Tin Tổng Hợp – 9/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 9/6/21

(NikkeiAsia) – Samsung và Toyota tham gia quỹ vac-xin của Việt Nam. Là hai tập đoàn quốc tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, hãng Samsung của Hàn Quốc và Toyota của Nhật đã đóng góp nhiều vào quỹ giúp Việt Nam chống Covid-19.  Trong ngày 08/06/2021 quỹ này đã nhận được 4.100 tỷ đồng từ trên 231 tổ chức và cá nhân, bên cạnh đó các nhà tài trợ cũng đã thu thập được số tiền hơn 3.200 tỷ đồng. Riêng Samsung tặng cho quỹ của Việt Nam 40 tỷ đồng, còn Toyota 10 tỷ, tương tự như hãng Foxconn của Đài Loan.  

(RFI) – Mêhicô là chặng thứ hai trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của phó tổng thống Mỹ để giải quyết vấn đề người nhập cư. Sau Guatemala, hôm qua 08/06/2021 bà Kamala Harris đã hội kiến với tổng thống Mêhicô Andres Manuel Lopez Obrador. Đôi bên đồng ý mở ra một « thời đại mới » trong chính sách nhập cư. Tháng 04/2021, số di dân từ Mêhicô, Honduras và Salvador vào Mỹ cao nhất từ 15 năm trở lại đây. Washington dự trù trợ cấp bốn tỷ đô la cho các nước Trung Mỹ trong bốn năm sắp tới để ngăn chận hiện tượng này.

(AFP) – Thủ tướng úc kêu gọi cải tổ các quy định của WTO. Vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh G7, hôm 09/06/2021, thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới để chấm dứt các quyết định, biện pháp kinh tế mang tính chèn ép, hà hiếp của một số nước. Lời kêu gọi được hiểu là nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ thương mại Canberra-Bắc Kinh đang căng thẳng cao độ do những biện pháp trừng phạt thuế của Trung Quốc đối với Úc. Lãnh đạo Úc muốn nhân dịp được mời tham gia G7 mở rộng, kêu gọi các cường quốc kinh tế “hiện đại hóa” các quy định của WTO, trước khi các bộ trưởng của WTO họp ở Genève vào cuối năm nay.

(NHK) – Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Olympic Tokyo sẽ bị theo dõi qua GPS. Bà Hashimoto Seiko, chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Olympic và Paralympic Tokyo, hôm 08/06/2021 giải thích, việc giám sát chặt chẽ, trong suốt 2 tuần, nhằm cảnh báo các nhà báo khi họ di chuyển ra ngoài khu vực quy định. Họ chỉ được phép ở tại các khách sạn do ban tổ chức chỉ định, nghiêm cấm việc ra ngoài ở nhà dân hay bạn bè. Các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020, diễn ra từ 23/07 đến 08/08, đã cấm khán giả đến từ nước ngoài. Với khán giả trong nước, việc cho phép tham dự thế nào sẽ được quyết định vào cuối tháng này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210609-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Biển Đông: Chuyên gia khuyên Philippines đặt tên các đảo nhỏ và xác định ranh giới biển

08/06/2021

Ảnh tư liệu ngày 31/08/2018 do quân đội Philippines cung cấp, cho thấy một tàu của Hải quân Philippines tuần tra tại khu vực  Bãi Trăng Khuyết, quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Ảnh tư liệu ngày 31/08/2018 do quân đội Philippines cung cấp, cho thấy một tàu của Hải quân Philippines tuần tra tại khu vực Bãi Trăng Khuyết, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. AP

Thụy My

Nhân sắp đến dịp kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ba chuyên gia về luật hàng hải của Philippines khuyến cáo tổng thống Rodrigo Duterte nên « luật hóa » thắng lợi năm 2016, qua việc đặt tên cho các rạn san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông, đồng thời xác định ranh giới trên biển.

Theo South China Morning Post hôm nay, 08/06/2021, trong lá thư gởi cho ông Duterte ngày thứ Bảy 05/06, Francis Jardeleza, thẩm phán Tòa án Tối cao đã về hưu, cùng với hai chuyên gia khác, cho biết đã soạn thảo một dự luật nhằm giúp chính phủ khẳng định yêu sách chủ quyền đối với trên 100 thực thể ở Biển Đông.

Lá thư bày tỏ sự thất vọng, vì năm năm sau chiến thắng ở Tòa Trọng tài, Philippines vẫn chia rẽ về việc áp dụng phán quyết. Ông Jardeleza, người đã tham gia cuộc chiến pháp lý năm 2016, cho rằng việc ra luật là phương cách hiệu quả nhất.

Nhóm chuyên gia đề nghị một luật mới, khẩn cấp đặt tên cho ít nhất 128 thực thể trên Biển Đông, mà theo họ Philippines có « chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán » và 35 mỏm đá ngoài khơi hoặc đá nổi, vạch ra đường cơ sở xung quanh. Họ cho rằng, thay vì yêu sách cả quần đảo Trường Sa, tốt nhất nên đòi hỏi chủ quyền từng rạn san hô hay đảo nhỏ cùng với lãnh hải xung quanh.

Đề xuất này gây tranh cãi trong nội bộ Manila. Tổng lãnh sự Philippines tại San Francisco, Henry Bensurto phản đối ý định để cho các nhà lập pháp quyết định tư cách các thực thể. Chuyên gia luật biển quốc tế Jay Batongbacal tuyên bố dự luật này là vô ích, không cần phải luật hóa mỗi đảo trong số 7.641 hòn đảo ở Philippines để xác quyết chủ quyền. Theo ông, vấn đề không phải là việc nhận diện, mà là các hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào ngư dân và các tàu Philippines.

Từ tháng Hai, khoảng 200 tàu dân quân Trung Quốc hiện diện thường xuyên tại Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở Trường Sa, mà Việt Nam cũng đòi hỏi chủ quyền. Manila từ tháng Ba mỗi ngày đều gởi công hàm phản đối Trung Quốc. Hôm qua, phát ngôn viên tổng thống Philippines cho hãng tin Benanews biết đã nhận được lá thư trên, nhưng còn đang xem xét. Phía đại sứ quán Trung Quốc không trả lời câu hỏi của Benanews.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210608-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-chuy%C3%AAn-gia-khuy%C3%AAn-philippines-%C4%91%E1%BA%B7t-t%C3%AAn-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BA%A3o-nh%E1%BB%8F-v%C3%A0-x%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Bnh-ranh-gi%E1%BB%9Bi-bi%E1%BB%83n

Mỹ mài sắc thêm vũ khí trừng phạt Trung Quốc

09/06/2021

Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc treo cùng với cờ tập đoàn CNOOC China National Offshore Oil Corp.
Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc treo cùng với cờ tập đoàn CNOOC China National Offshore Oil Corp. © Reuters

Trọng Nghĩa

Ngày 03/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một sắc lệnh, sửa đổi lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã ban hành, cấm đầu tư vào gần 60 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới quân đội hoặc hoạt động trong lĩnh vực giám sát. Ngoài việc đưa thêm nhiều công ty vào danh sách đen các thực thể bị cấm đầu tư, sắc lệnh mới còn bổ sung một số thiếu sót trong lệnh cũ đã làm cho biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả.

Trong bài phân tích ngày 08/06/2021, hãng tin Anh Reuters đã nhận xét rằng vũ khí trừng phạt Trung Quốc được chính quyền Biden cải thiện về nguyên tắc có khả năng khiến “nhiều công ty Trung Quốc hơn rơi vào diện bị cấm nhận đầu tư Mỹ”.

Nhìn chung, sắc lệnh vừa được tổng thống Biden ban hành sẽ nghiêm cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào 59 tập đoàn và công ty trong các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng của Trung Quốc.

Phạm vi áp dụng trừng phạt rộng hơn so với thời Donald Trump

So với văn bản tương tự do tổng thống tiền nhiệm Donald Trump ký ban hành, lệnh mới của đương kim tổng thống Joe Biden có phạm vi áp dụng rộng hơn và tiêu chí để trừng phạt dễ dàng hơn.

Theo nhận xét của luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức bộ Thương Mại Mỹ, thì lệnh mới cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty “đang hoạt động hoặc đã hoạt động” trong các lĩnh vực quốc phòng hoặc vật liệu liên quan tới quốc phòng hay công nghệ giám sát, hoặc thuộc sở hữu hay có người nắm quyền có liên hệ với các ngành trên.

Mục đích của lệnh cấm là nhằm hạn chế dòng tiền đổ vào các công ty làm suy yếu an ninh Hoa Kỳ hoặc “các giá trị dân chủ”, những hành vi bị xếp vào diện vi phạm nhân quyền.

Những khái niệm được nêu lên trong lệnh cấm mới mang tính chất tổng quát hơn những gì ghi trong lệnh trừng phạt thời ông Trump, vốn chỉ được áp dụng đối với các công ty quân sự Trung Quốc như đã được định nghĩa trong Luật Ủy Quyền Quốc Phòng, tức là các công ty do Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát hoặc “có liên quan với” quân đội, một bộ trong chính phủ hoặc với một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Lệnh đã được sửa đổi đã loại bỏ tiêu chí “liên kết trực tiếp với Nhà nước Trung Quốc“, mà sử dụng ngôn từ mơ hồ hơn, nói đến những công ty “hoạt động trong -operate in” lĩnh vực quốc phòng hoặc giám sát.

Sắc lệnh mới có thể giúp tránh được những thất bại khi bị kiện

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia pháp lý được Reuters trích dẫn, là sắc lệnh mới có thể giúp chính quyền tránh được những thất bại đáng xấu hổ trước tòa án khi bị kiện, sau ba vụ công ty ra tòa khiếu nại lệnh cấm của tổng thống Trump, và đã thắng trong hai vụ, còn vụ thứ ba chưa ngã ngũ.

Chuyên gia Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington nhận xét: “Các tòa án (Mỹ) thường tránh bác bỏ các quyết định của tổng thống nhân danh an ninh quốc gia. Việc họ đã phán quyết như vậy cho thấy là phía ông Trump đã thực sự kém cỏi cả trong việc soạn thảo sắc lệnh lẫn trong việc bảo vệ các quyết định đã được đưa ra.

Trong vụ kiện thứ nhất, Xiaomi, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh có trụ sở tại Bắc Kinh, bị mất khoảng 10 tỷ đô la vốn trên thị trường chứng khoán một tháng sau khi bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm, là hãng đầu tiên đệ đơn kiện trước tòa để vạch rõ những sai sót trong lệnh của Trump.

Đến Tháng Ba vừa qua, tòa án đã yêu cầu đình chỉ lệnh cấm đối với Xiaomi với lý do là thiếu bằng chứng về việc tập đoàn này có liên kết với Quân Đội hoặc Nhà nước Trung Quốc. Điều đáng nói là tòa án đã gọi việc lập danh sách đen là một hành động “tùy tiện và thất thường”.

Bằng chứng mà chính quyền Trump đưa ra để chứng minh “lỗi lầm” của Xiaomi chỉ là giải thưởng được Nhà Nước Trung Quốc trao tặng cho chủ tịch tập đoàn này vào năm 2014, một giải thưởng mà hơn 500 doanh nhân đã nhận được kể từ năm 2004, trong đó có cả lãnh đạo của một công ty sữa bột trẻ em. Chính quyền Mỹ cũng trích dẫn các khoản đầu tư của Xiaomi vào công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo, nhưng thẩm phán lưu ý rằng hai lãnh vực này đang trở thành tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm tiêu dùng, chứ không chỉ riêng cho các thiết bị quân sự.

Thẩm phán cũng lưu ý những sai sót trong bản ghi nhớ quyết định của chính phủ, bao gồm các trích dẫn không chính xác quy chế được đề cập đến, và cho rằng chính quyền không đáp ứng thỏa đáng định nghĩa “có liên hệ với”, cụ thể là “do một người khác kiểm soát trong thực tế hoặc liên kết với những người khác để cùng sở hữu hoặc kiểm soát”.

Những công ty thoát nạn và những tập đoàn nổi bật bị trừng phạt

Do vậy, tháng Năm vừa qua, chính quyền Biden đã đồng ý rút tên Xiaomi ra khỏi danh sách.

Cũng giành được thắng lợi tương tự là công ty công nghệ bản đồ Luokung Technology Corp. Cả Xiaomi, Luokung và công ty bán dẫn Gowin Semiconductor, công ty thứ ba kiện lệnh cấm của chính quyền Trump, đều không nằm trong danh sách đen được sửa đổi của chính quyền Trump.

Dẫu sao thì danh sách 59 doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm nhận đầu tư Mỹ vẫn bao gồm một loạt các đại tập đoàn, trong đó có nhiều thực thể nằm trong cả hai danh sách đen, cả thời Donald Trump lẫn thời Joe Biden.

Nổi bật trong danh sách là tập đoàn dầu hỏa ngoài khơi CNOOC, rất được người Việt Nam biết đến trong vai trò chủ nhân giàn khoan HD-981, tập đoàn công nghệ kỹ thuật số chuyên về camera giám sát Hikvision, tập đoàn điện thoại thông minh Hoa Vi và nhà sản xuất thiết bị bán dẫn SMIC.

Đối với luật sư Wendy Wysong hoạt động tại Hồng Kông, người đã từng cân nhắc việc kiện danh sách đen thời Donald Trump, thì bản danh sách của chính quyền Biden dường như có cơ sở vững chắc hơn.

Luật sư này giải thích: “Kiện các lệnh trừng phạt mới của Mỹ giờ đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì lẽ lập luận không còn yếu như trước, trong lúc các tiêu chí không còn được định nghĩa một cách hạn hẹp nữa”.

Chuyên gia Reinsch của CSIS thì dự đoán rằng nhiều công ty khác của Trung Quốc có thể bị liệt vào diện cấm nhận đầu tư Mỹ trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của tổng thống Biden. Vấn đề chỉ là liệu Washington có muốn quyết liệt hơn với Bắc Kinh hay không.

Khả năng Mỹ trừng phạt Trung Quốc mạnh mẽ hơn hoàn toàn có thể xẩy ra trong bối cảnh mới đây Bắc Kinh chuẩn bị thông qua một bộ luật nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là các biện pháp từ phía Mỹ. Đang được thảo luận tại Quốc Hội Trung Quốc, dự luật này, theo Tân Hoa Xã sẽ được thông qua vào năm tới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210609-m%E1%BB%B9-m%C3%A0i-s%E1%BA%AFc-th%C3%AAm-v%C5%A9-kh%C3%AD-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-trung-qu%E1%BB%91c