Tin Tổng Hợp – 6/7/21
Phi cơ do thám Mỹ giảm hoạt động trên Biển Đông, chuyển sang biển Hoa Đông
Theo South China Morning Post hôm nay 06/07/2021, Hoa Kỳ đã tiến hành 36 phi vụ thám sát trên Biển Đông trong tháng Sáu, chỉ bằng phân nửa so với tháng Năm. Một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng Washington đang tạm thời chuyển trọng tâm về biển Hoa Đông, với sự gia tăng đáng kể các chuyến bay do thám tại đây.
Trong số các phi cơ do thám cỡ lớn được gởi đến biển Hoa Đông, có máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3B, phi cơ thám sát điện tử RC-135U, máy bay trinh sát biển không người lái MQ-4C, drone trinh sát RQ-4.
Tổ chức South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông/SCSPI) cho biết hôm 03/06 một chiếc RC-135U cất cánh từ một căn cứ ở Okinawa đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Một phi cơ chống tàu ngầm P-8A của Hải quân Mỹ cũng từ Okinawa bay xuyên qua eo biển Đài Loan từ bắc chí nam, lần đầu tiên kể từ khi loại phi cơ này được triển khai tại Tây Thái Bình Dương.
Think tank này còn ghi nhận lần đầu tiên một phi cơ vận tải chiến thuật cỡ lớn C-17A đã đưa ba thượng nghị sĩ Mỹ đến Đài Loan hôm 06/06 thay vì phi cơ dân sự như thường lệ, và cho rằng điều này đã gây căng thẳng tại eo biển. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên án « hành động khiêu khích chính trị rất xấu xa » và một ngày sau quân đội Trung Quốc tập trận đổ bộ tại bờ biển miền đông nam.
Nhật báo có trụ sở tại Hồng Kông nhắc lại hồi tháng trước, một tuần sau khi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận tại Biển Đông, Bắc Kinh đã điều số lượng kỷ lục 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan.
Hoạt động quân sự Mỹ giảm hẳn trên Biển Đông được cho là do Nga tập trận quy mô ngoài khơi Hawai hồi tháng Sáu, thu hút một phần lực lượng trính sát của Mỹ. Các quan chức Nga nói rằng đây là cuộc tập trận lớn nhất tại Thái Bình Dương kể từ thời chiến tranh lạnh.
Thụy My
Covid-19: Anh Quốc thông báo kế hoạch dỡ bỏ những hạn chế dịch tễ cuối cùng
Thứ Hai, 05/07/2021, thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch chi tiết cho việc dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, cụ thể là từ ngày 19/07/2021, người dân Anh sẽ được tự do hoàn toàn. Điều gây lo ngại là thông báo này được đưa ra vào lúc số ca nhiễm biến thể Delta tại Anh, cứ sau một khoảng thời gian là 9 ngày, thì lại tăng gấp đôi.
Từ Luân Đôn, thông tín viên đài RFI, Claire Digiacomi giải thích:
« Tìm lại cuộc sống như trước đây bằng cách dựa vào việc tiêm phòng chủng và ý thức của người dân Anh, đây chính là cuộc đánh cược của thủ tướng Boris Johnson. Ông khẳng định, hầu hết tất cả các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/07.
Như vậy, không còn phải làm việc từ xa, không còn hạn chế số người tham dự các sự kiện lớn, các vũ trường được mở cửa trở lại… Và nhất là, không còn bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian kín hay trên các phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, Vương Quốc Anh có nhiều khả năng có đến 50 ngàn ca nhiễm thường nhật mới từ đây trong vòng hai tuần. Nhưng với thủ tướng Anh, mở cửa lại chính là lúc này hoặc là không bao giờ cả.
Ông nói : “Nếu chúng ta không mở cửa lại hoàn toàn trong những tuần sắp tới, trong khi mà chúng ta sẽ có thuận lợi là mùa hè đang đến và những kỳ nghỉ, nếu không thì đến khi nào chúng ta mới có thể quay trở lại bình thường được ? Nếu chúng ta cứ hoãn nữa, như vậy sẽ lại rơi vào mùa đông, đó chính là lúc virus sẽ có lợi thế, và như vậy có thể sẽ chẳng bao giờ mở cửa trong năm nay… ”
Boris Johnson trông cậy vào việc tiêm chủng, vốn dĩ đã làm giảm hẳn số ca nhập viện và tử vong. Nhưng thông báo này của ông gây chia rẽ trong dân chúng và giới chính khách. Phe Công Đảng đối lập tố cáo đó là những biện pháp « nguy hiểm ». Và một số nhà khoa học lo ngại cho sự xuất hiện những biến thể mới bởi vì virus lây lan rất nhanh.
Thủ tướng Anh khẳng định đại dịch còn lâu mới kết thúc nên cần phải sống chung với virus. »
Du khách Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ lại được phép vào Đức
Chính quyền Berlin hôm qua, 05/07/2021, thông báo dỡ bỏ các lệnh cấm nhập cảnh do dịch bệnh Covid-19 đối với công dân năm nước, trong đó có Anh Quốc, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Biện pháp này do Viện Giám sát Dịch tễ Robert-Koch (RKI) ban hành cũng liên quan đến Nga và Nepal. Việc dỡ bỏ các hạn chế có hiệu lực chính thức từ ngày thứ Tư 07/07/2021.
Minh Anh
RSF kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức” cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, người bị bắt vào tuần trước sau một tháng bị công an truy nã với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Ông Dũng, người sáng lập và điều hành kênh truyền hình Chấn hưng Nước Việt (CHTV) trên Youtube và Facebook, bị bắt hôm 30/6 tại Hà Nội. Một số tờ báo mạng trong nước đưa tin về việc bắt giữ này và vợ ông, bà Bùi Thị Huệ, cũng khẳng định thông tin này với VOA trong cùng ngày.
Được biết, ông Dũng từng bị nhà cầm quyền bắt hụt hôm 25/5 và cuối cùng bị công an Hà Nội bắt giữ vào tuần trước sau khi ra lệnh truy nã ông với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Ông Dũng, còn được nhiều người biết tới với bút danh Lê Dũng Vova, đang đối mặt với bản án lên tới 20 năm tù giam cho những tường trình của ông, thường đề cập đến tham nhũng và tịch thu đất đai.
“Chúng tôi yêu cầu thả ngay lập tức ông Lê Văn Dũng, người đã được đưa vào danh sách dài các nhà báo Việt Nam bị bỏ tù chỉ vì tìm cách cung cấp cho đồng bào của mình những thông tin đáng tin cậy,” ông Daniel Bastard, trưởng ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong một thông cáo đưa ra hôm 5/7.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam nói rằng ông Dũng là “một trong những đối tượng chống đối cộm cán núp dưới vỏ bọc ‘nhà báo độc lập’.” Theo VietNamNet, ông Dũng đã “tự làm thẻ nhà báo cho mình, tự lập kênh YouTube CHTV rồi đưa ra khẩu hiệu ‘CHTV là kênh truyền hình của dân oan’ nhằm tuyên truyền sai lệch, lôi kéo người dân.”
Còn theo nhà hoạt động Dũng Trương cho biết trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân, ông Dũng sáng lập kênh CHTV từ năm 2017 để “kêu oan cho các bà con dân oan bị cướp đất, những bản án oan sai, phản biện việc các công trình phúc lợi xã hội bị tà quyền tham nhũng.”
Qua việc bắt giữ ông Dũng, theo ông Bastard nhận định trong thông cáo của RSF, nhà chức trách Việt Nam đã “hoàn toàn coi thường nhà nước pháp quyền bằng cách vi phạm trắng trợ điều 25 trong hiến pháp của đất nước, vốn tuyên bố quyền tự do báo chí.”
Tổ chức nhân quyền Article 19 của Anh hôm 30/6 cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ ông Dũng của chính quyền Việt Nam. Theo tổ chức này, Việt Nam “tiếp tục sách nhiẽu và bỏ tù những tiếng nói độc lập.”
Việt Nam nằm trong số những quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới, xếp hạng 175/180 trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí của RSF. Tổ chức này trong cùng ngày 5/7 đưa Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào danh sách 37 nguyên thủ quốc gia trên thế giới bị coi là kẻ thù của tự do báo chí.
(AFP) – Indonesia nhập khẩu khí ô-xy từ Singapore. Hơn 10.000 bình dưỡng khí ô-xy đã được vận chuyển khẩn cấp bằng máy bay vận tải Hercules C-130 từ Singapore theo như thông báo của chính phủ Indonesia hôm nay, 06/07/2021. Trước làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng, Jakarta còn kêu gọi nhiều nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc, hỗ trợ khẩn cấp ô-xy trước tình trạng thiếu hụt dưỡng khí tại các bệnh viện để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hôm qua, chính quyền Jakarta yêu cầu mọi nguồn dự trữ khí ô-xy có sẵn phải được ưu tiên gởi đến các bệnh viện, hiện đang bị quá tải.
(AFP) – Một nhà nghiên cứu chính trị Đức bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc. Theo thông cáo hôm nay 06/07/2021 của Viện Công Tố Liên Bang Đức, nhà nghiên cứu chính trị, Klaus L, lãnh đạo một cơ quan tư vấn bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc trong khoảng thời gian 2010-2019. Ông này đã bị câu lưu để thẩm vấn từ ngày hôm qua và có thể sẽ bị tạm giam vì bị nghi ngờ đã bán cho Trung Quốc các tin tức tình báo mà ông thu thập chủ yếu qua những tiếp xúc với các quan chức chính trị cao cấp của Đức.
Là giáo sư lãnh đạo một nhóm tư vấn chính trị có uy tín quốc tế, ông Klaus có thể đã được tình báo Trung Quốc tiếp cận trong một chuyên đi hội thảo hồi tháng 6/2010. Viện Công Tố Liên Bang Đức khẳng định : « Các nhân viên mật vụ Trung Quốc đã tiếp xúc với nghi can để đề nghị hợp tác … trong thời gian sau đó, đến tận tháng 11/2019, nghi can đã thường xuyên cung cấp tin tức cho cơ quan tình báo Trung Quốc, trước hoặc sau các chuyến công du cấp Nhà nước hay các hội nghị đa quốc gia ».
(AFP) – Nga: Mảnh vỡ máy bay mất tích được tìm thấy ở vùng Viễn Đông. Bộ phận báo chí của hải quân Nga nêu rõ một phần thân chiếc máy bay đã được tìm thấy trên đất liền, phần còn lại ở trên biển Okhotsk, cách cảng hàng không Palana « khoảng 4-5 km ». Cả 28 người trên chiếc máy bay này đều thiệt mạng. Truyền thông Nga cho biết do sương mù dầy đặc, chiếc Antonov An-28, được đưa vào sử dụng từ năm 1982, nối tuyến Petropavlovsk-Kamtchatski, đã đâm vào vách núi khi chuẩn bị hạ cánh.
(Reuters) – Nga sẵn sàng tham gia bảo vệ an ninh biên giới Afghanistan – Tadjikistan. Thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Andrei Roudenko, ngày 06/07/2021, khẳng định căn cứ quân sự Nga tại Tadjikistan có đầy đủ phương tiện để bảo đảm an ninh biên giới giữa hai nước. Matxcơva sẵn sàng có những biện pháp bổ sung nếu thấy cần thiết. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hôm qua hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan đã băng qua biên giới chạy trốn trước đà tiến quân sự như vũ bão của phe Taliban. Tổng thống Tadjikistan đã phải huy động thêm 20 ngàn binh sĩ dự bị để tăng cường an ninh biên giới.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210706-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p