Tin Tổng Hợp – 7/3/22: csvn bỏ phiếu trắng về Ukraine; Không thể hèn hạ và đạo đức giả như thế!
Ukraina: Nga đẩy mạnh các mũi tấn công, Putin khẳng định sẽ đạt mục tiêu
Hôm nay 07/03/2022, quân đội Nga tăng cường tấn công Ukraina từ mọi hướng, oanh kích dữ dội Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraina và thắt chặt vòng vây nhắm vào thủ đô Kiev.
AFP cho biết các cuộc không kích dữ dội đã nhắm tới Kharkov, ở đông bắc Ukraina trong đêm hôm qua 06/03 rạng sáng hôm nay 07/03, đặc biệt nhắm vào một khu liên hợp thể thao của một trường đại học và các tòa nhà dân sự. Trong một thông cáo, bộ tổng tham mưu Ukraina cho biết «Kẻ thù đang tiếp tục chiến dịch tấn công Ukraina, tập trung bao vây Kiev, Kharkiv, Tcherniguiv (miền bắc), Soumy (miền đông bắc) và Mykolaiev (miền nam)» và các lực lượng Nga đang «tổng hợp các nguồn lực để tấn công Kiev».
Truyền thông Ukraina đưa tin: Còi báo động về các vụ oanh kích đã vang lên rạng sáng hôm nay tại Kiev, Tcherniguiv, Mykolayev và Vinnytsia (cách Kiev 200 km về hướng tây nam). Riêng tại Kiev, quân đội Ukraina đã sẵn sàng phá hủy cây cầu cuối cùng còn lại nối thủ đô với miền tây đất nước để ngăn chặn đà tiến của xe tăng Nga.
Một trung sĩ thuộc đơn vị quân tình nguyện Ukraina nói với AFP: «Nếu chúng tôi nhận được lệnh từ cấp trên, hoặc nếu chúng tôi thấy quân Nga tiến đến, chúng tôi sẽ cho nổ tung (cây cầu) … với càng nhiều xe tăng của kẻ thù thì càng tốt».
Theo nhà chức trách Ukraina, giao tranh ác liệt đã diễn ra cả ngày Chủ Nhật ở vùng ngoại ô Kiev, đặc biệt là quanh con đường dẫn đến Jytomyr (cách Kiev 150km về phía tây) và ở Tcherniguiv (cách thủ đô 150km về phía bắc). Còn ở Irpine, ngoại ô phía tây Kiev, theo một người dân, «từ sáng đến tối, tất cả các tòa nhà ở lân cận đều bị tấn công». Quân đội Nga cũng tiếp tục bao vây thành phố cảng chiến lược Mariupol, ở biển Azov, phía đông nam Ukraina, nơi các nỗ lực di tản thường dân đã 2 lần thất bại vì lệnh ngừng bắn không được tôn trọng.
Tại vùng Odessa, phát ngôn viên quân đội trong vùng, Sergey Bratchouk, cho biết tên lửa của Nga hôm nay phóng từ biển vào đã rơi xuống làng Tuzly. Quân đội Nga nhắm vào «các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng», nhưng may mắn là không có ai bị thương. Trước đó, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã cảnh báo Nga đang chuẩn bị oanh kích Odessa, một cảng chiến lược ở Biển Đen.
Về phía Nga, hôm qua tổng thống Putin, trong cuộc điện đàm với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, nhấn mạnh ông ta sẽ «đạt mục tiêu» tại Ukraina, «hoặc là thông qua đàm phán, hoặc là bằng chiến tranh». Theo điện Elysée, Putin khẳng định các mục tiêu đó là phi phát xít hóa Ukraina, Kiev phải công nhận bán đảo Crimée thuộc về Nga và sự độc lập của vùng Donbass.
Thùy Dương
Việt Nam đã ‘tính toán sai’ khi bỏ phiếu trắng về Ukraine
VOA Tiếng Việt– Việt Nam bỏ phiếu trắng trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho nghị quyết lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù dựa trên lợi ích quốc gia, nhưng là ‘tính toán sai’ vì không xét đến khả năng Việt Nam ‘có thể lâm vào hoàn cảnh giống như Ukraine trong tương lai’, một nhà quan sát trong nước nhận định với VOA.
Việt Nam là một trong 35 nước đã bỏ phiếu trắng trong phiên họp khẩn cấp bất thường về tình hình Ukraine của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3, cùng với những nước lớn, đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, nghị quyết này đã được thông qua với 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước bỏ phiếu.
Chỉ có năm nước bỏ phiếu chống bao gồm Nga và Belarus, Bắc Triều Tiên, Syria và Eritrea. Trong khu vực ASEAN, ngoài Việt Nam chỉ có Lào là bỏ phiếu trắng.
Tuy nhiên, bài phát biểu trước phiên bỏ phiếu của ông Đặng Hoàng Giang, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, được xem là lời chỉ trích kín đáo nhằm vào Nga khi ông nói rằng chiến tranh thường bắt nguồn từ ‘chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế’.
Phiếu trắng này đã gây thất vọng lớn cho nhiều người dân Việt Nam, nhất là giới tranh đấu về dân chủ và nhân quyền vốn hy vọng Hà Nội lên tiếng mạnh mẽ hơn về hành động xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
‘Trượt chân khó đỡ’
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, blogger được nhiều người biết tiếng với tên gọi ‘Anh Ba Sàm’, nhận định phiếu trắng này là ‘cú trượt chân khó đỡ của ngoại giao Việt Nam’ vì nó ‘sẽ gây hậu quả không nhỏ cho Việt Nam về lâu dài’.
Ông đồng ý rằng trong vấn đề bỏ phiếu này, Hà Nội cũng giống như Ấn Độ hay Trung Quốc là hành động theo lợi ích quốc gia chứ ‘không nên nghe theo tiếng gọi đạo lý’ là lên án hành vi xâm lược. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia của Việt Nam, theo ông Vinh, là ‘xét kỹ lợi ích về sau’.
Ông nhìn nhận nếu Việt Nam bỏ phiếu thuận thì ‘sẽ có hậu quả rất lớn’ trong quan hệ giữa Hà Nội với Moscow. Nhưng ông lập luận nếu Việt Nam ‘so đo đồng tiền bát gạo’ – so sánh quan hệ với Moscow quan trọng hơn quan hệ với Kyiv – thì đó là ‘cách nhìn thực dụng ngu xuẩn’, ‘thiển cận vì chỉ thấy lợi ích trước mắt’.
Theo giải thích của ông Vinh thì ‘Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình huống tương tự như Ukraine’ và lá phiếu trắng này sẽ ảnh hưởng xấu nếu Hà Nội cần sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
“Nếu không có sự chia sẻ cảm thông với người đồng cảnh ngộ với mình thì làm sao khối ASEAN và thế giới thông cảm với mình trong tương lai,” ông Vinh nói.
Blogger này chỉ ra ‘điều trớ trêu’ là ngay cả những nước độc tài, phản dân chủ như Campuchia và Myanmar đều bỏ phiếu lên án Nga, khiến Việt Nam gần như bị cô lập trong ASEAN khi chỉ có Lào là bỏ phiếu giống Việt Nam.
“Singapore không chỉ bỏ phiếu thuận mà còn áp đặt trừng phạt đối với Nga” ông Vinh chỉ ra.
Theo phân tích của ông thì khi bỏ phiếu như vậy Việt Nam đã ‘chọn đứng ngoài lề’ xu thế lịch sử. Nếu ông Putin thua hay bị sa lầy ở Ukraine, hay chiến tranh lan rộng ở châu Âu thì ‘Việt Nam lại càng thua thiệt’.
Tình thế tế nhị?
Khi được hỏi có phải Hà Nội ở trong thế khó xử vì cũng đã từng đưa quân vào Campuchia để trấn áp chế độ Pol Pot năm 1979, một hành động bị thế giới lên án là ‘xâm lược’ nhưng Hà Nội gọi là ‘thực thi nghĩa vụ quốc tế’, nên bây giờ khó lên án Nga vì hành vi tương tự, ông Vinh thừa nhận là ‘nếu phê phán Nga thì Việt Nam cũng phải ít nhiều xét lại cuộc chiến ở Campuchia và hối lỗi’.
Tuy nhiên, ông lập luận ‘không thể nói anh đã từng sai lầm rồi thì không được phê phán người khác cũng sai lầm trong khi sai lầm đó đã từ gần nửa thế kỷ trước’.
Với lại, ông nói giữa Ukraine ngày nay và Campuchia ngày xưa có sự khác biệt. “Campuchia lúc đó đối với thế giới là diệt chủng, còn đối với Việt Nam là tàn sát người dân và quấy rối một cách ghê gớm,” ông nói nhưng nhìn nhận ‘nếu Ukraine tham gia vào NATO thì có thể làm cho Nga bất an’.
“Truyền thông Nga cũng đang tìm cách lừa bịp thế giới rằng Ukraine là
phát xít kiểu giống như Campuchia ngày xưa nhưng hai trường hợp là khác
nhau,” ông nói thêm.
‘Hậu quả của chọn sai’
Ông Vinh phân tích rằng lá phiếu trắng này là kết quả của ‘đường lối đối ngoại sai lầm’ của Hà Nội trong thời gian dài khi ngả qua Nga quá nhiều mà ông gọi là ‘sự lỡ trớn’.
“Đáng lẽ nên có sự chuyển hướng từ trước về chuyện bớt lệ thuộc vào Nga đi vì rõ ràng tôi nhìn thấy trong nhiều năm qua là vẫn có ảo tưởng là Nga có thể đỡ cho Việt Nam trong việc cự địch với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề dầu khí ngoài Biển Đông,” ông nói.
“Đau đớn là cuối cùng Nga rút lui (trước sức ép Trung Quốc),” ông nói thêm.
Ông cho rằng nếu Hà Nội bỏ phiếu ủng hộ Ukraine thì cũng có thể được xem là Hà Nội ủng hộ nền dân chủ non trẻ của Kyiv sau cuộc cách mạng Maidan hồi năm 2014 để đưa Kyiv thoát khỏi ảnh hưởng của Nga nhưng Hà Nội ‘không đặt nặng vấn đề này’.
Ông chỉ ra có ‘sự nhầm lẫn’ của nhiều người dân ở Việt Nam có cảm tình với nước Nga, nhất là ở những quan chức đã từng học tập ở Nga rằng ‘đây là cuộc chiến của nước Nga, của người dân Nga’.
“Đây là cuộc chiến của Putin, của một kẻ độc tài chứ không phải cuộc chiến của dân Nga,” ông khẳng định.
Theo ông, Việt Nam có thể ‘tìm cách gỡ lại cú trượt chân này’ bằng cách không lên tiếng chính thức nhưng cho các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Hội Thanh niên hay Hội Phụ nữ… lên tiếng ủng hộ Ukraine.
Ngoài ra, chính quyền có thể bật đèn xenh cho báo chí lên tiếng giùm cho Nhà nước trên những vấn đề đối ngoại tế nhị như Ukraine để ‘chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách đối ngoại’.
Theo quan sát của ông thì báo chí Việt Nam ‘đang có sự chuyển hướng dần dần’, ‘đã bắt đầu đưa tin nhiều hơn về thương vong của dân thường, về quốc tế ủng hộ Ukraine như thế nào’. “Nhưng chỉ mới nhích một chút thôi chứ không đáng kể,” blogger này nhận định.
Tất cả báo chí chính thống của Việt Nam cho đến nay đều gọi hành động quân sự của ông Putin tại Ukraine là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ theo cách gọi của Nga chứ không gọi là ‘cuộc xâm lược’ như truyền thông phương Tây.
‘Chia sẻ bài học ‘Ba Không’
Trong bài phỏng vấn mới đây trên tờ Tuổi Trẻ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cũng nói rõ thêm quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến ở Ukraine, mà hai bên tham chiến ‘đều là bạn bè truyền thống của Việt Nam’.
Đối với Nga, ‘người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam’, ông Vịnh nói Việt Nam ‘ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới’ và ‘không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga’.
Đồng thời Hà Nội cũng sẽ khuyên Nga là ‘không xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ các nước bất luận là hình thức nào’ và ‘dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận’.
“Chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế,” ông Vịnh nói với Tuổi Trẻ.
Còn đối với Ukraine, vị cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng này nói rằng Việt Nam ‘ủng hộ Ukraine bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia’. “Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’ của nước lớn,” ông nói.
Ông cho rằng Việt Nam có thể khuyên Ukraine rằng ‘để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn’. “Sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào,” ông phân tích.
“Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học ‘3 không’ trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba,” ông Vịnh nói thêm.
Không thể hèn hạ và đạo đức giả như thế!
Hoàng Hải Yến – 2022.03.07 – AFP, RFA edit
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang (trái), Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 28/2/2022
Đã có nhiều bình luận về “lá phiếu trắng” mà Việt Nam lựa chọn tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ hôm 2/3/2022. Lập trường đó đi ngược lại dư luận của thế giới tiến bộ, phản ánh một xu hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Hà Nội.
Sự kháng cự gay gắt của các lực lượng Ukraine tiếp tục cản trở những bước tiến của Nga trên khắp đất nước vào ngày thứ 10 của cuộc chiến tranh xâm lược. Ở phía nam, quân đội Nga đã chiếm được các khu vực dọc theo bờ Biển Đen và thành phố cảng Mariupol vẫn bị bao vây. Tuy nhiên, Thống đốc Mykolaiv cho biết quân đội Nga đã bị đuổi khỏi thành phố. Thành phố Kharkiv thứ hai của Ukraine, ở phía bắc, cũng bị bao vây. Từ ảnh của vệ tinh có thể thấy, đoàn xe quân sự hùng hậu dài đến 64 km của Nga tiến về Kyiv những ngày gần đây không đạt bước tiến nào đáng kể. Ngoại trưởng Mỹ Blinken trả lời phỏng vấn phóng viên ngoại giao của BBC, James Landale sau khi gặp những người đồng cấp Liên minh châu Âu tại Brussels khi bắt đầu chuyến công du châu Âu kéo dài sáu ngày. Ông cho biết cộng đồng quốc tế cam kết làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine và sẽ gây “áp lực lớn lên Nga để chấm dứt cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng” (1).
Hèn nhát và đạo đức giả
CHXHCN Việt Nam là một trong số rất ít nước đã không tuân thủ cam kết nói trên của cộng đồng quốc tế. Đã có rất nhiều bình luận về “lá phiếu trắng” mà Việt Nam lựa chọn tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3/2022. Lá phiếu ấy đi ngược lại lập trường của thế giới tiến bộ, phản ánh xu hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Hà Nội. Nhìn bộ mặt như “người mất sổ gạo” của Đặng Hoàng Giang thấy tội nghiệp cho nền ngoại giao thuần phục Tàu tuyệt đối (2). Hãy đọc bình luận sắc sảo của Tiễn sĩ Nguyễn Ngọc Chu về cái gọi là lập trường “trung lập và khôn khéo” của Việt Nam. TS. Chu viết thế này về “trung lập”: Kẻ yếu, viện cớ trung lập để yên thân, đến mức thấy kẻ mạnh xâm lược không dám lên án, thấy kẻ mạnh cướp bóc không dám hô hoán, thì đến lúc mình rơi vào hoàn cảnh tương tự sẽ không ai cứu giúp… và viết thế này về… “khôn khéo”: Kẻ yếu, sợ kẻ mạnh mà ‘khôn khéo’ im lặng để kẻ mạnh ức hiếp người yếu, thì khi ngồi ghế quan toà sẽ bẻ cong công lý mà xử lợi cho người thân, xử lợi cho người phải chịu ơn, xử lợi cho kẻ có quyền, có tiền. Theo TS. Chu: ‘Trung lập’ không có nghĩa là im lặng cho cái ác lộng hành. ‘Khôn khéo’ không có nghĩa là ủng hộ phi nghĩa. ‘Trung lập’ có biên độ ‘Khôn khéo’ có giới hạn.
Để chứng minh, Nguyễn Ngọc Chu dẫn Thuỵ Sĩ làm ví dụ: Thụy Sĩ vừa từ bỏ truyền thống trung lập hàng trăm năm để đưa ra quyết định mang tính lịch sử – đóng băng tài sản của Tổng thống Putin, Thủ tướng Mishustin, Ngoại trưởng Lavrov, cùng 367 cá nhân trong danh sách trừng phạt của EU. Ngoài Thụy Sĩ còn Thuỵ Điển cũng từ bỏ truyền thống trung lập không viện trợ vũ khí cho các quốc gia đang có chiến tranh và gửi cho quân đội Ukraine 5.000 hỏa tiễn xách tay dùng chống tăng, 5.000 mũ và áo chống đạn, 135.000 phần ăn dùng ở chiến trường. Phần Lan – quốc gia quan niệm trung lập là khôn khéo vì sẽ được yên thân – cũng đã thôi “khôn khéo” và “trung lập” gửi cho Ukraine 1.500 bệ phóng tên lửa, 2.500 súng cá nhân, 150.000 băng đạn, 70.000 phần ăn dùng ở chiến trường (3).
Lập trường hèn hạ và đạo đức giả của Việt Nam không chỉ thể hiện ở bỏ phiếu trắng tại LHQ. Nó còn thế hiện ngay ở sự chuyển dịch (nói trắng ra là sự thay đổi) trong các bình luận công khai của mấy ông tướng “quảng lạc” theo đóm ăn tàn. Ngay sau khi Nga xua quân vào Ukraine, tướng Lê Văn Cương, học vị… Tiến sĩ, học hàm… Phó Giáo sư, từng là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an, nhận định: Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine có… “ba trọng tội”. Trên bục diễn giả, tướng Cương phân tích cặn kẽ về… “ba trọng tội” này của ông Zelensky: ‘Nó’ không hiểu lịch sử – lịch sử mách bảo Ukraine phải đứng trung gian giữa Đông và Tây, nghiêng về phương Tây, chống Nga là thất bại. Ngờ nghệch, ấu trĩ về chính trị quốc tế, “một ‘thằng hề 43 tuổi’ làm sao đấu với ông Putin KGB 70 tuổi được… ‘Hắn’ chờ đợi Hoa Kỳ, đâu đó ở châu Âu xắn quần, xắn áo đổ vũ khí vào. ‘Hắn’ không hiểu một điều tối thiểu là lợi ích của Hoa Kỳ với Nga là 100, thì lợi ích của Hoa Kỳ với Ukraine chỉ là một. Những cường quốc hàng đầu như Anh, Đức, Pháp không bao giờ đấu với Nga để cứu một ‘con bệnh’, bản thân Ukraine là ‘con bệnh của châu Âu’. Không có ‘thằng điên’ nào đấu với Nga để cứu ‘con bệnh’ cả (4).
“Năm không” là đầu hàng vô điều kiện
Tuy nhiên, gần đây, khi tình hình chiến sự ở Ukraine diễn ra ngày càng ác liệt, và sự thất bại về chiến lược của Putin đã trở nên nhỡn tiền, thì truyền thông “lề phải” của Việt Nam bắt đầu đổi giọng. Tướng Nguyễn Chí Vịnh “phát” trên tờ Tuổi trẻ: “Với Việt Nam, cần làm rõ: trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta”. Cuộc chiến “tốn” hàng ngàn nhân mạng mỗi ngày, mà tờ báo này gọi là “xích mích” giữa Nga và Ukraine. “Cháy nhà ra mặt chuột”, thấy Nga thua đến đít nên mấy ông tướng “quảng lạc” nay lên giọng dạy đời như thế này: “Điều chúng ta cần quan tâm hơn không phải là bên nào đúng, bên nào sai mà là khi chiến sự kết thúc sẽ tạo ra một tình thế rất mới mẻ trong trật tự an ninh toàn cầu và chắc chắn sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề chưa có tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam những năm sắp tới. Đây mới là thách thức quan trọng nhất mà Việt Nam phải tính toán và đối mặt” (5).
Nhưng ai cho phép Việt Nam được “tính toán” và “bày tỏ” các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc và quốc gia của mình, một khi Tập Cận Bình chưa “bật đèn xanh” cho Nguyễn Phú Trọng, như hắn đã “bật đèn xanh” cho Hun Sen được phép một lần, tỏ thái độ chống Putin xâm lược. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc thấy càng phải đẩy mạnh kế hoạch tiến chiếm Biển Đông. Trong một thông cáo vào cuối ngày 4/3, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đăng thông tin cho biết quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km. Theo thống kê của South China Morning Post, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất bảy cuộc tập trận ở Biển Đông bao gồm một cuộc tập trận ở vùng Vịnh Bắc Bộ (6).
Nếu không nhầm thị chính tướng Vịnh là một trong các tác giả của chính sách quốc phòng “ba không” và “bốn không”. Mà hình như thấy “ba không”, “bốn không” Trung Quốc vẫn chưa hài lòng, những kẻ “Hán gian” nằm vùng tại Hà Nội đang chuẩn bị cho ra đời một “không” thứ năm nữa. Chiều 2/3 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSVN vừa tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2022 bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị chỉ thị: “Không trích dẫn thông tin thiếu kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp, các từ ngữ mang tính chỉ trích, tiêu cực về các bên liên quan, về lãnh đạo các nước”. Nói nôm na, cấm truyền thông mọi loại đưa tin về Putin đang phạm tội ác “diệt chủng” ở Ukraina. Một bài báo đăng trong dịp này nhấn mạnh: “Trong quan hệ đối ngoại, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện chính sách ‘năm không’: Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết nước này để chống nước kia”. “Năm không” này là chủ trương đầu hàng Tàu vô điều kiện. Vậy thì lấy đâu ra vị trí trung lập để xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động”??? (7)
____________
Tham khảo:
1. https://www.bbc.com/vietnamese/world-60629185
https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-giao-vi%E1%BB%87t-nam-li%E1%BB%87u-s%E1%BA%BD-r%C6%A1i-t%E1%BB%B1-do-%C4%91%E1%BA%BFn-khi-n%C3%A0o-/6470570.html
3. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2587351048064976
4. https://www.facebook.com/100062975111538/posts/321149096660925/
5. https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm
7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60602302
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/we-cant-be-coward-and-hypocritical-03062022185939.html
(AFP) – Bắc Kinh: Tình hữu nghị Nga-Trung «vững như bàn thạch». Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 07/03/2022 khẳng định như trên bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế về hành động xâm lược Ukraina của Nga. Trước giới báo chí, ngoại trưởng Trung Quốc còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia hòa giải quốc tế «trong trường hợp cần thiết» để giải quyết xung đột tại Ukraina.
(AFP) – Chiến tranh Ukraina: Giáo hoàng kêu gọi mở hành lang nhân đạo. Chủ Nhật 06/03/2022, trong một buổi cầu nguyện, lãnh đạo tòa thánh Vatican, đức giáo hoàng Phanxicô thương khóc «máu và nước mắt chảy thành sông» tại Ukraina. Ngài lên án «một cuộc chiến gieo rắc chết chóc, sự tàn phá và khốn khổ». Sau buổi cầu nguyện, Ngài kêu gọi thiết lập các «hành lang nhân đạo thật sự» để cứu giúp người dân.
(RFI) – Tổng tham mưu quân đội Mỹ thăm Litva. Tướng Mark Milley hôm qua 06/03/2022 đến thăm căn cứ Pabradé, cách biên giới với Belarus khoảng 30km. Tại căn cứ Pabradé, hiện có 500 lính Mỹ đồn trú từ sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014. Tướng Mark Milley phát biểu trước các quân nhân là NATO muốn Matxcơva hiểu rằng nếu Nga tấn công Litva hay bất cứ nước nào khác là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Nga sẽ phải trả một cái giá rất lớn. Washington đang chuẩn bị điều thêm 3.500 lính đến vùng Baltic.
(AFP) – Mỹ tố cáo Matxcơva tuyển lính đánh thuê Syria dày dặn kinh nghiệm sang chiến đấu cho quân đội Nga ở Ukraina. Wall Street Journal ngày 06/03/2022 trích lời một số quan chức Mỹ khẳng định nhiều chiến binh Syria hiện đã có mặt tại Nga và đang chuẩn bị sang Ukraina chiến đấu. Hiện đã có một số lính đánh thuê Tchetchenia chiến đấu bên cạnh quân Nga ở Ukraina, một số đã tử thương trong các cuộc giao tranh với người Ukraina.
(AFP) – Matxcơva lập danh sách các nước «thù nghịch» được trả nợ bằng đồng rúp. Chính phủ Nga ngày 07/3/2022 cho biết các cá nhân và doanh nghiệp có thể hoàn trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp, hiện đang bị mất giá đến 45%. Danh sách các nước được Matxcơva công bố ngoài các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu, còn có Úc, Anh, Canada, Monaco, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Sĩ và Nhật Bản.
(AFP) – Bầu cử tổng thống Pháp: Macron bắt đầu chiến dịch tái tranh cử. Điểm đến đầu tiên của ứng viên tổng thống Macron hôm nay, 07/03/2022, là ở Poissy, ngoại ô Paris để bắt đầu «đối thoại với người dân». Hôm nay cũng là ngày Hội Đồng Hiến Pháp công bố danh sách 12 ứng viên tranh cử chính thức cho cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 10/04 tới đây.
(AFP) – Ngoại trưởng Nga, Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc họp tại Ankara. Theo thông báo từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, 07/03/2022, cuộc gặp ba bên sẽ diễn ra vào thứ Năm 10/03. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai ngoại trưởng Nga-Ukraina. Thông tin này đã được phía Matxcơva sớm xác nhận.
(AFP) – Úc kêu gọi Trung Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina. Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định hôm 07/03/2022 là khủng hoảng hiện nay ở châu Âu đặt Trung Quốc đứng trước «lựa chọn», và kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hỗ trợ kinh tế và chính trị ngầm đối với nỗ lực chiến tranh của Matxcơva. Tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại có trụ sở tại Sydney, thủ tướng Úc khẳng định: «Không quốc gia nào hơn là Trung Quốc có thể tác động lớn hơn ngay lúc này chống lại sự hung bạo của Nga với Ukraina».
(Reuters) – Matxcơva đồng ý họp với AIEA và Kiev về các cơ sở hạt nhân tại Ukraina. Hôm nay, 07/03/2022, Nga ủng hộ đề xuất của tổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, tổ chức cuộc họp ba bên để đảm bảo sự an toàn của các cơ sớ hạt nhân dân sự tại Ukraina, bị đe dọa do chiến sự. Bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân tại Ukraina mà một nội dung chính trong cuộc điện đàm hôm qua giữa nguyên thủ Pháp và tổng thống Nga.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220307-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p