Tin Trong Nước – 15/10/21
Tin sáng 15/10: Bất chấp đại dịch, TP.HCM thu ngân sách hơn 271.000 tỷ đồng; Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
Bất chấp đại dịch, TP.HCM thu ngân sách hơn 271.000 tỷ đồng
Thanhnien – Bất chấp ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tình trạng phong toả kéo dài khiến cuộc sống của hàng triệu người lao đao, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, một báo cáo mới công bố cho biết nền kinh tế TP.HCM vẫn có nhiều điểm sáng như thu ngân sách 9 tháng hơn 271.000 tỷ đồng (tăng gần 8% so với cùng kỳ), dịch vụ ngân hàng tăng trưởng, giá trị xuất khẩu ở Khu Công nghệ cao mang về hơn 16 tỷ đô la Mỹ (USD).
Báo Thanh Niên cho biết, thông tin này được đưa ra tại hội nghị Thành ủy TP.HCM hôm 14/10.
Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
VnExpress – Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới công bố, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết sau khi đạt kết quả tốt trong nửa đầu năm, GDP quý 3 năm nay suy giảm 6,2% (so với cùng kỳ năm trước), ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý.
Ngân hàng thế giới cho biết: “Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan”.
Ngân hàng thế giới đánh giá với GDP giảm sâu trong quý 3, và sự phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4 khi cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các hạn chế, GDP năm 2021 của Việt Nam hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2 % đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,8% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8 vừa qua.
Theo Ngân hàng thế giới, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Đất Sóc Sơn được rao bán rầm rộ sau thông tin quy hoạch lên thành phố
Khảo sát thực tế của phóng viên Tiền Phong cho thấy, vài ngày gần đây, tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất thổ cư, đất vườn, đất trang trại… xuất hiện la liệt dọc hai bên đường ở huyện Sóc Sơn, tập trung nhất là khu vực 3 xã Hiền Ninh, Minh Phú và Minh Trí.
Tại Hiền Ninh, chỉ tính riêng đoạn gần Việt Phủ Thành Chương đã có hàng chục tờ rơi, biển rao bán đất dọc đường. Người dân cho biết, đất khu vực này đang dao động ở mức 4 – 6 triệu đồng/m2.
Trong khi tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú), các văn phòng giao dịch bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều. Do nơi đây tập trung các khu du lịch – sinh thái, homestay, biệt thự nghỉ dưỡng, nên giá đất nhỉnh hơn so với xã Hiền Ninh và đang được rao bán trong khoảng 4,5 – 6,5 triệu đồng/m2.
Cũng theo ghi nhận phóng viên Tiền Phong, trong cuối tuần qua, các đoàn xe của nhà đầu tư nườm nượp kéo về khu vực thôn Lâm Trường để xem đất.
Bên cạnh đó, hàng loạt bài viết rao bán đất ở Sóc Sơn cũng liên tục xuất hiện trên các website, hội, nhóm mạng xã hội với tần suất ngày một dày đặc. Nhiều người cho biết giá đất các khu vực trên đang có chiều hướng tăng hơn so với giai đoạn trước. Trong khi một số môi giới khẳng định đất ở đây luôn luôn được quan tâm, thậm chí sau mỗi đợt dịch COVID -19, nhu cầu tìm mua đất để làm nơi nghỉ dưỡng tăng lên.
Mặc dù rao bán đất ồ ạt là vậy, nhưng đa phần người dân và môi giới ở Sóc Sơn cho biết, các giao dịch thực tế thì không nhiều. Lý do là bởi đất trên địa bàn này đang thuộc diện thực hiện kết luận thanh tra, khắc phục hậu quả do xâm phạm đất rừng, nếu không tìm hiểu kỹ thì nhà đầu tư dễ bị mua nhầm đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc gặp rắc rối liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các địa phương dần bỏ cách ly, xét nghiệm với du khách
VnExpress – Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam… sẽ từng bước mở cửa, thích nghi an toàn theo nghị quyết của Chính Phủ.
Đây là nội dung được lãnh đạo UBND, Sở Du lịch các địa phương trao đổi trong tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” ngày 14/10.
Du khách đến Thừa Thiên Huế theo đường hàng không có đủ điều kiện sẽ không phải cách ly. Cụ thể, hành khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay đủ tiêu chuẩn vào địa phận tỉnh. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết hiện đã có 3 chuyến bay đến Huế, du khách có thể đăng ký lưu trú nếu không có yêu cầu theo dõi sức khỏe.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện nay tỉnh không cách ly y tế đối với khách đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 và khách đã điều trị khỏi Covid-19 thì tự theo dõi y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú, với điều kiện cơ quan y tế giám sát chặt chẽ. Điều này tạo sự yên tâm, thoải mái cho du khách. Chiều ngày 13/10, UBND tỉnh đã có cuộc họp về cách thức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo cách tiếp cận mới.
Tỉnh Quảng Nam dần mở cửa để đón khách trong tháng 11. Hiện nay, theo quy định mới nhất, những du khách đến từ địa phương đã qua 14 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng đến Quảng Nam không cần xét nghiệm SARS-CoV-2 hay cách ly.
Bắt đầu từ 16/10, du khách từ TP.HCM có thể đi tour khép kín tới núi Bà Đen (Tây Ninh). Trong tuần sau TP.HCM tiếp tục xúc tiến tới miền Trung để liên kết vùng và tổ chức những tour khép kín. Hiện nay, 98% người trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm mũi một vaccine và 74% hoàn thành mũi 2. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhận định đây là điều kiện an toàn để các địa phương đón khách TP.HCM trở lại. Thích ứng với dịch bệnh cần sự thoải mái cho du khách nhưng không được quên yếu tố an toàn, vì vậy buộc các công ty du lịch, điểm tham quan, nhà hàng, cơ sở lưu trú thích ứng theo.
Các địa phương khác cũng sẵn sàng chuyển từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tỉnh Bình Định mở cửa nhiều hoạt động từ 15/10, trong đó có lưu trú không quá 50% công suất. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang dự kiến cuối tháng 11 có thể vận hành đón khách trong tình hình mới. Tại Đà Nẵng, du khách đến từ các địa phương, khu vực không có dịch Covid-19 cần có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Ngoài ra, đại diện từ các địa phương kiến nghị ngành du lịch sớm có một bộ tiêu chí thống nhất chung trên cả nước. Trong thời gian này, việc liên kết và xây dựng “bong bóng du lịch” giữa các vùng xanh cũng góp phần làm nóng thị trường, từng bước khôi phục du lịch.
Tối 15/10: Nhận hỗ trợ đợt 3 bị phường ‘đòi’ lại; Bắc Ninh bắt tạm giam hàng loạt cán bộ
Thêm 3.789 người mắc COVID-19
Tính từ 17h ngày 14/10 đến 17h ngày 15/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.797 ca nhiễm mới,
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (415.875), Bình Dương (224.492), Đồng Nai (57.708), Long An (33.614), Tiền Giang (14.844).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 857.639 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 852.986 ca. Trong đó, 786.106 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày ghi nhận 93 ca tử vong riêng TP.HCM 61, Bình Dương 18 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 21.043 ca.
Về điều trị, số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày là 918, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 788.923. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.847 ca.
Nhận hỗ trợ đợt 3 bị phường ‘đòi’ lại
Anh M. (ngụ tại một khu phố thuộc P.7, Q.Tân Bình) liên hệ với Thanh Niên để trình bày, phản ánh việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3 tại địa phương.
Cụ thể, theo anh M., một ngày đầu tháng 10, tổ phó tổ dân phố tại khu vực anh lưu trú thông báo anh ra nhận tiền hỗ trợ đợt 3.
“Tôi đến một chỗ gần đó, tại đây có 2 nữ cán bộ phát tiền. Tôi lấy giấy CMND ra đối chiếu rồi ký vào tờ danh sách nhận hỗ trợ và nhận 1 triệu đồng rồi ra về. Vừa về tới nhà thì tổ phó gọi tôi, bảo là tôi có tên trong một danh sách đang hưởng lương tháng 8/2021 nên không được hỗ trợ và kêu tôi quay lại trả tiền”, anh M. nói.
“Tôi đến trả lại tiền, nhưng nghĩ mình không có nhận hỗ trợ nên muốn hủy chữ ký ban đầu. Tuy nhiên, cán bộ chi trả bảo tôi nếu muốn hủy chữ ký thì lên phường, họ không lập biên bản hay giấy tờ gì với tôi. Hai ngày sau, tổ phó gửi một danh sách đang hưởng lương vào group Zalo, nói rằng đây là diện không được hỗ trợ, trong đó có tên tôi”, anh M. thắc mắc, thực tế, anh đang hưởng lương tháng 8.2021 nhưng không biết tại sao có tên trong danh sách nhận hỗ trợ này và vì sao vừa ký nhận xong thì bị “đòi” lại tiền.
Bắc Ninh bắt tạm giam nguyên Phó chủ tịch huyện Yên Phong và nhiều thuộc cấp
Thanhnien – Chiều 15/10, thông tin từ Viện KSND tỉnh Bắc Ninh cho biết, cơ quan này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các cán bộ, nguyên cán bộ H.Yên Phong (Bắc Ninh) và thị trấn Chờ (H.Yên Phong) của Công an tỉnh Bắc Ninh, để làm rõ hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị can gồm: Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó chủ tịch H.Yên Phong; Vũ Văn Nam, nguyên Trưởng phòng TN-MT H.Yên Phong; Nguyễn Huy Hòa, nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ; Nghiêm Đình Thắng, nguyên Phó chủ tịch thị trấn Chờ và Lê Tuấn Đạt, cán bộ địa chính thị trấn Chờ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định khu đất của Xí nghiệp bia Hà Sơn là đất sản xuất kinh doanh do uỷ ban thị trấn Chờ giao cho Hội Cựu chiến binh quản lý.
Đầu năm 2010, uỷ ban thị trấn Chờ đã tự ý tách một phần diện tích khu đất này và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trái quy định, thu số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Tiếp nhận gần 2 triệu liều vaccine Ba Lan và Hàn Quốc
VnExpress – Chiều 15/10, Bộ Y tế tiếp nhận gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó gần 890.000 liều từ Ba Lan và 1,1 triệu liều từ Hàn Quốc.
Đây là lần thứ hai Ba Lan hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, nâng tổng số liều nước này hỗ trợ lên hơn 1,3 triệu. Lô vacccine hơn 500.000 liều lần một đã được chuyển đến Việt Nam từ cuối tháng 8.
1,1 triệu liều từ Hàn Quốc được tiếp nhận hôm nay là số vaccine mà ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam thông báo hỗ trợ tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 12/10. Đại sứ Park cũng thông tin Hàn Quốc đang trao đổi sẽ hỗ trợ thêm 100.000 liều AstraZeneca nữa cho Việt Nam.
Tiếp nhận số vaccine từ cả hai nước, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cam kết sẽ phân bổ số vaccine tới các đơn vị và địa phương căn cứ theo tình hình thực tế chống dịch.
Bộ Y tế: Địa phương không được làm trái quy định thích ứng an toàn
Trên báo VnExpress, tại tọa đàm trực tuyến, sáng 15/10, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nêu quan điểm “địa phương có thể bổ sung biện pháp thích ứng an toàn COVID-19, nhưng không được gây ách tắc giao thông, cản trở đời sống người dân, trái quy định của Chính phủ”.
Theo và Hương, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, người dân, địa phương, để tham mưu Chính phủ ban hành Quy định Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, thích ứng an toàn là chấp nhận có số lượng F0 nhất định trong cộng đồng. “Ở trạng thái bình thường mới, địa bàn có ca mắc trong cộng đồng song vẫn ổn định phát triển kinh doanh”, bà Hương nói.
Linh hoạt là các địa phương, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp khác nhau, miễn sao không làm trái với quy định của Chính phủ.
Kiểm soát hiệu quả Covid-19 là phát hiện sớm, khoanh vùng dịch bệnh (thu hẹp, khoanh vùng ổ dịch), để giảm tối đa sự ảnh hưởng đến người dân. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát diện rộng, địa phương phải lập tức báo cáo Bộ Y tế.
Bà Hương nhắc lại, chỉ ba nhóm người dân cần xét nghiệm khi đi lại là: người đến từ địa bàn cấp 4; người phải cách ly hoặc theo dõi y tế; người đến từ địa bàn cấp 3 cần điều tra dịch tễ. Ngoài ra, vận tải hàng hóa được lưu thông ở tất cả các cấp độ nguy cơ. “Vì vậy, các địa phương phải cập nhật, đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã và thấp hơn để đảm bảo vận tải lưu thông, an toàn”, bà Hương nói.