Tin Trong Nước – 17/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 17/11/21

Nữ sinh vay tín dụng đen 10 triệu đồng đóng học, sau gần 1 năm nợ 300 triệu đồng

K14 – Vào ngày 15/11, trên fanpage chính thức của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã đăng tải thông tin cảnh báo sinh viên về việc vay “tín dụng đen”.

Cụ thể, chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường cho biết, nhà trường đã ghi nhận việc một nữ sinh viên năm hai, ngành Ngôn ngữ Anh, vướng vào “tín dụng đen”, dẫn đến số nợ lên tới 300 triệu đồng.

Trước đó, tháng 11/2020, nữ sinh viên làm mất 10 triệu đồng để đóng học phí. Không dám xin gia đình tiếp, cô đã vay tiền qua ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất cao, với ý định tiết kiệm chi tiêu và làm thêm để trả.

Cũng theo báo này, tới khi đáo hạn, do không đủ tiền trả nợ, nữ sinh viên đã vay thêm tiền ở các ứng dụng cho vay khác. Sau gần một năm, tiền cộng dồn cả gốc lẫn lãi tăng lên gấp 30 lần. Liên tục bị đòi tiền, bị đe dọa, cô đành thú thực với gia đình.

Chia sẻ cùng VnExpress, bà Thoa cũng cho hay: “Danh sách các khoản vay gia đình cung cấp cho thấy, em này vay tiền ở hàng chục ứng dụng khác nhau, lãi mẹ đẻ lãi con. Khi khoản này đến hạn trả tiền, không vay thêm được nữa thì em được giới thiệu ứng dụng khác, tất cả đều thuộc một đường dây”.

Ảnh tổng hợp.

Luật sư nêu ‘bất thường’ trong cáo buộc bà Dương Thị Bạch Diệp

VnExpress – Các luật sư bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng có nhiều mâu thuẫn, bất thường trong hợp đồng thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng cho ngân hàng.

Chiều 17/11, 6 luật sư của bà Dương Thị Bạch Diệp (tức Diệp Bạch Dương, nguyên giám đốc công ty cùng tên) bắt đầu bào chữa, tranh luận lại cáo buộc thân chủ gian dối trong việc sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng đang thế chấp ngân hàng để hoán đổi cho UBND TP HCM lấy 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ, cùng quận 3) nhằm chiếm đoạt.

Là người đầu tiên phát biểu, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc buộc tội bà Diệp là không đủ cơ sở. Bởi vấn đề mấu chốt xác định bà Diệp lừa đảo phải căn cứ vào nhà đất 57 Cao Thắng có thật sự được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp tại Agribank và được chứng thực tại Phòng công chứng số 1 vào ngày 31/12/2008 hay không.

Vấn đề này từng được tranh luận căng thẳng trong lần ra tòa hồi tháng 3 và HĐXX đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. VKSND Tối cao sau đó giữ nguyên quan điểm và cho rằng các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã làm rõ.

Tuy nhiên, luật sư Hoài cho rằng, các tài liệu chứng cứ và quá trình thẩm vấn tại tòa thể hiện hợp đồng thế chấp này có nhiều dấu hiệu bất thường. Tòa cần làm rõ việc công chứng hợp đồng thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng được thực hiện tại trụ sở Phòng Công chứng số 1 (số 97 Pasteur, quận 1) hay tại trụ sở Agribank HCM (số 2A Phó Đức Chính, quận 1).

Tại phiên toà ngày 24-25/3, ông Nguyễn Trí Hoà (đại diện Phòng Công chứng số 1) cho biết việc công chứng hợp đồng này được thực hiện tại trụ sở văn phòng. Ông này đồng thời còn cho rằng “bất cứ ai của Phòng công chứng số 1 cũng có thể nhìn thấy bà Diệp đến phòng công chứng ngày hôm đó”. Tuy nhiên, bà Diệp đưa ra chứng cứ hôm đó bà đi Quy Nhơn.

Điều này cũng mâu thuẫn với tài liệu được kiểm sát viên Trịnh Thị Lan Anh và điều tra viên Bùi Ngọc Linh đã lập biên bản ghi lời khai (ngày 10/10/2020) đối với bà Vũ Thị Tuyết Cẩm – nguyên Phó phòng tín dụng Agribank HCM.

Cụ thể, luật sư Hoài trích dẫn lời khai của bà Cẩm thể hiện đã cùng đoàn thẩm định của Agribank nhiều lần đến thực địa tại Công ty và từng tài sản trước khi ký hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng và các tài sản khác đảm bảo cho khoản vay 67.000 lượng vàng tại Agribank HCM.

“Sau khi bà Diệp thống nhất thế chấp toàn bộ tài sản tại Agribank thì tôi soạn hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng theo mẫu của ngân hàng nông nghiệp, cùng với Công chứng viên thuộc Phòng công chứng số 1, TP HCM và Công ty Dương Bạch Diệp do bà Dương Thị Bạch Diệp đại diện ký hợp đồng thế chấp tại Phòng tín dụng Agribank HCM trong giờ làm việc”, lời khai của bà Cẩm được luật sư Hoài trích dẫn.

Từ đó, luật sư Hoài nói, hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng giữa bà Diệp và Agribank bị coi là vô hiệu vì vi phạm Luật Công chứng 2006.

Ngoài ra, luật sư Hoài cùng các luật sư bào chữa cho bà Diệp cũng cho rằng có nhiều bất thường khác. Nếu coi tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp cho Agribank từ 31/12/2008, tại sao trong quá trình hoán đổi, Công ty Diệp Bạch Dương đã xin giấy phép xây dựng, xây dựng các hạng mục công trình Trung tâm Ca nhạc nhẹ hiện đại tại 57 Cao Thắng nhưng Agribank không có ý kiến phản đối, ngăn chặn gì đối với tài sản bị coi là đã thế chấp.

“Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã mâu thuẫn trong nhìn nhận và đánh giá chứng cứ”, luật sư Hoài nói, thêm rằng cáo trạng cũng như ý kiến kết luận của đại diện VKS tại toà luôn phủ nhận sự mâu thuẫn, không phù hợp trong lời khai của bà Diệp. Thậm chí, VKS khẳng định bà Diệp gian dối, cố tình thực hiện hành vi chiếm đoạt đến cùng, nhưng lại bỏ qua các yếu tố mâu thuẫn, còn sai lệch của quá trình thực hiện công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo và cập nhật biến động đối với tài sản 57 Cao Thắng.

“Điều này là trái với nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”, luật sư Hoài nêu quan điểm và cho rằng thân chủ không phạm tội như cáo buộc.

Chuyên gia: ‘Quy định cách ly 7 ngày người đến từ TP.HCM là thừa thãi’

Zing – Trong công điện mới nhất của Chủ tịch TP. Hà Nội về việc điều chỉnh một số quy trình tiếp nhận, cách ly F1 và người về từ vùng dịch, TP đặt ra thêm một số yêu cầu riêng đối với người về từ các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Cụ thể, người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh từ những địa phương trên phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày thay vì tự theo dõi sức khỏe như hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc xét nghiệm được thực hiện 2 lần vào ngày đầu tiên và thứ 7. Người chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong một tuần tiếp theo.

Quy định mới của Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ. Văn bản được ban hành lúc 18h30 ngày 16/11 và áp dụng từ ngày 17/11. Người dân có chưa đầy 6 giờ để “thích ứng” với quy định mới.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho rằng người dân đã rất mong chờ sự cởi mở, rõ ràng trong các quy định mới của Hà Nội khi cả nước bước vào chiến dịch thích ứng an toàn với dịch bệnh. Nhưng trong văn bản tối qua, TP đang khiến người dân bối rối hơn.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, chính sách cách ly, tiếp nhận người từ các địa phương đã được Chính phủ, Bộ Y tế ra văn bản quy định, hướng dẫn rất chi tiết. Người về từ vùng dịch cấp 3, 4 được tiêm chủng đủ chỉ tự theo dõi sức khỏe. Theo bà Thu Anh, quy định mà Hà Nội đặt ra thêm là thừa thãi.

Hàng loạt hành khách hủy vé máy bay đến Hà Nội vì chính sách cách ly

Sáng 17/11, đại diện 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo đều bày tỏ lo ngại quy định trên sẽ ảnh hưởng đến quyết định đến Hà Nội của hành khách, đặc biệt là những người chỉ đến thủ đô để công tác thay vì có nhà ở đó.

“Khả năng tăng tần suất chuyến bay đến Hà Nội trong thời gian sắp tới là khó”, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ với Zing.

Số hành khách hủy vé máy bay đi Hà Nội tăng đột biến sau khi UBND Hà Nội ra công điện khẩn vào chiều tối 16/11, yêu cầu người tới từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh có nguy cơ cao phải tự cách ly 7 ngày ở nơi cư trú.

“Cả đêm qua tôi thức để giải quyết yêu cầu hủy vé máy bay cho khách”, chị Ngọc Anh, chủ đại lý vé máy bay tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), phàn nàn với phóng viên. Hành khách của chị có người mất đến hơn 4 triệu đồng vì hủy vé khứ hồi chuyến bay TP.HCM – Hà Nội ngày 17/11.

Do khách mua hạng vé không được hoàn tiền hay bảo lưu, chị Ngọc Anh đành lên các hội nhóm sang nhượng vé máy bay để giúp khách bán lại vé. Tuy nhiên, điều khiến chị bất ngờ là trên nhóm cũng có rất nhiều người đang rao bán lại vé giống mình.

Thêm 9.849 ca COVID-19

VnExpress – Trong 9.849 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 17/11 có 9.839 ca ở 56 tỉnh thành, tăng 198 ca so với hôm qua.

Trong ngày ghi nhận 67 ca tử vong riêng TP.HCM 26 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 82. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 23.337 ca.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 451.113 ca, Bình Dương 245.321, Đồng Nai 79.926, Long An 36.925, Tiền Giang 21.951. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.055.246 ca nhiễm.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-17-11-luat-su-neu-bat-thuong-trong-cao-buoc-ba-duong-thi-bach-diep-quy-dinh-cach-ly-7-ngay-nguoi-den-tu-tp-hcm-la-thua-thai.html