Tổng hợp về Nhà báo Phạm Đoan Trang bị Tòa phúc thẩm Hànội xử Y án chín năm tù
Nhà báo Phạm Đoan Trang phủ nhận cáo buộc, bị tuyên y án chín năm tù
RFA – 2022.08.25 – Trong phiên toà phúc thẩm kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ ngày 25/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án chín năm tù giam đối với nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ.
Nhà báo Phạm Đoan Trang tại phiên toà phúc thẩm ở Toà án Nhân cấp cao Hà Nội hôm 25/8/2022
Bà Trang, 44 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 10 năm 2020, và sau đó bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội trong phiên sơ thẩm vào cuối tháng 12 năm 2021.
Có bốn luật sư bào chữa cho nhà báo người Hà Nội trong phiên tòa, cho biết bà không thừa nhận tội, giữ im lặng trong phần lớn thời gian xử án. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói qua điện thoại:
“Luật sư Nguyễn Văn Miếng khi ông đề cập tới sự xung đột về pháp luật giữa điều luật của Việt Nam và điều ước quốc tế, luật sư phân tích bị chủ toạ phiên toà chặn lại không cho phát biểu và nói rằng ở đây toà xử theo pháp luật Việt Nam.”
Luật sư Phúc cũng cho biết đồng nghiệp của ông cũng bị chủ toạ ngắt lời khi nói rằng thân chủ Phạm Đoan Trang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bằng việc trao nhiều giải thưởng uy tín cho bà nhưng lại bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.
Ông cho biết thái độ của thẩm phán chủ toạ phiên toà tương đối ôn hoà trong khi đại diện Viện Kiểm sát tỏ rõ sự thù địch đối với thân chủ của ông. Trong khi chủ toạ phiên toà đồng ý để bà Trang ngồi khi phát biểu, công tố viên lại hay phản đối điều này.
Mạng báo Tuổi trẻ dẫn lại nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) trong phiên tòa cho rằng, hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội. Xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
“Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh”, HĐXX nhận định.
Bà Trang, vì lý do sức khoẻ và có lẽ cũng là thái độ của bà đối với phiên toà, ngồi trên ghế suốt quá trình xử án, và chỉ đứng lên một lúc khi chủ toạ phiên toà đọc phần đầu của bản tuyên án. Luật sư Phúc thuật lại:
“Về phần bào chữa không được sôi động như phiên sơ thẩm. Lý do một phần vì bị cáo – cô Phạm Thị Đoan Trang không thiết tha gì đến việc lên tiếng.
Khi toà hỏi, cô ấy nói không có nhu cầu hỏi đáp và tranh luận, toà có thể sớm xử và phán quyết thế nào thì cứ tuyên án….
Cô nói bản án đã sắp xếp rồi, án bỏ túi và cho dù cô ấy có nói gì cũng không đi đến đâu. Cô ấy từ chối một số câu hỏi của thẩm phán và nhiều câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát.”
Thậm chí, thay vì trả lời câu hỏi của công tố viên về môi trường và nhân quyền tác giả của nhiều báo cáo nhân quyền chất vấn ngược lại.
“Khi viện kiểm sát hỏi vì sao và căn cứ vào cơ sở nào bị cáo lại quan tâm đến vấn đề về môi trường và bị cáo có thẩm quyền gì để quan tâm, bà Trang hỏi ngược lại ‘văn bản pháp luật nào quy định công dân không được quan tâm đến môi trường?’” – Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói rằng, đại diện Viện kiểm sát cũng nhận được câu chất vấn tương tự khi hỏi về tôn giáo và nhân quyền.
Các luật sư cho biết, thân chủ của họ là công dân có ý thức trách nhiệm trước xã hội và cộng đồng, một nhà báo chân chính, dấn thân muốn lên tiếng về những vấn đề về môi trường, bất công, nhân quyền, bảo vệ phẩm giá con người … Những phát biểu và việc làm của cô ấy vượt ra khỏi khuôn phép hiện nay nhưng không có nghĩa là cô ấy hành động không chính đáng và vi phạm pháp luật.
Họ cho rằng việc kết án của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên sơ thẩm là bất công và cần phải được xem xét để tuyên vô tội và trả tự do ngay tại toà. Kết thúc bài bào chữa của mình, ông Phúc nói:
“Nếu nỗ lực bào chữa của các luật sư để bào chữa cho bị cáo, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của cơ quan nhà nước và cơ quan toà án thì các ông cứ kết án cô Phạm Đoan Trang nhưng lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!”
Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, cho RFA biết về cảm nghĩ của bà sau khi nghe phán quyết của tòa.
“Tình huống xảy ra như thế gia đình cũng đã lường trước rồi, cũng không ngỡ ngàng lắm. Bởi vì luật của Việt Nam là xử án bỏ túi mà. Họ chỉ đạo từ bên trên chứ đâu phải bản án được quyết định từ dưới này sau khi luật sư bào chữa đâu.”
Bà cho biết bà cùng con trai đến khu vực xử án từ sớm nhưng không được bảo vệ cho vào trong. Đại diện một số cơ quan ngoại giao ngoại quốc của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) và các Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Cộng hoà Séc, Đức, và Thuỵ Sĩ đã đến nhưng không được vào phòng xử án cho dù họ đã có đơn đề nghị được vào quan sát phiên toà công khai.
Phía toà án nói đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài cần làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam chứ toà án không có thẩm quyền cho họ vào dự khán, bà Căn bổ sung.
Nhiều người thuộc giới bất đồng chính kiến ở Hà Nội phàn nàn trên Facebook rằng họ bị an ninh địa phương canh gác ở gần tư gia và không cho họ đi ra ngoài nhằm ngăn cản họ đến khu vực xử án để đồng hành cùng gia đình bà Phạm Đoan Trang.
Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bà Trang, từng làm phóng viên và cộng tác cho các tờ báo nhà nước Việt Nam, bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.
Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.
Vì các hoạt động nhân quyền và viết lách của mình, bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
Trước phiên xét xử, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.
Mỹ, EU quan ngại về bản án phúc thẩm của nhà báo Phạm Đoan Trang
Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế hôm 25/8 bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam y án tù 9 năm đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng thời kêu gọi trả tự ngay lập tức cho bà.
Phúc thẩm Phạm Đoan Trang: Y án chín năm tù và ‘lời nhắn tới lãnh đạo VN’
25 tháng 8 2022
Tòa án Nhân dân Cấp cao TP Hà Nội tuyên y án chín năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên phúc thẩm ngày 25/8, với tội danh ‘Tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 BLHS 1999 cũ, nay là điều luật 117 BLHS 2015.
Chia sẻ ngay sau phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh thay mặt nhóm luật sư bào chữa cho bà Trang viết : “Dù không ngạc nhiên về kết quả ấy, nhưng cảm giác ngậm ngùi vẫn đè nặng tâm trí các luật sư tham gia phiên tòa sau lời tuyên án.
“Chúng tôi xin mượn lời kết phần bào chữa của LS Trịnh Vĩnh Phúc để chia sẻ :
“Nếu các nỗ lực bào chữa của các luật sư, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của quý vị, thì cứ kết án cô ấy. Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!”.
VN: Quốc tế kêu gọi trả tự do Phạm Đoan Trang trước phiên phúc thẩm
Án tù 9 năm cho nhà báo Phạm Đoan Trang
Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals: Mẹ Phạm Đoan Trang ‘tự hào về con gái’
Trước phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay các luật sư ‘không hy vọng gì về kết quả tích cực cho phiên tòa, tuy vậy, vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình đúng phẩm chất luật sư’.
Tòa án thông báo xét xử công khai nhưng gia đình bà Trang và đại diện một số Đại sứ quán các nước Mỹ, Séc, Đức và các tổ chức quốc tế không được vào tham dự.
Mẹ bà Trang là bà Bùi Thị Thị Thiện Căn, cùng anh trai bà Trang, và các đại diện tổ chức quốc tế đến cổng tòa từ sáng sớm nhưng chỉ được đứng bên ngoài, dù trước đó đã làm đơn đề nghị tham dự tòa.
Bản án cấp sơ thẩm đã tuyên mức chín năm tù giam cho bà Trang.
Lời nhắn tới lãnh đạo Việt Nam
Trước phiên tòa một ngày, nhà báo Phạm Đoan Trang đã có lời nhắn nhủ gửi tới các lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính, thông qua luật sư Ngô Anh Tuấn – người trực tiếp gặp bà Trang hôm 24/8.
Từ phiên tòa Phạm Đoan Trang, VN chờ đợi gì ở Mỹ trong vấn đề nhân quyền?
Người ủng hộ làm thơ, viết thư gửi Phạm Đoan Trang trước phiên xét xử
Phạm Đoan Trang nhận giải thưởng của Anh và Canada dù bị VN cầm tù
Theo đó, bà Trang nói rằng nay đã là năm 2022, thế giới đã đổi khác, không ai còn bắt bớ, giam cầm những người cầm bút nữa; Việt Nam cũng nên như vậy.
Bà Trang nói, bà từng hy vọng, bà là người cầm bút cuối cùng bị bắt và xử lý nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực. Bà mong có người lãnh đạo hiểu điều này và tìm cách thay đổi.
Bà cho rằng, bạn đọc là người duy nhất được quyền phán xét người viết, không phải toà án, càng không phải là công an hay kiểm sát.
Bà Trang cũng cho hay dù sức khỏe không ổn lắm nhưng tinh thần bà rất tốt.
Tổ chức nhân quyền nói gì?
“Giới chức Việt Nam nên hủy bỏ bản án đối với nhà hoạt động nhân quyền và blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và trả tự do cho bà ngay lập tức,” theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 25/8.
Trong thông cáo ngày 25/5, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu: “Phạm Đoan Trang đã trở thành mục tiêu cho sự đàn áp của chính phủ Việt Nam khi lên tiếng chống lại bất công, vạch trần các vi phạm nhân quyền, và hỗ trợ các tù nhân chính trị và gia đình họ. Giới chức Việt Nam nên chấm dứt những hành vi lạm dụng này bằng cách hủy bỏ kết án và ra lệnh trả tự do cho bà.”
Trước đó, một số tổ chức quốc tế khác đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng sức khỏe được cho là nghiêm trọng của bà Trang trong tù.
Phạm Đoan Trang, 44 tuổi, là một trong những người viết blog nhân quyền thành công nhất ở Việt Nam và là một nhà hoạt động từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Bà đã xuất bản hàng trăm bài bình luận về các vấn đề văn hóa, xã hội và chính trị. Bà là đồng tác giả của một số cuốn sách như Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù, v.v…
Công an Việt Nam bắt Phạm Đoan Trang vào ngày 6/10/2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sau đó giam bà tại trại giam ở Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62669769
Vụ Phạm Đoan Trang – xin chia buồn trước với đảng CSVN!
Hà Sĩ Phu – 26-8-2022
https://baotiengdan.com/2022/08/26/vu-pham-doan-trang-xin-chia-buon-truoc-voi-dang-csvn/
Tiếp xúc với Phạm Đoan Trang tôi thấy cô chỉ là cô gái hiền thục, vui tươi, yêu đời, không hề thấy dấu hiệu của sự đa mưu túc kế hay tính mãnh liệt của một người làm chính trị, nhất là lúc cô say sưa gảy đàn Guitar đệm hát. Nhưng những việc làm thông minh và tài năng, xuất phát từ cái Tâm trong sáng và chính trực như viết cuốn Chính trị Bình dân hay tóm tắt hồ sơ Vụ thảm sát Đồng tâm bằng song ngữ Anh Việt… thì hiệu quả lại rất “Chính trị”, khiến cho các nhà chính trị chân chính phải nể phục và kẻ chính trị tà tâm phải hoảng sợ. Vì thế mà cô đã phải chịu cái án 9 năm tù…, bị cắt đứt hoàn toàn tuổi thanh xuân của một đời phụ nữ.
Còn nhớ, trong đồn Công an, khi một cậu công an buông lời thóa mạ “Con đĩ vừa xấu lại vừa vô duyên, tao chỉ muốn đái vào mặt”, nói xong toan bỏ đi liền bị Đoan Trang quát lại “Thằng kia quay lại, đứng lên bàn này đái cho bà xem!”. Cậu công an xấu hổ bỏ đi. Phản ứng xuất thần của một cô gái hiền lành chưa chồng quá bất ngờ, chỉ vì trong máu Đoan Trang đã có sẵn cái gien của Bà Trưng Bà Triệu ! “Quân tử kiến cơ nhi tác”, bản lĩnh đã cừ khôi thì gặp tình huống nhất định sẽ bật ra hành động cừ khôi.
Chỉ lên tiếng nói, không cần cầm đầu một cuộc biểu tình hay một tổ chức chống đối, mà cô dám tin cả một triều đại độc tài, vũ trang đông đặc như quân Nguyên, nhất định rồi sẽ phải xụp đổ nên cô mới quyết chống nó.
Xử phúc thẩm, cô bị y án tù 9 năm ! LS Trịnh Vĩnh Phúc đã nói: “Nếu nỗ lực bào chữa của các luật sư, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của quý vị, thì cứ kết án cô ấy. Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!”.
Lịch sử của Dân tộc tử tế này chẳng những sẽ xóa án cho cô ấy, mà sẽ còn vinh danh. Bà Trưng Bà Triệu là những Anh thư trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Phạm Đoan Trang vừa dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chống ngoại xâm lại vừa nâng cao Dân trí để đất nước thoát khỏi nạn độc tài cố hữu, thì có phần còn khó khăn hơn.
Lịch sử sẽ đi nhanh chậm ra sao chưa thể tiên đoán, nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, nếu nước Việt ta còn thì những Anh hùng cứu quốc quý hóa của giai đoạn này nhất định sẽ phải được vinh danh. Tôi tưởng tượng, nếu bên cạnh phố Bà Triệu, đại lộ Hai Bà Trưng ở Hà Nội mà rồi cũng sẽ có một con phố hay một Đại lộ Phạm Đoan Trang thì sao? Lúc ấy những hậu duệ của tàn dư Cộng sản sẽ lấy làm tiếc rằng tiền bối của họ đã vội vã đang tâm hành hạ một Anh hùng nữ lưu, mà nếu khôn ngoan hơn một chút thì họ đã có thể tránh được điều nhục nhã ấy trước Lịch sử.Hành hạ một người rất tử tế, rất vinh quang của đất nước, lại đã được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh, chỉ để giữ yên cái ghế cai trị của mình thì họ đã LỖ VỐN, vì chẳng những không đạt mục đích mà còn mang tiếng xấu đáng hổ thẹn đến muôn đời.