồng/ngày. Tháng phải trả hơn triệu tiền phòng, chưa tính điện nước, ăn uống, thuốc men lúc ốm đau.

Vừa kể, chị Nga tranh thủ bẻ nhỏ tấm gỗ vừa nhặt được ở bãi phế liệu gần chợ. Đây là nguyên liệu đun nấu chính của gia đình chị do gas tăng. Bữa nay, chị Nga nấu một bữa cơm có hai miếng thịt luộc, một ít cổ gà và vài nghìn dưa muối.

“Trong Tết, giá gas chỉ tầm 380.000 đồng/bình, giờ đã là 480.000 đồng, tăng cả trăm bạc chứ ít gì. Chưa kể dầu ăn, nước mắm đều tăng giá. Như dầu ăn, chai bé chỉ 15.000 đồng mà giờ 20.000 đồng. Từ độ hai tuần nay, mình đã chuyển sang dùng mỡ lợn thay cho dầu ăn. Muối hạt thay cho bột canh, mì chính, miễn là no bụng để đi làm là tốt rồi”, chị Nga bộc bạch.

Dù đường về nhà chỉ khoảng 70km nhưng hai tháng qua chị và chồng chưa về thăm con. Bởi mỗi lần về thăm nhà lại mất thêm khoản tiền đi lại, trong khi “cục nợ” gần 200 triệu đồng do heo mắc dịch tả châu Phi hai năm trước vẫn ám ảnh chị Nga.

Đổ xô xây nhà, trồng cây chờ đền bù từ dự án

VnExpress – Hàng trăm trang trại, nhà cửa không móng, không trụ sắt cùng cây cối được trồng dày đặc trên đất dự kiến giải tỏa làm cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Cuối giờ chiều 17/3, tại một nhà dân có mặt tiền đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn qua thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hơn chục thợ xây gấp rút hoàn thành ba dãy chuồng trại cho gia chủ. Ở dãy chuồng phía sau, năm thợ xây đang cắt thép, đưa tấm lợp xi măng lên mái. Các cột chống mái, thanh đà và đòn tay đều làm từ gỗ tạp, neo buộc sơ sài, thừa ra phía ngoài tấm lợp. Móng chuồng xây nông, tường không có trụ sắt.

Dãy chuồng ở giữa đã hoàn thành tường bao, mái được chống đỡ bằng những cây tre lồ ô to đã khô. Dãy chuồng trại phía trước sử dụng xà gồ sắt, lợp tôn, thợ đang xây tường. Ba dãy chuồng trại này rộng hàng trăm mét vuông. Dự kiến trong 2-3 ngày tới, việc xây dựng sẽ hoàn tất.

Trên diện tích vườn còn lại, chủ nhà thuê máy xúc cỡ nhỏ về đào hố trồng hàng trăm cây chuối, thơm, sâm cau, sanh… xen kẽ nhau dày đặc. Trong vườn có cắm một cọc bê tông cao khoảng 50 cm, sơn trắng ở dưới, đỏ phía trên. Cọc có ghi chữ “GPMB” dọc theo trụ, mặt chữ hướng về tim đường Hồ Chí Minh.

Chủ nhà cho biết nếu bị giải tỏa, đất vườn nhà ông chỉ được đền bù mấy chục nghìn đồng mỗi mét vuông, trong khi mỗi mét ngang đất mặt tiền đường Hồ Chí Minh bán tới 50 triệu đồng. Nếu xây chuồng trại, ông có thể hưởng phần chênh lệch vì mỗi mét vuông xây dựng giá thành 500.000 – 600.000 đồng, trong khi giá trị nhà nước đền bù cao hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận xây dựng chuồng trại chờ đền bù như “đặt bẫy giữa rừng, nếu cao tốc không đi qua vườn, không được đền bù coi như mất hết”.

Dọc đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Hòa, hàng chục đống gạch không
nung, cát sạn, xi măng và cây cối đang được tập kết để xây dựng chuồng
trại, lập trang trại. Những dãy chuồng cao quá đầu người, rộng hàng chục
đến hàng trăm mét vuông được xây san sát nhau. Chủ nhà liên tục quan
sát, đốc thúc nhóm thợ xây dựng cho kịp tiến độ.

Tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, các xã Sơn Thủy, Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, người dân cũng đang xây dựng nhà cửa, cơi nới trái phép. Các công trình này đều nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, vị trí dự kiến cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ đi qua. UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã đình chỉ 20 trường hợp do xây dựng không giấy phép và xây trên đất nông nghiệp.

32 km cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Lệ Thủy, dự kiến có 150 hộ phải di dời, giải tỏa. Ngày 16/3, huyện nhận bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng đi qua 3 xã. Số cột mốc còn lại dự kiến bàn giao chậm nhất cuối tháng 6. Tuy nhiên, thời gian qua, các đơn vị khảo sát thực địa, thống nhất hướng tuyến với địa phương nên dù chưa cắm mốc, người dân đoán biết được hướng tuyến, tự ý xây dựng ồ ạt chờ đền bù.

Ông Nguyễn Xuân Tường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Lệ Thủy, cho biết nhiều hộ dân xây dựng sai quy định, cố tình tạo lập tài sản trên đất nông nghiệp. “Tổ phản ứng nhanh của huyện lập nhiều biên bản hiện trường làm cơ sở giải phóng mặt bằng sau này. Những trường hợp vi phạm sẽ không được đền bù”, ông Tường nói.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-19-3-benh-vien-1a-bao-cao-viec-khach-hang-tu-vong-khi-nang-nguc-ngo-ngang-voi-chong-dich-kieu-chi-ra-duong-khi-can-thiet.html

Tin sáng 18/3: Việt Nam thay đổi mục tiêu kiểm soát ca nhiễm COVID-19; Tàu chở 2.200 container bốc cháy

Ảnh tổng hợp.

Tàu chở 2.200 container bốc cháy

VnExpress – Tàu chở 2.200 container từ TP.HCM đi Trung Quốc bất ngờ bốc cháy trên biển, cảnh sát cứu hỏa mất sáu ngày cắt sắt, dập lửa.

Ngày 17/3, tàu APL Cairo (quốc tịch Singapore) cập cảng Cái Mép – Thị
Vải bốc dỡ hàng chục container bị hư hại, sắp xếp lại hàng hóa, sau khi
đám cháy trên tàu được dập tắt hoàn toàn.

Hôm 9/3, tàu chở 2.200 container gồm nhiều mặt hàng khởi hành từ cảng
ở TP.HCM đi Trung Quốc. Khi đến vùng biển Bình Thuận, lửa bùng lên ở
các container đựng gỗ ép phía mũi tàu. Để tránh cháy lan cả con tàu,
thuyền trưởng lái tàu xuôi theo chiều gió trở lại phao số 0 ngoài khơi
Vũng Tàu cách đó khoảng 50km và yêu cầu hỗ trợ.

Ngày 14/3, đám cháy được dập tắt. 12 container bị cháy, hàng hóa hư
hỏng. 38 container bị hư hại do ảnh hưởng nhiệt độ và nước vào trong quá
trình dập lửa.

Việt Nam thay đổi mục tiêu kiểm soát ca nhiễm COVID-19

VnExpress
– Chính phủ sắp tới sẽ chuyển từ kiểm soát số ca nhiễm Covid-19 mới
sang kiểm soát ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và ca tử vong.

Chương trình phòng chống Covid-19 được Chính phủ ban hành ngày 17/3,
nêu chủ trương chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro. Tuy nhiên,
các đơn vị cần sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả khi dịch bùng
phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế; tình
huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, người dân sẽ được tiếp cận dịch
vụ y tế sớm và nhanh nhất. Biện pháp chống dịch sẽ giảm thiểu tối đa tác
động đến người dân.

Tất cả người nhiễm Covid-19 chuyển nặng, nguy kịch đều được chăm sóc,
điều trị. Nhóm dân số dễ tổn thương, như người cao tuổi, có bệnh nền,
người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ mồ côi… cũng được tiếp cận dịch
vụ y tế.

Bộ Y tế được giao sửa đổi các quy định chuyên môn về chống dịch, như
đánh giá cấp độ nguy cơ, xét nghiệm, cách ly, điều trị; đảm bảo kiểm
soát hiệu quả dịch và tạo điều kiện khôi phục kinh tế.

Trước đó, hồi đầu tháng 3, Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca
Covid-19 hằng ngày, để tránh gây hoang mang và chưa phản ánh đúng bản
chất tình hình dịch. Đồng thời, Bộ đề xuất cho người nhiễm, người nghi
nhiễm đang trong thời gian cách ly được đi làm.

Thời gian gần đây, dù số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh, nhưng do bao
phủ vaccine đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi, nên tỷ lệ tử vong đã
giảm. Một tuần qua, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày là 170.000 ca, tăng
39% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong trung bình mỗi ngày
là 75, giảm 14% so với tuần trước.

Dầu vón cục xuất hiện đen kịt ở bãi biển Nha Trang

Dantri – Trong mấy ngày gần đây, dầu vón cục xuất hiện và trải dài 3 km ở bãi biển Nha Trang – Khánh Hòa.

Chiều 17/3, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh
Hòa cho hay, đã giao Chi cục Biển và Hải đảo thuộc sở này kiểm tra, xác
định nguyên nhân hiện tượng dầu vón cục dạt vào bờ biển TP. Nha Trang.

Theo ông Đồng, chiều cùng ngày UBND TP. Nha Trang đã có báo cáo ban đầu về hiện tượng trên.

Báo cáo cho biết, hiện tượng dầu vón cục dạt vào bờ biển dọc đường
Trần Phú (TP. Nha Trang) xuất hiện trong 2 ngày gần đây với số lượng rất
nhiều, kéo dài hơn 3km bờ biển.

Để bước đầu giải quyết vấn đề dầu vón cục dạt vào bờ, Công ty CP Môi
trường đô thị Nha Trang huy động nhiều công nhân gom dọn hàng trăm bao
với hàng tấn dầu vón cục nằm lẫn trong cát trên bờ biển.

Tuy nhiên, do số lượng dầu vón cục dạt vào bờ biển nhiều, sau đó trộn
lẫn trong cát, rác thải nên phải mất nhiều thời gian mới có thể thu gom
hết, làm sạch bờ biển.

Theo Trưởng ban quản lý Vịnh Nha Trang Huỳnh Bình Thái, tại Khu bảo
tồn biển Hòn Mun cũng gặp phải tình trạng dầu vón cục tấp vào bờ.

Theo ông Thái, hiện chưa ghi nhận sự cố chìm tàu, tràn dầu trên vịnh Nha Trang và khu vực lân cận.

Ông Thái nói: “Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã cử thợ lặn kiểm tra khu
vực đáy biển nhưng không thấy dầu. Do đó, hiện chưa xác định dầu từ đâu
trôi dạt đến vùng biển Nha Trang”.

Hà Nội muốn làm bãi giữa sông Hồng thành công viên

VTC
– UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang khảo sát để mở rộng các dự án
làm sạch sông Hồng trên địa bàn hai phường Phúc Tân và Chương Dương.
Quận cũng hướng đến mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng
thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô.

Việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận Hoàn Kiếm nhằm
hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô
Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Trong đó, sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp
tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven
sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục
cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện
đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và
ngoài nước.

Ngoài ra, sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

Hiểu Minh | DKN

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-18-3-viet-nam-thay-doi-muc-tieu-kiem-soat-ca-nhiem-covid-19-tau-cho-2-200-container-boc-chay.html