Tin tổng hợp Thượng đỉnh Sunnylands 15 – 16/2/2016
Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN kết thúc ngày làm việc thứ nhất
RFA 2016-02-15
Ngày thảo luận đầu tiên của thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN đã kết thúc tại California. Các nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau ở buổi cơm tối do Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama khoản đãi, và theo lời một viên chức của Nhà Trắng, mọi người đều đồng ý vừa ăn vừa nói chuyện tiếp, chứng tỏ thượng đỉnh diễn ra suôn sẻ, và có rất nhiều điều các nhà lãnh đạo muốn tiếp thục thảo luận với nhau.
Cũng xin nhắc lại thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN kéo dài 2 ngày, ngày đầu bàn thảo về hợp tác kinh tế, thương mại, ngày thứ nhì, tức là ngày mai, sẽ được dành để thảo luận về chính trị và an ninh, bao gồm tình hình biển Đông, tăng cường hợp tác chống khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS, những biện pháp cần làm đối với Bắc Hàn và cả chuyện nhân quyền, tiến trình xây dựng dân chủ cũng được Tổng Thống Obama nói đến.
Khi nói đến nhân quyền và những bước tiến xây dựng dân chủ, điều được mọi người chú ý tới là trong số 10 nước ASEAN dự thượng đỉnh, chỉ có Indonesia và Philippines là 2 quốc gia Đông Nam Á có được nền dân chủ cởi mở, trong khi Lào và Việt Nam là những nước đang được điều khiển bởi chế độ cộng sản độc đảng; chính phủ Thái Lan đang được điều hành bởi chính phủ quân sự, mọi quyết định đều nằm trong tay Tướng Prayuth Chan-Ocha; điều khiển chính trường Campuchia là ông Hun Sen làm thủ tướng từ năm 1985 đến giờ; Tiểu Vương Sultan Hassanal Bolkhia của xứ Brunei cũng nổi tiếng là người độc đoán, dùng quy định Hồi Giáo để ban hành những đạo luật rất gắt gao, buộc người dân quốc gia nhỏ bé này phải tuân theo.
Mọi người cũng chú ý đến sự hiện diện của Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, người đang bị dân chúng phản đối, cáo buộc tội lấy của công làm của riêng, và sự hiện diện của Tổng Thống Indonesia, ông Joko Widodo, xuất thân là một người bán đồ gỗ trước khi bước vào sinh hoạt chính trường và trở thành người lãnh đạo quốc gia đứng thứ tư trong danh sách những nước đông dân nhất thế giới.
Một điểm khác cũng được các nhà quan sát chú ý tới là thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN diễn ra vào đúng năm cuối cùng Tổng Thống Obama ngồi ở Nhà Trắng, và cũng là thời điểm một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á sửa soạn rời khỏi chức vụ họ đang nắm giữ.
Những nhà lãnh đạo ở trong trường hợp đặc biệt này gồm có Tổng Thống Thein Sein của Miến Điện sẽ mãn nhiệm vào tháng Tư, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ nãm nhiệm vào tháng Năm và Tổng Thống Benigno Aquino của Philippines sẽ mãn nhiệm vào tháng Sáu năm nay.
Thủ Tướng Dũng và Tổng Thống Aquino có mặt ở thượng đỉnh, nhưng Tổng Thống Thein Sein của Miến Điện chỉ cử một vị Phó Tổng Thống sang Hoa Kỳ phó hội.
Biển Đông: Trọng tâm thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands
Tổng thống Obama sẽ tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm sắp tới, khi ông chủ trì cuộc họp thượng đỉnh với 10 nước Đông Nam Á ở khu nghỉ mát lịch sử Rancho Mirage ở Sunnylands.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai ngày 15 và 16 tháng 2 sẽ họp thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Sunnylands, bang California. Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và những hoạt động ngày càng tăng của TC ở đó sẽ là một trong các đề tài chính tại hội nghị này.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc mới đây đã nói với báo giới rằng Mỹ sẽ gửi “một thông điệp rất rõ ràng” tới các nhà lãnh đạo ASEAN là Mỹ phản đối TC “quân sự hóa” những lãnh thổ đang tranh chấp và bất cứ sự leo thang căng thẳng nào trong khu vực. Philippines, đồng minh của Mỹ, đã đưa vụ tranh chấp lãnh thổ với TC ở vùng biển này ra Tòa trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) ở La Haye để giải quyết. Việt Nam, đối tác chiến lược của Mỹ và Philippines, đã củng cố cho vụ kiện của Philippines với văn kiện nêu quan điểm gửi đến tòa hồi cuối năm 2014.
Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 6 năm nay. Liệu Việt Nam có nên và khi nào cần thực hiện một vụ kiện tương tự như Philippines?
Hoàng Việt, giảng viên tại trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết theo luật quốc tế, tất cả các tranh chấp chủ quyền khi đưa ra Tòa Trọng tài (PCA) hay Tòa Công pháp (ICJ) phải có sự đồng ý của các bên tham gia tranh chấp. Song TC luôn luôn khước từ việc đưa ra tòa nên việc giải quyết chủ quyền “gần như là không mang ra tòa được”, Việt, người đã nghiên cứu chính sách về Biển Đông từ 2007, nói..
Về kinh nghiệm của Philippines, Việt, người cũng là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ ra rằng Philippines đã sử dụng một thủ tục trọng tài theo Công ước về Luật biển không cần sự có mặt của TC mà tòa PCA vẫn có thể xem xét và phán quyết được. Ông nói:
“Nhưng với tòa đó, tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với các việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của Công ước [về] Luật biển mà thôi”.
Vị giảng viên luật cho biết Philippines chứng minh bằng các báo cáo, các nghiên cứu khoa học và kể cả bản đồ cổ trước tòa rằng “đường lưỡi bò” mà TC thể hiện trên bản đồ để đòi chủ quyền ở Biển Đông đã vi phạm Công ước về Luật biển. Philippines cũng chứng minh một số thực thể mà TC và Đài Loan kiểm soát trong quần đảo Trường Sa chỉ là đá hay bãi cạn, không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như một đảo.
“Vụ kiện của Philippines nó giúp cho Việt Nam rất nhiều”, Hoàng Việt khẳng định. Ông cũng cho rằng Việt Nam sẽ có những thuận lợi:
“Tôi nghĩ rằng thuận lợi nhiều hơn. Thuận lợi thứ nhất là Philippines là người mở đường. Chưa có một vụ kiện nào nêu tiền lệ như vậy. Với phán quyết ngày 29/10/2015, tòa đã khẳng định tòa có thẩm quyền với vụ tranh chấp này. Với những cái tòa đã phán quyết là có thẩm quyền, nếu phía Việt Nam dựa vào để đưa ra những lập luận tương tự như vậy, thì việc tòa có thẩm quyền là không có gì phải chối bỏ cả”.
Nói về khó khăn của Việt Nam nếu có ý định thực hiện một vụ kiện, ông Việt nhận định: “Khó khăn lớn nhất là các chính khách Việt Nam có đủ quyết tâm để làm các điều đó hay không?”
Việt cũng lưu ý rằng dù tòa có phán quyết thắng cho Philippines “thì ai sẽ là người buộc Trung Quốc chấp thuận, thi hành điều đó”.
Song ông vẫn cho rằng việc kiện TC là cần thiết. Ồng nói:
“Chúng ta hiểu luật pháp quốc tế ở đây không chỉ là chuyện thẩm quyền cảnh sát, tức là anh đến dùng vũ lực buộc một chủ thể nào đó thực hiện nó. Mà quốc tế sẽ dựa vào sức mạnh và dư luận của quốc tế. Cái điều này rất quan trọng. Nếu Trung Quốc muốn làm ăn, Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc, để mà có uy tín trên thế giới, Trung Quốc không thể phớt lờ tất cả mọi người, tất cả các quốc gia khác. Các cường quốc khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Âu châu chẳng hạn, họ cũng sẽ tạo sức ép”.
Liệu Việt Nam có thể kỳ vọng gì trong giải quyết tranh chấp với TC, kể cả qua biện pháp pháp lý, ông Hoàng Việt cho rằng “giải pháp thực tế nhất” là giữ nguyên hiện trạng. Ông nói thêm:
“Nếu không giữ nguyên được hiện trạng, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới. Mục đích quan trọng nhất của họ là độc chiếm Biển Đông. Cho nên họ cứ lấn tới. Nếu các quốc gia trên thế giới cùng đồng lòng lên tiếng thì ít nhất Trung Quốc phải dừng lại. Điều đó đã là tiến bộ lắm rồi”.
Nhận xét về Mỹ, một nước không có tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông song luôn ủng hộ tự do hàng hải và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình, Hoàng Việt bình luận:
“Chúng ta không thể chối bỏ vai trò rất quan trọng của Mỹ. Nói không ngoa rằng nếu không có một quốc gia như Mỹ bây giờ, kiềm chế Trung Quốc, khó có quốc gia nào có thể ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông được.”
Obama “tới Việt Nam vào tháng Năm”
Chính phủ Hoa Kỳ thông báo Tổng thống Barack Obama sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng Năm tới.
Dường như ông Obama sẽ tới Hà Nội khi đang ở Á châu nhân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối G7 tại Nhật Bản từ 26–27/5.
Nhà Trắng cho hay ông tổng thống đã nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rằng ông nhận lời tới thăm Việt Nam.
Barack Obama và Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp riêng hôm thứ Hai 15/2 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean tại Sunnylands, tiểu bang California.
Thông cáo của Chính phủ Mỹ nói hai vị lãnh đạo đã thảo luận thúc đẩy quan hệ song phương.
Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái.
Cũng năm 2015, ông Obama đã đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.
Trong chuyến thăm này Trọng đã ngỏ lời mời ông Obama sang thăm nhưng không có tin ông tổng thống đồng ý hay không.
Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Barack Obama.
Trước ông, có hai tổng thống Mỹ đã thăm Việt Nam sau 1975: Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000 và Tổng thống George W. Bush vào năm 2006.
Tổng thống Mỹ gặp Thủ tướng Việt Nam bên lề hội nghị Sunnylands
Tổng thống Barack Obama đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị 10 nước ASEAN tại khu điền trang Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California, ngày 15 tháng 2, 2016.
16.02.2016
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-ASEAN tại Sunnylands, Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Tổng thống Obama và Thủ tướng Dũng đã thảo luận về việc tiếp tục củng cố mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trong năm 2015, đánh dấu kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao và những tiến bộ hơn nữa trong một khuôn khổ song phương được gọi là Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, an ninh hàng hải, và nhân quyền để thúc đẩy quan hệ song phương. Tổng thống cũng nhận lời mời của phía Việt Nam đến thăm vào tháng 5 khi ông đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G-7.