Tin Tổng Hợp – 8/11/21
Trung Quốc lấy mô hình tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu tập trận tên lửa
Quân đội Trung Quốc đã xây dựng mô hình một tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và nhiều tàu chiến Mỹ trên sa mạc Taklamakan ở vùng Tân Cương. Hình ảnh vệ tinh của Maxar, công bố hôm Chủ Nhật 08/11/2021, cho biết như trên. Theo Viện Hải Quân Mỹ, các mô hình này có thể đã được Trung Quốc dùng làm mục tiêu thực hành diễn tập phóng tên lửa.
Theo hãng tin Anh Reuters, những mô hình này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực chống tàu sân bay, đặc biệt là chống lại Hải quân Hoa Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington vẫn nghiêm trọng trong các hồ sơ Đài Loan và Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy mô hình có đường nét của 1 tàu sân bay Hoa Kỳ và ít nhất 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã được dựng trên sa mạc Taklamakan. Các hình ảnh cũng cho thấy một hệ thống đường ray rộng 6 mét, gắn trên đó là một mô hình có kích cỡ bằng một con tàu. Các chuyên gia cho rằng mô hình phức hợp này có thể được sử dụng để mô phỏng một con tàu đang chuyển động.
Viện Hải quân Hoa Kỳ trích dẫn công ty phân tích thông tin tình báo không gian địa lý All Source Analysis, theo đó mô hình phức hợp này đã được quân đội Trung Quốc sử dụng làm mục tiêu để thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Các chương trình tên lửa chống hạm của Trung Quốc do Lực Lượng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân (PLARF) giám sát. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hiện chưa hồi đáp yêu cầu bình luận về thông tin nói trên.
Theo báo cáo quân sự thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc, lần bắn đạn thật đầu tiên tại Biển Đông của Lực Lượng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc đã được tiến hành vào tháng 07/2020. 6 tên lửa đạn đạo chống hạm (DF-21) được phóng ra vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các cuộc thử nghiệm trên biển có thể đã cho thấy Trung Quốc « vẫn còn xa mới chế tạo ra được một tên lửa ASBM chính xác ». Ông không cho là các mô hình tàu Mỹ mà Trung Quốc dựng ở sa mạc là phục vụ thử nghiệm ở giai đoạn cuối, tức là Trung Quốc còn cần thêm các bước cải tiến, bởi một vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm được tiến hành trên sa mạc sẽ không phản ánh các điều kiện thực tế của môi trường biển, nhưng sẽ cho phép Trung Quốc hướng đến các cuộc thử nghiệm thành công hơn.
Thế nhưng, chuyên gia Collin Kohcũng lưu ý đối với Bắc Kinh, cách tốt nhất để tránh thu hút sự chú ý của quân đội và tình báo Mỹ là thử nghiệm trên đất liền. Đó là chưa kể các nước láng giềng của Trung Quốc, vốn lo ngại về tên lửa của Bắc Kinh, có thể sẽ phản đối các vụ thử nghiệm trên biển. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 07/2021 tuyên bố là Mỹ sẽ bảo vệ Philippines, nếu nước này bị Trung Quốc tấn công ở biển Đông và cảnh báo Bắc Kinh nên ngưng «hành vi khiêu khích».
Thùy Dương
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211108-trung-quoc-lay-mo-hinh-tau-san-bay-my-lam-muc-tieu
Thủ tướng Iraq thoát hiểm trong vụ tư gia bị tấn công ở Baghdad
Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi nói rằng ông thoát hiểm, không hề hấn gì sau vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) nhắm vào tư gia của ông ở bên trong Vùng Xanh được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt tại Baghdad.
Một drone gắn đầy chất nổ đã tấn công vào tòa nhà, làm bị thương sáu cận vệ của ông trong vụ rõ ràng là ám sát, các quan chức nói.
Ông Kadhimi kêu gọi “sự bình tĩnh và kiềm chế từ tất cả mọi người”.
Vụ tấn công, xảy ra sau khi có tình trạng nổi loạn đầy bạo lực liên quan đến kết quả bầu cử gần đây, đã bị cả Hoa Kỳ và Iran lên án.
Các nguồn tin an ninh nói rằng có ba chiếc drone được sử dụng trong vụ tấn công, được phóng đi từ Cầu Cộng hòa trên Sông Tigris gần đó, nhưng hai chiếc đã bị bắn hạ.
Hiện chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào khu vực trong thành phố, nơi đặt nhiều tòa nhà chính phủ và đại sứ quán các nước.
Những hình ảnh do truyền thông Iraq công bố cho tòa nhà có một số chỗ bị hư hại, và một chiếc xe SUV đỗ trong garage cũng bị hư do vụ nổ.
Phần còn lại của chiếc drone nhỏ có gắn chất nổ đã được các lực lượng an ninh thu thập để giám định, một viên chức an ninh ẩn danh nói với hãng tin Reuters.
“Hiện còn quá sớm để nói ai là kẻ thực hiện vụ tấn công,” viên chức này được dẫn lời nói. “Chúng tôi đang kiểm tra các báo cáo tình báo và đang chờ đợi kết quả điều tra sơ bộ ban đầu, điều có thể cho manh mối về các thủ phạm.”
Drone dân dụng có gắn chất nổ là thứ từng được nhóm Hồi giáo cực đoan Islamic State sử dụng khi nhóm này nắm giữ một số vùng ở miền bắc Iraq, nhất là trong trận chiến giành giật Mosul hồi năm 2017.
Ông al-Kadhimi, cựu sếp tình báo, đã tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái.
Vụ tấn công có thể đánh dấu sự leo thang nguy hiểm
(Phân tích của Anna Foster, phóng viên BBC chuyên về vùng Trung Đông)
Iraq tổ chức bầu cử cách đây chưa đầy một tháng, và nay đang trong quá trình lâu dài và kỳ quặc, hình thành một liên minh cầm quyền.
Số người đi bỏ phiếu đạt mức thấp kỷ lục – chỉ 41% – và điều đó cho thấy nhiều người Iraq không tin sẽ có sự thay đổi thực sự trong thời gian tới.
Các đảng phái thân Iran đạt kết quả tồi tệ hơn những so với những gì họ mong muốn, họ bị mất nhiều ghế.
Các ủng hộ viên của họ đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở bên ngoài Vùng Xanh được bảo vệ an toàn của Baghdad, và kêu gọi tái kiểm phiếu bằng tay.
Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia, Moqtada al-Sadr tuyên bố chiến thắng, và đảng của ông giành được nhiều ghế nhất. Ông đang thúc đẩy việc thành lập một chính phủ không chịu sự can thiệp của bên ngoài, đặc biệt là từ Iran cũng như từ phương Tây. Ông muốn chấm dứt ảnh hưởng từ Tehran đối với các quan hệ nội bộ của Iraq.
Những vấn đề chính trị này khiến cho tình trạng căng thẳng dâng cao, và nỗ lực ám sát Thủ tướng al-Kadhimi có thể sẽ dẫn tới sự leo thang nguy hiểm với những tác động rộng khắp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-59198481
(Kyodo) – Hải Quân Đức tăng cường hiện diện tại Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trả lời hãng tin Kyodo chuẩn đô đốc Kay Achim Schonbach, cho biết « nếu có thể, cứ hai năm một lần Đức sẽ điều chiếm hạm đến Ấn Độ -Thái Bình Dương ». Khinh hạm Bayern của Đức đã cập bến cảng Tokyo từ hôm 06/11/2021. Từ 20 năm qua, đây là lần đầu tiên một tàu chiến của Đức cập cảng Nhật Bản. Theo dự kiến, sau Tokyo chiếc Bayern tiếp tục hành trình đến eo biển Đài Loan và đi ngang qua Biển Đông. Lãnh đạo Hải Quân Đức cho biết thêm « tùy theo tình hình, tàu chiến của Đức sẽ trở lại Biển Đông vào năm 2023 ».
(AFP) – Một cảnh sát Pháp bị tấn công, giới điều tra nghi ngờ hành vi khủng bố. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp, Gérald Darmanin trên mạng Twitter ngày 08/11/2021 thông báo cấp tốc đến Cannes, miền nam nước Pháp sau vụ một nhân viên cảnh sát bị tấn công vào sáng sớm hôm nay. Hung thủ đã bị « vô hiệu hóa ». Vẫn trên mạng xã hội cá nhân Twitter, ông Darmanin cho biết thêm « nạn nhân bị tấn công bằng dao nhưng không bị thương nhờ mặc áo chống đạn ».
(AFP) – Tổng thống Nicaragua tái đắc cử. Theo kết quả kiểm phiếu sơ khởi tổng thống mãn nhiệm Daniel Ortega đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư với 75 % số phiếu ủng hộ. Kết quả chính thức sẽ được công bố chiều nay 08/11/2021. Tuy nhiên, hơn 81 % cử tri Nicaragua tẩy chay các phòng phiếu. Đối thủ của ông Ortega thuộc cánh tự do chỉ được 14,4 % cử tri tín nhiệm. Tổng thống Mỹ, Joe Biden gọi cuộc bầu cử Nicaragua hôm 07/11/2021 là một « trò hề ». Quốc gia Trung Mỹ này rơi vào khủng hoảng chính trị từ 2018 do cặp vợ chồng Daniel Ortega bám víu quyền lực. Bà Ortega, Rosario Murillo, liên tục giữ chức phó tổng thống Nicaragua từ năm 2017.
(Reuters) – Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan tăng trong 16 tháng liên tiếp. Theo thống kê được công bố hôm 08/11/2021 trong tháng 10/2021, ngành xuất khẩu của Đài Loan tăng thêm 24,6 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Bộ Tài Chính nước này giải thích thành quả này có được nhờ Đài Loan xuất khẩu hàng công nghệ cao và nhất là linh kiện bán dẫn. Đài Bắc chờ đợi « chiều hướng này tiếp tục kéo dài trong tối thiểu 6 tháng nữa ».
(AFP) – Covid-19: Kết thúc một tuần lễ người lao động Nga được nghỉ, nhưng vẫn ăn lương. Kể từ hôm nay 08/11/2021 hàng chục triệu người dân Nga đi làm trở lại sau một tuần lễ được nghỉ phép để chống dịch. Bộ Y Tế Nga hôm 08/11/2021 thông báo có thêm 39.000 bệnh nhân nhiễm virus corona và gần 1.200 người thiệt mạng.
(AFP) – Nepal tìm thấy xác ba nạn nhân Pháp bị bão tuyết trong lúc leo núi Hymalaya. Cảnh sát Nepal ngày 08/11/2021 thông báo thi thể các nạn nhân đã được đưa về thành phố Lukla ở phía đông nam quốc gia này. Bà nạn nhân là nhà leo núi, thám hiểm đỉnh núi Mingbo Eiger, ở độ cao hơn 6.000 mét, bị mất tích từ hôm 26/10/2021 sau một trận bão tuyết.
(Reuters) – Teheran đòi Mỹ bảo đảm sẽ không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Trong một cuộc họp báo trực tuyến, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran hôm nay 08/11/2021 thông báo Teheran muốn Washington cho thấy Mỹ muốn và có khả năng bảo đảm là sẽ không từ bỏ một lần nữa thỏa thuận nếu các cuộc thảo luận được nối lại đạt kết quả để tái khởi động thỏa thuận hạt nhân 2015. Theo quan chức Saeed Khatibzadeh, Iran cũng đòi hỏi Mỹ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Donald Trump đã áp đặt đối với Teheran và việc dỡ bỏ này phải được tiến hành có thể kiểm chứng được.
(Reuters) – Ủy ban tư vấn của thủ tướng Nhật Fumio Kishida ngày 08/11/2021 đề xuất một quỹ đại học 88 tỉ đô la và một quỹ khác để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sáng chế kỹ thuật số và xanh thành những cột trụ cột của chiến lược mới về tăng trưởng kinh tế. Trước đó, chính phủ của thủ tướng Kishida dự tính một kế hoạch tái thiết kinh tế hậu Covid-19 trị giá hơn 30.000 tỉ yen (265 tỉ đô la).
(AFP) – NASA: Phi hành đoàn trở về trái đất sau 6 tháng trong quỹ đạo. Sau sáu tháng trên quỹ đạo, phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet cùng phi hành đoàn, rời khỏi Trạm vũ trụ quốc tế để trở về Trái đất vào ngày mai, 9/11/2021. Chuyến bay trở về trái đất đã bị hoãn lại nhiều lần do thời tiết. Các phi hành gia sẽ phải trải qua nhiều kiểm tra sức khỏe và các chương trình phục hồi sức khỏe để làm quen lại với trọng lực và một số bài kiểm tra khác nhằm thu thập dữ liệu khoa học về ảnh hưởng trên cơ thể con người sau một thời gian dài trên quỹ đạo.
(AFP) – Lần đầu tiên một nữ phi hành gia Trung Quốc đi ra ngoài không gian. Hôm nay, 07/11/2021, Vương Á Bình (Wang Yaping) đã là nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc đi ra ngoài không gian để tham gia xây dựng trạm không gian Thiên Cung của nước này. Nữ đại tá không quân 41 tuổi là một trong những phi hành gia của phi thuyền Thần Châu 13, được phóng lên vào giữa tháng 10. Đây là chuyến bay thứ ba trong tiến trình xây dựng trạm Thiên Cung.
(AFP) – Bán đấu giá chiếc áo trong đêm biểu diễn cuối cùng của Amy Winehouse. Trong một phiên bán đấu giá tại California trong hai ngày cuối tuần 06 và 07/11/2021, chiếc áo đầm đen, với hình cây tre màu xanh lá cây đã được bán với giá 243.000 đô la, cao hơn với cái giá thẩm định ban đầu đến 16 lần. Với chiếc áo này, danh ca người Anh Amy Winehouse đã xuất hiện trên sâu khấu Beograd. Một tháng sau, ngày 23/07/2011, cô qua đời tại nhà riêng ở Luân Đôn, khi mới 27 tuổi. Chiếc áo đầm với hình cây tre là một trong số gần 800 di vật mà phụ mẫu của Amy đề nghị đem bán đấu giá, và thu về được khoảng 4 triệu đô la.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211108-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – UNESCO bầu tổng giám đốc mới. Thứ ba, 09/11, Cơ quan Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc sẽ bầu tân lãnh đạo. Tổng giám đốc mãn nhiệm người Pháp, bà Audrey Azoulay, gần như chắc chắn tái cử. Ứng cử viên duy nhất vào chức tổng giám đốc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Hội đồng điều hành của UNESCO, với đại diện của 58 nước trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Bà Azoulay, được bổ nhiệm lãnh đạo UNESCO từ năm 2017, có chủ trương gây dựng lại « niềm tin » và « sự đoàn kết » trong nội bộ định chế chuyên về giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc.
(Reuters) – Hoa Kỳ nhập siêu từ Trung Quốc hơn 40 tỷ đô. Thặng dư thương mại Mỹ – Trung Quốc là 40,75 tỷ đô la trong tháng 10, tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu hải quan công bố hôm 07/11. Trong 10 tháng đầu năm, Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc 320,67 tỷ đô la. Đầu tháng 10, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai, cam kết bỏ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Trung Quốc, trong khi thúc ép Bắc Kinh thực thi một số cam kết trong thỏa thuận thương mại « Giai đoạn 1 » Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Trump, có mục tiêu giảm mạnh tình trạng nhập siêu của Mỹ hiện nay.
(AFP) – Nội chiến ở Ethiopia: Hoa Kỳ ra lệnh sơ tán nhân viên. Đại sứ Mỹ tại Addis-Abeba, hôm qua, 06/11/2021, đã ra lệnh cho sơ tán những nhân viên không thiết yếu. Giao tranh giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy đã gia tăng cường độ ở miền bắc đất nước. Phe nổi dậy và đồng minh của họ đe dọa tiến vào thủ đô, hiện chỉ cách thủ đô có 300 km ở phía nam. Hôm thứ Sáu, 05/11, quân đội Ethiopia kêu gọi tổng động viên cả những quân nhân đã về hưu. Trong tình hình này, Ý và Đan Mạch cũng đã kêu gọi kiều dân sơ tán.
(AFP) – Sudan: Phe đòi dân chủ kêu gọi hai ngày bất tuân dân sự. Thông báo được đưa ra ngày hôm qua, 06/11/2021 nhằm gây áp lực với quân đội, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính ngày 25/10/2021. Cuộc tổng động viên đình công lần này diễn ra vào lúc các nhà đàm phán thuộc Liên Đoàn Ả Rập đến thủ đô Khartoum nhằm nối lại đối thoại giữa phe dân sự và quân sự.
(Reuters) – Israel phản đối kế hoạch mở lãnh sự quán Mỹ phụ trách các vấn đề liên quan đến người Palestine tại thành phố Jerusalem. Theo Israel, hôm qua, 06/11/2/2021, lãnh sự quán cần được đặt tại vùng Cijordani. Dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Washington đã tranh thủ được tình cảm của chính quyền Israel và khiến người Palestine phẫn nộ khi đóng cửa lãnh sự quán tại Jerusalem, và chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem từ năm 2018. Người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của một quốc gia độc lập trong tương lai và không chấp nhận sáng kiến của Hoa Kỳ thời ông Trump chuyển đại sứ quán Israel về thành phố này. Israel chiếm vùng Đông Jerusalem vào năm 1967, gọi Jerusalem là thủ đô « không thể chia cắt ».
(Reuters) – Nga – Covid: Số lượng kỷ lục số ca nhiễm mới. Chính quyền Nga hôm qua thông báo có 41.335 trường hợp nhiễm mới và thêm 1.188 người chết vì Covid trong vòng 24 giờ. Để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh của COVID-19, Nga đã ra quyết định từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 7 tháng 11 ngừng toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số khu vực có kế hoạch gia hạn biện pháp này cho đến tuần sau, nhưng một số khu vực khác đã chọn quay trở lại làm việc từ thứ Hai.
AFP) – Ý: Phiên tòa ngoại hạng xét xử hơn 70 thành viên băng đảng mafia. Hôm qua, 06/11/2021, trong đợt xử đầu tiên trong khuôn khổ phiên tòa dự trù kéo dài hai năm, tư pháp Ý đã tuyên án 91 người, trong đó có 70 thành viên băng đảng « Ndrangheta », nhóm mafia khét tiếng nhất ở Ý, bị cáo buộc với các tội danh mưu toan sát nhân, rửa tiền, buôn thuốc phiện và tàng trữ trái phép vũ khí. Một phần ba trong số này bị kêu án hơn 10 năm tù, những nhân vật nguy hiểm nhất lãnh đến 20 năm tù giam, và ngoài ra có 21 người được trắng án. Truyền thông Ý cho biết đây chỉ là phần đầu của phiên xử ngoại hạng đầu tiên kể từ cuối những năm 1980 nhắm vào băng đảng mafia. Trong phần hai sắp tới, tư pháp Ý dự trù đưa ra xét xử 350 bị cáo, trong đó có đầu đảng là Luigi Mancuso.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211107-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p