Tin Tổng Hợp – 8/8/21
Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ
Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày kể từ ngày mai 09/08/2021 tại một căn cứ huấn luyện chiến thuật ở khu tự trị Ninh Hạ miền tây bắc Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách đối phó với Mỹ. Quảng cáo
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Trong khi bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh, nội dung rèn luyện cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công điện tử và thông tin, cũng như các tập dượt tấn công chung khác.
Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là vào cuối tháng Tám này, khu vực Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc cũng là nơi tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại Hội Thể Thao Quân Đội Quốc Tế do Nga chủ xướng. Quân Đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.
Vào tháng Chín tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.
Được đặt tên là “Sứ mệnh hòa bình-2021”, cuộc điễn tập của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg phía tây nam nước Nga.
Theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh Tế Cao Cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Matxcơva, các cuộc tập trận kể trên sẽ diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Matxcơva cùng giảm quy mô các hoạt động quân sự chung vì đại dịch. Thế nhưng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái, một cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019.
Trọng Nghĩa
Olympic Tokyo 2020 chấm dứt, người Nhật vẫn chia rẽ về Thế Vận Hội
Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã bế mạc ngày 08/08/2021, nhưng người dân Nhật Bản vẫn bị chia rẽ về việc duy trì sự kiện này. Theo nhiều người, khi được thăm dò ý kiến, sự kiện thể thao quốc tế này quá nguy hiểm vì đất nước của họ đang phải đối mặt với làn sóng thứ năm của đại dịch Covid-19.
Họ từng biểu tình và đệ trình rất nhiều kiến nghị để chống lại sự kiện này. Giờ đây, Thế Vận Hội đã kết thúc, người dân Tokyo nghĩ gì? Họ rút ra kết luận gì từ sự kiện này?
Thông tín viên Bruno Duval tại Tokyo ghi nhận suy nghĩ của một số người trong phóng sự sau đây:
“Thắng lợi không hề được thấy trước, nhưng nhiều người Tokyo cuối cùng đã bị Thế Vận Hội cuốn hút, giống như những khách bộ hành chúng tôi gặp được trên đường phố Tokyo. Một phụ nữ cho biết: “Tôi ngày nào cũng ngồi trước ti vi để cổ vũ các vận động viên của chúng tôi bằng cách vẫy lá cờ Nhật Bản nhỏ bé của tôi. Họ thật tuyệt vời!”.
Một người đàn ông đồng tình: “Thật ấm lòng khi thấy các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới, những người đã cống hiến hết mình trong bối cảnh các điều kiện thực tế không phải là lý tưởng”.
Một phụ nữ khác thì tiếc nuối: “Quả thật là đáng buồn, những cuộc thi đấu lại phải diễn ra ‘sau cánh cửa khép kín’. Thế nhưng, khi nghĩ đến các vận động viên, tôi rất vui vì họ đã có thể tham gia thi đấu: Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp của họ”.
Tuy nhiên, ở thủ đô Nhật Bản, không phải ai cũng có quan điểm như trên. Một khách bộ hành phàn nàn: “Những trận đấu này đã rất tốn kém đối với chúng tôi và thêm vào đó, chúng chẳng ra gì. Các vận động viên bị mệt lả vì trời nóng bức và bị buộc phải tập luyện trong những sân vận động vắng tanh. Thành thật mà nói, thà bỏ đi thi hơn”.
Một người đàn ông khác nói thêm: “Ngày hội lớn về thể thao ư? Tôi chẳng thích thú gì về điều đó trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay: Đất nước của chúng tôi chưa bao giờ có nhiều ca nhiễm virus như vậy!” Một người phụ nữ chỉ trích: “Thế Vận Hội đã được tổ chức, mọi người tự nhủ rằng tình hình không đến nỗi tệ. Họ đã ít cẩn thận hơn và lẽ dĩ nhiên là biến thể Delta đã lan rộng khắp nơi”.
Và điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa đến: đối với nhiều chuyên gia, đợt dịch thứ năm vẫn chưa đạt đỉnh điểm”.
Trọng Nghĩa
Khi Thế vận hội Tokyo kết thúc, cuộc tranh luận về việc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh bùng nổ
Khi Thế vận hội Tokyo kết thúc vào hôm nay (mùng 8/8), sự chú ý đổ dồn vào Bắc Kinh về việc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông 2022 vì lý do nhân quyền, trang Nikkei cho hay.
Những người chỉ trích nói rằng, nhân quyền ở Trung Quốc chỉ càng xấu đi bởi quốc gia này đã thành công đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008.
Minky Worden, giám đốc phụ trách các sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết trong một hội nghị trực tuyến hôm thứ Sáu rằng, họ đã thảo luận về Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sắp tới.
Bà nói rằng, vào năm 2008, có một cảm giác lạc quan rằng “Thế vận hội có thể mang lại thay đổi tích cực cho đất nước, đặc biệt là đối với tự do báo chí và nhân quyền. Tuy nhiên, 13 năm sau, Trung Quốc đang ở trong cuộc đàn áp nhân quyền tồi tệ nhất kể từ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989”.
Hơn 180 nhóm nhân quyền đã đưa ra một bức thư ngỏ vào tháng Hai kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “cam kết tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội tiếp theo tại Bắc Kinh, nghĩa là các quốc gia không cử lãnh đạo hoặc chức sắc nào đến Trung Quốc.
Bức thư trích dẫn các cáo buộc chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Các nhóm cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã tăng cường áp lực trong những năm gần đây đối với Đài Loan, ở Biển Đông và ở biên giới với Ấn Độ.
Các nhóm nhân quyền cho biết cuộc đàn áp chống lại các quyền tự do cơ bản ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Bắc Kinh được quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022. Các nhóm kêu gọi các quốc gia “bảo đảm rằng họ không bị sử dụng để kích động việc chính phủ Trung Quốc lạm dụng quyền và đàn áp bất đồng chính kiến”.
Một bức thư ngỏ vào tháng 9 năm ngoái từ hơn 160 nhóm nhân quyền đã kêu gọi Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, thu hồi quyết định trao quyền tổ chức Olympic 2022 cho Bắc Kinh.
Hiện chưa có chính phủ nào tuyên bố tẩy chay ngoại giao, nhưng các nhà lập pháp từ Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu đang kêu gọi hành động này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ủng hộ việc tẩy chay ngoại giao, nói rằng Thế vận hội sắp tới “có thể là Thế vận hội có vấn đề nhất kể từ Thế vận hội Berlin năm 1936 được tổ chức tại Đức Quốc xã”.
Bà Worden gọi đó là “điều chưa từng có đối với một Thế vận hội lại diễn ra trong sự đàn áp như vậy”. Bà trích dẫn các hành động của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng, những luật sư nhân quyền, nhà hoạt động, bác sĩ, nhà báo công dân và cư dân mạng trên khắp Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ mọi chỉ trích về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cũng như nỗ lực kết nối việc vi phạm nhân quyền của nước này với Thế vận hội.
Sau khi các nhà lập pháp Mỹ gây sức ép với các công ty Mỹ tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lớn tiếng cáo buộc người Mỹ “sử dụng cơ hội này để can thiệp, cản trở và phá hủy quá trình chuẩn bị và tổ chức” Thế vận hội.
Nikki Dryden, vận động viên bơi lội người Canada tham gia Thế vận hội 1992 và 1996, hôm thứ Sáu bày tỏ lo ngại từ góc độ vận động viên tại một diễn đàn. Dryden hiện là luật sư nhân quyền và là nhà hoạt động cho các vận động viên, đặc biệt cảnh giác với vấn đề an ninh của những người tham gia.
Bà nói: “Nếu bạn là một vận động viên Hồi giáo từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, làm thế nào bạn có thể cảm thấy an toàn khi biết rằng quốc gia chủ nhà đang nhắm mục tiêu một cách có hệ thống vào người Hồi giáo trong biên giới của họ?”.
Bà Dryden cũng trích dẫn việc Bắc Kinh giam giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Michael Spavor hai năm, và cả hai người này đều phải đối mặt với cáo buộc gián điệp. Bà nói: “Tôi sẽ không cảm thấy an toàn”.
Dexter Roberts, cựu giám đốc văn phòng Trung Quốc và biên tập viên tin tức châu Á tại Bloomberg cho biết, áp lực đối với các công ty phương Tây có mặt tại thị trường Trung Quốc “đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết”. Chưa có công ty lớn nào tuyên bố chính thức tẩy chay.
Ông Roberts nói rằng, bất kỳ công ty nào tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong thị trường ở Trung Quốc. Còn các công ty chưa nêu rõ quan điểm phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Ông Roberts nói thêm rằng: “Áp lực đối với họ sẽ ngày càng lớn hơn khi chúng ta tiến gần hơn đến Thế vận hội. Rõ ràng, điều quan trọng là khi nào nó bắt đầu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và thị phần của họ”.
Bà Worden cho biết, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã viết thư cho tất cả các công ty tài trợ cho Olympic, hỏi về góc nhìn của họ về nhân quyền đối với Thế vận hội Bắc Kinh. Bà nói rằng: “Cho đến nay, vẫn chưa có ai phản hồi”, mặc dù Tổ chức đã ấn định thời hạn trả lời là ngày 1/6.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết hôm thứ Sáu rằng: “Với sự tham gia đa dạng vào Thế vận hội Olympic, Ủy ban Olympic Quốc tế phải giữ thái độ trung lập đối với tất cả các vấn đề chính trị toàn cầu”.
Nhưng bà Dryden cho biết Ủy ban Olympic Quốc tế “phải chịu trách nhiệm về tình trạng này.” Bà nói, Trung Quốc đã không thực hiện được cam kết của mình đối với Thế vận hội Mùa hè 2008 nhằm cải thiện nhân quyền và các quyền tự do khác, nhưng vẫn được cấp một cơ hội khác để tổ chức buổi tiệc thể thao toàn cầu.
Bà thúc giục Ủy ban Olympic Quốc tế thực hiện ngay lập tức chiến lược nhân quyền đã được các chuyên gia độc lập đệ trình lên ủy ban vào tháng 3 năm 2020 và được công bố vào tháng 12 năm ngoái.
Bà nói: “Nếu kế hoạch đó được thực hiện, việc thẩm định nhân quyền sẽ được tiến hành ở Bắc Kinh và Trung Quốc ngay trước thềm Thế vận hội Olympic. Đối với tôi, Ủy ban Olympic Quốc tế đã thực sự thất bại ở đây”.
Ủy ban Olympic Quốc tế đã không trực tiếp trả lời các câu hỏi của Nikkei Asia về tuyên bố của bà Dryden hôm thứ Sáu. Nhưng người phát ngôn nói rằng tất cả các thành phố đăng cai, chính phủ và các bên liên quan “phải bảo đảm rằng các nguyên tắc của Hiến chương Olympic sẽ được tôn trọng trong khi Thế vận hội diễn ra”. Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết, điều lệ này đề cao nhân quyền và Trung Quốc đã đưa ra những cam kết, giống như bất kỳ nước chủ nhà nào khác.
Tuyên bố nói thêm rằng “Ủy ban Olympic Quốc tế không có nhiệm vụ cũng như khả năng thay đổi luật pháp hoặc hệ thống chính trị của một quốc gia có chủ quyền”.
Rayhan Asat, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, phản đối việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông, với lý do nó sẽ gây tổn hại không công bằng cho các vận động viên. Nhưng bà Asat, một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nói rằng Thế vận hội cũng là về phẩm giá con người.
Bà nói: “Chúng ta không nên quên rằng chính phủ Trung Quốc sẽ chắc chắn cho chúng ta thấy những người Duy Ngô Nhĩ đang khiêu vũ và có một cuộc sống hạnh phúc. Nếu Đại hội Thể thao Bắc Kinh được tiến hành theo kế hoạch, sẽ có “nguy cơ là mọi người sẽ rời đi với ấn tượng ảo tưởng về Trung Quốc là gì và đại diện của nó là gì”.
Bà Asat có một người anh trai 34 tuổi, tên là Ekpat, bị giam giữ tại một trong những trại của người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc mà Bắc Kinh gọi là trung tâm cải tạo.
Bà Asat đề xuất hoãn Thế vận hội Bắc Kinh. Bà nói: “Nếu chúng ta có thể hoãn Thế vận hội vì COVID, tại sao không hoãn nó vì tội ác chống lại loài người. Tại sao không trì hoãn nó trước hàng loạt sự tàn bạo và để vinh danh những nạn nhân đang dùng từng hơi thở cuối cùng để chiến đấu với hy vọng rằng những người như chúng ta, cộng đồng quốc tế, đang chiến đấu với họ trên từng bước đường”.
Phụng Minh
(Reuters) – Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế cảnh cáo hai vận động viên Trung Quốc đeo huy hiệu Mao. Ủy Ban Olympic Quốc Tế ngày 07/08/2021 cho biết đã cảnh cáo hai vận động viên xe đạp Trung Quốc đã đeo huy hiệu có hình cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông trong lễ trao huy chương hồi tuần trước, bởi những hành động như vậy vi phạm nguyên tắc phi chính trị của thể thao. Ủy Ban Olympic Quốc tế đồng thời cho biết đã nhận được “giải trình” Ủy Ban Thế Vận Trung Quốc.
(AFP) – Lũ ở Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un ra lệnh cứu trợ. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào ngày 08/08/2021 đã ra lệnh gửi hàng cứu trợ đến các khu vực bị lũ lụt ảnh hưởng, nơi có đến 5.000 người phải sơ tán. Các hình ảnh do đài truyền hình nhà nước KCTV phát đi hôm 07/08 cho thấy những ngôi nhà bị ngập đến mái, cùng với những cây cầu bị hư hại do mưa lớn.
(AFP) – Iran bác bỏ cáo buộc của G7 và quân đội Mỹ về vụ tàu dầu Israel bị tấn công. Chính quyền Teheran ngày 07/08/2021 phủ nhận đứng sau một vụ tấn công chết người nhằm vào một tàu chở dầu thuộc sở hữu của một công ty Israel ở ngoài khơi Oman ngày 29/07 vừa qua. Iran tố cáo Israel lập ra “kịch bản” tấn công trùng với ngày tân tổng thống Iran nhậm chức.
(AFP) – Hơn 800 người nhập cư trên hai tầu nhân đạo được cập cảng nước Ý. Hai tầu nhân đạo Ocean Viking và SeaWatch đã kêu cứu do tình trạng sức khỏe của những di dân được cứu vớt ở Địa Trung Hải trở nên xấu đi với các triệu chứng mất nước, trong khi trên tầu thiếu thuốc men. Tầu SeaWatch chở hơn 250 người nhập cư, trong đó có 118 thiếu niên, được phép cập cảng Trapani trên đảo Sicilia sáng 07/08 sau khi bị Malta từ chối. Ngày 08/08, đến lượt tầu Viking với 549 người cập cảng Pozzallo.
(RFI) – Vụ khủng bố 11/09: Gia đình nạn nhân yêu cầu Mỹ giải mật tài liệu. Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11 tháng Chín, nhiều người thân của các nạn nhân cho rằng tổng thống Joe Biden không nên tham dự sự kiện, nếu ông không cho giải mật mọi tài liệu liên quan. Trong thông cáo ngày 07/08/2021, 1.800 người sống sót hoặc người thân nạn nhân cho rằng “20 năm sau các vụ tấn công, không có gì, thậm chí là cả an ninh quốc gia, có thể biện minh cho việc những thông tin này vẫn được giữ kín”. Theo họ, những tài liệu này có thể chứng minh cho sự can thiệp của Ả Rập Xê Út. Phía Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận.
(AFP) – Mỹ: Kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng vượt qua một cửa ải quan trọng. Nhờ được thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa ủng hộ, kế hoạch khồng lồ 1.200 tỉ đô la của tổng thống Joe Biden đã được Thượng Viện thông qua ngày 07/08/2021. Bước tiếp theo là đưa kế hoạch ra bỏ phiếu ở Hạ Viện, nhưng chưa ấn định ngày. Kế hoạch được tổng thống Biden cho là “lịch sử” sẽ tập trung 550 tỉ đô la vào nhiều lĩnh vực quan trọng, như cầu đường, phương tiện giao thông, internet tốc độ cao hoặc chống biến đổi khí hậu.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210808-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p