Tin Tổng Hợp – 8/3/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 8/3/22

Chiến tranh Ukraina: Nga “ngừng bắn” tại 5 thành phố để cư dân di tản

Nhiều quan chức Ukraina vào sáng nay, 08/03/2022 xác nhận: Cư dân một số thành phố có chiến sự đã bắt đầu được di tản đi nơi khác sau khi các nhà đàm phán hai bên đã nhất trí thiết lập các “hành lang nhân đạo” để cho phép thường dân rời khỏi 5 thị trấn và thành phố hiện bị lực lượng Nga bao vây. 

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Quốc Phòng Nga, được hãng thông tấn Nga Interfax trích dẫn, đã loan báo quyết định mở các “hành lang nhân đạo”
vào hôm nay để người dân có thể được sơ tán khỏi Kiev, Chernihiv, Sumy,
Kharkov và Mariupol. Cũng theo nguồn tin trên, các lực lượng Nga ở
Ukraina đã áp dụng “chế độ im lặng” kể từ 07g00 GMT hôm nay. 

Cũng theo Reuters, tại Kiev, ông Oleksiy Kuleba, thống đốc vùng Kiev xác nhận rằng: “Tính đến 09g30 (tức 07g30 GMT), hơn 150 người đã được sơ tán và công việc đang tiếp diễn”. 

Còn theo phó thủ tướng Ukraina, bà Iryna Vereshchuk, tại thành phố Sumy, đoàn xe đầu tiên chở người đi sơ tán bắt đầu rời thành phố vào lúc 10 giờ sáng (0800GMT), theo sau là những chiếc xe riêng của người dân địa phương.

Quyết định ngừng bắn cục bộ của Nga được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, vào tối hôm qua, một lần nữa đã lên tiếng cáo buộc quân đội Nga liên tục ngăn cản việc sơ tán dân thường thông qua các hành lang nhân đạo.

Nga không tuân thủ thỏa thuận hành lang nhân đạo

Trong một đoạn video công bố trên mạng Telegram, ông Zelensky cho rằng: “Đã có một thỏa thuận về các hành lang nhân đạo, nhưng liệu nó có được áp dụng hay không? Thay vào đó, xe tăng Nga đã hoạt động, cũng như các bệ phóng tên lửa Grad, các bẫy mìn của Nga”.

Ông còn tố cáo lực lượng Nga “gài mìn trên một tuyến đường đã được thỏa thuận để đưa lương thực và thuốc men” vào thành phố Mariupol, miền nam Ukraina bị bao vây và “phá hủy các xe buýt” dùng để sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.  

Tuy nhiên, tổng thống Ukraina vẫn xác định rằng Kiev sẽ tiếp tục đàm phán với Nga cho đến khi tìm được một thỏa thuận hòa bình. Ông đồng thời nhắc lại: “Tôi vẫn ở lại đây, tôi ở lại Kiev. (…) Tôi không sợ”. 

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220308-ukraina-nga-ng%E1%BB%ABng-b%E1%BA%AFn-t%E1%BA%A1i-5-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-%C4%91%E1%BB%83-c%C6%B0-d%C3%A2n-di-t%E1%BA%A3n

Tổng thống Biden loan báo cấm nhập khẩu dầu từ NgaT

Tổng thống Biden hôm 8/3 tuyên bố Hoa Kỳ đang “nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga” bằng cách cấm nhập khẩu dầu của Nga. Đây là lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

“Chúng tôi sẽ không tham gia trợ cấp cho cuộc chiến của Putin”, AP dẫn lời ông nói tại Phòng Roosevelt của Nhà Trắng.

Thông báo của Tổng thống Biden được đưa ra trong bối cảnh áp lực gia tăng từ các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, và nó phản ánh thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị khi giá khí đốt tăng để trả đũa về mặt kinh tế đối với Nga, vẫn theo AP.

“Bảo vệ tự do có cái giá của nó”, ông Biden nói. “Chúng tôi cũng sẽ phải trả giá đắt ở Hoa Kỳ”.

Mặc dù ông Biden đã cố gắng phối hợp với các đồng minh châu Âu, nhưng
ông thừa nhận rằng nhiều nước không công bố lệnh cấm tương tự vì họ phụ
thuộc nhiều hơn vào Moscow về dầu khí.

“Vì vậy, chúng tôi có thể thực hiện bước này khi những nước khác không thể”, ông nói. “Nhưng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với châu Âu và các đối tác của chúng tôi để phát triển một chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga.

(Theo AP)

https://www.voatiengviet.com/a/nga-ukraine-xung-dot/6456674.html

Ukraine nói thêm một thiếu tướng Nga bị giết

Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, tham mưu trưởng Lục quân 41
Chụp lại hình ảnh, Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, tham mưu trưởng Lục quân 41

Bộ Quốc phòng Ukraine nói một chỉ huy cấp cao của quân đội Nga đã thiệt mạng trong trận chiến ở rìa thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine.

Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, tham mưu trưởng Quân đoàn bộ binh 41, đã chết cùng với các sĩ quan Nga khác, báo cáo cho biết.

Nga chưa đưa ra bình luận nào, nhưng nếu được xác nhận, ông sẽ là sĩ quan thứ hai của họ ở cấp bậc này bị giết.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Thiếu tướng Gerasimov là một chiến binh trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai năm 1999-2000, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria và khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Thông tin của Ukraine dựa trên các cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa các quan chức an ninh Nga chưa được xác minh.

Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, các quan chức phàn nàn rằng đường dây liên lạc an toàn đã bị mất.

Trong phần thứ hai, một quan chức khác đề cập rằng Thiếu tướng Gerasimov đã bị giết.

Đoạn âm thanh ban đầu được đăng với tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine nhưng sau đó đã bị gỡ xuống, mặc dù nó đã được đăng trên YouTube.

Bản đồ cho thấy cuộc tiến công của quân đội Nga vào Ukraine từ phía đông. Cập nhật ngày 7 tháng 3
Chụp lại hình ảnh, Bản đồ cho thấy cuộc tiến công của quân đội Nga vào Ukraine từ phía đông. Cập nhật ngày 7 tháng 3

Tin này xảy ra một tuần sau cái chết của Andrey Sukhovetsky, một phó tư lệnh khác của quân đội, được truyền thông Nga xác nhận.

Các quan chức phương Tây tin rằng các báo cáo về việc các sĩ quan cấp cao của quân đội Nga bị giết trong trận chiến là một dấu hiệu khác cho thấy cuộc xâm lược vào Ukraine không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Họ nói rằng việc các sĩ quan cấp cao của Nga đang phải đối mặt với nguy hiểm có thể là một dấu hiệu thất vọng vì những tiến bộ đã bị đình trệ.

Tuần trước, các quan chức phương Tây cho biết 3 sĩ quan cấp cao của Nga đã thiệt mạng.

Họ nói thêm rằng những vị tướng có kinh nghiệm thường khó thay thế hơn những người lính, và việc họ mất đi thường có thể ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đưa ra đánh giá ảm đạm về triển vọng của Nga.

Ông nói với chương trình của BBC Radio 4 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “sức mạnh đã tiêu tan trên thế giới” và rằng ngay cả khi Nga thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, họ sẽ phải đối mặt với “nhiều thập niên chiếm đóng mà tôi không nghĩ rằng [ông Putin] sẽ có khả năng duy trì”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60667124

Việt Nam chơi vơi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine

Việt Nam chơi vơi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine

Xe tăng Nga bị phá huỷ khi xâm lược Ukraine ở vùng Sumy hôm 7/3/2022 – Reuters

ASEAN phản ứng yếu ớt trước xung đột Ukraine

Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ ra lo ngại về những tác động của cuộc chiến này đối với tranh chấp ở Biển Đông. Do nỗ lực đơn phương của Nga nhằm thay đổi hiện trạng trùng hợp với các động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN lo ngại rằng nếu hành động của Nga được dung thứ, điều đó có thể sẽ có những tác động lan sang khu vực lân cận của họ.
Ngày 26/2, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố đối với Nga – Một trong những đối tác chiến lược của khối, nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về tình hình đang diễn ra và những hành động thù địch ở Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi quân đội Nga bắt đầu các cuộc tấn công quân sự vào các thành phố chính của Ukraine. Nga là một trong chín đối tác chiến lược của ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tuyên bố viết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực tối đa để theo đuổi các cuộc đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao để kiềm chế tình hình, giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á”. (1)

Tuy nhiên, tuyên bố của ASEAN về cuộc xâm lược Ukraine của Nga rất yếu ớt. Phản ứng yếu ớt đến nỗi cả hai từ “Nga” và “xâm lược” đều không xuất hiện trong các tuyên bố bằng văn bản mà chỉ có những lời kêu gọi đối thoại và thương lượng hòa bình. Đây là một điều đáng xấu hổ đối với ASEAN với tư cách là một nhóm. Tuy nhiên, để có được một văn kiện đồng thuận của cả khối, cần có được sự đồng ý của Myanmar, quốc gia đã xích lại gần Nga sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái, thì tuyên bố này cũng được coi là cố gắng của Hiệp hội này.

Những phản kháng mạnh mẽ vẫn không đủ

Các tuyên bố và lập trường riêng của các nước Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore đã lên án mạnh mẽ “bất kỳ cuộc xâm lược vô cớ nào đối với một quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ lý do nào”. Người phát ngôn nói thêm rằng Singapore “lo ngại nghiêm trọng” về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở vùng Donbas, và những thông tin về các cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine: “Chúng tôi nhắc lại rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng”. (2)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nói rằng Indonesia lo ngại sự về sự leo thang xung đột vũ trang ở Ukraine mà gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực. Ông Faizasyah nói: “(Chúng tôi) khẳng định rằng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ về toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng và lên án bất kỳ hành động nào rõ ràng vi phạm lãnh thổ và chủ quyền của một quốc gia”. (3)

Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 2/3 đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu áp đảo, theo đó “vận dụng những điều khoản mạnh mẽ nhất” phản đối “hành động gây hấn” của Nga đối với Ukraine. Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có tám thành viên bỏ phiếu tán thành nghị quyết, Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. Lá phiếu của Myanmar là do Đại diện thường trực, người không đại diện cho chính quyền quân sự của nước này, bỏ phiếu.

Một điều đáng ngạc nhiên là, thay vì đứng về phía các quốc
gia Đông Nam Á lục địa – một khuôn mẫu phổ biến hiện nay trong ASEAN –
Thái Lan và Campuchia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga của Đại
hội đồng LHQ. Việc hai nước quyết định ủng hộ nghị quyết của LHQ có lẽ
xuất phát từ mong muốn đi đúng hướng và tránh sự chỉ trích nặng nề từ
bất kỳ đối tác quan trọng nào. Việc Campuchia bỏ phiếu ủng hộ cũng cho
thấy Trung Quốc đã không tìm cách “huy động” sự
ủng hộ về mặt ngoại giao cho Nga ở Đông Nam Á, vì Phnom Penh lâu nay
luôn ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh tại các diễn đàn đa phương.

2022-03-05T080234Z_1525598756_RC25WS9JIDG7_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-JAPAN-PROTEST.JPG
Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraine ở Tokyo, Nhật Bản hôm 5/3/2022. Reuters

Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng?

Hành động bỏ phiếu trắng của Việt Nam đã làm nổi bật hai nghịch lý. Thứ nhất, việc Nga tấn công Ukraine được cho là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi đó, Việt Nam luôn muốn làm nổi bật vấn đề “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” khi Trung Quốc có những động thái hung hăng ở Biển Đông, nhưng Việt Nam lại “làm ngơ” trước vấn đề này.

Nghịch lý thứ hai là những vũ khí hiện đại mà Việt Nam mua từ Nga lại chính là những vũ khí sẽ được sử dụng để chống lại Trung Quốc – quốc gia hiện có vẻ là “người bạn tốt nhất”của Nga. Có thể, việc Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng là do mối quan hệ lịch sử sâu sắc của hai nước này với Nga cũng như sự phụ thuộc về thiết bị quân sự vào Nga. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội: ước tính 84% thiết bị quân sự của Việt Nam đến từ Nga (Lào là 44%). Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc vào việc cung cấp và bảo trì thiết bị từ Nga, điều tối cần thiết nếu Hà Nội muốn duy trì khả năng răn đe đối với sự xâm lược của Trung Quốc.

Tuyên bố chung mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc hôm 4/2 cam kết ủng hộ nhau bảo vệ các lợi ích cốt lõi đã gây bất ngờ cho nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của mình. Việt Nam hiểu rõ giới hạn của mình trong mối quan hệ tay ba Nga – Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam đang trong vị trí rất chông chênh, khi mà những vũ khí Nga bán cho Việt Nam, thì đồng thời Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, liệu các vũ khí của Nga cung cấp cho Việt Nam có phát huy hiệu quả như mong đợi?

Việt Nam nên lo lắng

Đối với ASEAN, các chuyên gia cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine có thể so sánh với các động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi ASEAN cũng cho rằng người láng giềng khổng lồ đang nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. Chuyên gia Gilang Kembara tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia nêu rõ: “Có sự lo ngại về việc nếu Mỹ bận rộn với cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống ở châu Á bằng cách xâm lược Đài Loan hoặc tăng cường sự hiện diện của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. (4)
Các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không để cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn ra một cách lãng phí. Trong lúc thế giới bận tâm về việc Moskva xâm lược Ukraine, Bắc Kinh tranh thủ đẩy mạnh chiến dịch ở Biển Đông bằng cách thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, qua đó thách thức khả năng bảo vệ chủ quyền của Hà Nội trong khu vực này (5). Cuộc tập trận gần đây nhất là từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước hành động mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn lên tiếng phản đối như thường lệ là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm là đã có giao thiệp với phía Trung Quốc nhưng không rõ là giao thiệp như thế nào, và phản ứng của Trung Quốc ra sao.

Một con bài quan trọng để nhằm đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông là Nga, nay đã có thể “vuột” khỏi tay Việt Nam vì tầm quan trọng của Trung Quốc lớn hơn. Vậy Việt Nam sẽ còn con bài gì trong tay?

Trần Ngọc Bích

Tham khảo:

1. https://asean.org/asean-foreign-ministers-statement-on-the-situation-in-ukraine/

2. https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/02/20220224-Ukraine

3. https://jakartaglobe.id/news/indonesia-urges-peace-settlement-in-ukraine-crisis

4. https://asia.nikkei.com/Politics/Ukraine-war/Ukraine-crisis-leaves-ASEAN-jittery-over-South-China-Sea

5. https://www.ibtimes.com.au/south-china-sea-russia-its-side-china-tests-sovereignty-vietnam-waters-1798404

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-in-a-bind-after-russia-attacked-ukraine-03082022113920.html

(AFP) – Cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022 sẽ có 12 ứng cử viên. Theo Hội Đồng Bảo Hiến Pháp vào hôm qua, 07/03/2022, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng Tư tới đây sẽ đối lập 12 ứng cử viên, tương tự như vào năm 2017. Đó là những người đã thu thập đủ 500 chữ ký cần thiết của các đại biểu dân cử các cấp, tại ít nhất ba mươi tỉnh khác nhau. Riêng về ứng cử viên nặng ký nhất là đương kim tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ra tái tranh cử một nhiệm kỳ thứ hai, vào hôm qua, ông đã từ chối tham gia một cuộc tranh luận công khai với các ứng cử viên khác trước vòng bỏ phiếu đầu tiên. Theo ông Macron: “Chưa có tổng thống đương nhiệm nào ra tái tranh cử lại làm như vậy. Tôi không hiểu tại sao mình lại làm khác đi”.

(BBC) – Ngân hàng Thế giới thông qua 723 triệu đô la viện trợ khẩn cấp cho Ukraina. Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 07/03/2022 công bố gói tài trợ khẩn cấp 723 triệu đô la gồm tín dụng và viện trợ không hoàn lại cho Ukraina, quốc gia đang chiến đấu chống quân Nga xâm lược. Số tiền này giúp chính phủ của tổng thống Volodymyr Zelensky có thể trả lương cho nhân viên bệnh viện, lương hưu và các chương trình xã hội khác dành cho những người dễ bị tổn thương.

(AFP) – Thành phố Los Angeles kiện công ty Monsanto vì gây ô nhiễm nguồn nước. Công ty Monsanto, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Đức Bayer, là một trong ba công ty bị kiện, vì đã gây ô nhiễm nguồn nước với các loại hóa chất thuộc dòng PCB trong suốt nhiều thập niên cho đến năm 1979. Theo bên nguyên đơn, hóa chất PCB không những có thể gây các bệnh ung thư, tác động đến gan, gây bệnh bướu cổ và mắt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển. Công tố viên thành phố Los Angeles Mike Feuer cho rằng “đã đến lúc Monsanto phải tẩy rửa và trả giá”. Ngày 07/03/2022, ba công ty bị kiện chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào.

(Yonhap) – Úc trừng phạt thêm ba công ty Bắc Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Chính phủ Úc hôm nay 08/03/2022 áp đặt trừng phạt lên công ty Bắc Triều Tiên Puhung Trading Corporation do liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (ADM) của Bình Nhưỡng. Các công ty Dandong Rich Earth Trading Company Limited của Trung Quốc và Profinet Pte Ltd của Nga cũng bị Úc cho vào danh sách đen vì giúp Bắc Triều Tiên tránh né cấm vận.

(AFP) – Ông Trump “gợi ý” dùng F-22 sơn mầu cờ Trung Quốc để tấn công Nga. Không rõ là đùa hay thật, trong buổi mit-tinh ở New Orleans ngày 5/03/2022, cựu tổng thống Mỹ cho rằng “nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm, chúng ta chẳng liên quan, sau đó họ (Nga và Trung Quốc) đánh nhau”. Tuy nhiên, trang Washington Post, một trong những tờ báo đưa tin trên, nhắc lại Trung Quốc không dùng chiến đấu cơ F-22, thủ phạm thực sự sẽ nhanh chóng bị lật tẩy.

(Le Figaro) – Cựu chủ tịch Liên đoàn bóng bầu dục Ukraina, 83 tuổi cầm súng bảo vệ tổ quốc. Chủ tịch Liên đoàn bóng bầu dục châu Âu Octavian Morariu hôm nay 8/03/2022 cho biết cựu chủ tịch Liên đoàn Ukraina, ông Giorgi Dzhangiria, 83 tuổi, đã quyết định cầm súng chiến đấu chống quân Nga xâm lược. Trước đó vài ngày, tuyển thủ trẻ Mykita Bobrov, niềm hy vọng của môn bóng bầu dục Ukraina đã bị quân Nga bắn chết cùng với gia đình tại Kiev.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220308-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p