Tin Trong Nước – 17/9/21
Sáng 17/9- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Saigon, Bình Dương… phải sẵn sàng ‘sống chung’ với dịch
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM, Bình Dương… phải sẵn sàng ‘sống chung’ với dịch
Tuổi Trẻ – Chiều 16/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành không thể theo đuổi chiến lược “zero F0”, do vậy các địa phương phải sẵn sàng tinh thần “sống chung” với dịch.
Muốn thế phải dựa trên cơ sở tiêm vắc xin, chuẩn bị đầy đủ thuốc, nhân lực, khả năng điều trị, đồng thời phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ nguyên tắc 5K và thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM “vẽ lại” bản đồ đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến tận tổ dân phố, khu phố và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng, yêu cầu, thời gian tới, TP.HCM cố gắng kiểm soát tốt dịch bệnh, dần mở lại các hoạt động để quay lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần “mở lại từng bước, chắc chắn, an toàn”.
Viện Kiểm định nói gì về lô Vero Cell có hàm lượng kháng nguyên khác với đăng ký lưu hành?
Tuổi Trẻ, ngày 15/9, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Cục Hải quan TP.HCM đề nghị lấy mẫu trưng cầu giám định tại cơ sở kiểm nghiệm vắc-xin của Bộ Y tế, về lô vắc-xin Vero Cell do hàm lượng hoạt chất trên giấy phép khác với phiếu kiểm nghiệm.
Theo văn bản này, Tổng cục Hải quan cho biết qua xem xét hồ sơ hải quan một số lô hàng vắc-xin COVID-19 Vero Cell, do Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn nhập khẩu theo giấy phép ngày 8/7 của Bộ Y tế, cơ quan này nhận thấy hàm lượng hoạt chất trên giấy phép 6,5 U kháng nguyên virus COVID-19 bất hoạt, nhưng trên phiếu kiểm nghiệm lô hàng, hàm lượng dao động 6,9 U, 7,2 U, 7,4 U…
Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế cho biết, chiều 16/9, lãnh đạo Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trả lời, theo đó, trên nhãn mỗi lọ vắc-xin Vero Cell ghi 13 U/1ml, mỗi lọ tiêm 2 liều, mỗi liều tiêm 0,5ml, tương đương mỗi liều có 6,5 U (đây chính là hàm lượng kháng nguyên).
“Theo tiêu chuẩn, hàm lượng kháng nguyên đăng ký của sản phẩm dao động trong khoảng từ 3,9 – 10,4 U/liều, do đó kết quả hàm lượng kháng nguyên của các lô vắc xin Vero Cell trên phiếu kiểm nghiệm có thể là 7,2 U; 7,4U; 7,8 U hoặc 6,9 U… và nằm trong khoảng cho phép trên là đều đạt yêu cầu”, nguồn thông tin kể trên cho biết.
Giãn cách kéo dài, vì sao TP.HCM vẫn có hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày?
Zing – Dù TP.HCM đã trải qua hơn 3 tuần tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội (từ 23/8 đến 15/9) nhưng số ca nhiễm vẫn ở mức cao, từ 4.000-6.000 ca mỗi ngày.
Lý giải điều này tại cuộc họp báo chiều 16/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua, TP thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng nên số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng.
Theo ông Nam, Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, xét nghiệm tối thiểu 2-3 vòng tại vùng nguy cơ nhằm bóc tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng.
Phát hiện virus COVID-19 trên bao bì thanh long Việt Nam, Trung Quốc tạm dừng thông quan
NLĐ – Phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu quả thanh long từ Việt Nam trong thời gian 7 ngày do phát hiện COVID-19 trên bao bì mặt hàng này.
Truyền thông trong nước dẫn tin từ Bộ Công thương cho biết, thông báo này do chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc đưa ra. Việc tạm dừng thông quan sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 21/9 sau đó sẽ đánh giá tiếp.
Hiện Trung Quốc là quốc gia duy nhất thường thông báo virus SARS-CoV-2, tên khoa học của virus gây ra đại dịch COVID-19, trên các bao bì thực phẩm.
Vào tháng 10 năm 2020, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu một nhà chế biến hải sản của Ecuador sau khi công bố phát hiện COVID-19 trên bao bì của một lô hải sản đông lạnh nhập khẩu.
Tối 17/9: Bộ Tài chính lên tiếng việc ngân sách hết tiền; Vụ bé gái 6 tuổi ở Hà Nội tử vong: Tạm giữ bố nạn nhân
Thêm 11.521 ca COVID-19; thêm 212 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Zing – Tổng số ca mắc mới trong ngày là 11.521 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 11.506 ca ghi nhận trong nước. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (326.795), Bình Dương (173.086), Đồng Nai (38.081), Long An (29.843), Tiền Giang (12.760). Số bệnh nhân tử vong là 212, trong đó, TP.HCM có 166 trường hợp. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.637 ca
Như vậy, theo thống kê kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 667.650 ca nhiễm. Trong đó có 430.691 bệnh nhân đã được công bố khỏi COVID-19.
Bộ Tài chính lên tiếng chuyện ngân sách hết tiền
VnExpress – Theo Bộ Tài chính, dự phòng ngân sách trung ương đã chi hết và đang chờ bổ sung, chứ không phải “ngân sách gần như không còn đồng nào”.
Thông tin này được Bộ Tài chính đưa ra trong thông cáo báo chí phát đi trưa 17/9, nhằm làm rõ hơn cho phát biểu “ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào” của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9.
Tại phiên họp này, khi được đề nghị dùng ngân sách bổ sung giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp các chi phí phòng, chống dịch bệnh khi duy trì sản xuất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu nhưng chia sẻ thêm rằng ngân sách hiện rất khó khăn, “ngân sách trung ương dự phòng gần như không còn đồng nào”.
Giải thích rõ hơn việc này, Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay, trung ương đã trích 10.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch và chi 5.100 tỷ đồng mua vaccine phòng COVID-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang. Hiện nay khoản dự phòng này gần như đã chi hết 17.500 tỷ đồng. Nhưng đồng thời, ngân sách vẫn còn khoản tiết kiệm từ chi thường xuyên, khoảng 14.620 tỷ đồng, đang trình và chờ Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh dự toán, để chi khoản này “chứ không phải ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào”, Bộ Tài chính cho hay.
Vụ bé gái 6 tuổi ở Hà Nội tử vong: Tạm giữ bố nạn nhân
Thanh Niên – Theo báo cáo của UBND Q.Bắc Từ Liêm, trong giờ học trực tuyến tối 16/9, thấy cháu L.H.A (6 tuổi, học lớp 1 Trường tiểu học Xuân Đỉnh, P.Xuân Đỉnh) không vào học, cô giáo đã liên hệ cho gia đình thì được biết cháu đã tử vong.
Sau đó, khoảng 16 giờ cùng ngày, mẹ cháu A. cho con ăn một bát cháo và uống một viên Paradol thì cháu bị nôn nhiều nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu.
Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thì các bác sĩ xác định cháu đã tử vong trước khi đưa vào cấp cứu, trên người có dấu hiệu bị bạo hành.
Qua làm việc, bố bé gái 6 tuổi tử vong ở Hà Nội thừa nhận đã đánh con. Công an đang tạm giữ người này để làm rõ vụ việc.
Một quận ở TP.HCM ‘bình thường mới’: Nhiều người đến ngân hàng, đi mua điện thoại
NLĐ – Những ngày đầu thực hiện trạng thái “bình thường mới”, người dân quận 7 có “thẻ xanh Covid-19” có thể dễ dàng mua sắm, sử dụng các dịch vụ như ngân hàng, sửa chữa thiết bị, máy móc.
Ghi nhận tại quận 7 trong sáng 17/9, ngày thứ 3 địa phương này thí điểm “bình thường mới”, nhiều cơ sở dịch vụ, cửa hàng đã mở cửa trở lại. Đường phố cũng bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp.
Tại một số ngân hàng, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa thiết bị điện tử, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thuốc men, nhiều người đến mua sắm, sử dụng dịch vụ.
Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh này đều đã được cấp phép hoạt động trở lại, bảo đảm các yêu cầu như: người lao động tại cơ sở phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, tuân thủ 5K.
Xóm trọ, người dân ôm bụng rỗng nhiều ngày, chật vật mong hỗ trợ
Vietnamnet – Một trận mưa lớn khiến cả đêm xóm trọ ở khu phố 8, phường Linh Đông (thành phố Thủ Đức) mất ngủ. Nước ngập vào nhà lênh láng, sau khi rút đi để lại bùn đất bẩn thỉu và nỗi buồn bã, lo lắng cho những người lao động nghèo. Xóm trọ gần 30 hộ dân, tất cả đều đang rơi vào bế tắc khi không thể đi làm, không có thu nhập, nhiều hộ thậm chí không còn tiền để ăn, nhiều ngày ôm bụng rỗng.
Anh Thanh Sang (trọ ở Thủ Đức) sống cùng người mẹ già ngoài 70 tuổi, đã nợ tiền nhà gần 2 tháng nay. TP.HCM giãn cách gần 4 tháng cũng là 4 tháng anh thất nghiệp, hai mẹ con sống tằn tiện bằng những đồng tiền ít ỏi cuối cùng và nhờ tấm lòng của mọi người xung quanh. Thế nhưng ở thời điểm dịch bệnh, ai cũng khốn khổ, chẳng có thể giúp nhau được nhiều.
Ở không được, về quê cũng không xong, điều duy nhất họ cảm thấy an ủi là chủ trọ tốt bụng cho hoãn tiền nhà. Trong xóm, có nhiều trẻ nhỏ và có cả bà bầu đang chật vật sắp đến ngày sinh nở.
Phản ánh đến báo chí, anh Sang chỉ tha thiết mong được hỗ trợ chút lương thực, thực phẩm giúp đỡ mình và bà con nơi đây vượt qua khó khăn này.
Chuyên gia nói về việc COVID-19 bám trên bao bì đựng quả thanh long bị Trung Quốc trả lại
NLĐ – Liên quan đến việc Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long tại cửa khẩu Quảng Ninh do phát hiện COVID-192 trên bao bì và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam, ngày 17/9, chuyên gia y tế đã phân tích thêm về nguy cơ COVID-19 có thể tồn tại trên bề mặt nông sản, thực phẩm và các loại hàng hoá.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho biết COVID-19 có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc gần do hít phải giọt bắn có chứa virus của người bệnh. Đồng thời, cũng có thể lây nhiễm qua cơ chế tiếp xúc bàn tay với bề mặt của các vật dụng có chứa COVID-19.
Với sản phẩm thanh long, vị chuyên gia này cho rằng cũng không loại trừ người vận chuyển mang virus trong quá trình tiếp xúc với sản phẩm đã khiến mầm bệnh bám trên bề mặt.
Ngày 16/9, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này vừa nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (tỉnh Quảng Ninh).
Việc tạm dừng thông quan mặt hàng thanh long sẽ kéo dài 7 ngày, từ ngày 15 đến ngày 21/9 do phát hiện COVID-19 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Đông Hưng, sau 23 giờ ngày 21-9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện COVID-19 trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.