Tin Trong Nước – 17/10/21
Sáng 17/10, nhiều người về từ vùng dịch thành F0, ủ bệnh 8-10 ngày
Sau 15 ngày đón người dân về từ vùng dịch, Đồng Tháp ghi nhận 570 ca nhiễm COVID-19. Đáng lo là nhiều trường hợp sau khi trở về được xét nghiệm, cách ly sau 8 đến 10 ngày thì mắc COVID-19, theo Dân trí.
Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, khi thực hiện nới lỏng giãn cách và bà con về với số lượng rất lớn thì nằm trong dự đoán sẽ có việc bùng phát sự lây lan, khó kiểm dịch. Do đó các địa phương phải chú ý kiểm dịch thật tốt để ngăn chặn sự phát sinh các ổ dịch.
Đến sáng 16/10, toàn tỉnh Đồng Tháp có 9.145 ca nhiễm COVID-19, 220 trường hợp tử vong, gần 800 bệnh nhân đang được điều trị.
Trong khi đó CDC Nghệ An cho biết, trong ngày 16/10, địa phương này ghi nhận 15 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 13 trường hợp là công dân trở về từ các tỉnh có dịch phía Nam, 2 trường hợp là F1 của 2 ca cộng đồng tại thành phố Vinh. Tất cả các mắc COVID-19 mới đều đã được cách ly từ trước.
Tại Thanh Hóa: Trong 24h qua ghi nhận 41 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 8 trường hợp là công dân Thanh Hóa từ các tỉnh khác trở về, đang thực hiện cách ly theo quy định còn lại là trường hợp liên quan đến ổ dịch thị xã Bỉm Sơn.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 636 ca mắc, 488 người điều trị khỏi ra viện, 5 ca tử vong, số bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.
Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, trong ngày 16/10, địa phương này chỉ ghi nhận 2 ca mắc, đều về từ các tỉnh phía Nam.
Các trường hợp F0 đã được đưa vào các cơ sở điều trị COVID-19 của Quảng Bình. Hiện CDC Quảng Bình đang tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan.
Trong ngày 16/10, tỉnh Quảng Trị ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là người về từ phía Nam. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay địa phương có 399 trường hợp mắc COVID-19, đang điều trị 193 trường hợp.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 860.860 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 8.743 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 856.197 ca, trong đó có 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
https://www.dkn.tv/doi-song/sang-17-10-nhieu-nguoi-ve-tu-vung-dich-thanh-f0-u-benh-8-10-ngay.html
Miền Trung mưa to gió lớn, 2 người mất tích, cây đổ đè trúng người đi đường ở Huế
Sáng 17/10, đại diện Trung tâm công viên cây xanh Thừa Thiên Huế cho biết đã đưa nam thanh niên không may bị cây đổ đè trúng người nhập viện cấp cứu, theo Tuổi trẻ.
Trước đó, người dân ở xã Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) cũng báo chính quyền địa phương 2 vợ chồng ngư dân đánh cá trên sông Bồ nghi bị nước cuốn mất tích.
Lực lượng chức năng đã tìm kiếm và phát hiện chiếc ghe, hiện việc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, dự báo từ nay đến ngày 19-10 trên địa bàn có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500mm, có nơi trên 700mm.
Do mưa lớn khiến một số nơi ở TP Huế, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang… xuất hiện ngập lụt cục bộ.
Còn tại TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, Quảng Nam, từ sáng sớm nay, mưa rất to kèm gió lớn. Nhiều khu vực nước tràn ngập, chảy xiết. Đến 8h15, dù mưa đã ngớt nhưng gió vẫn còn rất mạnh.
Tại huyện Phước Sơn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến sông Nước Mét cuồn cuộn, người dân phải sơ tán, di dời ra khỏi những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Theo dự báo, sáng sớm nay, một vùng áp thấp có tâm ở gần bờ khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng gây mưa rất to và gió giật cấp 6, có nơi giật cấp 8.
Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp dải hội tụ nhiệt đới khu vực phía nam Trung Trung Bộ nối vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông nên có mưa to, mưa rất to phổ biến 100 – 250mm, có nơi trên 300mm.
Hiện mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh. Lúc 5h sáng nay tại Hội Khách 13,52m, dưới báo động I 0,98m, tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) 6,75m, trên báo động I 0,25m. Dự báo trong 6 – 12 giờ tới lũ trên sông Thu Bồn có khả năng lên mức báo động I đến trên báo động I.
Cũng trong sáng cùng ngày, Vietnamnet đưa tin, lốc xoáy ở Quảng Ngãi khiến 45 ngôi nhà bị tốc mái.
“Trận lốc xoáy diễn ra giữa đêm khi mọi người đang ngủ, rất may người dân chạy kịp nên không có thiệt hại về người”, một lãnh đạo địa phương cho biết.
Rừng phòng bị phá nát, kiểm lâm huyện nói dân, chủ tịch xã khẳng định lâm tặc
Hiểu Minh | DKN một giờ trước 156 lượt xem
Rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) với những cây gỗ lớn cả trăm năm tuổi đang bị triệt hạ trái phép với quy mô lớn, nhưng các nhà chức trách ở nơi này không bắt được thủ phạm.
PV báo Thanh Niên cho biết, tại hiện trường có nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm rải rác. Vào sâu trong rừng, hàng loạt cây gỗ lớn bị cưa hạ không thương tiếc, có cây đường kính lên đến 1m.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch xã Sơn Long, xác nhận thời gian trước, lâm tặc công khai xâm hại rừng. Sau khi bị chính quyền, ngành chức năng truy quét, lâm tặc đã chuyển sang khai thác vào ban đêm. Thường thì từ khoảng 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau, lâm tặc mới vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng xe máy độ chế. Lực lượng của xã nhiều lần mật phục, truy bắt nhưng hầu như khó bắt được thủ phạm vì họ bỏ chạy… quá nhanh.
Còn ông Trương Quang Học, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây cho rằng, việc khai thác gỗ ở rừng phòng hộ xã Sơn Long là do người dân khai thác về làm nhà, làm chuồng trại gia súc, chứ không phải lâm tặc khai thác có tổ chức.
Ông Học nói hằng tháng hạt vẫn thường xuyên tổ chức đi kiểm tra rừng trên địa bàn xã Sơn Long, kể cả ban đêm. Theo ông Học, từ đầu năm 2021 đến nay, hạt đã phát hiện 23 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm luật, đã xử lý 4 vụ với 4 đối tượng phá rừng, tịch thu hơn 24m3 gỗ xẻ và hơn 3,6m3 gỗ tròn.
Trong khi ông Học nói do dân phá rừng lấy gỗ về làm nhà, làm chuồng trại gia súc, thì Chủ tịch xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt lại nói khác: “Thông thường, khoảng 2 – 3 giờ sáng là có xe chở gỗ trên đường, mà giờ đó thì chỉ có lâm tặc, vì nếu người dân có chặt vài cây về làm nhà, sửa chuồng gia súc thì không ai lén lút như vậy”.
Quan sát địa hình, PV thấy chỉ có một đường mòn duy nhất từ rừng ra đến bên ngoài, nhưng không hiểu sao chính quyền và ngành chức năng không ngăn chặn được lâm tặc vận chuyển gỗ? Ông Vượt giải thích: “Khi chính quyền đưa người ra ngăn chặn, lâm tặc chở gỗ bằng xe máy chạy hết ga, hết số, không ai dám cản lại vì sợ nguy hiểm”. Còn ông Học thì thừa nhận, khi kiểm lâm đi tuần tra, mật phục trong rừng thường bị các đối tượng phát hiện nên việc truy quét rất khó khăn.