Tin tổng hợp – 8/10/2020
(AFP) – Vụ đầu độc Navalny: Berlin và Paris chính thức quy trách nhiệm cho Matxcơva.
Trong một tuyên bố chung vào hôm qua, 07/10/2020, hai ngoại trưởng Đức và Pháp, Heiko Maas và Jean-Yves Le Drian, đã lên án một “âm mưu ám sát khủng khiếp” nhắm vào nhà đối lập Nga Alexeï Navalny, và cho rằng “không có lời giải thích hợp lý nào khác” cho vụ đầu độc ông Navalny “ngoại trừ trách nhiệm và sự tham gia của Nga”. Matxcơva đã nhanh chóng phản ứng, tố cáo một “tuyên bố không thể chấp nhận được về cả nội dung lẫn giọng điệu”, đồng thời cáo buộc Paris và Berlin “đứng đầu một liên minh chống Nga” đang được thành lập trong Liên Hiệp Châu Âu, và cảnh báo rằng Nga không còn có thể “kinh doanh như thường lệ” với Pháp và Đức.
(Reuters) – Bốn người ra toà về vụ 39 di dân người Việt Nam chết trong thùng xe tải ở Anh.
Hôm qua, 07/10/2020, hai thành viên một băng đảng buôn người ra tòa tại Anh, với cáo buộc chịu trách nhiệm về cái chết của 39 người Việt, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, bị chết ngạt trong một container. Theo nhiều nhà quan sát, thảm kịch xảy ra hồi năm ngoái này cho thấy tình cảnh khốn cùng của nhiều người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, vượt biên bất hợp pháp vào nước Anh.
(Yonhap) – Hàn Quốc phê phán việc Nhật kêu gọi dỡ bỏ bức tượng cô gái trẻ, biểu tượng cho nạn nô lệ tình dục thời đế chế Nhật.
Hôm nay, 08/10/2020, trả lời báo chí, chính quyền Seoul khẳng định bức tượng này được dựng nên là theo nguyện vọng của các cá nhân. Chính phủ không can thiệp. Theo người phát ngôn của chính phủ Hàn Quốc, việc Tokyo đưa ra đòi hỏi này là đi ngược lại với thái độ xin lỗi cần có của nước Nhật. Tượng do tổ chức Korea Verban, có trụ sở tại Đức, chủ trì xây dựng. Nạn phụ nữ nô lệ tình dục cho quân đội Nhật là một chủ đề thường xuyên gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai láng giềng Hàn – Nhật.
(AFP) – Thái tử Anh lập giải thưởng vinh danh các giải pháp cho khủng hoảng khí hậu.
Theo AFP hôm nay, 08/10/2020, kể từ năm tới, giải thưởng Earthshot sẽ bắt đầu được trao tặng cho 5 người, có đóng góp quan trọng nhất trong việc hoá giải cách thách thức của khủng hoảng khí hậu. Giải sẽ được trao hàng năm trong vòng 10 năm. Thông điệp của thái tử Anh là « thay thế không khí bi quan hiện tại bằng không khí lạc quan ». Quỹ cho giải thưởng có tổng trị giá 55 triệu euro.
(AFP) – Tổng tài sản của các tỷ phú đã vượt 10.000 tỷ vào cuối tháng Bảy.
Theo một nghiên cứu do ngân hàng Thụy Sĩ UBS công bố ngày 07/10/2020, tài sản của các tỷ phú trên thế giới đang đạt đến những đỉnh cao mới bất chấp cú sốc của đại dịch, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tài chính. Tính đến cuối tháng 7, tài sản tích lũy của các tỷ phú lên đến khoảng 10,2 nghìn tỷ đô la, vượt kỷ lục trước đó của năm 2017 là 8,9 nghìn tỷ đô la. Các tác giả của bản nghiên cứu hàng năm này còn xác định là đã có 2.189 tỷ phú vào cuối tháng 7, nhiều hơn 31 người so với năm 2017.
(AFP) – Youtube đóng góp trực tiếp và gián tiếp 550 triệu euro cho GDP của Pháp.
Báo cáo của Oxford Economics được công bố vào hôm nay 08/10/2020.Cũng theo báo cáo này, Youtube còn đóng góp nhiều công ăn việc làm cho nước Pháp, tương đương với 15.000 việc làm toàn thời gian. Youtube chính thức vào thị trường Pháp từ năm 2005. Khoảng 40 triệu người Pháp (90% thuộc lứa tuổi 18-34 tuổi) từng xem một video trên Youtube vào tháng 07/2020.
(Reuters) – TT Mỹ Donald Trump muốn tất cả lính Mỹ tại Afghanistan trở về nhà trước Giáng Sinh 2020.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump thông báo đến đầu năm 2021 Washington sẽ giảm quân số tại Afghanistan xuống còn 2.500 người. Mỹ và Taliban hồi tháng 02/2020 đã ký thỏa thuận theo đó muộn nhất là đến tháng 05/2021 Washington sẽ rút hết quân tại Afghanistan.
(AFP) – Mỹ chặn 92 tên miền của Iran.
Trong số 92 tên miền của Iran mà Mỹ mới kiểm soát được, có 4 tên miền được Teheran sử dụng cho các trang tin bằng tiếng Anh. Bộ Tư Pháp Mỹ hôm qua 07/10/2020 cho biết như trên. Các trang web này được xác định nhờ thông tin từ Google và các mạng xã hội Twitter và Facebook. Theo bộ Tư Pháp Mỹ, 92 tên miền này nhằm phục vụ công tác tuyên truyền của Iran tại Tây Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201008-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 8/10:
Ông Trump tán dương loại thuốc trị Covid ông dùng;
Hơn 36,3 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu
Lục Du
Mục lục bài viết
Hơn 36,3 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu
Ông Trump tán dương loại thuốc trị Covid ông dùng
USCC: Luật pháp Mỹ có khe hở để Bắc Kinh lợi dụng
Đài Loan có gần 3000 lượt đánh chặn máy bay Trung Quốc
Cố vấn Nhà Trắng nói về biện pháp trừng phạt Triều Tiên
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (8/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Hơn 36,3 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu
Theo số liệu thống kê của Worldometer, tính tới sáng ngày 8/10 (giờ Việt Nam), thế giới có 36.346.207 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 1.059.184 người chết và 27.371.231 người đã bình phục.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm (7.767.332, nhiễm mới: 39.702) và tử vong (216.596, tăng: 744) vì viêm phổi Vũ Hán cao nhất thế giới, xếp kế là Ấn Độ (nhiễm: 6.832.988, tử vong: 105.554) và Brazil (nhiễm: 5.000.694, tử vong: 148.228).
Dịch cũng đang diễn biến xấu ở châu Âu khi nhiều nước từng là điểm nóng của Covid như Ý, Pháp, Anh tiếp tục có số người nhiễm nCoV và thiệt mạng vì loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc tăng cao. Các quốc gia này đang áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan của loại virus chết người.
Theo The Guardian, Ý (333.940 người nhiễm, 3.678 nhiễm mới và 36.061 người chết) đã yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid đối với khách du lịch từ bốn quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, đồng thời bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Pháp (nhiễm: 653.509, nhiễm mới 18.746, tử vong: 32.445) ghi nhận số ca mắc Covid nhập viện với mức cao nhất trong ba tháng và số ca nhiễm mới cao kỷ lục.
Thủ đô Brussels của Bỉ đã ra lệnh đóng cửa các quán cà phê và quán bar để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán.
SCMP đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới đang chờ Bắc Kinh chấp thuận việc tiếp nhận đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc phát sinh dịch viêm phổi Vũ Hán. Dịch Covid đã bùng phát gần một năm nhưng chính quyền Trung Quốc cho thấy họ vẫn chưa muốn thực hiện việc điều tra nguồn gốc phát sinh của loại virus chết người trong khi có nhiều báo cáo cho biết đây là loại virus nhân tạo do quân đội Trung Quốc sản xuất.
Ông Trump tán dương loại thuốc trị Covid ông dùng
Trong một tin nhắn video hôm thứ Tư (7/10), Tổng thống Trump nói rằng dược phẩm của công ty Regeneron là chìa khóa để hồi phục sau khi ông bị nhiễm virus Vũ Hán. Ông Trump cho biết ông đã gợi ý để được điều trị bằng một loại cocktail thử nghiệm từ công ty dược phẩm này, vốn hiếm khi được sử dụng bên ngoài các thử nghiệm lâm sàng, theo The Guardian.
“Tôi cảm thấy tuyệt vời. Tôi cảm thấy hoàn hảo”, Tổng thống Trump nói trong video. “Tôi nghĩ đây là một phước lành từ Chúa, tôi đã có được nó. Đây là một đặc ân được ngụy trang. Tôi đã có được nó, tôi đã nghe nói về loại thuốc này, tôi nói để tôi uống thử xem, đó là gợi ý của tôi”.
Ông Trump hứa sẽ cung cấp miễn phí loại thuốc này cho người dân Mỹ. Ông coi đó là một loại thuốc “chữa bệnh”, trong khi chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh nhân Covid-19.
USCC: Luật pháp Mỹ có khe hở để Bắc Kinh lợi dụng
Một cơ quan của Quốc hội Mỹ cảnh báo hôm thứ Tư (7/10) rằng luật pháp nước này chưa được trang bị tốt để ngăn chặn dòng chuyển giao công nghệ do nhà nước Trung Quốc bảo trợ, vốn giúp cải thiện khả năng quân sự của Bắc Kinh trước tổn thất của các doanh nghiệp và tổ chức học thuật Mỹ, theo SCMP.
“Luật pháp Hoa Kỳ cho phép chuyển giao hợp pháp kiến thức [khoa học và kỹ thuật] được phán đoán dựa trên những giả định rằng nó có khả năng lỗi thời, nhưng vẫn chưa xem xét sự tham gia ngày càng chặt chẽ của cả giới học thuật Mỹ và Trung Quốc trong các nghiên cứu nhạy cảm”, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC ) cho biết trong một báo cáo.
“Bởi vì Bắc Kinh đã ban hành chiến lược ‘hợp nhất quân sự – dân sự’ và ra lệnh những người có chuyên môn về [khoa học và công nghệ] phải phục vụ cho sự nghiệp phục hưng đất nước, các tổ chức trực thuộc nhà nước có thể tiếp thu và tận dụng kiến thức chuyên môn này để nâng cao khả năng quân sự của Trung Quốc và hơn nữa là vì lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, theo báo cáo.
Đài Loan có gần 3000 lượt đánh chặn máy bay Trung Quốc
Taiwan News dẫn thông tin từ CNA cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát, hôm thứ Tư (7/10), nói với Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng thuộc quốc hội rằng quân đội Đài Loan đã điều động máy bay tổng cộng 2.972 lượt để theo dõi hoặc đánh chặn máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận quốc đảo này trong năm nay, ước tính chi phí cho hoạt động này lên tới 25,5 tỷ Đài tệ (850 triệu USD).
Máy bay Trung Quốc không chỉ đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ) mà đôi lúc còn vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan (ranh giới ngầm định giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan). Theo trang web của Bộ Quốc phòng (MND), máy bay quân sự Trung Quốc đã thực hiện 12 vụ xâm nhập không phận Đài Loan trong khoảng thời gian từ ngày 16/9 đến ngày 6/10.
Theo báo cáo hoạt động của MND được trình lên cơ quan lập pháp, quân đội Đài Loan trong năm nay đã điều động máy bay tổng cộng 4.132 lần cho các mục đích khác nhau, bao gồm các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát chung; nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; các cuộc tập trận và bảo vệ nghề cá chung thường xuyên.
Ông Nghiêm cho biết thêm, quân đội Trung Quốc đã cho máy bay của họ xâm phạm ADIZ của Đài Loan 217 lần trong năm nay.
Cố vấn Nhà Trắng nói về biện pháp trừng phạt Triều Tiên
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết các biện pháp trừng phạt đối với nhà nước Triều Tiên là một công cụ mạnh mẽ nhưng có thể mất nhiều thời gian để nhìn thấy hiệu quả dự định, theo Yonhap.
“Đã có những biện pháp trừng phạt rất cứng rắn đối với Triều Tiên”, ông nói trong một cuộc hội thảo do Trường Luật William S. Boyd tại Đại học Nevada, Las Vegas tổ chức và được phát trực tuyến. “Họ có một công cụ phục hồi nếu họ sẵn sàng giết người của mình. Nếu họ có đủ tiền và nguồn lực” để chống lại các lệnh trừng phạt.
Ông O’Brien đưa ra phát biểu này trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc. Trong khi đó, Bắc Hàn đang gặp khó khăn đối với các lệnh trừng phạt quốc tế, những vấn đề nội tại của chế độ cầm quyền và thiên tai liên tiếp thời gian qua.
Điểm tin thế giới tối 8/10:
Anh nói có bằng chứng Huawei ‘cấu kết’ với Bắc Kinh;
Ông Trump định vận động tranh cử trở lại
Hải Lam
Mục lục bài viết
Anh nói có bằng chứng Huawei ‘cấu kết’ với Bắc Kinh
Ông Trump định vận động tranh cử trở lại từ tuần tới
Ông Trump muốn rút hết quân ở Afghanistan trước Giáng sinh
Đức, Pháp thúc đẩy EU chế tài Nga về vụ Navalny
Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về giao tranh Armenia – Azerbaijan
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (8/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Anh nói có bằng chứng Huawei ‘cấu kết’ với Bắc Kinh
Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Anh hôm nay cho biết họ đã tìm ra bằng chứng Huawei “cấu kết” với nhà nước Trung Quốc và Anh có thể phải loại bỏ toàn bộ thiết bị Huawei sớm hơn kế hoạch, theo Reuters.
Tobias Ellwood, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, cho biết: “Phương Tây phải khẩn trương đoàn kết để tạo ra đối trọng với ưu thế công nghệ vượt trội của Trung Quốc”. “Chúng ta không được từ bỏ an ninh quốc gia chỉ vì mục tiêu phát triển công nghệ ngắn hạn”.
Ủy ban không đề cập chi tiết về bản chất của các mối quan hệ nhưng cho biết họ đã thấy bằng chứng rõ ràng về sự thông đồng của Huawei với “bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Huawei cáo buộc báo cáo này thiếu độ tin cậy.
Ông Trump định vận động tranh cử trở lại từ tuần tới
Bloomberg đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch vận động tranh cử trở lại từ thứ Hai tới (12/10), chỉ hơn một tuần sau khi ông thông báo nhiễm Covid-19.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề hôm 7/10 cho hay, ông Trump có kế hoạch đến Pennsylvania vận động tranh cử vào ngày 12/10. Tổng thống Mỹ cũng dự định tới bang Florida vào 13/10 và Michigan vào 16/10.
Kế hoạch cho các chuyến vận động tranh cử này vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu diễn ra theo đúng lịch trình, đây sẽ là sự kiện vận động tranh cử đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi ông thông báo nhiễm virus corona.
Ông Trump muốn rút hết quân ở Afghanistan trước Giáng sinh
“Chúng ta nên đưa số ít những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đang làm nhiệm vụ ở Afghanistan về nhà trước Giáng sinh”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 7/10.
Dòng tweet trên được đăng tải chỉ vài giờ sau khi cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết nước này sẽ giảm lực lượng ở Afghanistan xuống còn 2.500 người vào đầu năm 2021.
Reuters bình luận, chưa rõ dòng tweet trên là mệnh lệnh hay là nguyện vọng được ấp ủ từ lâu của ông Trump.
Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan hồi tháng 2 ký thỏa thuận, theo đó các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi quốc gia Trung Á để đổi lấy cam kết chống khủng bố từ Taliban. Lực lượng này cũng đồng ý đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và cơ chế chia sẻ quyền lực với chính phủ Afghanistan.
Tổng thống Trump và các quan chức khác từng nói Mỹ sẽ rút 4.000-5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan vào tháng 11. Tuy nhiên, các quan chức cho biết việc cắt giảm quân số tại Afghanistan còn phụ thuộc vào các điều kiện ở quốc gia này.
Đức, Pháp thúc đẩy EU chế tài Nga về vụ Navalny
Đức và Pháp hôm 7/10 tuyên bố sẽ đề nghị Liên hiệp Châu Âu chế tài các cá nhân Nga sau khi không nhận được những câu trả lời thích đáng từ Moscow về vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok.
Trong một tuyên bố chung được Reuters trích dẫn, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng: “Không có giải thích khả tín nào được Nga đưa ra cho tới nay. Trong trường hợp này, chúng tôi xem như là không có cách giải thích thuyết phục nào khác về vụ đầu độc ông Nalvany hơn là tuyên bố Nga có dính líu và phải chịu trách nhiệm”.
Các nhà ngoại giao trước đây từng cho hay Đức và Pháp sẽ đề nghị chế tài các giới chức cơ quan tình báo quân đội Nga GRU khi 27 Ngoại trưởng các nước EU họp ngày 12/10.
Hai ngoại trưởng cho biết thêm: “Rút ra những kết luận cần thiết từ những sự kiện này, Pháp và Đức sẽ chia sẻ với các đối tác châu Âu những đề nghị chế tài thêm nữa”.
Hai ngoại trưởng nhấn mạnh: “Các đề nghị sẽ nhắm vào các cá nhân xem như có trách nhiệm trong tội ác này và vi phạm chuẩn mực quốc tế, căn cứ trên nhiệm vụ của họ, cũng như một thực thể dính líu đến Novichok”.
Nga bác mọi cáo buộc của ông Navalny về việc dính líu đến vụ đầu độc.
Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về giao tranh Armenia – Azerbaijan
The Moscow Times đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/10 đã gọi cuộc chiến giữa Armenia – Azerbaijan là một “thảm kịch” chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đây là lần tiên ông Putin lên tiếng kể từ khi xảy ra tranh chấp giữa 2 nước láng giềng vào ngày 17/9.
Ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Người dân đang chết dần. Cả 2 bên đều thiệt hại nặng nề và chúng tôi hy vọng rằng cuộc giao tranh sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt”.
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga đứng đầu cùng 6 nước thuộc Liên Xô cũ. Azerbaijan và khu tự trị Nagorno-Karabakh không thuộc CSTO.
Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan như đã tách khỏi sự kiểm soát Azerbaijan vào những năm 1990. Cộng đồng quốc tế vẫn công nhận Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan.
Reuters cho biết, sau 10 ngày giao chiến vừa qua, hơn 360 người thiệt mạng, bao gồm 320 binh sĩ và 19 thường dân ở Nagorno-Karabakh, 28 cư dân Azerbaijan.