Tin tổng hợp từ NHK-Japan
Thủ tướng Nhật Bản chỉ trích Nga
Trong phiên họp của Quốc hội Nhật Bản hôm nay, 19/3, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chỉ trích việc Nga quyết định sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine vào nước mình.
Ông nói hành động này xâm phạm sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Ông Abe nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ không bỏ qua mưu toan của Nga nhằm thay đổi hiện trạng chính trị bằng vũ lực.
Ông nói Nhật Bản sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên G7 và các nước khác để xem xét áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tiêu điểm: Nga và phương Tây căng thẳng về vấn đề Crimea
Trong chuyên mục Tiêu điểm ngày hôm nay, phóng viên Kitamura Yusuke của đài NHK sẽ nói về tình hình mới nhất ở Crimea.
Hỏi: Thưa anh, tình hình ở Crimea như thế nào vào hôm Chủ Nhật, khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra?
Đáp: Người dân ở Crimea vui mừng vì giấc mơ nhiều năm nay của họ cuối cùng sẽ trở thành hiện thực. Những người gốc Nga sống ở Crimea không coi họ là người Ukraine. Phần lớn không nói được tiếng Ukraine và họ thường coi mình là công dân của Liên bang Xô viết cũ thì đúng hơn. Ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, họ đã ngay lập tức tìm cách để sáp nhập với Nga. Nhưng Chính phủ Ukraine kiên quyết duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và từ chối yêu cầu của những người gốc Nga ở Crimea. Cuộc trưng cầu dân ý lần này có thể nói là kết quả của việc những bất mãn trong suốt 20 năm qua của người gốc Nga ở đây bùng nổ.
Hỏi: Vậy không khí ở Moscow như thế nào khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chấp nhận Crimea trở thành 1 phần lãnh thổ của Nga?
Đáp: Tôi có mặt ở Quảng trường Đỏ ở Moscow để đưa tin về việc người dân tập trung ăn mừng sự kiện này. Gần 10.000 người Nga, trong đó có những người ủng hộ Tổng thống Putin đã tập trung tại đây. Họ hát quốc ca Nga và thể hiện lòng yêu nước một cách cuồng nhiệt. Có thể nói, mục đích của Chính phủ Nga là đạt được sự đồng thuận của người dân ở Crimea, đồng thời tạo dư luận tích cực ở Nga, cho đến nay đã thành công.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ là chính phủ lâm thời ở Ukraine và cộng đồng quốc tế sẽ im lặng.
Hỏi: Vậy các nước phương Tây và Tổng thống Putin có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này không?
Đáp: Thành thật mà nói, tôi đã không nghĩ là Tổng thống Putin lại có lập trường cứng rắn như vậy. Trên thực tế, Nga có thể chọn việc công nhận nền độc lập của Crimea vào thời điểm hiện tại và hoãn việc sáp nhập. Lựa chọn này sẽ giúp Nga có thể hòa giải với cộng đồng quốc tế một cách dễ dàng hơn. Nhưng biện pháp mà Nga đang thực hiện là đơn phương sáp nhập lãnh thổ của 1 nước khác vào nước mình bằng việc đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không thể được các nước phương Tây chấp nhận. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức đề xuất cuộc họp thượng đỉnh G7 giữa 7 nước công nghiệp phát triển ở Hà Lan vào tuần tới để thảo luận về vấn đề này. Chúng ta cần theo dõi sát sao những diễn biến mới. Tình hình hiện nay dường như cho thấy sự trở lại của cấu trúc thời chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên bang Xô viết trước đây.
Mỹ, Đức thảo luận về vấn đề Crimea
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định cần phải tăng thêm áp lực lên Nga vì động thái sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào Nga.
Hôm thứ Ba 18/3, 2 lãnh đạo điện đàm để thảo luận về tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Crimea sẽ trở thành một phần của Liên bang Nga.
Ông Putin tuyên bố như trên trong bài diễn văn tại điện Kremlin hôm thứ Ba. Thời hạn chuyển giao của việc sáp nhập được đặt ra vào ngày 1/1.
Nhà Trắng và Chính phủ Đức cho biết, ông Obama và bà Merkel lên án mạnh mẽ động thái của Nga. Tin tức cho biết 2 nhà lãnh đạo cảnh báo Nga sẽ phải trả giá, ám chỉ tăng lệnh trừng phạt đối với nước này.
Ukraine: Sáp nhập là “trò chơi chính trị nguy hiểm”
Quyền Tổng thống của Chính phủ lâm thời Ukraine lên án việc Nga ký hiệp ước cho phép sáp nhập Crimea, gọi đó là “trò chơi chính trị nguy hiểm”.
Hôm thứ Ba, 18/3, Quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov nói đây không chỉ là hành động khiêu khích đối với Ukraine, mà còn là mưu toan gây bất ổn ở châu Âu và toàn thế giới.
Thủ tướng lâm thời của Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói xung đột ở Crimea đang chuyển từ xung đột chính trị sang quân sự. Ông Yatsenyuk kêu gọi tổ chức cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Anh và Nga để ngăn chặn xung đột leo thang. Các nước này đều ký bản ghi nhớ năm 1994 về đảm bảo an ninh cho Ukraine.