Tin Tổng Hợp – 7/7/21
CDC: Biến thể Delta đã chiếm ngự tại Mỹ
Biến thể Delta đã trở thành chủng COVID chiếm ngự tại Mỹ, theo mẫu dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện.
Theo ước tính của CDC, biến thể Delta trở nên chiếm ngự tại Mỹ trong hai tuần trước ngày 3/7, với 51,7% ca nhiễm COVID liên hệ tới biến thể phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ này.
Tỉ lệ các ca nhiễm liên hệ đến biến thể Alpha phát hiện đầu tiên tại Anh từng chiếm ngự tại Mỹ, tới nay đã giảm xuống còn 28,7%.
Biến thể Delta đang trở nên chiếm ngự tại nhiều nước, dễ lây nhiễm hơn những phiên bản trước đây của COVID và có thể gây bệnh nặng hơn, đặc biệt nơi người trẻ. Biến thể Delta nay được tìm thấy tại tất cả các tiểu bang của nước Mỹ, các giới chức y tế cho hay.
Hôm 6/7, Joe Biden khuyến khích những ai chưa tiêm chủng nên đi tiêm ngừa để tự vệ trước biến thể lây nhiễm cao đang lan tràn nhanh chóng.
Cho đến nay, các dữ liệu sơ khởi cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, và Moderna phần lớn bảo vệ chống được Delta, nhưng việc tập trung các kháng thể trung lập hóa virus có giảm sút đôi chút.
https://www.voatiengviet.com/a/cdc-bien-the-delta-da-chiem-ngu-tai-my/5957349.html
Luật về đời tư: Lãnh đạo Hồng Kông không nhân nhượng các tập đoàn Internet
Hôm qua, 06/07/2021, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tỏ thái độ kiên quyết trước lời đe dọa của các tập đoàn Internet như Google, Facebook và Twitter rút khỏi đặc khu này nếu luật về bảo vệ đời tư có hiệu lực. Quảng cáo
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định dự luật về bảo vệ đời tư chỉ nhằm chống lại tệ nạn “doxing”, tức là tiết lộ những dữ liệu cá nhân trên mạng, tạo một khuôn khổ pháp lý để những ủy viên đặc trách bảo vệ đời tư “có thể tiến hành điều tra và các biện pháp ngăn chặn”.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga còn so sánh dư luật về đời tư với luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào năm ngoái và đã được dùng làm công cụ đàn áp đối lập ở đặc khu này. Theo lãnh đạo Hồng Kông, luật về bảo vệ đời tư cũng bị “bêu xấu” giống như luật an ninh quốc gia.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết ủy ban đặc trách bảo vệ đời tư sẳn sàng gặp đại diện các tập đoàn đang lo ngại, nhưng khẳng định là chính quyền của bà dứt khoát muốn dự luật được thông qua nhanh chóng.
Dự luật về đời tư đã gây lo ngại cho các tập đoàn Internet, sợ rằng họ hay các nhân viên của họ phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà người sử dụng Internet đăng trên mạng. Trong một bức thư gởi chính quyền Hồng Kông, đề ngày 25/06 nhưng chỉ mới được công bố trong tuần này, Asia Internet Coalition, quy tụ các tập đoàn Google, Facebook, Twitter, LinkedIn và Apple, cho rằng việc trừng phạt các cá nhân là “không phù hợp với các chuẩn mực và tập quán của thế giới”. Họ đe dọa: “Cách duy nhất để tránh các trừng phạt đó, đối với các tập đoàn công nghệ, sẽ ngừng đầu tư và cung cấp các dịch vụ cho người tiêu dùng Hồng Kông”.
Thanh Phương
Hoa Kỳ ‘không muốn Đài Loan độc lập, giữ nguyên trạng’
Điều phối viên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell hôm thứ Ba cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại trong hòa bình nhưng thách thức là rất lớn.
Đài Loan
Về Đài Loan, hòn đảo tự trị được Hoa Kỳ hậu thuẫn mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình và muốn chiếm lại, Campbell tỏ vẻ thận trọng.Quảng cáohttps://39ad7ed142320938e56db9a39cd02896.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Ông cho biết Washington ủng hộ mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan và tin rằng hòn đảo này cần có một vai trò quốc tế và không bị cộng đồng quốc tế xa lánh, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập.
Ông nói: “Chúng tôi nhận ra và hiểu rõ những nhạy cảm liên quan ở đây.”
Ông nói thêm rằng việc duy trì hòa bình và ổn định đối với Đài Loan là một sự cân bằng”nguy hiểm”.
Trong cuộc trò chuyện với Asia Society, Kurt Campbell, nói: “Đó là một sự cân bằng nguy hiểm, nhưng phải được duy trì.”
Kurt Campbell từng là trợ lý thứ trưởng ngoại giao về Đông Á thời Barack Obama từ 2009 tới 2013.
Sang thời Joe Biden, ông đảm nhiệm vị trí mới lập ra, có tên nhà điều phối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông có sếp trực tiếp là Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và có nhiều quyền hạn trong vấn đề Trung Quốc.
Thử thách
Campbell nói tại Asia Society rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay với các nhà lãnh đạo của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – nhóm được gọi là “Bộ tứ” mà Washington coi là nền tảng đối kháng với Trung Quốc.
Campbell cho biết thách thức đối với Hoa Kỳ sẽ là đưa ra một chiến lược mang lại cho Trung Quốc các cơ hội, nhưng cũng đáp trả nếu nước này thực hiện các bước “trái ngược với việc duy trì hòa bình và ổn định”.
Ông nói, có khả năng xảy ra “những giai đoạn không chắc chắn, thậm chí có thể là những giai đoạn thỉnh thoảng gia tăng căng thẳng”.
Ông nói: “Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể cùng tồn tại và chung sống trong hòa bình không? Tôi nghĩ như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng thách thức là vô cùng khó khăn cho thế hệ này và thế hệ sau”.
Ông chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc với đồng minh của Mỹ là Australia.
“Tôi không chắc họ có tư duy chiến lược để quay lại một kiểu ngoại giao khác đối với Australia lúc này.”
Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm của Úc sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona vào năm ngoái.
Kurt Campbell nhận xét: “Các tư tưởng gia xung quanh Tập Cận Bình cho rằng Hoa Kỳ đang đi lùi về suy thoái.”
“Tin đồn về sự suy thoái của chúng ta bị phóng đại rất nhiều. Mỹ có đủ tiềm lực, ý chí và quyết tâm để tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong cộng đồng toàn cầu, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Cuối tuần qua, quân đội Mỹ đã rời căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan trong khuôn khổ rút quân khỏi đất nước này sau 20 năm chiến tranh.
Campbell cho rằng Trung Quốc có thể có ba cách giải thích về việc Mỹ rút lui: rằng Washington quyết định đã tới lúc rút ra, muốn chuyển nguồn lực sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc và muốn gây bất ổn cho sườn phía nam của Trung Quốc.
Phản ứng của Quốc dân đảng
Johnny Chiang, Chủ tịch Quốc dân đảng đối lập của Đài Loan, hôm thứ Tư nói Đài Loan đòi độc lập là không khả thi, vì đó sẽ là một nỗ lực vô ích.
Viết trên Facebook, ông Chiang nói chính phủ Đảng Dân Tiến DPP nên nhận ra rằng việc theo đuổi độc lập của Đài Loan là một “con đường chẳng dẫn đến đâu”.
Ông Chiang nhắc về cuộc nói chuyện hôm thứ Ba của Kurt Campbell.
Các bình luận hôm thứ Ba của Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng, sẽ là “lời nhắc nhở rõ ràng” đối với chính phủ DPP rằng có rất ít sự ủng hộ của quốc tế đối với nền độc lập của Đài Loan, ông Chiang nói.
Về quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, ông Chiang nói rằng chính phủ DPP nên cố gắng nối lại đối thoại với Bắc Kinh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-57750820
(AFP) – Thế Vận Hội Tokyo: Không rước đuốc trên đường phố. Hôm nay, 07/07/2021, chính quyền Tokyo thông báo hủy bỏ cuộc chạy rước đuốc Thế vận trên các đường phố, trong bối cảnh chính phủ Nhật thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với các sự kiện của Thế Vận Hội Tokyo 2021. Cũng hôm nay, báo chí Nhật loan tin, do số ca nhiễm Covid đang gia tăng, chính phủ Nhật dự định ban hành tình trạng khẩn cấp mới ở Tokyo trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội.
(AFP) – Mạng xã hội Trung Quốc Wechat chặn các tài khoản ủng hộ nữ quyền và người đồng tính. Nhiều tài khoản ủng hộ nữ quyền và người đồng tính của các sinh viên Trung Quốc, hôm nay 07/07/2021, bị chặn trên ứng dụng 1.2 tỉ người dùng Wechat,cũng như lịch sử tin nhắn bị xoá, gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội. Đây vẫn được coi là những chủ đề nhạy cảm đối với truyền thông nước này. Gã khổng lồ Tencent, chủ sở hữu ứng dụng Wechat, từ chối trả lời các câu hỏi của AFP về nguyên do chặn các tài khoản nêu trên.
(Hindustan Times) – Bộ Tứ – QUAD họp thượng đỉnh vào tháng 10/2021. Ngày 06/07/2021, ông Kurt Campbell, điều phối viên của Nhà Trắng về Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho biết tổng thống Joe Biden sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo Úc, Ấn Độ và Nhật Bản tại Washington. Ngoài các chủ đề thông thường, Afghanistan cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự sau khi Mỹ và NATO rút hết quân khỏi quốc gia Đông Á này. Đây sẽ là cuộc họp thượng đỉnh trực diện đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Vào tháng 03/2021, các nhà lãnh đạo 4 nước đã họp thượng đỉnh nhưng qua hình thức trực tuyến.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên có nguy cơ thiếu 860.000 tấn lương thực. Ngày 07/07/2021, Tổ Chức Lương – Nông Thế Giới lo ngại người dân Bắc Triều Tiên sẽ phải trải qua một “giai đoạn khó khăn” trong những tháng tới. Theo thẩm định, Bắc Triều Tiên sản xuất được khoảng 5,6 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2021 và sẽ cần thêm 1,1 triệu tấn để nuôi dân. Nhưng nếu nhìn vào khối lượng nhập khẩu chính thức, “khoảng 205.000 tấn”, thì chế độ Bình Nhưỡng còn thiếu 860.000 tấn lương thực. Tình trạng thiếu lương thực dường như trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2020 do nhiều đợt bão và ngập lụt tại những vùng nông nghiệp chủ đạo.
(RFI) – Tổng thống Pháp dự thượng đỉnh G5 Sahel. Thượng đỉnh diễn ra ngày 09/07/2021 qua hình thức trực tuyến là cơ hội để ông Emmanuel Macron giải thích rõ hơn về cam kết sắp tới của Pháp tại vùng Sahel sau khi thông báo rút dần lực lượng Pháp khỏi chiến dịch Barkhane, chỉ giữ lại một nửa ở Sahel từ giờ đến tháng 01/2023. Tổng thống Nigeria, được mời đến điện Elysée, sẽ cùng với tổng thống Pháp tham gia thượng đỉnh G5 gồm Cộng Hòa Tchad, Mauritania, Mali, Niger, Burkina Faso.
(RFI) – Canada: Một người thổ dân được bầu làm thống đốc liên bang. Ngày 06/07/2021, thủ tướng Justin Trudeau thông báo bà Mary Simon, một phụ nữ thổ dân Inuk, được bổ nhiệm làm thống đốc liên bang Canada. Vai trò của thống đốc liên bang chỉ mang tính nghi lễ nhưng đây là lần đầu tiên một người thổ dân giữ chức vụ này. Đặc biệt là việc bổ nhiệm diễn ra vào lúc Canada vẫn bị chấn động vì hàng loạt vụ phát hiện những ngôi mộ trẻ em thổ dân gần những ngôi trường nội trú trước đây dành cho việc đồng hóa trẻ em thổ dân.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210707-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p