Tin Trong Nước – 17/12/21
Bão Rai vào Biển Đông, miền Trung hối hả ứng phó
VnExpress – Chiều 17/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão Rai đã vượt qua phía bắc đảo Palaoan (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 9 trên khu vực này.
Lúc 16h, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 500km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 165km/h, cấp 14, giật cấp 17.
Đêm nay và ngày mai (17/12), bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25km/h. Đến 16h ngày 18/12, tâm bão nằm trên phía bắc quần đảo Trường Sa, sức gió mạnh nhất 165 km/h, cấp 13-14, giật cấp 17.
Đến 16h ngày 19/12, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định – Khánh Hòa, sức gió mạnh nhất 135km/h, cấp 12, giật tăng ba cấp.
Hôm nay, các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã yêu cầu tàu không xuất bến khi bão Rai diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Các tàu trên biển được kêu gọi vào bờ, tìm nơi trú bão.
Thêm 15.236 ca nhiễm, tổng số ca vượt 1,5 triệu
VnExpress
– Trong 15.236 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 17/12 có 15.215 ca ở 59
tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 vượt 1,5 triệu;
246 ca tử vong đưa tổng số tử vong lên hơn 29.000.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 492.650 ca, Bình Dương 288.763, Đồng Nai 94.192, Tây Ninh 62.132, Long An 39.537 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.508.473 ca nhiễm.
Tài xế khóc ròng chờ thông quan sang Trung Quốc
Thanh Niên – Tính đến chiều 16/12, lượng xe container chở nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu chờ thông quan qua Trung Quốc khoảng 4.600 xe. Trong đó có hàng ngàn container chở thanh long của Bình Thuận đang ‘chết cứng’ ở các bãi xe cửa khẩu Lạng Sơn chờ được thông quan khiến trái thanh long hư hỏng, thiệt hại rất lớn.
Xe chở thanh long của anh Nguyễn Văn Hiền, một chủ doanh nghiệp (DN)
vận tải ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận) hiện có 7 chiếc đầu kéo đang ‘chết
cứng’ tại Lạng Sơn do không thông quan được qua Trung Quốc.
Theo anh Hiền, hiện nay chỉ còn cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Bắc
Luân còn thông quan nhưng rất chậm, các cửa khẩu khác đều ngưng vì Trung
Quốc siết hoạt động cửa khẩu để chống dịch Covid-19.
Anh Hiền cho biết, bây giờ là mùa cao điểm vận chuyển thanh long trái
vụ sang Trung Quốc để phục vụ dịp cuối năm. Tuy nhiên do các cửa khẩu
giáp biên phía Trung Quốc liên tục ngừng thông quan, khiến cho mỗi
chuyến xe của công ty anh bị kéo dài thời gian nằm bãi tại biên giới.
“Mất gần 15 ngày mới thông quan được 2 xe thanh long. Khi xe qua khỏi
cầu Bắc Luân, chủ bãi phía Trung Quốc ‘ăn’ mất gần 60 triệu
đồng/container (tiền chạy máy lạnh, kho bãi, test Covid-19), trong khi
tiền vận chuyển chủ hàng trả cho mình chỉ 80 triệu đồng/container. Đã
vậy, khi kiểm hàng, mỗi container mất hết 5 tấn hàng bị hư hỏng do để
quá lâu. Nếu chủ hàng bắt nhà xe chịu đền số hàng này thì chúng tôi lỗ
nặng”, anh Hiền ngao ngán.
Còn ông N.V.K. ở H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho hay DN của ông có
13 xe container vận chuyển thanh long đi Trung Quốc hiện đang nằm ‘chết
cứng’ ở bãi xe Bảo Nguyên (cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn). “Cho đến nay,
đã 20 ngày rồi nhưng xe vẫn chưa thông quan được, thật là tiến thoái
lưỡng ”, ông K. nói.
Để tránh hư hỏng thanh long, mỗi đầu kéo phải chạy máy lạnh ít nhất
12 giờ/ngày; mỗi giờ hết 4 lít dầu, trong khi các xe bồn cung cấp dầu
tận xe tính với giá 25.000 đồng/lít (giá gốc 17.000 đồng/lít), tiền ăn
uống cho tài xế 500.000 đồng/người/ngày. “Chi phí tăng thêm mấy chục
triệu/ngày cho tài xế và 13 đầu xe nhưng vẫn không biết khi nào mới được
thông quan để giao hàng cho khách hàng phía Trung Quốc”, ông N.V.K.
than thở.
Nông sản Trung Quốc tràn chợ Việt
Tuoitre
– Nhiều loại nông sản Trung Quốc được nhập về rồi được người bán gắn
mác nông sản Việt như khoai tây Đà Lạt, nho xanh Ninh Thuận cho đến các
loại nông sản phổ biến khác như cà rốt, hành tây… để qua mặt người tiêu
dùng, tăng lợi nhuận.
Trong khi nông sản Việt Nam xuất khẩu sang
Trung Quốc đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, nhiều loại nông sản
giá rẻ Trung Quốc được nhập về khá nhiều, đặc biệt các sản phẩm tiêu
dùng nhiều vào dịp Tết như đồ khô, rau củ quả… đang chiếm sóng từ chợ
trời đến chợ mạng.
Nhập nhằng nguồn gốc
Thời gian gần đây, trên các sàn thương mại điện tử thường xuyên quảng
cáo các sản phẩm nho xanh khô Ninh Thuận không hạt với giá chỉ 60.000 –
90.000 đồng/kg. Tại nhiều diễn đàn, hàng loạt thành viên quảng cáo chắc
nịch “xả hàng nho khô Ninh Thuận, nho khô Mỹ…” với giá 50.000 – 80.000
đồng/kg thu hút nhiều người mua.
Bà Phạm Hữu Nhật Kha – người trồng nho tại Ninh Thuận cho biết đã đặt
mua sản phẩm nho khô trên các sàn thương mại điện tử… và được người bán
cam kết hàng Ninh Thuận và sản phẩm không có hạt. Tuy nhiên, hầu hết
nho trồng tại Ninh Thuận là giống có hạt, vị thường hơi chua chứ không
có vị ngọt gắt, vỏ mỏng và không hạt như nho xanh Trung Quốc.
Theo bà Trần Ái Như – đại diện Công ty Ba Mọi (Ninh Thuận), giá nho
xanh Ninh Thuận đang được nhiều nhà vườn bán ra từ 60.000 – 70.000
đồng/kg tùy loại, thấp nhất cũng trên 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, cần
5-8kg nho tươi loại đẹp mới cho ra 1kg nho sấy khô.
“Do đó, nho xanh Ninh Thuận sấy khô luôn có giá từ 200.000 đồng/kg
trở lên, còn nho không hạt sấy khô giá rẻ nhiều khả năng là hàng Trung
Quốc” – bà Như nhận định.
Nhiều sản phẩm mứt kiwi cũng được giới thiệu là hàng Việt với giá chỉ
60.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại nhưng các doanh nghiệp cho rằng loại
quả này không thể trồng trong nước. Không chỉ “đội lốt” hàng Việt, các
loại trái cây như nho và táo Trung Quốc cũng được “hô biến” thành hàng
Mỹ, Úc… dù giá mua vào chênh lệch một trời một vực.
Thường xuyên mua hàng tại chợ đầu mối, ông Việt – chủ cửa hàng
rau củ (Bình Thạnh, TP.HCM) – thừa nhận khoảng 70% cà rốt, khoai tây,
hành tây… ông đang bán là hàng Trung Quốc nhưng khi giới thiệu với người
mua phải nói hàng Đà Lạt.
“Mùi vị thường không khác biệt nhiều nhưng
do tâm lý người dân e ngại hàng Trung Quốc nên khi bán mình phải giới
thiệu hàng Việt” – ông Việt nói.
4 quy định người dùng ô tô cần thực hiện trước 31/12/2021 để tránh bị phạt
Thanh Niên – 1, Hạn cuối để sang tên xe cũ qua nhiều đời chủ không có giấy tờ.
2, Hạn cuối để xe kinh doanh vận tải đổi sang biển số màu vàng.
3, Hết hạn giảm phí sử dụng đường bộ.
4, Xử phạt ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên không lắp camera giám sát.