Tin Tổng Hợp – 8/12/21
Thượng đỉnh Biden-Putin: Hai bên giữ nguyên lập trường trong hồ sơ Ukraina
Lập trường và bất đồng về tình hình Ukraina là chủ đề chính trong cuộc họp ngày 07/12/2021 qua cầu truyền hình của hai nguyên thủ Mỹ và Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dọa áp dụng trừng phạt Matxcơva nếu Nga tấn công Ukraina. Trong khi tổng thống Vladimir Putin giữ nguyên lập trường không để nước láng giềng gia nhập NATO. Đối với điện Kremlin, đây là «chủ đề nhạy cảm», đồng thời cho rằng «khó đạt được những tiến bộ quan trọng ngay lập tức» nhưng «sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại» với Hoa Kỳ.
Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tóm tắt thượng đỉnh nhìn từ phía Nhà Trắng:
« Chí ít thì hai nhà lãnh đạo đồng ý về giọng điệu. Cuộc thảo luận kéo dài hơn hai tiếng, được điện Kremlin đánh giá là «thẳng thắn» và «chuyên nghiệp». Ông Joe Biden đã đề cập trực tiếp vấn đề mà không vòng vo.
Tuy
nhiên, về nội dung thì các bất đồng vẫn tồn tại. Tổng thống Mỹ nhắc lại
những quan ngại về việc quân đội Nga dồn quân ở biên giới với Ukraina.
Nhưng đồng nhiệm Nga trả lời rằng binh sĩ vẫn ở trên lãnh thổ Nga, nên
không đe dọa ai cả. Nguyên thủ Nga cũng không nhận được bảo đảm là
Ukraina sẽ không gia nhập NATO.
Như đã dự báo trước, ông
Joe Biden cho biết là nếu Nga tấn công Ukraina, thì sẽ có những hậu quả
nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Ông Jake Sullivan, cố vấn
an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, cho rằng ông Vladimir Putin chưa
đưa ra quyết định, và thắc mắc rằng liệu Nga có sẵn sàng chấp nhận rủi
ro hy sinh việc bán khí đốt, theo dự kiến, cho châu Âu thông qua đường
ống dẫn dầu Nord Stream 2 hay không. Đó là một mặt khác trong lập trường
của Mỹ.
Sau khi rút khỏi Afghanistan một cách đơn phương và hỗn loạn, chính quyền Washington đặc biệt chú ý đến việc thể hiện tinh thần phối hợp với các đồng minh châu Âu. Vì thế, ngay sau cuộc thảo luận với tổng thống Nga, ông Joe Biden đã liên lạc với các đồng nhiệm Pháp, Anh, Đức và Ý. Tất cả đều ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và khuyến khích Nga chọn con đường ngoại giao».
Nga lo ngại NATO mở rộng về phía đông
Cũng trong cuộc đối thoại thượng đỉnh Nga-Mỹ, với những lời lẽ thẳng thừng và thực dụng, điện Kremlin vẫn phủ nhận mọi cáo buộc về kế hoạch tấn công Ukraina và tố cáo thái độ «phá hoại» của chính quyền Kiev. Phía Nga vẫn chờ đợi phản ứng của Hoa Kỳ về yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga ở biên giới phía tây tiếp giáp với Ukraina và phía nam hướng ra Biển Đen và tiếp giáp với Gruzia.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin giải thích thêm:
«Vladimir Putin bày tỏ mối quan tâm sâu sắc với Joe Biden về các hành động khiêu khích của Kiev tại Donbass. Theo tổng thống Nga, đây là chiến lược của Ukraina nhắm đến mục đích duy nhất là phá vỡ hoàn toàn các thỏa thuận Minsk.
Đối mặt với đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Vladimir
Putin một lần nữa từ chối trách nhiệm về tình hình leo thang quân sự tại
biên giới Ukraina và giải thích rằng việc liên minh quân sự Bắc Đại Tây
Dương (NATO) mở rộng về phía đông và tăng cường tiềm lực quân sự ở vùng
biên giới với Nga là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Có
một điểm tích cực là hai nguyên thủ đã giao trách nhiệm cho các cố vấn
làm việc với nhau về các vấn đề nhạy cảm này, vì biết rằng Matxcơva đòi
có những bảo đảm pháp lý từ NATO về điểm này. Hơn nữa, Matxcơva cho biết
sẵn sàng dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các cơ quan đại diện
của Mỹ tại Nga để có thể bình thường hóa các vấn đề khác trong quan hệ
song phương. Tất cả các phát biểu này còn cần phải được thực hiện trên
thực địa, nhưng dù sao cũng cho phép hy vọng là hai nguyên thủ sẽ gặp
nhau trực tiếp, có thể là vào mùa xuân năm sau ».
Trung Quốc là nước bắt giữ nhiều nhà báo nhất theo báo cáo của RSF
Báo cáo mới đây của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói rằng Trung Quốc là “quốc gia bắt giữ nhà báo lớn nhất thế giới” với ít nhất 127 nhà báo hiện đang bị giam giữ.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đang tiến hành một “chiến dịch đàn áp chưa từng có” trên khắp thế giới chống lại báo chí.
Trung Quốc thanh minh việc bắt giữ phóng viên và nhà báo công dân vì có cáo buộc họ kích động gây rối.
RSF cũng lưu ý rằng hạn chế báo chí đã trở nên tồi tệ hơn cùng với đại dịch.
Ít nhất 10 nhà báo và nhà bình luận trực tuyến bị giam giữ vì đưa tin về khủng hoảng Covid-19 ở Vũ Hán.
Một
trong số họ, cựu luật sư Trương Triển, lần đầu đến Vũ Hán vào tháng
1/2020 sau khi đọc một bài trên mạng của một người dân về cuộc sống ở
thành phố này trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh.
Khi
đến đó, cô bắt đầu ghi lại những gì cô chứng kiến trên đường phố và
bệnh viện qua các lần phát trực tuyến (livestreams) và các bài viết, bất
chấp đe dọa của chính quyền, và những báo cáo này của cô được chia sẻ
rộng rãi trên mạng xã hội.
Sau
đó, cô bị kết tội “gây gổ và kích động gây rối” – một cáo buộc thường
được áp dụng chống lại các nhà hoạt động và người tố giác bị coi là phá
hoại nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát thông tin trong nước.
Báo
cáo dài 41 trang của RSF cũng liệt kê cách chính quyền Trung Quốc sử
dụng cuộc chiến chống khủng bố như cái cớ để giam giữ các nhà báo người
Uyghur đưa tin về Tân Cương.
Trung
Quốc bị cáo buộc phạm tội ác chống lại nhân loại chống lại những gì họ
coi là người Hồi giáo và phần tử ly khai ở khu vực có đa số là người Duy
Ngô Nhĩ.
Báo
cáo cho biết các phương pháp khác được sử dụng bao gồm: sử dụng cơ quan
ngoại giao của mình ở nước ngoài để tấn công nhà báo; phong tỏa truyền
thông; kiểm duyệt đề tài; bắt nhà báo trong nước phải học tập tư tưởng
của Đảng Cộng sản và tải ứng dụng tuyên truyền về điện thoại của họ; và
trục xuất hoặc đe dọa nhà báo.
Phóng viên BBC John Sudworth rời Bắc Kinh đến Đài Bắc vào tháng Tư do áp lực và đe dọa từ chính quyền Trung Quốc vì đã đưa tin về những đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc cũng thu hồi giấy phép hoạt động trong nước của BBC hồi tháng Một.
Một nhân viên của Bloomberg News tại Bắc Kinh là Haze Fan cũng bị giam giữ từ cuối năm 2020 mà không có bất kỳ thông tin nào về trường hợp của cô.
Người ta nhìn thấy cô lần cuối là khi cô bị các nhân viên mặc thường phục hộ tống ra khỏi tòa nhà cô đang ở vì những gì chính quyền Trung Quốc cáo buộc là nghi ngờ vi phạm luật an ninh quốc gia.
RSF xếp Trung Quốc đứng thứ 177/180 về chỉ số Tự do Báo chí năm Thế giới năm 2021, chỉ trên Triều Tiên hai bậc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-59577880
Mỹ áp lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia vì ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc
Reuters – Mỹ hôm 8/12 áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và các hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia vì những gì họ cho là ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, cũng như nhân quyền và tham nhũng ở nước này.
Các quyết định của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ phản ánh nỗ lực của Washington nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, trong khi Campuchia đã trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa Campuchia vào danh sách các quốc gia mà tất cả các loại vũ khí bị cấm xuất khẩu đến – theo một thông báo đăng tải trên Công báo (Federal Register).
Thông báo này, sử dụng tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho biết rằng “Campuchia tiếp tục cho phép CHND Trung Hoa mở rộng sự hiện diện quân sự và xây dựng các cơ sở chuyên dụng trên Vịnh Thái Lan” bất chấp lời kêu gọi của Mỹ.
Không rõ tác động của lệnh cấm sẽ ra sao. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Mỹ không phải là nhà cung cấp vũ khí cho Campuchia.
Tháng trước, Washington đã trừng phạt hai quan chức Campuchia vì tham
nhũng tại Căn cứ Hải quân Ream, nơi các quan chức Mỹ từng nêu lên lo
ngại về sự thiếu minh bạch trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc.
Hồ sơ cũng viện dẫn tham nhũng và vi phạm nhân quyền là các lý do khác cho lệnh cấm vận.
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết lệnh cấm vận và hạn chế mới được đưa ra ngay trước khi cố vấn của Bộ, ông Derek Chollet, lên đường tới Campuchia – nước hiện đang là chủ tịch luân phiên của khối ASEAN – và Indonesia, hôm 8/12.
Người phát ngôn của chính phủ Campuchia không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.
Bộ Thương mại cũng ban hành các hạn chế xuất khẩu mới, trong đó giới hạn sự tiếp cận các mặt hàng được gọi là lưỡng dụng có thể được sử dụng trong quân sự cũng như dân sự, và các mặt hàng quân sự kém nhạy cảm hơn cũng như các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Campuchia đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đồng thời làm việc để giảm ảnh hưởng của quân đội CHND Trung Hoa ở Campuchia, vốn đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu,” Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố.
(AFP) – Capitol: Cựu chánh văn phòng Donald Trump từ chối hợp tác điều tra. Cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Mark Meadows đã từ chối hợp tác hôm thứ ba 07/12/2021, bất chấp yêu cầu ra làm chứng tại Quốc Hội Mỹ trong cuộc điều tra về vụ tấn công Điện Capitol hồi tháng 01/2021. Quan chức Hoa Kỳ cảnh báo rằng ông Mark Meadows có nguy cơ bị truy tố giống như Steve Bannon, một người thân cận khác của cựu tổng thống Donald Trump. Ông Bannon đã bị truy tố vì lý do tương tự và phải đối mặt với án tù.
(AFP) – Việt Nam: Bản án kỷ lục đối với tội buôn sừng tê giác. Trong thông cáo báo chí của Trung tâm giáo dục thiên nhiên, công bố hôm nay, 08/12/2021, Đỗ Minh Toàn đã bị kết án 14 năm tù vì tội nhập khẩu trái phép sừng tê giác từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây là mức án cao nhất từ trước đến nay cho loại tội phạm này. Việt Nam là trung tâm trung chuyển và là thị trường quan trọng của các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm. Một số tín ngưỡng ở Việt Nam và Trung Quốc cho rằng bột sừng tê giác có tác dụng chữa nhiều bệnh.
(AFP) – Malaysia: Y án tội tham nhũng của cựu thủ tướng Najib Razak trong phiên phúc thẩm. Tòa
phúc thẩm Malaysia xác nhận hôm thứ Tư, 08/12/2021 giữ nguyên mức án 12
năm tù về 7 tội danh, trong đó có tội tham nhũng, đối với cựu thủ tướng
Najib Razak. Tư pháp Malasyia kết tội ông Mzala Najib Razak và những
người thân cận đã biển thủ hàng tỷ đô la từ công quỹ để sử dụng cho các
mục đích cá nhân. Vụ bê bối đã dẫn đến sự thất bại của ông trong đợt bầu
cử năm 2018, kết thúc hơn 10 năm lãnh đạo của cựu thủ tướng.
(AFP) – RSF: Trung Quốc giam giữ ít nhất 71 nhà báo Duy Ngô Nhĩ. Khẳng định này được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đưa ra ngày hôm qua, 07/12/2021, trong một báo cáo có tiêu đề « Bước đại thụt lùi ngành báo chí tại Trung Quốc ». Theo RSF, số người này bị bắt giam trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp sắc tộc thiểu số người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nếu tính trên bình diện quốc gia, tổng cộng đã có ít nhất 127 nhà báo đang bị giam cầm.
(AFP) – Ấn Độ: Tai nạn trực thăng, tổng tham mưu trưởng quân đội thiệt mạng. Trên mạng xã hội Twitter, Không quân Ấn Độ ngày 08/12/2021 cho biết chiếc trực thăng Mi-17V5 (do Nga sản xuất) chở theo tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Bipin Rawat đã bị rơi gần Coonoor, vùng Tamil Nadu. Tháp tùng với ông còn có vợ và nhiều sĩ quan khác. Chiếc trực thăng bị rơi khi đang trên đường đến trường Cao đẳng Dịch vụ Quốc phòng. Không quân Ấn Độ cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn. Một cuộc điều tra đã được mở.
(AFP) – ICAN: Quân đội Pháp thiếu minh bạch về chất thải hạt nhân. Trong bản báo cáo mới công bố hôm nay, 08/12/2021, Chiến dịch Từ bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) chi nhánh tại Pháp chỉ trích quân đội Pháp công bố những số liệu mập mờ, không cụ thể, thậm chí thiếu chính xác về chất thải hạt nhân. Số liệu do Cơ quan Quản lý chất thải chất phóng xạ (Andra) ước tính 9% số chất thải hạt nhân quân sự được chôn cất ở Pháp, tức khoảng 148.630 m3. Tuy nhiên, theo ICAN, con số này không phản ảnh thực tế về hàng chục ngàn m3 chất thải phát sinh kể từ khi khởi động chương trình hạt nhân quân sự vào đầu những năm 1950.
(HRW) – HRW kêu gọi Úc gây sức ép để Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Ngày 08/12/2021, Úc và Việt Nam tổ chức đối thoại nhân quyền song phương lần thứ 17. Trong thông cáo ngày 07/12, bà Elaine Pearson, giám đốc quốc gia Úc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu : « Nhiều người ở Việt Nam đã bị truy tố chỉ vì cố gắng thực thi các quyền chính trị và dân sự cơ bản mà người dân Úc thường coi là chuyện tất yếu ». Úc có một công dân gốc Việt, Châu Văn Khảm, ngồi tù ở Việt Nam từ tháng 01/2021 theo cáo buộc khủng bố vì liên quan đến Việt Tân. Tổ chức Quan sát Nhân Quyền thống kê « có ít nhất 146 người đang bị cầm tù », tính đến tháng 12, vì « thực thi các quyền cơ bản của mình».
(AFP) – Belarus cấm nhập khẩu lương thực của phương Tây. Để
đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây về cuộc khủng hoảng di
dân ở biên giới với Ba Lan, chính quyền của tổng thống Loukachenko đã
cấm nhập khẩu hoa quả, thịt và sản phẩm sữa từ các nước Liên Hiệp Châu
Âu, Anh, Canada, Hoa Kỳ. Biện pháp được thông báo ngày 07/12/2021 sẽ có
hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và có thời hạn 6 tháng. Belarus, dù là một
nước nông nghiệp, nhưng vẫn nhập đến 530 triệu đô la các loại sản phẩm
này trong vòng 10 tháng đầu năm 2021.
(AFP) – Một nghi phạm vụ sát hại nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khassoghi bị bắt ở Pháp. Khalid
Alotaibi, 33 tuổi, được cho là nằm trong đội đặc nhiệm sát hại dã man
nhà báo đối lập với chính quyền Riyad tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 đã bị bắt ở
sân bay Roissy – Charles de Gaulle sáng 07/12/2021 khi chuẩn bị lên máy
bay về Riyad theo một lệnh bắt giữ quốc tế do Thổ Nhĩ Kỳ ban hành. Tuy
nhiên, Ả Rập Xê Út bác mọi cáo buộc liên quan đến nhân vật này.
(RFI) – Washinton trả lại 900 cổ vật cho Mali bị hải quan Mỹ thu giữ. Thủ
tướng chuyển tiếp của Mali và đại sứ Mỹ ở Bamako đã tham dự lễ trao trả
diễn ra ngày 07/12/2021 tại bảo tàng Quốc gia Mali. Số cổ vật khảo cổ
và nhân chủng học này có nguồn gốc cướp phá và buôn bán bất hợp pháp và
bị hải quan Mỹ phát hiện thu giữ.
(AFP) – Một nhà sưu tập đồ cổ Mỹ phải lại trả cổ vật bị đánh cắp trị giá 70 triệu đô la. Tỉ phú và là nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng Michael Steinhardt đã bị tư pháp New York buộc hoàn trả 180 tác phẩm nghệ thuật và cổ vật bị đánh cắp trên thế giới, trong đó có rất nhiều cổ vật Hy Lạp. Thỏa thuận được chưởng lý New York Cyrus Vance thông báo ngày 06/12/2021 là kết quả điều tra trong suốt nhiều năm, còn giúp nhà sưu tập, hiện 80 tuổi, tránh bị xét xử và kết án. Tuy nhiên, ông bị cấm mua cổ vật đến hết đời.
Thu Hằng, Chi Phương
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211208-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p