Tin Trong Nước – 14/2/22
Công nhân kéo đến trụ sở cơ quan thi hành án xin nhận tiền nợ lương
NLĐ – Ngày 14/2, nhiều công nhân Công ty TNHH MTV T.B.O Vina, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã kéo đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Liên Chiểu để xin được nhận tiền nợ lương và bảo hiểm xã hội.
BHXH TP Đà Nẵng cho biết đến hiện tại, Công ty T.B.O Vina còn nợ tiền đóng bảo hiểm hơn 10 tỷ đồng.
Được biết, Công ty TBO Vina nợ 55% tiền lương tháng 6 và 100% tiền
lương tháng 7/2018 của gần 500 công nhân lao động trong công ty.
Từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2018, công ty không đóng tiền bảo hiểm
xã hội cho các công nhân này, trong khi hàng tháng, công ty vẫn trừ tiền
bảo hiểm của công nhân (10,5% tiền lương hàng tháng). Cũng trong tháng
7/2018, ông chủ người Hàn Quốc của Công ty TNHH MTV TBO VINA đã bỏ về
nước để lại khoản nợ lương, BHXH là hơn 14 tỷ đồng.
Sau đó, gần 200 công nhân của Công ty TNHH MTV TBO Vina đã được LĐLĐ
TP Đà Nẵng đại diện khởi kiện ra tòa trong vụ án tranh chấp lao động đòi
nợ tiền lương, BHXH.
Tháng 11/2019, TAND quận Liên Chiểu đã mở phiên xử và tuyên chấp nhận
toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty TNHH MTV TBO
VINA phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho công
nhân. Tháng 11-2020, VKSND quận Liên Chiểu đã có quyết định cưỡng chế,
kê biên toàn bộ tài sản của Công ty TNHH MTV TBO Vina.
Hơn 10.000 vé tàu giảm giá 50%
Tuổi Trẻ
– Chiều 14/2, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết đang
triển khai chương trình 10.000 vé tàu giảm giá 50% cho hành khách đi
trên các đoàn tàu do công ty quản lý trong tháng 2 và tháng 3/2022.
Thời gian áp dụng vé giảm giá có thời điểm đi tàu từ ngày 21/2 đến 31/3.
Thời gian mua vé từ 8h ngày 18/2 đến hết ngày 28/3, áp dụng cho hành
khách mua vé trước 3 ngày tàu chạy trở lên. Loại chỗ được giảm giá gồm
ghế ngồi mềm và giường nằm.
Điều kiện được áp dụng là khách đi tàu SE3/SE4, SE7/SE8 có cự ly từ
500km trở lên; tàu SE21/SE22 có cự ly từ 420km trở lên; tàu SNT1/SNT2 có
cự ly từ 250km trở lên; tàu SPT1/SPT2 có cự ly từ 150km trở lên.
Chuyên gia khuyến nghị không tách Luật Giao thông đường bộ
VnExpress
– Việc tách Luật giao thông đường bộ sẽ khiến người dân thực hiện một
quy định liên quan phải tham khảo hai luật, gây phiền toái, theo ông
Nguyễn Văn Thanh (nguyên Tổng cục phó Đường bộ).
Tại hội thảo lấy ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sáng
14/2, ông Nguyễn Văn Thanh nói vận tải đường bộ gồm 4 thành tố cơ bản là
người điều khiển phương tiện; phương tiện; kết cấu hạ tầng giao thông;
quy tắc tham gia giao thông. Bốn thành tố này có mối quan hệ thống nhất,
đòi hỏi Nhà nước xây dựng hệ thống pháp lý quản lý chặt chẽ tương ứng.
“Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội ban hành năm 2008 có kết cấu
phù hợp với tình hình vận tải, nên nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo
điều kiện cho quản lý và vận tải đường bộ phát triển trong 10 năm qua”,
ông Thanh nói.
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi theo hướng tách làm 2
luật mới là Luật Đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo và Luật
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (hay Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ) do Bộ Công an soạn thảo. “Như vậy để thực hiện một
quy định thì người tham gia giao thông phải tham khảo cả hai luật. Việc
tách luật có thể phá vỡ sự đồng bộ về pháp luật giao thông vận tải, chưa
phù hợp thông lệ quốc tế”, ông Thanh nêu ý kiến.
Chuyên gia này phân tích, nếu tách thì Luật Giao thông đường bộ (sửa
đổi) sẽ thiếu hai thành tố quan trọng là quy tắc giao thông đường bộ và
người điều khiện phương tiện. Luật này chỉ được gọi là Luật kết cấu hạ
tầng, không thể gọi là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).
Trong khi đó, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông lại không phủ
hết được các nội dung liên quan, đơn cử như kết cấu hạ tầng, do đó chỉ
nên gọi là Luật An toàn giao thông cho người tham gia giao thông đường
bộ.
Bắt giám đốc công ty xây dựng công trình Thịnh Phát
NLĐ
– Ngày 14/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long tống đạt
quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Anh Tuấn (40
tuổi; Giám đốc Công ty CP khảo sát và xây dựng công trình Thịnh Phát, có
trụ sở tại TP.HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ, năm 2018, Ban Quản lý dự án lưới điện miền Nam ký hợp
đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng phần móng thuộc công trình đường
dây 110 kV Vĩnh Long – Vũng Liêm, có giá trị hợp đồng trên 417 triệu
đồng với công ty của ông Tuấn.
Do công ty không đủ điều kiện nhân lực nên ông Tuấn sử dụng chứng chỉ
hành nghề giám sát không rõ nguồn gốc; làm khống hợp đồng lao động với 2
cán bộ giám sát xây dựng để đủ điều kiện tham gia dự thầu và được chỉ
định thầu.
Quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn giám sát, ông Tuấn không tiến
hành giám sát công trình theo quy định mà chỉ căn cứ vào số liệu, hình
ảnh của các đơn vị thi công cung cấp để hợp thức hoá việc giám sát và
nghiệm thu công trình. Ông Tuấn đã quyết toán số tiền thực hiện hợp đồng
trên 167 triệu đồng, số còn lại chưa quyết toán thì bị cơ quan điều tra
phát hiện.
Do công trình không được giám sát nên các đơn vị thi công đã “rút ruột” công trình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng.
Đến TP.HCM nhập học, nam sinh viên mất tích bí ẩn
Theo chị Hồ Thị Cẩm Nhung (chị họ của anh Nghĩa, đang sinh sống tại
TP.HCM), ngày 11/2, anh Nghĩa lên xe khách từ tỉnh Bình Định về Bến xe
Miền Đông (Q.Bình Thạnh) để làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Sư
phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Trong tối 11/2, gia đình vẫn liên lạc được với Nghĩa để dặn dò về
việc ăn uống, nghỉ ngơi và khi xuống xe phải gọi ngay cho chị Nhung và
gia đình. Đến khoảng 5 giờ ngày 12/2, chị Nhung đến Bến xe Miền Đông để
đón anh Nghĩa nhưng không liên lạc được.
“Lúc đó, tôi xem trên messenger thì thấy Nghĩa đã off (không hoạt động ở Facebook Messenger – PV) khoảng 1 giờ đồng hồ. Gọi messenger không được nên tôi gọi vào số điện thoại của Nghĩa cũng không liên lạc được. Qua check camera tại bến xe thấy Nghĩa xuống xe lúc 4 giờ 45 phút nhưng kéo va li đi luôn chứ không gọi cho người nhà như đã dặn. Trên xe có cổng sạc pin điện thoại nên khả năng hết nguồn là rất thấp. Hiện giờ gia đình chúng tôi rất lo lắng”, chị Nhung nói với thanhnien.
Huệ Liên
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tiêm vắc-xin cho cả người từ chối tiêm
Thanh Niên
– Theo UBND TP. Hà Nội, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cả
nước nói chung và TP.Hà Nội nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tỷ lệ
bao phủ vắc xin đủ 2 mũi với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã
tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tốc độ tiêm
chủng vắc-xin, đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm
nguy cơ mắc COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong.
Rà soát và tổ chức tiêm vắc-xin cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia
đình có người thuộc nhóm nguy cơ,các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa
tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn…
không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ
tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm nếu bỏ sót.
Việt Nam dự kiến mở lại toàn bộ đường bay quốc tế từ 15/2
VnExpress
– Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo đến nhà chức trách các nước về
việc không hạn chế khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày
15/2.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, thông tin nội
dung trên và cho hay cơ quan này đang chờ phản hồi của các đơn vị liên
quan. Sau đó, Cục sẽ cấp phép bay cho các hãng trong và ngoài nước trên
cơ sở phản hồi của nhà chức trách hàng không các nước, nhu cầu thị
trường.
Chủ trương của Chính phủ là mở cửa du lịch quốc tế trước 30/3.
Trung Quốc đột nhiên tăng mua gạo Việt Nam
Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT), xuất khẩu gạo
của VN sang Trung Quốc, Philippines, EU và nhiều thị trường khác từ đầu
năm đã khởi sắc do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường này tăng
Theo Bộ này, ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2022 đạt 321.000 tấn với trị giá 162 triệu USD.
Trước đó, năm 2021, sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn; khối lượng gạo
xuất khẩu năm 2021 đạt 6,24 triệu tấn với giá trị 3,29 tỷ USD, giảm
0,2% về khối lượng.
Báo Dân Việt dẫn thông tin từ bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty
Lương thực thực phẩm Long An, năm 2022 có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo
Việt bởi nhu cầu của thế giới tăng. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt
Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.
Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung
Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc…, xuất khẩu gạo sang EU
dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định thương mại
tự do Việt Nam-EU.
Hiện Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh và thời tiết bất lợi.
Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong
thời gian tới, giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm vì nhiều khách hàng đang
có nhu cầu nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, gạo là
một trong những nông sản chính Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn sang
Trung Quốc nhưng đây cũng là mặt hàng chịu sự cạnh tranh cao từ các quốc
gia khác và từ chính sản phẩm của Trung Quốc.
Ngoài ra, gạo Việt cũng phải chịu sự cạnh tranh với sản phẩm của
Campuchia. Trong năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn
nhất của Campuchia với 300.000 tấn.
Bắc Bộ tiếp tục rét, vùng núi cao khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết
Tuổi Trẻ
– Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 12-2, ở phía
Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo
gần sáng 13-2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở
vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc
Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao nên ngày 12-2, vùng núi Bắc Bộ có mưa, mưa rào.
Từ đêm 12-2 đến ngày 13-2, mưa dông mở rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ,
cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30 – 50mm, có nơi trên
70mm. Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào và có nơi
có dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật
mạnh.
Ngày 13-2, vùng đồng bằng Bắc Bộ có nơi rét đậm, vùng núi và trung du
có rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11 – 14 độ
C, vùng núi 8 – 11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C và có khả năng
xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Từ đêm 13-2, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14 – 17 độ C.
Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên mặc đủ ấm.
Thêm 27.311 ca COVID-19
VnExpress
– Hôm nay (12/2), Việt Nam ghi nhận 27.302 ca, nâng tổng số ca nhiễm
trong nước từ ngày 27/4 đến nay lên 2.454.887 tại 63 tỉnh thành.
Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 6.270 người khỏi bệnh và 78 ca tử vong.
Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận
2.461.965 ca nhiễm, 2.218.939 người khỏi bệnh, 204.217 bệnh nhân đang
điều trị và 38.865 ca tử vong.
7 ngày qua, tổng nhiễm trên cả nước tăng 62.050 so với cùng kỳ, tổng
bệnh nhân tử vong giảm 113, số người khỏi bệnh giảm 30.290.
Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận xe chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu
Laodong
– Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, 4 cửa khẩu trên địa bàn
tỉnh (gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng
Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh) đang tích cực
hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên do các biện pháp
phòng chống dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nên hiệu
suất thông quan vẫn rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng
70-90 xe xuất/ngày.
Tính đến sáng ngày 11/2/2022, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại 3
khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tiếp tục tăng, đạt 1.646
xe, trong đó: 1.390 xe chở hoa quả tươi, chiếm gần 85% tổng số xe hàng
chờ xuất khẩu.
Với tình hình lưu lượng hàng hóa từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu
chờ xuất khẩu và năng lực thông quan như trên dự báo sẽ gây ùn ứ lớn tại
các bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới,
gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan, ngày 12/2 Sở Công tỉnh Lạng Sơn thông báo:
Tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa
khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian
thực hiện từ ngày 16/2/2022 cho đến hết ngày 25/2/2022.
Thanh hóa khánh thành nhà máy nhiệt điện than với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD
Báo Sputniknews
dẫn thông tin từ tỉnh Thanh Hoá, vào ngày 10/2, Thanh Hóa đã chính thức
khánh thành thương mại Tổ máy số 1 thuộc dự án “siêu nhà máy” Nhiệt
điện BOT Nghi Sơn 2, sau 4 năm liền xây dựng (năm 2018). Thông tin từ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự án này do Liên doanh Ma-Ru-Be-Ni và
Kep-Co làm chủ đầu tư, và Tập đoàn Công nghiệp nặng Doo-san làm Tổng
thầu.
Như vậy, Thanh Hoá hiện có 2 dự án đặc biệt lớn, đó là Nhà máy Nghi
Sơn đặt tại Khu kinh tế mở Nghi Sơn, Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư 9 tỷ
USD, vận hành thương mại từ cuối năm 2018, và Nhà máy Nhiệt điện BOT
Nghi Sơn 2 trị giá 2,8 tỷ USD vừa khánh thành.
Theo thông tin công bố, nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công
suất thiết kế 1.200 Mega Watt, với tổng vốn đầu tư gần 2.793 triệu USD.
Mỗi năm nhà máy điện Nghi Sơn 2 cung cấp 3,9 tỷ kWh điện, dự án này
được đầu tư theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) tại
khu kinh tế và các khu công nghiệp Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá và sẽ được
bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH điện Nghi Sơn 2 cũng như Tổng thầu, dự
kiến, toàn bộ nhà máy sẽ vận hành thương mại vào tháng 7/2022, kỳ vọng
cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và hơn 6 triệu hộ gia đình ở tỉnh
này.
Khách hú hồn thấy cầu kính Rồng Mây rạn vỡ, quản lý nói chỉ là hiệu ứng
Mới đây, một video do du khách quay được đưa lên mạng xã hội cho thấy một mảnh kính trên cầu kính Rồng Mây ở Lai Châu rạn nứt.
Đoạn video nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, nhiều người lo lắng về sự an toàn của điểm du lịch này.
Trả lời Tuổi Trẻ chiều
12/2 về việc này, ông Nguyễn Xuân Bình – giám đốc khu du lịch cầu kính
Rồng Mây nói không phải kính vỡ mất an toàn, mà là hiệu ứng được công ty
tạo ra để tăng cảm giác cho du khách.
Ông cho hay, miếng kính hiệu ứng này được tạo ra ngay từ đầu để tạo
cảm giác cho du khách, vì đây là hình thức du lịch cảm giác mạnh. Nhưng
miếng kính này đặt ở nơi hơi khuất, ít người để ý.
Về các vụn kính vỡ cho thấy kính vỡ thật chứ không phải chỉ là hiệu ứng hình ảnh, ông Bình giải thích đúng là kính được làm vỡ, nhưng vẫn an toàn vì công ty sử dụng thiết bị, công nghệ của Mỹ, gắn kết 3 lớp kính cường lực là 4 lớp phim trong suốt. Chính 4 lớp phim này mới là vật liệu chịu lực chính.