Tin Trong Nước – 14/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 14/9/21

Sáng 14/9: Hà Nội xem xét nới lỏng từ 15/9; Miền Trung có thể sắp hứng thêm bão

Miền Trung có thể sắp hứng thêm bão

Sau bão Côn Sơn, miền Trung khả năng chịu ảnh hưởng của một cơn bão khác, dự kiến tiến vào Biển Đông vào ngày 20/9.

Thông tin trên được bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, chia sẻ với báo Zing chiều 13/9.

Chuyên gia cho biết theo mô hình dự báo 10 ngày của Mỹ, một vùng áp thấp khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới hoặc thành bão sẽ vượt qua đất liền miền Trung Philippines để tiến vào Biển Đông trong ngày 20/9.

Theo dự báo ban đầu, ngày 21-22/9, bão có thể đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa và hướng về phía đất liền các tỉnh miền Trung. Dựa theo hướng di chuyển của bão trong thời kỳ này, chuyên gia nhận định bão nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Bà Lan cảnh báo: “Miền Trung vừa hứng đợt mưa lũ do bão số 5 gây ra nên nếu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi bão sắp tới, khu vực có thể hứng chịu đợt mưa lũ gây nguy hiểm trên diện rộng”.

Ảnh tổng hợp.

Hà Nội xem xét nới lỏng từ 15/9

VnExpress – Chiều 13/9, với kết quả thực hiện chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc những ngày vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, một số hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được xem xét nới lỏng lần lượt sau ngày 15 và 21/9.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15 và 21/9.

Đánh giá tình hình dịch bệnh của thành phố, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhận định “cơ bản được kiểm soát”; số ca COVID-19 ngoài cộng đồng xu hướng giảm. Sau khi Hà Nội kết thúc đợt xét nghiệm toàn dân, nếu số ca bệnh tiếp tục giảm như hiện nay, CDC sẽ đề xuất nới lỏng giãn cách xã hội, chỉ phong tỏa nơi có bệnh nhân mới.

Trong đợt dịch thứ tư từ 29/4, Hà Nội ghi nhận 3.817 ca nhiễm (không tính số ca nhiễm tại các bệnh viện tuyến trung ương), trong đó có 1.595 ca nhiễm cộng đồng, 2.222 ca nhiễm được cách ly.

Khi nào TP.HCM phát tiền trong gói trợ cấp thứ 3?; sau ngày 15/9 có cho người dân trở về quê hay không

VTC – Khi trả lời thắc mắc về thời gian thành phố chi trả gói trợ cấp thứ 3 trong Livestream Dân hỏi – Thành phố trả lời tối 13/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nói chính quyền thành phố không lường trước được nhiều khó khăn đến vậy. Do đó, hiện thành phố phải rất thận trọng trong giai đoạn sau 16/9.

Ông Bình cho hay theo kế hoạch ban đầu, TP.HCM đặt mục tiêu cố gắng chi trả hết gói thứ 2 chậm nhất là mốc 16/9. Tuy nhiên, thực tế đến nay thành phố chưa đạt mục tiêu.

Đại diện của chính quyền cũng cho biết việc trao hỗ trợ gặp khó khăn nhất là tại các huyện, xã, thị trấn. Thành phố muốn trao hỗ trợ nhanh nhất qua tài khoản, tuy nhiên có nơi đáp ứng có nơi không.

Về gói hỗ trợ thứ 3, ông Bình nói thành phố sẽ tính toán chi trả cho người dân trong thời gian sớm nhất, nhóm đối tượng của gói này là tất cả người khó khăn, không phân biệt tạm trú hay thường trú, lao động mất việc, người phụ thuộc, và sẽ được hỗ trợ theo đầu người.

Trong buổi livestream, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng trả lời câu hỏi sau ngày 15/9 có cho người dân trở về quê hay không.

Ông Bình cho biết nếu các địa phương xác nhận đón người về quê thì TP.HCM sẽ hỗ trợ xét nghiệm tiêm vaccine phòng COVID-19. Trường hợp không có đủ người đưa đi và người đón về thì người dân tuyệt đối không được qua chốt kiểm soát dịch.

Điều ngày có nghĩa là người dân không được tự ý về quê, tuỳ thuộc vào các chính quyền các tỉnh có quyết định đón người dân về hay không.

Giảng viên mỉa mai sinh viên vì xin nghỉ học khi người nhà mất

Zing – Trước đó, một sinh viên xin vắng mặt buổi học vì gia đình có chuyện buồn. Dù thừa nhận người này được phép nghỉ, nhưng giảng viên Lê Anh, Phó chủ nhiệm khoa Du lịch của trường, vẫn chụp màn hình đoạn email, đăng lên trang cá nhân.

nam giảng viên viết: “Khai giảng online, khi sinh viên buồn! Em không cần xin lỗi vì quyền của em là được phép nghỉ trong quỹ 20% thời lượng cho phép! Nhưng nghỉ học có làm em đỡ buồn hơn không, là điều các em cần cân nhắc và phải mạnh mẽ hơn, nhé!”, 

Ngay lập tức, nhiều người đã để lại bình luận góp ý, thậm chí chỉ trích thái độ thiếu cảm thông. Hầu hết ý kiến cho rằng đứng trên cương vị là một nhà giáo, giảng viên này nên gửi lời quan tâm an ủi thay vì soi mói, tránh móc một sinh viên đang gặp phải chuyện buồn gia đình.

Ngoài ra, việc công khai đoạn email của sinh viên mà không che thông tin cá nhân bao gồm địa chỉ email, họ tên và mã số sinh viên bị cho là thiếu tế nhị, xâm phạm quyền bảo mật thông tin cá nhân.

Ngay sau đó, giảng viên này đã công khai xin lỗi. Hiện bài đăng đã bị xóa.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/sang-14-9-ha-noi-xem-xet-noi-long-tu-15-9-mien-trung-co-the-sap-hung-them-bao.html

Trưa 14/9: Sau ngày 30/9, không cần giấy đi đường; Sách mạo danh thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ biên được chào bán đến tận Sở Tư pháp

Ảnh tổng hợp.

Sau ngày 30/9, không cần giấy đi đường

NLĐ – Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình tối 13/9 đã “đăng đàn” giải đáp thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15/9 qua chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”.

Câu hỏi đầu tiên người dân gửi đến Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình là lộ trình nới lỏng giãn cách của TP.HCM sau ngày 15/9 như thế nào. Trả lời, ông Lê Hòa Bình cho biết, TP đã có dự thảo kế hoạch. Theo đó, lộ trình từ ngày 16/9 đến 31/10 sẽ có thêm giai đoạn từ ngày 16/9 đến 30/9. Đây sẽ là “giai đoạn thử nghiệm thí điểm” ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Để thực hiện lộ trình này, ông Lê Hòa Bình cho biết. TP.HCM đã có sự chuẩn bị với những bước đi chắc chắn. 

Liên quan đến việc di chuyển của người dân sau ngày 30/9, Phó Chủ tịch TP thông tin sau thời gian này, TP.HCM không áp dụng giấy đi đường nữa mà sẽ có một app (ứng dụng) di chuyển do công an quản lý. Dữ liệu người dân sẽ được cập nhật lên app này, ai đủ điều kiện an toàn ra đường (tiêm vắc-xin, điểm đến an toàn, tuân thủ 5K…) sẽ được di chuyển mà không cần giấy đi đường.

Sách mạo danh thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ biên được chào bán đến tận Sở Tư pháp

Tuoitre – Ngày 13/9, Bộ Tư pháp cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ vụ việc mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh – là chủ biên cuốn sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính”.

Theo Bộ Tư pháp, vào tháng 6-2021, Nhà xuất bản Lao Động đã liên kết nhà sách Dân Hiền xuất bản và phát hành cuốn sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính” (gồm 2 tập), mạo danh Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh là chủ biên.

Sau khi sự việc bị phát giác, Nhà xuất bản Lao Động quyết định đình chỉ phát hành 2 cuốn sách trên, yêu cầu nhà sách liên kết thu hồi toàn bộ số sách đã đưa ra để chào hàng và quảng cáo thăm dò thị trường.

Mặc dù đã có quyết định đình chỉ, nhưng gần đây, một số người liên tục liên hệ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các sở tư pháp chào mời mua cuốn sách này.

Thậm chí nhiều nghi phạm giả danh là cán bộ của Bộ Tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, để chào mời, mặc dù cục này không hề tham gia xây dựng cũng như phát hành cuốn sách.

Do đó, Bộ Tư pháp thông báo để các cá nhân, tổ chức biết, không mua 2 cuốn sách mạo danh nói trên.

Vì sao quận 7 chậm chuyển tiền hỗ trợ mai táng người dân mất vì Covid-19?

VOV – Ông Lý Văn Minh (SN 1960) là lao động tự do thuê nhà tại hẻm 7/1, đường Đào Trí, Khu 3, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM. Vợ ông vừa qua đời ngày 13/8 vì COVID-19. Hiện ông mới trả được gần 20 triệu đồng tiền mai táng của vợ, còn nợ lại hơn 11 triệu đồng.

Sau phản ánh của VOV.VN “Vợ mất vì COVID-19, chồng còn 1 triệu đồng trong túi và khoản nợ chưa trả” về tình trạng người dân chưa biết, chưa nhận được gói hỗ trợ tiền mai táng cho người mất vì COVID-19, đại diện quận 7 đã ghi nhận và cam kết sẽ chuyển số tiền này đến tay người dân, chậm nhất là ngày 1/10/2021.

Để nhận được số tiền hỗ trợ này, người dân cần chuẩn bị Tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định số 20/NĐ-CP và giấy báo tử của người qua đời hoặc xác nhận của công an phường gửi Chủ tịch phường.

Trong đó giấy báo tử hoặc giấy xác nhận của công an phường phải ghi rõ lý do tử vong của người bệnh là do dịch COVID-19.

Trong thời hạn 2 ngày sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của cơ quan, tổ chức, gia đình hoặc cá nhân trực tiếp mai táng, Chủ tịch phường phải có văn bản đề nghị cấp quận xem xét, quyết định.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2021, TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ tiền mai táng cho người mất vì COVID-19. Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp, trích từ ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 9, phóng viên VOV nhận được rất nhiều phản hồi của người dân về việc chưa biết hoặc chưa nhận được gói hỗ trợ này. Không ít người trong số đó vẫn “cõng” trên mình hàng chục triệu tiền nợ phí mai táng.

Giải thích về sự chậm trễ, bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ áp lực phòng chống dịch, Phó Bí thư quận 7 Trần Chí Dũng đã thừa nhận những nguyên nhân chủ quan. “Công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới cấp phường chưa thực sự sâu sát, tham mưu của các phòng ban còn chậm, các thủ tục hành chính còn chưa nhất quán”, ông Dũng nói.

Ông cho biết, quận ủy đã yêu cầu các phường phải chủ động rà soát, lập hồ sơ chi trả tiền mai táng cho người mất vì COVID-19, thay vì chỉ bị động đợi người dân tìm đến. Chậm nhất đến ngày 1/10/2021, người dân bắt đầu nhận được gói hỗ trợ này.

Người dân có thể liên hệ với UB các phường hoặc các tổ tự quản an sinh, xã hội của từng khu phố trên mạng xã hội Zalo, để được hướng dẫn về thủ tục gói hỗ trợ tiền mai táng cho người mất vì COVID-19.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/trua-14-9-sau-ngay-30-9-khong-can-giay-di-duong-sach-mao-danh-thu-truong-bo-tu-phap-chu-bien-duoc-chao-ban-den-tan-so-tu-phap.html

Tối 14/9: Thủ tướng đồng ý để TP.HCM giãn cách thêm 2 tuần; Việt Nam tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc-xin Pháp, Ý tài trợ

Ảnh tổng hợp.

Thêm 12.683 người khỏi COVID-19

NLĐ – Bộ Y tế cho biết từ 17 giờ ngày 13/9 đến 17 giờ ngày 14/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới. Có 12 ca nhập cảnh và 10.496 ca ghi nhận trong nước.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (309787), Bình Dương (162847), Đồng Nai (36361), Long An (28865), Tiền Giang (12468).

Trong ngày 14/9, Hà Nội thêm 25 ca, như vậy, từ đầu đợt dịch thứ tư, Hà Nội ghi nhận 3.842 ca nhiễm (không tính số nhiễm tại các bệnh viện tuyến trung ương).

Trong ngày, cả nước có thêm 12.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 398.461. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca.

Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 276 ca tử vong tại TP.HCM (199), Bình Dương (41), Đồng Nai (12), Tiền Giang (7), Long An (4), Kiên Giang (4), Đồng Tháp (4), Bình Thuận (2), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca.

Thủ tướng đồng ý để TP.HCM giãn cách thêm 2 tuần

Dân Trí – Chiều 14/9, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay, đã xin ý kiến Thủ tướng và được thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16.

Thủ tướng cũng thống nhất, các địa phương kiểm soát được dịch bệnh có thể từng bước nới lỏng. Tuy nhiên, việc nới lỏng cần thực hiện theo nguyên tắc “an toàn là trên hết”.

Việt Nam tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc-xin Pháp, Ý tài trợ

Dân Trí – Sáng 14/9, đại diện Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin đã tiếp nhận số vắc xin 1,5 triệu liều AstraZeneca do Chính phủ Pháp và Ý tài trợ Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chính phủ và nhân dân Pháp và Ý và khẳng định sẽ sớm phân bổ lô vắc xin này cho các địa phương và bảo đảm việc sử dụng thiết thực và hiệu quả nhất.

Với nguồn cung bổ sung vắc-xin từ hai nước trên, đến nay Việt Nam đã nhận được hơn 11,7 triệu liệu vắc xin phòng COVID-19 qua COVAX.

Hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi vì COVID-19

VnExpress – Ngày 14/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo thông tin trên khi làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội về tình hình đầu năm học mới. Học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì COVID-19 ở khắp các quận huyện, TP Thủ Đức; nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Sau hai tuần tập trung, học trực tuyến, khoảng 94% học sinh tiểu học tham gia; tỷ lệ này ở bậc THCS gần 94%, THPT gần 98% và giáo dục thường xuyên hơn 89%. Một số em mắc kẹt ở quê đã đăng ký học tạm trường gần nơi ở.

Trong khoảng 1.500 học sinh mồ côi, hơn 490 em tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.

Liên quan đến việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19, 3 hôm trước, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, theo quy định mức trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng.

Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội được duy trì đến 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.

Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ một triệu đồng với những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ mắc COVID-19. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em.

Bình Phước: Hơn 20% học sinh các cấp không có thiết bị học tập trực tuyến

Tuoitre – Ngày 14/9, thông tin từ Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước cho hay qua gần 10 ngày áp dụng dạy và học trực tuyến, đến nay còn hơn 20% học sinh các cấp của tỉnh không có thiết bị học tập bằng hình thức này.

Cụ thể, toàn tỉnh còn 41.470/199.023 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, chiếm hơn 20%. Trong đó, cấp tiểu học có gần 25.800 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, THCS gần 14.000 học sinh, THPT 438 học sinh.

Để khắc phục tình trạng thiếu phương tiện học tập, tỉnh Bình Phước vừa có công văn về hỗ trợ học trực tuyến năm học 2021-2022.

Yêu cầu ngành giáo dục và các ngành liên quan tính toán phương án hỗ trợ một phần chi phí kết nối đường truyền internet phù hợp với điều kiện của từng địa phương, hộ gia đình; học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh cuối cấp (lớp 9 và 12). Mặt khác, tạo điều kiện cho học sinh sử dụng mạng internet, máy tính ở các trung tâm học tập cộng đồng; nâng cấp chất lượng đường truyền internet trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo thống kê mới nhất, Bình Phước hiện có 2.661 học sinh thuộc hộ nghèo và 2.596 học sinh hộ cận nghèo gặp khó khăn về thiết bị học trực tuyến.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-14-9-thu-tuong-dong-y-de-tp-hcm-gian-cach-them-2-tuan-viet-nam-tiep-nhan-15-trieu-lieu-vac-xin-phap-y-tai-tro.html