Tin Tổng Hợp – 7/10/22
Liên tục bắn thử tên lửa: Bắc Triều Tiên tính gì?
07/10/2022 – Minh Anh –Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 12 ngày, Bắc Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ phóng tên lửa. Giới quan sát cho rằng chế độ Bình Nhưỡng đang tận dụng tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn nhằm phô trương sức mạnh, đồng thời bắn đi một thông điệp rất rõ ràng đến chính quyền Biden.
Bán đảo Triều Tiên trong hai tuần qua như trong một «trò chơi chiến tranh» ở mức độ căng thẳng cao, theo như ghi nhận của thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tại Seoul. Thứ Năm, ngày 06/10/2022, Bình Nhưỡng lại bắn thử hai tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản, hai ngày sau khi cho thử nghiệm tên lửa Hwasong-12 bay khoảng 4600 km, qua quần đảo Nhật Bản, và được cho là có thể tới tận đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Để đáp trả, Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến tập trận cùng đồng minh Hàn Quốc, giả định bắn hạ một tên lửa Bắc Triều Tiên ở ngoài khơi. Cũng trong ngày 06/10, Bắc Triều Tiên còn điều 8 chiến đấu cơ và bốn máy bay ném bom tập trận sát biên giới liên Triều. Hàn Quốc lập tức phản ứng cho xuất kích 30 chiến đấu cơ.
Theo giải thích từ phía Bình Nhưỡng, những vụ bắn thử tên lửa này chỉ là «những đòn trả đũa của Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên chống lại các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, những hành động dẫn đến leo thang căng thẳng quân sự tại khu vực».
Tuy nhiên, có hai điểm được hầu hết giới chuyên gia cùng tán đồng: Thứ nhất, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un sẽ tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể lu mờ vai trò nổi bật trong khu vực của Trung Quốc – đồng minh phương Bắc chính của chế độ Bình Nhưỡng và cũng là nhà tài trợ lớn nhất – hiện đang chuẩn bị Đại Hội đảng Cộng Sản sẽ diễn ra vào ngày 16/10/2022.
Thứ hai, đây là một lời nhắc nhở từ Bình Nhưỡng, rằng công nghệ vũ khí của Bắc Triều Tiên đang có tiến bộ – tên lửa của họ bay xa hơn bất kỳ loại hỏa tiễn nào khác cho đến nay – như là một phần của sự phô trương rộng rãi hơn về khả năng tên lửa đạn đạo của chế độ, theo như nhận định của trang mạng The Guardian.
Về điểm này, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trả lời kênh truyền hình BFMTV ngày 06/10/2022 nhắc lại: «Những gì Bắc Triều Tiên đang thực hiện, chính là phát triển và gia tăng các năng lực của mình, giờ được xem như là đáng tin cậy. Năm nay là năm kỷ lục với 30 vụ thử. Khi Kim Jong Il còn sống, ông ấy đã tiến hành 15 vụ thử cùng một kiểu như vậy trong vòng 15 năm. Từ khi lên cầm quyền, cách nay 10 năm, Kim Jong Un đã thực hiện đến 170 vụ thử.»
Cũng theo chuyên gia này, những đợt bắn thử tên lửa mới của Bắc Triều Tiên còn là một cách để chế độ Bình Nhưỡng tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực. «Điều này chứng tỏ là Bắc Triều Tiên có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn và chính xác hơn. Và nhất là điều đó còn để lại ít phạm vi hành động hơn cho Hàn Quốc».
Antoine Bondaz còn nhấn mạnh thêm rằng «Đây còn là một thông điệp gởi đến Hàn Quốc và các lực lượng quân đội Mỹ đang trú đóng tại Hàn Quốc, cũng như là trực tiếp cho Mỹ bởi vì tên lửa được sử dụng về lý thuyết có thể bắn tới đảo Guam». Hòn đảo trên Thái Bình Dương này cũng là nơi trú đóng một căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Thông điệp nào gởi đến Biden?
Foster Klug, trưởng đại diện hãng tin Mỹ AP khu vực Triều Tiên, Nhật Bản, Úc và Nam Thái Bình Dương còn đưa ra những phân tích sâu hơn khi lưu ý thêm là trong mỗi cuộc thử nghiệm vũ khí, Bắc Triều Tiên thực hiện ít nhất ba việc cùng một lúc.
Thứ nhất, đó là dịp để Kim Jong Un cho người dân Bắc Triều Tiên thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng chống lại kẻ xâm lược nước ngoài.
Thứ hai, các nhà khoa học của ông có thể nghiên cứu xử lý các vướng mắc công nghệ gây cản trở cho chương trình phát triển vũ khí, bao gồm cả việc thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân sao cho phù hợp với các tên lửa và bảo đảm tên lửa tầm xa có thể trở lại bầu khí quyển của Trái Đất một cách trơn tru.
Cuối cùng, đây có lẽ là điểm quan trọng nhất, mỗi cuộc thử đều gởi đi một thông điệp rất rõ ràng là bất chấp tất cả những vấn đề mà chính quyền Biden đang đối mặt – như cuộc chiến tại Ukraina, hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, kinh tế nước Mỹ lao đao – Washington vẫn phải đối phó với Bắc Triều Tiên. Có nghĩa là, một quốc gia sau nhiều năm phấn đấu, đang trên đà trở thành một cường quốc hạt nhân chính đáng, chứ không còn là một nước có dấu hiệu gần đây sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Về lâu dài, Kim Jong Un có thể muốn Mỹ nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân thực thụ. Các cuộc đàm phán sau đó sẽ dàn xếp việc Bắc Triều Tiên giảm bớt phần nào chương trình vũ khí của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt của quốc tế và cuối cùng ký kết một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
Xa hơn nữa, Bình Nhưỡng muốn Washington rút số 30 ngàn binh sĩ khỏi Hàn Quốc, mở đường cho việc kiểm soát bán đảo của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Bình Nhưỡng kiên quyết không nối lại đàm phán chừng nào Washington chưa từ bỏ «thái độ thù nghịch». Điều này rất có thể bao hàm các biện pháp trừng phạt kinh tế, sự hiện diện của lính Mỹ và các cuộc tập trận thường niên với binh sĩ Hàn Quốc mà Bắc Triều Tiên xem đấy như là chuẩn bị xâm lược.
Từ những quan sát trên, ông Foster Klug cho rằng các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể là một động thái để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Đó cũng là những gì từng xảy ra dưới thời chính quyền Donald Trump. Những vụ thử tên lửa liên tục đã dẫn đến việc Donald Trump tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un trong suốt hai năm 2018-2019, nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế và chính trị. Nhưng ý định này đã bất thành khi lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng từ chối đi xa hơn trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Với việc ông Joe Biden lên cầm quyền, tình hình còn thêm bế tắc. Tổng thống Mỹ tỏ dấu hiệu từ chối đi theo cả chính sách ngoại giao cá nhân của Donald Trump lẫn chính sách «kiên nhẫn chiến lược» của Barack Obama, khi ủng hộ cách tiếp cận tiệm tiến, theo đó Bắc Triều Tiên từng bước bỏ một số phần trong chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích và giảm nhẹ trừng phạt.
Tuy nhiên, mục tiêu sau cùng là vẫn giữ nguyên : Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng ngày càng có nhiều nhà quan sát tin rằng điều này giờ là bất khả. Kim Jong Un có thể xem việc hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân như là một sự bảo đảm duy nhất cho sự tồn vong của chế độ.
Ông Soo Kim, một nhà phân tích cho RAND Corporation, được The Guardian trích dẫn, cho rằng «Tại thời điểm này, đối với Kim Jong Un, từ bỏ chương trình hạt nhân và ngưng mọi hành động khiêu khích dường như không phục vụ cho các lợi ích của ông ấy, chưa kể đến số lượng tài nguyên bị lãng phí để tiến hành các vụ thử tên lửa này!»
Hầu hết giới quan sát có chung một kết luận: Kim Jong Un đang trong chu kỳ hành động khiêu khích bằng các vụ thử tên lửa, và có nhiều khả năng, một vụ thử hạt nhân thứ bảy sẽ nổ ra ngay đúng thời điểm bầu cử giữa kỳ quan trọng ở Mỹ và trong lúc này, Bình Nhưỡng tiếp tục xoay sở trong cuộc đối đầu dài hơi với Washington và các đồng minh của Mỹ.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221007-lien-tuc-ban-thu-ten-lua-bac-trieu-tien-tinh-gi
(AFP) – Thái Lan bàng hoàng vì vụ thảm sát tại một nhà trẻ. Vụ việc xảy ra tại tỉnh Nong Bua Lamphu, làm 36 người chết. Sau thủ tướng Prayut Chan O Cha, đến lượt quốc vương Rama X ngay chiều ngày 06/102022 đã đến thăm hỏi các nạn nhân. Thủ phạm đã tự sát ngay chiều qua. Nong Bua Lamphu là một vùng nông thôn ở miền bắc Thái Lan, ngay trong khu vực «tam giác vàng» giữa biên giới ba nước Thái Lan, Lào và Miến Điện, đất dụng võ của các tổ chức buôn ma túy.
(AFP) – Philippines – Hoa Kỳ tập trận chung tại Biển Đông. Hôm nay, 07/10/2022, trong khuôn khổ cuộc tập trận chung huy động hơn 3500 quan, các đơn vị hải quân Mỹ và Philippines đã tiến hành các bài tập mô phỏng tấn công vào một bãi biển gần khi vực bãi đá Scarborough, đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila, trong vùng Biển Đông. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên với Mỹ của quân đội Philippines kể từ khi ông Ferdinan Marcos lên nắm quyền. Người tiền nhiệm Rodrigo Duterte (2016-2022) đã nhiều lần dọa chấm dứt hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ, điều mà Bắc Kinh rất mong đợi. Các cuộc tập trận chung lần này kéo dài đến ngày 14/10 trên đảo Luçon. Mục đích là nâng cao khả năng phòng thủ bờ biển cho quân đội Philippine.
(AFP) – Lo ngại Trung Quốc hiện diện quân sự tại Nam Thái Bình Dương: Thủ tướng quần đảo Salomon trấn an Úc. Ngày 07/10/2022 thủ tướng Manasseh Sogavare cho biết trong cuộc họp tại Canberra với đồng cấp Úc, Anthony Albanese ông nhắc lại, kịch bản quân đội Trung Quốc hiện diện tại quần đảo Salomon sẽ «không xảy ra». Trước đó cũng chính thủ tướng Sogavare đã cho phép Trung Quốc xây dựng các bờ kè và sân bay tại quần đảo thuộc khu vực nam Thái Bình Dương này, nhưng đó là những cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu dân sự. Tháng 4/2022 Salomon và Bắc Kinh ký kết một thỏa thuận an ninh. Úc, Hoa Kỳ và nhiều đối tác trong khu vực lo ngại văn bản này cho phép Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
(NHK) – Kim Jong-un chúc mừng sinh nhật Vladimir Putin. Truyền thông Bắc Triều Tiên hôm nay 07/10/2022 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi điện chúc mừng sinh nhật lần thứ 70 của tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Kim cho biết rằng mối quan hệ hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva đã được tăng cường «hơn bao giờ hết» trong cuộc đấu tranh cho công lý quốc tế. Ông nói thêm rằng ông hy vọng mối quan hệ cá nhân của họ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc quyết định giám sát tình trạng đàn áp ở Nga. Ngày 07/10/2022, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết về việc giám sát đàn áp đối lập tại Nga. 47 nước thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết do các nước Liên Hiệp Châu Âu đề xuất. Theo nghị quyết, Hội Đồng Nhân Quyền sẽ bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt chuyên theo dõi «tình hình nhân quyền» tại Nga trong thời gian một năm. Báo cáo viên này có nhiệm vụ «thu thập, kiểm tra, đánh giá các thông tin đến từ các bên liên quan, trong đó bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự bên trong và ngoài nước Nga», theo nội dung nghị quyết.
(Reuters) – Nga bác bỏ thông tin 700.000 người trốn khỏi đất nước. Điện Kremlin hôm qua 06/10/2022 bác bỏ thông tin 700.000 người Nga đã bỏ trốn khỏi đất nước kể từ khi tổng thống Putin loan báo lệnh động viên “một phần” lực lượng quân dự bị của Nga. Trong một cuộc họp báo với các phóng viên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông không có số liệu chính xác về số người đã rời khỏi đất nước kể từ khi tổng thống Vladimir Putin phát lệnh điều động này hôm 21/09.
(Reuters) – Mỹ nghiên cứu đối sách với Ả Rập Xê Út. Đang công du Nam Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken hôm 06/10/2022 cho biết như trên sau khi Ryiad đã quyết định khóa chặt thêm van dầu, đẩy giá năng lượng lên cao. Đây là dấu hiệu Hoa Kỳ rất bực mình vì Ả Rập Xê Út «ngả theo Nga» cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Quyết định nói trên đẩy giá dầu lên cao gây khó khăn cho người tiêu dùng Mỹ vài tuần lễ trước bầu cử giữa kỳ.
(AFP) – Một số thủ lĩnh IS bị Mỹ tiêu diệt. Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ hôm qua 06/10/2022 tuyên bố đã tiêu diệt một số thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria trong một chiến dịch không kích bằng trực thăng 24 giờ trước đó. Trong số những thánh chiến bị tiêu diệt có Rakan Wahid al-Shamri, một kẻ chuyên nhập lậu và cung cấp vũ khí cho những thánh chiến khác.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221007-tin-tong-hop