Tin Tổng Hợp – 6/8/21
Biển Đông: Trung Quốc bắt đầu hàng loạt cuộc tập trận, Việt Nam lên tiếng phản đối
Đúng vào lúc diễn ra Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 với vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc được đề cập đến trong nhiều cuộc họp có Mỹ tham gia, Trung Quốc đã loan báo một loạt cuộc tập trận trong khu vực, trong đó có hai cuộc tập trận mở ra vào hôm nay 06/08/2021. Một số hoạt động tập trận của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã lập tức bị Hà Nội phản đối.
Như thông lệ, Trung Quốc tiết lộ thông tin về các cuộc tập trận thông qua các kênh báo chí và các thông báo cấm tàu thuyền qua lại đăng trên trang web của Cục Hải Sự.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm qua cho biết là một cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ được tiến hành kể từ ngày 06/08, và kéo dài cho đến ngày 10/08. Theo tờ báo, “một số nhà quan sát” cho rằng cuộc tập trận lần này cũng giống như một cuộc tập trận được tiến hành vào năm ngoái, trong đó Quân Đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành bắn thật loại tên lửa đạn đạo chống hạm gọi là “sát thủ tàu sân bay”.
Trích dẫn thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 04/08 và một số nguồn tin báo chí khác, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là khu vực tập trận trải rộng từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến phần lớn vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn từ Việt Nam năm 1974.
Bên cạnh cuộc tập trận dài ngày đó là một loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ và ngắn ngày hơn tại Vịnh Bắc Bộ, phía gần Trung Quốc, hay tại khu vực phía bắc Biển Đông.
Việt Nam phản đối
Sự kiện Trung Quốc cho tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ngày 05/08, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, và cuộc tập trận “đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các bên ở Biển Đông…”
Và “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Thách thức Mỹ và đồng minh
Đối với các nhà phân tích, các cuộc tập trận mà Bắc Kinh khởi động trên vùng Biển Đông là những động thái thách thức, không chỉ đối với các láng giềng Đông Nam Á đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà cả đối với Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền bị cho là “phi pháp” của Bắc Kinh về vùng biển này.
Gần đây nhất là các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ các cuộc họp tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54, nhắc lại việc Washington bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Ngoài Hoa Kỳ, ngày 03/08, New Zealand là nước mới nhất gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách lịch sử (của Trung Quốc) ở Biển Đông và khẳng định giá trị chung cuộc và ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông năm 2016.
Trọng Nghĩa
Ngư dân Hawaii lo ngại về sự hiện diện bành trướng của Trung Quốc
Tinh mơ ở Honolulu, cá kiếm cùng với cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và những loại cá ngừ khác được bán đấu giá sau khi được bốc dỡ khỏi tàu đêm qua. Một hàng dài các tàu bè, 145 chiếc, hoạt động từ cảng này, kéo theo hàng cây số dây câu có mồi. Các tàu cá này đa phần đánh bắt tại vùng biển quốc tế xa bờ ít nhất 400 km, cùng với các tàu cá của Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nhà thu mua sỉ tranh nhau mua tại cuộc đấu giá sáng sớm, và một con cá ngừ chất lượng cao có thể bán được từ vài trăm đô la cho đến hơn 1.000 đô la.
Các cuộc đối đầu rất hiếm xảy ra ngoài khơi gần Hawaii, nơi Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trú đóng và Tuần Dương Mỹ có mặt đông đảo.
Tuy nhiên ngư dân tại đây lo ngại khi quan sát tàu đánh cá Trung Quốc đe dọa ngư dân Philippines tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông.
Vào năm 2016, một tòa án độc lập do Liên hiệp quốc yểm trợ đã ủng hộ Philippines trong việc phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ phán quyết, và các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên có những cuộc đối đầu tại Biển Đông với các nước khác trong vùng dựa vào khu vực đánh bắt này.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới, và những người chỉ trích nói đội tàu của nước này áp dụng những chiến thuật lấn lướt trong lúc nỗ lực nuôi sống 1,4 tỉ dân. Tàu Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp và không báo cáo tại nhiều nơi trên thế giới—cáo buộc mà Trung Quốc bác bỏ. Và các giới chức ngành đánh cá tại Hawaii lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng vùng đánh bắt tại Thái Bình Dương.
Lấn lướt
Tàu thuyền Trung Quốc, theo cáo giác, đuổi ngư dân Triều Tiên ra khỏi vùng biển của họ, và người Triều Tiên đôi khi đánh bắt bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển của Nga.
Đối với các ngư phủ trên những con tàu mong manh, kết cục thường là xấu. Hàng trăm con tàu ma của Triều Tiên trôi dạt đến Nhật Bản, thường chở theo đầy xác ngư dân. Một số người đồn đoán cho rằng các ngư phủ này bị chết vì đói sau khi bị các đội tàu Trung Quốc buộc đi vào vùng biển nguy hiểm cách xa nước họ.
Năm ngoái, một đoàn tàu Trung Quốc 300 chiếc gây báo động cho các nhà hoạt động cho môi trường khi tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador, gây quan ngại trên toàn thế giới về ảnh hưởng đến đời sống của sinh vật biển tại Quần đảo Galapagos nhạy cảm. Hình ảnh vệ tinh cho thấy đoàn tàu trở lại khu vực này trong năm nay.
Trung Quốc và luật Mỹ
Ngược lại, các tàu đánh cá Mỹ bị kiểm soát gắt gao hơn tàu Trung Quốc. Tàu Mỹ bị giám sát chặt chẽ theo luật Mỹ, ông Eric Kingma, giám đốc điều hành Hiệp hội Nghề cá đánh bắt xa bờ Hawaii, đại diện cho ngư dân địa phương, nói.
Trung Quốc không những chỉ có mức độ theo dõi thấp, mà còn là nước tồi tệ nhất trong việc phớt lờ các qui luật, theo những người chỉ trích. Tuần duyên Mỹ và cơ quan Quản trị Đại dương và Khí quyển Quốc gia đã dẫn ra nhiều cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp của tàu thuyền Trung Quốc.
Hoạt động đánh bắt của Trung Quốc rất rộng. Trung Quốc có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới và sẽ lên đến 3.000 chiếc. Tuy nhiên một phúc trình của Tuần duyên Mỹ cho hay một đoàn tàu 3.000 chiếc nữa của Dân quân Biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân đang có những hành động lấn lướt trên biển khơi và trên chủ quyền biển của các nước khác” trong việc theo đuổi các lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Lực lượng Vũ trang hàng hải
Viện Phát triển Hải ngoại, một trung tâm nghiên cứu của Anh, ước tính đoàn tàu Trung Quốc bao gồm gần 17.000 chiếc kể cả những con tàu mang cờ các nước khác.
Các xưởng chế biến trên biển
Trung Quốc đang đe dọa trữ lượng cá trong lúc theo đuổi những mục tiêu chiến lược sử dụng những nguồn lực khổng lồ, ông Ethan Allen thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, nhận định. Dù trung tâm này được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, nhưng ông Allen nói quan điểm của ông là cá nhân.
“Họ có những con tàu chế biến to lớn với toàn bộ đội tàu đánh bắt ở chung quanh, và do đó họ có thể di chyển đến một khu vực có nhiều cá và chế biến một lượng cá khổng lồ trên con tàu mẹ khổng lồ trước khi rời đi.”
Một số hoạt động đánh bắt mở rộng của Trung Quốc hoàn toàn hợp pháp, được thực hiện qua các liên doanh, bằng cách trả phí tiếp cận, hay qua những thỏa thuận với các đảo quốc Thái Bình Dương cho phép tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển của họ.
Mười đảo quốc Thái Bình Dương đã gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một dự án hạ tầng cơ sở toàn cầu.
Một trong những đảo quốc này là Kiribati, có vị trí chiến lược tại trung bộ Thái Bình Dương và đang tiến hành các cuộc thảo luận để xây một cảng do Trung Quốc tài trợ và tân trang một căn cứ không quân từng được dùng để lực lượng Mỹ chống lại quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến Thứ hai. Các giới chức Kiribati nói dự án có tính cách dân sự, không phải quân sự.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa dự án này cũng là một phần của sự bành trướng Trung Quốc trên toàn thế giới. Một phúc trình năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phát hiện 46 dự án cảng hiện hữu hay dự trù tại tiểu vùng Sahara châu Phi được tài trợ, xây dựng hay điều hành bởi các thực thể Trung Quốc.
Lãnh đạo Samoa lo ngại
Một lãnh đạo tại Thái Bình Dương đã phản kháng. Thủ tướng mới của Samoa đã hủy bỏ kế hoạch xây cảng do Trung Quốc tài trợ vốn được người tiền nhiệm của bà ủng hộ. Bà Fiame Naomi Mata’afa, nữ lãnh đạo đầu tiên của nước này, tuần qua nói với Reuters là Mỹ đã chính thức “rời khỏi” khu vực, nhưng bà quan ngại về thế bị kẹt giữa hai cường quốc. Bà cũng lo ngại về các món nợ ngày càng tăng với Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của nước này.
Tại lãnh thổ Samoa của Mỹ gần đó, việc đánh bắt cá ngừ vây dài, vốn là trọng tâm của nền kinh tế lãnh thổ này, bị tàu thuyền Trung Quốc gây tác hại, ông Mark Fitchett, một khoa học gia tại Hội đồng Quản lý Đánh cá Vùng Tây Thái Bình Dương, một trong 8 cơ quan được quốc hội Mỹ cho phép quản lý việc đánh cá, nói.
“Chúng ta thấy có một bên dường như không có sự kiểm soát nào về sự bành trướng đội tàu đánh cá của họ và về khả năng rút ra những nguồn lực tái tạo này. Đó là một điều lo ngại lớn của chúng ta,” ông Fitchett nói.
Báo cáo của Tuần Duyên Mỹ, viện dẫn thống kê Liên hiệp quốc, nói 93% trữ lượng cá trên đại dương đã được khai thác hoàn toàn, khai thác quá mức hay đã bị hủy hoại đáng kể. Ông Fitchett nói trữ lượng cá ngừ nhiệt đới chính mà ngư dân Thái Bình Dương nhắm vào- cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc, cá ngừ vây dài-không bị đánh bắt quá mức, nhưng “chúng là nguồn được chia sẻ và không phải không cạn kiệt.”
Theo đúng hướng dẫn sẽ giúp duy trì trữ lượng cá như vậy, ông John Kakeno, quản lý chương trình tại Hội đồng Hải sản Hawaii, nói. “Đơn giản là chớ đánh bắt nhiều hơn là hệ thống thiên nhiên có thể tái tạo năm này qua năm khác,” ông nói, và gia tăng mức độ theo dõi quốc tế để đảm bảo là việc đánh bắt được báo cáo chính xác và những qui định được thực thi.
Các nước đã than phiền về thái độ của Trung Quốc, nhưng, nhà phân tích Ethan Allen nói, “không có một tiếng nói thống nhất nào và bất cứ sự ủng hộ thực sự nào” qua các chế tài hay những biện pháp khác để gia tăng những sáng kiến buộc Trung Quốc thay đổi cách thức đánh bắt của đội tàu Trung Quốc.
Indonesia – Hoa Kỳ tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tại thủ đô Washington, D.C hôm 03/8/2021 AFP
Hàng nghìn binh sĩ Indonesia và Hoa Kỳ đang tham gia cuộc tập trận chung trong hai tuần, từ ngày 1 đến ngày 14 tháng 8 tại ba địa điểm – Sumatra, Kalimantan và Sulawesi của Indonesia. Đây là đợt tập trận lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. AFP đưa tin hôm 4 tháng 8.
Hơn 2.100 binh sĩ Indonesia và 1.500 binh sĩ từ quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận. Đây là một phần của cuộc tập trận mang tên Lá chắn Garuda (Garuda Shield) hàng năm được tổ chức kể từ năm 2009. Cuộc tập trận tập trung vào phòng thủ trên đảo bao gồm đào tạo thực địa, bắn đạn thật, hàng không và các bài tập y tế.
Tham mưu trưởng quân đội Indonesia Andika Perkasa cho biết cuộc tập trận nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước và nâng cấp kỹ năng của quân đội cả hai nước.
Hoa Kỳ đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thu hút các đồng minh. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng dự kiến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng này. Trong chuyến công du tới Singapore vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông là “không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”.
Trong thông cáo báo chí phát ra ngày 4 tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã tham dự cuộc đối thoại chiến lược lần thứ nhất tại thủ đô Washington, D.C. Hai nước cam kết sẽ hợp tác với nhau trên nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh rằng sự kiện này là “một trang sử mới trong mối quan hệ Indonesia – Mỹ và phản ánh cam kết của hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương”.
Hai nước đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” từ năm 2015, nhưng đến nay, hai nước mới thật sự khởi động đối thoại chiến lược.
(AFP) – Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử giữa Thế Vận Hội. Hôm nay, 06/08/2021, tại thành phố Hiroshima, buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ ném bóm nguyên tử năm 1945 diễn ra ở quy mô nhỏ. Chỉ có những người sống sót, người thân trong gia đình nạn nhân và một vài quan chức địa phương và nước ngoài tham dự buổi lễ. nhưng cũng như năm ngoái, vì đại dịch, công chúng có thể theo dõi qua internet. Chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) cho biết lễ bế mạc Olympic ngày 08/08 sẽ dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân thảm kịch nguyên tử.
(AFP) – Ý mở rộng áp dụng chứng nhận ý tế phòng Covid-19. Giống như nước Pháp, chính phủ Ý thông báo quyết định kể từ hôm nay 06/08/2021, mở rộng áp dụng chứng nhận y tế bắt buộc đối với các giáo viên, sinh viên, nhân viên trường học, trong phương tiện giao thông công cộng và các quán ăn, nhà hàng. Chứng nhận y tế xác nhận đã tiêm ít nhất một mũi vac-xin hoặc đã bình phục sau nhiễm Covid-19 trong vòng 6 tháng đã qua hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước. Giáo viên không có chứng nhân trong 5 ngày liên tiếp sẽ bị cho tạm nghỉ việc. Biện pháp áp dụng chứng nhận y tế được đông đảo người dân Ý ủng hộ, không hề có cuộc biểu tình nào chống đối như ở Pháp những ngày qua.
(AFP) – Israel vẫn tiêm mũi thứ 3 dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tạm ngưng. Hôm qua, 05/08/2021, thủ tướng Isarel Naftali Bennett cho biết, đất nước hơn 9 triệu dân này sẽ đóng góp cho thế giới về kết quả của việc thử nghiệm hiệu quả của mũi tiêm thứ 3 để chống lại sự lây lan của biến thể Delta đối với những người trên 60 tuổi. Tại Israel, tổng thống và cựu phó thủ tướng cũng đã chích ngừa mũi thứ 3. Hôm 04/08, tổng giám đốc WHO đã kêu gọi các nước giàu tạm ngưng chích liều thứ 3 cho đến ít nhất là cuối tháng 9 để dành lượng vac-xin hiện có cho các nước nghèo.
(AFP) – Mỹ kêu gọi Iran nối lại đàm phán về hạt nhân. Hôm qua, 05/08/2021, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price đã kêu gọi tân tổng thống Iran Ebrahim Raissi nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân, đã bị tạm ngưng trong những tuần qua. Khi tuyên thệ nhậm chức, hôm qua, tổng thống Iran Raissi đã tuyên bố sẳn sàng thảo luận về « mọi kế hoạch ngoại giao » nhằm dỡ bỏ các trừng phạt đang gây thiệt hại nặng nề cho nước này, nhưng cảnh báo là Teheran sẽ không lùi bước trước « áp lực và các trừng phạt ».
(AFP) – Dân biểu đảng Dân Chủ Mỹ ép tổng thống Biden đóng cửa trại tù Guatanamo. Trong một bức thư gởi ngày 05/08/2021, 75 dân biểu đảng Dân Chủ đã thúc giục tổng thống Biden đóng cửa trại tù Guantanamo, nơi vẫn còn giam giữ 39 tù nhân Al-Qaïda từ vụ khủng bố 11/9/2001, với chi phí hàng năm lên đến 500 triệu đô la. Năm 2009, tổng thống Obama đã muốn đóng cửa nhà tù này, tuy nhiên quyết định của ông không được Quốc Hội thông qua.
(AFP) – Mỹ: Nạn cháy rừng nghiêm trọng chưa từng có tàn phá miền bắc California. Vụ hỏa hỏa hoạn lớn trải rộng trên 110 nghìn hecta, từ đêm 04 đến ngày 05/08 đã thiêu trụi cả thành phố nhỏ Greenville với 800 dân. Rất may người dân đã được sơ tán vài giờ trước đó. Hỏa hoạn tàn phá bắc California từ 3 tuần nay, trong điều kiện thời tiết nắng gắt, hạn hán và trời nhiều gió. Tại khu vực bị đám cháy đe dọa, khoảng 2.000 dân đã được yêu cầu sơ tán ngay lập tức. Đây là vụ cháy rừng diện rộng chưa từng có, xuất phát từ hiện tượng khí hậu cực đoan.
(AFP) – Virgin Galactic bán vé vào không gian giá 450.000 đô la/chỗ. Hôm qua, 05/08/2021, Công ty du lịch vũ trụ Virgin Galatic đã mở bán vé cho những hành khách muốn du lịch vài phút trong không gian với mức giá là 450.000/ suất. Công ty, do tỉ phú Richard Branson thành lập từ năm 2005, đến năm 2014 đã bán ra khoảng 600 vé với mức giá tại thời điểm đó là từ 200.000 đến 250. 000 đô la. Tới đây công ty sẽ đưa ra 3 loại vé : vé đơn, vé theo nhóm hoặc vé bao toàn bộ phi thuyền. Ngày 11/7, đích thân Richard Branson đã bay vào không trung cùng 3 nhân viên khác của công ty.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210806-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p