Tin Trong Nước – 10/1/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 10/1/21

Tin sáng 1/10: Công bố hướng dẫn đi lại trên toàn quốc từ 1/10; Bổ sung hơn 3.200 tỷ mua 20 triệu liều vắc-xin Sinopharm

Công bố hướng dẫn đi lại trên toàn quốc từ 1/10

Dân Trí – Tối 30/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đối với các địa phương, vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), hướng dẫn nhấn mạnh dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ. Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu y tế.

Ở địa phương, vùng có nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện). Riêng đối với đường hàng không áp dụng theo tần suất khai thác của 4 giai đoạn đã xây dựng phương án cụ thể.

Tại địa phương, vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2), các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.

“Hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) phải tuân thủ 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một liều vắc-xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc-xin, đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng” – văn bản hướng dẫn tạm thời khẳng định..

Hàng không, đường sắt khai thác thế nào?

Theo hướng dẫn này, việc tổ chức vận tải được ưu tiên cho đường hàng không và đường sắt để vận chuyển hành khách đường dài.

Đối với hàng không, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng Hướng dẫn tạm thời này): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 (thời điểm chưa bùng phát dịch lần thứ 4 – PV) của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay;

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó, không phải giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): được khai thác trở lại bình thường.

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất một chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất một chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định điều chỉnh tần suất khai thác theo các giai đoạn.

Trong trường hợp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc Bộ Y tế có quy định riêng thì thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hoặc Bộ Y tế.

Đối với đường sắt, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có ga đường sắt nơi đi và nơi đến, Cục Đường sắt Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện số đôi tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình đảm bảo nguyên tắc theo quy định của hướng dẫn này.

Ảnh tổng hợp.

Bổ sung hơn 3.200 tỷ mua 20 triệu liều vắc-xin Sinopharm

Zing – Tại văn bản liên quan việc bổ sung kinh phí mua và tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 Vero Cell mới được ban hành, Thủ tướng quyết định bổ sung hơn 3.200 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Trước đó, Nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 21/9 cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với việc mua 20 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 Vero Cell của tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Các điều kiện được áp dụng là: Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc-xin hoặc việc sử dụng vắc-xin; chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng; chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp của Trung Quốc.

Bà Hoàng Thị Phương Lan: Tại sao quan chức phạm tội thì kiểm điểm nội bộ thôi, không khởi tố?”

Tiếp theo vụ việc chính quyền xâm nhập gia cư bất hợp pháp, và cưỡng chế công dân đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Bình Dương hôm 28/9, cơ quan chức năng đã đề nghị xử phạt hành chính bà Hoàng Thị Phương Lan, nạn nhân của vụ việc, với lý do “để răn đe”.

Phản ứng trước thông tin bị phạt hành chính, bà Hoàng Thị Phương Lan khi trao đổi với Đài Á Châu Tự do hôm 30/9 cho biết: “Nếu là một dân đen phạm tội chắc chắn là bị gông còng và tống vào tạm giam điều tra! Tại sao quan chức phạm tội thì kiểm điểm nội bộ thôi, không khởi tố?”

Bà Lan cũng cho biết, công an đã lập hai biên bản vi phạm đối với bà hôm 28/9 nhưng chỉ cho bà lưu giữ một biên bản. 

Đối với chính quyền, Ban chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP. Thuận An đã ra quyết định “kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm” đối với ông Võ Thanh Quan, Bí thư phường Vĩnh Phú, là người chỉ đạo vụ xâm nhập gia cư bất hợp pháp và cưỡng chế công dân đi lấy mẫu xét nghiệm.

Một người dùng mạng xã hội bình luận: “Vi phạm pháp luật chỉ kiểm điểm là sao, muốn nhà nước có pháp quyền thì phải tuân thủ luật pháp.”

Vụ chính quyền cưỡng chế bà Lan đi xét nghiệm xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28/9 tại chung cư Ehome 4, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Video quay lại vụ việc được đăng tải trên Facebook cho thấy chính quyền đã huy động dân quân tự vệ, cảnh sát phá khoá cửa nhà bà Lan trong khi bà đang dạy học online, ập vào nhà để cưỡng chế bà đi xét nghiệm COVID-19 giữa tiếng khóc của đứa con trai bảy tuổi của bà Lan.

Việt Nam ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới, 159 ca tử vong trong 24 giờ

Tuoitre – Trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận 7.940 ca COVID-19 mới, đây là số mắc thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 25.322, cũng là cao nhất từ trước đến nay.

Trong 24 giờ qua ghi nhận 159 ca tử vong riêng TP.HCM (106), Bình Dương (30).

Bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó tại: Bình Dương (28), Long An (14).

Ngày 30/9 Bộ Y tế cập nhật bổ sung mã 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP.HCM đã được thông tin vào ngày 28/9. Số bổ sung mã này không ghi nhận vào số ca của TP.HCM trong 24 giờ qua.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này bao gồm: TP.HCM (388.659), Bình Dương (211.056), Đồng Nai (48.595), Long An (32.468), Tiền Giang (14.000).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 790.755 ca nhiễm, trong đó có 608.831 ca khỏi bệnh, 162.626 ca đang điều trị, 19.301 ca tử vong.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-1-10-cong-bo-huong-dan-di-lai-tren-toan-quoc-tu-1-10-bo-sung-hon-3-200-ty-mua-20-trieu-lieu-vac-xin-sinopharm.html

Tin chiều 1/10: Tìm toàn bộ người đã đến Bệnh viện Việt Đức; Gas tăng giá sốc; Biển Đông sắp đón bão mới?

Ảnh tổng hợp.

Tìm toàn bộ người đã đến Bệnh viện Việt Đức

NLĐ – Sáng 1/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội phát thông báo đề nghị các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã từng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (40 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể từ ngày 15/9 đến 30/9 cần liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến số 0969082115 hoặc 0949396115 để được tư vấn hỗ trợ.

Từ trưa 30/9 đến sáng 1/10, Sở Y tế Hà Nội công bố 7 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng, trong đó 1 ca là người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ đưa hơn 1.000 người nhà có liên quan đi cách ly tập trung tại huyện Thạch Thất.

Biển Đông lại sắp đón bão mới?

Giao Thông – Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 5-6/10, trên dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh ở vùng biển phía Đông khu vực Giữa Biển Đông (sát Philippines) sẽ xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới.

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển về phía Tây Bắc, có khả năng cao mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa có công văn gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Khánh Hoà đến Quảng Ninh, đề nghị chủ động ứng phó.

Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Richmond thăm Việt Nam

NLĐ – Tàu HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà, bắt đầu chuyến thăm với chuỗi các hoạt động hợp tác song phương kéo dài 4 ngày tại Việt Nam.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ quốc phòng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, chỉ 2 tháng sau chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc Phòng Anh tới Việt Nam. Sự hiện diện của tàu hải quân HMS Richmond nhấn mạnh cam kết của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với trọng tâm là quan hệ đối tác của Vương quốc Anh với Việt Nam.

Đại chiến đội tuyển Việt Nam gặp Trung Quốc đổi giờ thi đấu

Dân Trí – Theo thông báo trước đó của AFC, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Trung Quốc, trong khuôn khổ lượt trận thứ ba bảng B, vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra vào lúc 19h ngày 7/10 (tức 22h, giờ Việt Nam).

Tuy nhiên trong quyết định mới nhất, AFC đã đổi lại lịch thi đấu này. Cụ thể, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Trung Quốc diễn ra vào lúc 21h (00h00 ngày 8/10, giờ Việt Nam).

Gas tăng giá sốc 42.000 đồng/bình 12kg

NLĐ – Các bà nội trợ chưa kịp vui mừng vì việc mua sắm dễ dàng hơn khi TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, thì gas bất ngờ tăng giá mạnh ngay trong ngày 1-10, có thương hiệu đạt mức quanh 500.000 đồng/bình 12 kg.

Chiều 30/9, nhiều công ty kinh doanh gas đầu mối đồng loạt công bố giá bán lẻ gas từ ngày mai (1-10) với mức tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12 kg (loại dùng phổ biến trong gia đình) và 157.500 đồng/bình 45 kg (bình gas công nghiệp).

Đại diện Chi hội Gas miền Nam thông tin lý do gas tháng 10 tăng giá là do giá gas thế giới giao theo hợp đồng tháng 10 tăng tới 132,5 USD/tấn so với tháng 9, ở mức bình quân 797,5 USD/tấn.

Như vậy, giá gas bán lẻ tại cửa hàng TP.HCM sẽ dao động ở mức 460.000 – 520.000 đồng/bình 12 kg (giá gốc, chưa khuyến mãi). Các thương hiệu giá cao thường có màu vàng, xanh hoặc bình vỏ nhựa.

Giám đốc một doanh nghiệp phân phối gas tại TP HCM cho hay từ đầu năm đến nay, giá gas có nhiều đợt tăng nhưng đây là đợt tăng mạnh nhất. Điều này dẫn đến mặt hàng thiết yếu này đang tiến đến đỉnh giá gas lịch sử khi đã xoay quanh mức 500.000 đồng/kg. Đây là tin không vui với những bà nội trợ khi họ vừa kỳ vọng chi tiêu sẽ giảm khi TP HCM mở cửa trở lại sẽ giúp giá hàng hóa hạ nhiệt.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-chieu-1-10-tim-toan-bo-nguoi-da-den-benh-vien-viet-duc-gas-tang-gia-soc-bien-dong-sap-don-bao-moi.html

Tin tối 1/10: Một thẩm phán tử vong tại phòng làm việc; Người Việt nổi giận phản đối phim Trung Quốc xuyên tạc sự thật lịch sử

Ảnh tổng hợp.

Một thẩm phán tử vong tại phòng làm việc

Dân Việt – Ông Tạ Văn K., thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) được phát hiện chết trong phòng làm việc từ ngày 24/9.

Chiều ngày 1/10, nguồn tin riêng của PV Dân trí xác nhận thông tin trên và cho biết, cơ quan pháp y thuộc Bộ Quốc phòng đang thụ lý việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi ông Tạ Văn K. (SN 1964) – thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai.

Ông K. được phát hiện tử vong vào ngày 28/9, trong phòng làm việc. 

“Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, ông Tạ Văn K. chết từ ngày 24/9. Hiện bên pháp y của Bộ Quốc phòng đang khám nghiệm thi thể ông K. Vụ việc sau đó sẽ được bàn giao cho Công an TP Hà Nội thụ lý giải quyết” – nguồn tin nói với PV Dân trí.

Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Ảnh chụp màn hình Dân Trí.

Người Việt nổi giận phản đối phim Trung Quốc xuyên tạc sự thật lịch sử

Tuoitre – MXH Baidu của Trung Quốc vừa tung trailer bộ phim ‘Quân đội Vương Bài’ với nhiều diễn viên trẻ nổi tiếng. Nhưng, khán giả Việt đã nhận ra có nhiều chi tiết xuyên tạc lịch sử liên quan đến cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam năm 1979.

Bộ phim đã xuất hiện nhiều phân cảnh như: Quân đội Trung Quốc giáp lá cà, đối phương là những người nguỵ trang trong lớp vỏ lá cây, sử dụng súng tiểu liên AK. Nhiều khung cảnh trong phim cho thấy quân đội Trung Quốc bắn pháo binh. Pháo binh cũng là lực lượng được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong các trận chiến ở Vị Xuyên (Hà Giang, Việt Nam). 

Trang phục mà các diễn viên Trung Quốc mặc trong bộ phim này trùng khớp với quân phục giai đoạn họ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một tài khoản (云淡风轻wp66 -Yún dàn fēng qīng) đã lan truyền những thông tin lịch sử sai sự thật được lồng vào bộ phim Quân đội Vương Bài: “Phim lấy bối cảnh là những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng, họ cũng bắt đầu có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc…”.

Thông tin này chính là điều khiến cộng đồng khán giả Việt Nam phẫn nộ. Bởi cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979 là cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam.

Bộ phim Quân đội Vương Bài đã “đổi trắng thay đen”, bịa đặt lịch sử và biến những người lính Trung Quốc trở thành “anh hùng”.

Lịch sử một cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ

Khi Quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam vào ngày 16/3/1979 sau cuộc chiến tranh biên giới, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Trên thực tế, quân Trung Quốc lấn chiếm khoảng 60 km2 lãnh thổ tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.

Kể từ năm 1979, có ít nhất 6 đợt giao tranh lớn diễn ra tại một số điểm trên biên giới Việt – Trung, là các đợt tháng 6/1980, tháng 10/1980, tháng 5/1981, tháng 4/1983, tháng 4/1984, tháng 6/1985 và đợt từ tháng 10/1986 đến tháng 1/1987. Tất cả các cuộc giao tranh trên đều do Trung Quốc khiêu chiến và gây hấn trước, nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị của họ.

Vị Xuyên, Hà Giang là nơi diễn ra các cuộc chiến khốc liệt nhất, được mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ” bởi mật độ bom đạn Trung Quốc dội xuống nơi đây khiến những núi đá vôi sừng sững bị xới tung trắng xoá, và nơi đây cũng đã chôn vùi hơn 2.000 hài cốt người lính Việt Nam nằm rải rác trên các cao điểm núi đá biên giới Việt – Trung.

Sau khi rút quân xâm lược khỏi Việt Nam, phía Trung Quốc tập hợp những người thiểu số tại khu vực vùng cao biên giới để huấn luyện, nhằm tiếp tục hoạt động xâm nhập và phá hoại chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc tuyên truyền “Giúp Việt Nam làm lại cách mạng ở vùng biên giới” và đặt tên cho các nhóm thổ phỉ này là các đội “Du kích Hoàng Văn Hoan”.

Trung Quốc gọi là “Cuộc chiến tự vệ chống Việt Nam” chính là cuộc xâm lược Việt Nam để “giải cứu” cho “đàn em” Khmer Đỏ, kẻ nghe lời Bắc Kinh đã tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam năm 1978, khi đó đang bị quân đội Việt Nam tiêu diệt, truy đuổi ở Campuchia.

Tạp chí Time cho rằng khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng, và trên 20.000 lính Trung Quốc tử vong.

Nội bộ ĐCSTQ cũng thừa nhận thất bại. Ngày 16/4/1979, Đặng Tiểu Bình chỉ trích các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội: “Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1…” nhưng “…thương vong của chúng ta gấp 4 lần so với Việt Nam”.

Với lịch sử 100 năm tồn tại bằng dối trá, tẩy não và bạo lực, ĐCSTQ lại lần nữa đổi trắng thay đen, “biến tang sự thành hỷ sự”, biến thất bại cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 thành chiến thắng. Và bộ phim Quân đội Vương Bài lại tiếp tục tẩy não người dân Trung Quốc thêm bước nữa, kích động sự thù hận của người dân đối với Việt Nam. Liệu đây có phải hành động nằm trong mưu đồ chuẩn bị cho một cuộc chiến với Việt Nam ở Biển Đông hoặc biên giới Việt – Trung một lần nữa hay không?

Nhiều khán giả Việt Nam hiểu rõ về cuộc chiến biên giới đang bày tỏ lo lắng rằng, thế hệ trẻ Việt Nam không am hiểu lịch sử, khi tiếp xúc quá nhiều những bộ phim có nội dung như vậy dễ dàng bị dẫn dắt và có quan điểm sai lệch về lịch sử nước nhà.

Đến ngân hàng về bị phạt 2 triệu vì ‘ra đường không lý do chính đáng’

‘Kêu cứu’ đến báo Tuoitre, ông Nguyễn Viết Dũng, ở xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, sáng 1/10, ông vừa nhận được điện thoại của một người giới thiệu là chủ tịch phường Vạn Thắng và mời ông lên phường để làm việc. 

Trước đó, ngày 29/9, khi ông đang trên đường đi về sau khi đến Vietcombank Nha Trang tại số 21 Lê Thành Phương, phường Vạn Thắng để thanh toán tiền hợp đồng cho doanh nghiệp đối tác của Công ty TNHH Invest Product do ông làm phó giám đốc.

Khi ông Dũng chạy xe gắn máy về đến đường Thống Nhất thì bị một nhóm cán bộ, có ông cán bộ Công an phường Vạn Thắng là Ngô Thái Nguyên yêu cầu dừng xe, vào “làm việc”, lập biên bản vi phạm hành chính.

Ông Dũng đã xuất trình cho các cán bộ phường Vạn Thắng hóa đơn GTGT – phiếu hạch toán của Vietcombank Nha Trang đã cấp cho ông chừng 15 phút trước đó, đồng thời trình bày lý do ông đến ngân hàng để thực hiện giao dịch thiết yếu là đúng theo quy định.

Theo quy định của chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và chủ tịch TP Nha Trang, từ ngày 24-9 các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đảm bảo các quy định về phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện lại nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Người dân ở “vùng xanh”, “vùng vàng” tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K đã được “đi tập thể dục ngoài trời, tại các công viên; tập luyện quần vợt, golf (trong vùng xanh ở cơ sở dịch vụ du lịch được phép hoạt động); được đi chợ, siêu thị trong địa giới cấp huyện, thành phố; được mua đồ ăn uống mang về tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Nha Trang”.

Thế nhưng, ông Ngô Thái Nguyên vẫn lập “biên bản vi phạm hành chính” với ông Dũng, vì “đã có các hành vi vi phạm hành chính: không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cụ thể: ra đường không có lý do chính đáng để bảo đảm quy định phòng, chống dịch COVID-19 (tại thời điểm chỉ có giấy đi đường, không có giấy xét nghiệm âm tính)”.

Đồng thời, ông Ngô Thái Nguyên còn tạm giữ luôn cả giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe môtô của ông Dũng cho đến nay (1-10) .

Ông Dũng cho biết ông có liên hệ với Phòng Y tế TP Nha Trang và được giải thích, theo quy định hiện hành, trường hợp của ông và mọi công dân tương tự ông khi đi lại trong các “vùng xanh” không bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính COVID-19.

Lãnh đạo Vietcombank Nha Trang cũng trao đổi với báo Tuổi Trẻ rằng hoạt động giao dịch của ngân hàng là thiết yếu, chính đáng. 

Tuy nhiên, ông Ngô Trí Dũng – phó chủ tịch phường Vạn Thắng – vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Dũng (quyết định ghi sai tên người bị phạt thành “Việt Dũng”), mức phạt tiền 2 triệu đồng về hành vi “ra đường không có lý do chính đáng”.

Kiến nghị Hà Nội khôi phục vận tải đường bộ, hàng không

VnExpress – Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn khôi phục vận tải hành khách công cộng tại địa phương nới lỏng giãn cách sau Chỉ thị 16. 

Với góc nhìn chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, đánh giá tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi một hơn 90%. Đây là lượng người tham gia giao thông chính. Trong bối cảnh này, thành phố nên cho phép xe buýt nội đô, xe khách liên tỉnh hoạt động, áp dụng quy định phòng dịch với bến xe, người lái, người phục vụ và hành khách theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Xe khách liên tỉnh không được dừng đỗ tại địa bàn có dịch.

“Nếu phòng dịch quá cẩn trọng thì không thể sống chung với dịch như chỉ đạo của Chính phủ và làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, ảnh hưởng công việc của người dân. Chúng ta cần tập sống chung với dịch”, ông Liên nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kiến nghị sớm khôi phục các đường bay nội địa, nhất là chặng Hà Nội – TP.HCM. Hành khách cần đáp ứng điều kiện như đã tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính, việc tuân thủ 5K.

“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm áp dụng cơ chế sử dụng hộ chiếu vaccine vì nhiều nước đã áp dụng để mở cửa. Các doanh nghiệp hàng không cũng đã xây dựng quy trình kiểm soát, khai thác chặt chẽ để phòng chống dịch an toàn và giảm thủ tục phiền hà cho khách hàng”, ông Nề nói.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-1-10-mot-tham-phan-tu-vong-tai-phong-lam-viec-nguoi-viet-noi-gian-phan-doi-phim-trung-quoc-xuyen-tac-su-that-lich-su.html