Tin Trong Nước – 16/10/21
Tin sáng 16/10: Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương không đưa ra quy định riêng; 27 địa phương mở lại xe khách liên tỉnh
Phó thủ tướng yêu cầu mỗi địa phương không đưa ra quy định riêng
Tuổi Trẻ – Chiều 15/10, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, vừa qua có lúc, có địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa. Nghị quyết 128 của Chính phủ mới ban hành nêu biện pháp chung trong toàn thể quốc gia.
Thủ tướng đã nhấn mạnh không phải mỗi địa phương đưa ra mỗi quy định riêng, mà thực hiện quy định chung trên toàn quốc. Đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm.
“Trên cơ sở quy định nghị quyết 128 và văn bản 4800, chúng tôi rà soát, cập nhật, cụ thể hóa và cố gắng ban hành quy định mới trong một vài ngày tới thay thế những cái cũ để phù hợp chỉ đạo chung của Chính phủ, làm cơ sở cho các tỉnh và Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Với đầu mối giao thông hết sức quan trọng như Hà Nội, ông Thọ cho biết Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc trực tiếp với UBND TP. Hà Nội để thống nhất phục hồi vận tải. Việc thống nhất dựa trên cơ sở nghị quyết 128 và văn bản 4800 để tháo gỡ càng sớm càng tốt.
27 địa phương mở lại xe khách liên tỉnh
VnExpress – Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến chiều 15/10, 27 địa phương chấp thuận phương án hoạt động trở lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, TP HCM, Long An, Đăk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đăk Lăk, Nam Định, Bình Dương.
Ngoài ra, 11 Sở giao thông vận tải đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến, gồm: Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hậu Giang.
Hà Nội dừng kiểm tra phương tiện ở 22 chốt cửa ngõ
VnExpress – Sau ba tháng lập 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ thủ đô, thành phố Hà Nội dừng kiểm tra người và phương tiện lưu thông qua các vị trí này.
22 chốt cửa ngõ Hà Nội lập từ 14/7 tại các tuyến đường: Từ Hà Nam về Hà Nội tuyến quốc lộ 1A, 1B; từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội theo tuyến quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn; từ Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội.
Tối 15/10, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội cho hay, tại các vị trí chốt trực, lực lượng cảnh sát duy trì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các tình huống phát sinh, tuy nhiên không kiểm tra người và phương tiện đi qua chốt.
Ghi nhận trong ngày 15/10, phương tiện và người dân vào thành phố không phải trình giấy xét nghiệm COVID-19 tại các chốt cửa ngõ.
Doanh nghiệp du lịch than thở vì ‘đi đâu cũng xét nghiệm, cách ly’
Zing – Ngày 15/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19”. Chủ đề đồng thời là mong muốn của doanh nghiệp, song họ bày tỏ nhiều trăn trở khi việc triển khai chính sách chưa thống nhất.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel chia sẻ, nếu để các địa phương mỗi nơi một chính sách, việc triển khai sẽ rất khó khăn.
“An toàn là điều kiện ưu tiên số 1, nhưng hiện nay thủ tục hành chính giữa các địa phương cũng rất nhiều, giữa các vùng đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm. Nếu vẫn duy trì thế này, rõ ràng du lịch không thể phát triển”, bà Hương nêu quan điểm.
Theo bà, không phải cứ đến từ vùng dịch là phải cách ly hết. Việc này cần có ý kiến của Tổng cục Du lịch gửi đến địa phương để kích cầu du lịch, tránh tình trạng mỗi nơi một chính sách.
“Chúng tôi đề nghị không cần cách ly y tế. Việc này phải triển khai nhanh và gấp chứ tất cả đều chỉ nói mà chưa ra được văn bản có ngày tháng cụ thể, có thời hạn để địa phương nhìn vào và thực hiện”, đại diện Viettravel kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE, nhận định theo Nghị quyết 128, hầu hết địa phương biến chuyển rất nhanh, nhưng cũng có nơi chuyển biến chậm.
“Nếu mở cửa, khách không đi được thì làm sao phát triển du lịch”, ông Đức Anh băn khoăn. Theo ông, chừng nào vẫn quy định ranh giới, vùng này vùng kia, thì chừng đó du lịch không thể phát triển.
Hà Nội sắp đón đợt rét đầu tiên, miền Trung mưa rất lớn
VTC -Chiều 15/10, thông tin với báo chí về dự báo tình hình thời tiết trong những ngày tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, theo dự báo hiện tại không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Trong hôm nay, 1 đến 2 ngày tới, không khí lạnh sẽ tiếp tục tăng cường xuống phía Bắc. Dưới tác động của không khí lạnh, mưa ở Hà Nội cũng như khu vực Bắc Bộ sẽ giảm dần.
Hà Nội sẽ cảm nhận được cái rét về đêm và sáng trong các ngày 16, 17 và 18/10. Đây là đợt rét đầu tiên của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trong mùa đông năm nay.
Dự báo về đợt mưa lũ ở các tỉnh miền Trung trong những ngày tới, ông Hưởng cho biết, khả năng sẽ xuất hiện một tổ hợp thời tiết gồm không khí lạnh, giải hội tụ nhiệt đới và vùng xoáy thấp ở Biển Đông khả năng di chuyển vào.
Tổ hợp này sẽ gây ra mưa rất lớn ở các tỉnh từ Nghệ An trở vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Kon Tum. Trong đó, trọng tâm mưa là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa sẽ dồn dập trong khoảng thời gian từ ngày 16, 17 và đêm 18/10.
Tin tối 16/10: Người dân bị làm khó khi đón thân nhân ở sân bay, ga tàu; Hoàn lưu bão số 8 gây nhiều thiệt hại tại Yên Bái
Thêm 3.221 ca COVID-19
Tính từ 17h ngày 15/10 đến 17h ngày 16/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.221 ca nhiễm mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 860.860 ca nhiễm. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới là 856.197 ca, trong đó có 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (416.665), Bình Dương (224.877), Đồng Nai (58.105), Long An (33.684), Tiền Giang (14.965).
Trong ngày ghi nhận 88 ca tử vong, riêng TP.HCM 58, Bình Dương 11. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 21.131 ca.
Hoàn lưu bão số 8 gây nhiều thiệt hại tại Yên Bái
TTXVN – Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 16h ngày 16/10, hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn làm ảnh hưởng tới 64 ngôi nhà ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, trong đó có 9 nhà phải di dời người và tài sản, 55 nhà bị sạt lở taluy. Về nông nghiệp, trên 56 ha ngô, rau màu bị ngập úng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết.
Mưa lớn cũng làm một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị sạt lở, đường Quốc lộ 32 tại km263+550 bị sạt lở khoảng 1.260 m3 đất đá; tỉnh lộ 174 từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu bị sạt lở 3 điểm tại Km21, Km17+500 và Km11; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị ngập úng cục bộ. Hiện các tuyến đường đã được khắc phục, đảm bảo cho các phương tiên lưu thông.
Về công trình công cộng, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh bị sạt lở tường rào; Trường Mầm non thôn Tà Tầu, xã Pá Hu (Trạm Tấu) bị sạt taluy dương khoảng 15m3… Ước thiệt hại do hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái khoảng 1,2 tỷ đồng.
Thông tin ca sĩ Thủy Tiên bị bắt là sai sự thật
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin ca sĩ Thủy Tiên bị bắt vì liên quan hoạt động từ thiện. Chia sẻ với Zing vào chiều 16/10, nguồn tin từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết nội dung trên là sai sự thật.
“Vụ việc đang được cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Đến thời điểm này, thông tin Thủy Tiên bị bắt là không đúng”, nguồn tin xác nhận và cho biết việc điều tra được diễn ra công tâm, khách quan. Tất cả biện pháp công an thực hiện đều đúng theo quy định pháp luật và sẽ sớm có kết luận đúng, sai.
Hai ngày qua, hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên cùng chồng là danh thủ Công Vinh đi cùng cảnh sát được chia sẻ trên mạng xã hội. Một số người cho rằng cặp đôi này đã bị bắt.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng sau đó tìm được một bức ảnh có bối cảnh tương tự, chỉ khác khuôn mặt của 2 nhân vật bị cảnh sát áp giải. Từ đó, nhiều người nghi ngờ bức hình Công Vinh – Thủy Tiên đã được photoshop.
Người dân bị làm khó khi đón thân nhân ở sân bay, ga tàu
VnExpress – Ông Nguyễn ở xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, phản ánh ngày 15/10 ông dùng ôtô cá nhân đến sân bay Thọ Xuân đón con trở về từ TP.HCM. Khi đến nơi, ông bị chốt kiểm soát tại sân bay Thọ Xuân không cho vào chở người, lý do đảm bảo phòng chống COVID-19. “Họ không cho dùng xe riêng đón người thân mà yêu cầu con tôi đi taxi được đăng ký tại sân bay để về nhà…”, ông nói.
Những hành khách cùng chuyến bay, kể cả không có hộ khẩu tại Thanh Hóa hoặc muốn di chuyển sang tỉnh khác cũng phải tuân thủ quy định này. “Chúng tôi trực tiếp đưa đón người thân thì tại sao lại bảo không an toàn? Taxi đi khắp nơi liệu có đảm bảo phòng dịch…”, ông Nguyễn thắc mắc và cho hay đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, thực hiện nghiêm quy định 5K.
Một số khách phản ánh quy định buộc hành khách xuống sân bay đi taxi sẽ gây tốn kém vì nhiều gia đình ở quê không khá giả, một số người khác còn mất việc thời gian dài, gặp khó khăn mới phải hồi hương…
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa lý giải, việc yêu cầu hành khách đi phương tiện theo quy định tại sân bay Thọ Xuân nhằm phòng chống COVID-19. “Nếu khách đi xe gia đình sau đó không về thẳng địa phương khai báo y tế, cách ly mà di chuyển đâu đó thì rất khó kiểm soát…”, ông Tuấn nói.
Không riêng vận tải sân bay, hành khách uống ga tàu hỏa ở Thanh Hóa cũng bị người dân phàn nàn.
Anh Trọng, ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, phản ánh sáng 15/10 anh đi từ ga Hà Nội về ga Bỉm Sơn. Khi xuống tàu, anh được cán bộ nhà ga hướng dẫn “phải dùng xe theo giới thiệu hoặc tự gọi xe bên ngoài, song phương tiện phải có vách ngăn và trang bị điều kiện phòng dịch Covid-19”.
Anh Trọng không quen biết nhà xe nào tuân thủ quy định nêu trên nên sau đó phải dùng xe do phía nhà ga tư vấn. Chiếc xe anh sử dụng được trang bị như xe cấp cứu chuyên dụng, có vách ngăn, còi hụ… Theo anh Trọng, lái xe đã ép giá, ban đầu đòi giá 600.000-700.000 đồng cho hơn 10 km từ ga Bỉm Sơn về thị trấn Hà Trung. Sau khi trả giá nhiều lần, tài xế chấp nhận giảm còn một nửa.
Nước từ trường chữa COVID-19: Chuyên gia nói gì?
Dantri – Có thông tin rằng nước từ trường có thể hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 không bị cơn bão Cytokine tấn công, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng hoặc tử vong.
Ngày 16/10, tại TP.HCM đã diễn ra buổi hội thảo trực tuyến về giải pháp nâng cao sức khỏe, chống “cơn bão Cytokine” với bệnh nhân COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hội phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM cho biết, virus gây ra bệnh Covid-19 có độc tính rất cao. 90-95% bệnh nhân tử vong do cơn bão Cytokine – là tình trạng tăng cường giải phóng Cytokine (chất tiết của các tế bào bạch cầu và nội mô trong quá trình viêm) ở cơ thể bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn bão Cytokine, như do nhiễm trùng, nhiễm virus, dùng thuốc ung thư, thuốc chống ức chế miễn dịch..
Triệu chứng của cơn bão Cytokine là sốc nặng, suy đa cơ quan, tổn thương phổi, biểu hiện ở việc mạch nhanh, huyết áp cao, khó thở. Khó thở trong bão Cytokine rất khó điều trị, dù bệnh nhân có được đặt nội khí quản. Trước đây bão Cytokine ít được chú ý, nhưng từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, tình trạng này mới được quan tâm nhiều.
Thông tin thêm về cơn bão Cytokine trong Covid-19 đăng trên website chính thức của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, nhanh chóng nhân lên bên trong các tế bào. Hệ miễn dịch phát hiện và phản ứng lại bằng cách tạo ra cơn bão Cytokine để báo hiệu cho các tế bào miễn dịch, đồng thời tạo ra cơn bão gốc tự do để diệt virus.
Nước từ trường có thể chữa Covid-19?
Trong báo cáo khoa học “Ảnh hưởng sinh học của nước từ trường đối với con người và động vật” đăng trên tạp chí Khoa học Y sinh, đề cập đến việc nước từ trường (là nước có cấu trúc lục giác, giàu năng lượng từ tính sau khi đi qua một khu vực có từ trường) có thể ảnh hưởng hiệu quả đến sự cân bằng oxy hóa, chống oxy hóa của cơ thể, trung hòa gốc tự do dư thừa để chúng không còn gây hại cho cơ thể nữa.
Từ đó có ý kiến cho rằng, nước từ trường có thể hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tránh bị cơn bão Cytokine tấn công, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng hoặc tử vong.
Liên quan đến nhận định trên, PGS Nam chia sẻ, nước từ trường tốt ở khả năng làm sạch cơ thể. Tuy nhiên về việc có hỗ trợ điều trị Covid-19 hay không, ông cho rằng cần phải có thời gian nghiên cứu thêm.