Tin Khắp Nơi – 6/5/21
* Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam
* Biển Đông: Manila khuyên ngư dân Philippines phớt lờ lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh
* Ngoại trưởng Philippines được xem là ‘anh hùng’ vì thái độ cứng rắn với Chủ tịch Tập Cận Bình
* Việt Nam và Hoa Kỳ, những đồng minh tình thế ?
* Bình luận: Bốn dấu hiệu cảnh báo ‘tương lai mờ mịt’ của Tập Cận Bình
Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam
06/05/2021 – VOA Tiếng Việt
Tình hình Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp trong vài ngày qua với một số ca nhiễm cộng đồng mới, khiến nhiều trường học đóng cửa và cả nước được huy động để chống dịch.
Báo chí trong nước hôm 6/5 tràn ngập những tin tức về các ca nhiễm mới xuất hiện tại nhiều thành phố, tỉnh thành trên khắp Việt Nam, ngay cả tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi được coi là “thành trì chống Covid-19” của Việt Nam, nay được coi như một ‘ổ dịch’.
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn thông tin của CDC Hà Nội cho biết là cho tới chiều ngày 6/5, có ít nhất 52 bệnh nhân Covid-19 ở 15 tỉnh thành lây lan từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở huyện Đông Anh. Bệnh viện này đã phải cách ly từ chiều ngày 5/5 cho tới ngày 19/5. Con số các ca lây nhiễm thay đổi từng giờ.
Trước đó, trang mạng VTC dẫn lời CDC Hà Nội cho biết trong số 42 ca dương tính với Sars CoV2 – tính cho tới lúc bài báo được đăng trong ngày 6/5, có 22 ca được công bố là ca mắc Covid-19, và số còn lại do địa phương làm xét nghiệm.
Nhưng bản tin tối của Bộ Y tế Việt Nam cho biết tính từ 6h đến 18h ngày 6/5 lại có thêm 56 ca mắc COVID-19 cộng đồng trên toàn quốc. Sở Y tế Hà Nội cho biết có hơn 2.600 người có liên quan tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và vì vậy nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao và trong những ngày tới số ca bệnh tại Hà Nội có thể tăng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, 56 ca nhiễm ghi nhận trong nước gồm Vĩnh Phúc (11 ca), Thái Bình (5), Bắc Ninh (12), Hà Nội (4), Hải Dương (1), Hưng Yên (2), Quảng Ngãi (1), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (16), Đà Nẵng (3), Lạng Sơn (1).
Một trường hợp được truyền thông đề cập tới nhiều là ca một bác sĩ của Bệnh viện Quân y 105 ở Sơn Tây, Hà Nội, mắc Covid-19, đã đi nhiều tỉnh và tiếp xúc với nhiều người.
Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Việt-Đức đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi chữa trị cho một bệnh nhân, cô M.T.M.H., được chuyển sang từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 4/5. Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức Trần Bình Giang cho biết hoạt động của Bệnh viện Việt-Đức đã trở lại bình thường sau khi tất cả những người có tiếp xúc đều có kết quả âm tính.
Một trường hợp đang được quan tâm xảy ra ở Đà nẵng có liên quan tới một nhân viên ở vũ trường New Phương Đông, xét nghiệm dương tính với Covid-19, mà theo báo chí cho biết, cũng đã đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người.
Nhìn tổng quát thì từ Hà Nội, Đà Nẵng, cho tới TPHCM, rất nhiều thành phố và tình thành đã có các biện pháp khẩn cấp phong tỏa nhiều khu vực để dập dịch, các trường học tạm thời đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến để kiềm hãm đợt bùng phát mới nhất.
Từ chiều ngày 5/5, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định kéo dài thời gian cách ly thêm một tuần, tức 21 ngày, áp dụng cho bất cứ ai nhập cảnh Việt Nam, và những người tiếp xúc gần với các ca dương tính trong nước.
Con số những người tiếp xúc cần theo dõi có phần chắc sẽ tăng trong bối cảnh ngay sau tuần nghỉ lễ 30/4–1/5, khi đông đảo người dân trong nước di chuyển tới nhiều địa phương trước khi trở về thành phố. Tại Hà Nội, tất cả những người trở về đều phải khai báo y tế để giới hữu trách theo dõi. Tuy nhiên, không như ở Thái Bình, thành phố Hà Nội không bị phong tỏa. Báo Thanh niên vào chiếu tối 6/5 dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phản bác các tin đồn, khẳng định rằng ‘không có chuyện phong tỏa thủ đô’ của Việt Nam.
Việt Nam đã huy động cả quân đội tham gia công tác dập dịch, báo chí đăng ảnh quân đội sử dụng thiết bị phun xịt khử trùng ở các bệnh viện, và ở những nơi khác công tác khử trùng cũng được tiến hành tại các hàng quán, cơ sở liên quan và cả chung cư nơi cư ngụ của các bệnh nhân.
Việt Nam hôm thứ Tư quyết định kéo dài thời gian phong tỏa lên tới 3 tuần đối với bất cứ ai nhập cảnh Việt Nam, sau một vụ bộc phát Covid-19 mới.
Trong phần lớn năm 2020 cho tới giờ, giữa lúc Covid-19 lây lan và hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam vẫn trụ vững như một trong các nước “dập dịch” thành công nhất. Nhờ thành tích này mà Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có đà tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, năm đại dịch hoành hành trên toàn cầu, tác động tới các nền kinh tế trên khắp thế giới.
Một bài báo đăng trên The Diplomat ngày 4/5 cảnh giác rằng kế hoạch của nhà nước Việt Nam, tuần tự cởi trói kinh tế, đẩy mạnh du lịch trở lại, có thể bị đe dọa bởi loạt lây nhiễm cộng đồng mới, tuy đang trong vòng kiểm soát nhưng khá đáng lo ngại.
Tác giả Sebastian Strangio, chủ biên Đông Nam Á của The Diplomat nói rằng Việt Nam đã tạm ngưng kế hoạch mở lại các hoạt động du lịch cho khách quốc tế từ tháng Bảy tới tháng 9, và lệnh cấm cửa du khách nước ngoài ban hành vào tháng Ba năm 2020, chỉ miễn trừ một số thành phần đặc biệt như các chuyên gia chẳng hạn, có lẽ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.
VOA
Biển Đông: Manila khuyên ngư dân Philippines phớt lờ lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh
05/05/2021
Trọng Nghĩa
Chính quyền Manila ngày hôm qua, 04/05/2021 đã bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông và khuyến khích ngư dân Philippines tiếp tục đánh bắt trong vùng lãnh hải của nước này.
Trong một thông báo, Lực Lượng Đặc Nhiệm Biển Đông của Philippines xác định rằng lệnh cấm đánh cá từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8 mà Trung Quốc mới ban hành trên nhiều vùng biển, trong đó có một phần của Biển Đông “không áp dụng đối với ngư dân của chúng ta”.
Cơ quan này phản đối việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đối với các khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines và khẳng định rằng ngư dân Philippines “được khuyến khích ra khơi và đánh cá trong vùng biển của Philippines ở vùng Biển Tây Philippines”, tên Manila đặt cho Biển Đông.
Không chỉ có Philippines là phản đối lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt. Chính quyền Việt Nam, ngay từ hôm 29/04 vừa qua đã chính thức lên tiếng bác bỏ lệnh cấm mà Bắc Kinh ban hành trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc trong đó có Biển Đông.
Căng thẳng Philippines Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây sau Manila liên tiếp tố cáo Trung Quốc tung cả trăm chiếc tàu vào neo đậu trong khu vực Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Manila cáo buộc đó là tàu của dân quân biển Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh luôn khẳng định đó là tàu đánh cá của ngư dân đã tìm chỗ trú bão.
Đội tàu Trung Quốc sau đó đã tỏa ra nhiều nơi khác trong khu vực, và Lực Lượng Đặc Nhiệm Biển Đông của Philippines hôm qua cho biết họ đã phát hiện 7 tàu “dân quân biển Trung Quốc” tại bãi cạn Sa Bin (Sabina Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 27 tháng 4. Nhóm tàu này đã giải tán sau khi lực lượng tuần duyên Philippines đến nơi, hai ngày sau đó lại quay trở lại trước khi bỏ đi dưới sức ép của tuần duyên Philippines.
RFI
Ngoại trưởng Philippines được xem là ‘anh hùng’ vì thái độ cứng rắn với Chủ tịch Tập Cận Bình
Thanh Vân • 06/05/21
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến dự một cuộc họp báo tại Văn phòng Nội vụ Bộ Ngoại giao Philippines ở Manila vào ngày 1 tháng 3 năm 2019. (Ảnh: ANDREW HARNIK / AFP qua Getty Images)
Vào ngày 3/5, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin, đã nói thẳng với Trung Quốc rằng “Hãy cút đi”. Ông không chỉ đề cập đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bao gồm các ngư trường của nước này ở Biển Đông, mà còn đề cập đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến Philippines thành “một tỉnh của Trung Quốc”.
Kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã dần chiếm lấy không gian hàng hải của Philippines, bao gồm:
- Vụ thảm sát hơn 60 lính thủy đánh bộ Việt Nam trên Bãi đá Nam Johnson năm 1988;
- Xây dựng tiền đồn của Trung Quốc trên bãi Đá Vành Khăn năm 1995;
- Yêu sách “đường 9 đoạn” năm 2009 đối với gần như toàn bộ Biển Đông;
- Chiếm đóng Bãi cạn Scarborough vào năm 2012;
- Và chiếm đóng bãi đá ngầm Whitsun trong năm nay.
Kể từ giữa những năm 2010, Trung Quốc đã nạo vét đáy biển để tìm những loài trai khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng, và đưa số lượng lớn tàu đánh cá lên các rạn san hô của Philippines – gấp 200 lần so với tàu đánh cá của các nước khác trên khu vực các rạn san hô khác ở Great Barrier Reef.
Trung Quốc đã phá hủy các cánh đồng san hô sống quan trọng đối với việc bổ sung nguồn cá của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo bằng cát nạo vét; xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông có đường băng – có khả năng chứa máy bay ném bom lớn nhất của Trung Quốc; xây dựng căn cứ tàu ngầm dưới nước và bến đỗ cho máy bay có người vận chuyển.
Các tàu của Trung Quốc quấy rối các tàu đánh cá của Philippines. Năm 2019, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá của Philippines, sau đó bỏ rơi thủy thủ đoàn.
Do đó, Bộ trưởng Locsin có lý do chính đáng để thốt ra những lời tức giận trên Twitter.
Nhưng lời nói thôi là chưa đủ.
Việc đẩy lùi Trung Quốc yêu cầu áp đặt chi phí kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt và kiện tụng quốc tế chung của các đồng minh, để bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD, hoặc các biện pháp quân sự làm tăng đáng kể rủi ro cho các tàu Trung Quốc hoạt động trong EEZ của Philippines.
Argentina trong những năm qua đã bắn vào các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập trái phép vào EEZ của nước này, dẫn đến việc đánh chìm một tàu Trung Quốc vào năm 2016. Tất cả 32 thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu. Và Buenos Aires vẫn đứng vững.
Philippines nên kích hoạt hiệp ước quốc phòng năm 1951 với Hoa Kỳ và tạo ra một lực lượng hải quân và tuần duyên Hoa Kỳ-Philippines; phong tỏa các hoạt động kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong vùng EEZ của Philippines. Nếu Argentina có thể xua đuổi tàu thuyền của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ và các đồng minh cũng có thể.
“Nếu Mỹ thực sự muốn tránh rắc rối từ sớm… tại sao các bạn không gửi phi đội của Hạm đội 7, đóng ở Thái Bình Dương?”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói với Hoa Kỳ vào năm 2017. “Bạn chỉ cần quay đầu đến đó và nói ngay vào mặt của họ ‘Hãy dừng lại“.
Tám tháng sau, Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng đưa 3 hàng không mẫu hạm ra khơi ở Tây Thái Bình Dương, điều này không có ảnh hưởng rõ ràng đến hành vi của Bắc Kinh.
Hầu hết các lần khác, ông Duterte tỏ ra thân thiện với Trung Quốc. Ngoài việc cáo buộc ông Tập Cận Bình đe dọa chiến tranh chống lại Philippines, sự ưng thuận của ông Duterte có thể được giải thích bằng nhiều hình thức khác.
Nhiều người nói rằng ông đã bị Bắc Kinh mua chuộc thông qua việc cung cấp các hợp đồng tư vấn trị giá hàng triệu USD cho các đối tác kinh doanh và gia đình của ông. Có thêm những cáo buộc chưa được chứng minh rằng gia đình Duterte, và phụ tá thân cận Bong Go, đã lấy hàng triệu USD từ một tổ chức ma túy bất hợp pháp ở Hong Kong. Một thượng nghị sĩ đảng đối lập của Philippines cáo buộc rằng Paolo, con trai của ông Duterte là một thành viên của băng đảng (bộ ba) Trung Quốc.Nhân viên y tế phản đối việc được tiêm vaccine Sinovac thay vì Pfizer-BioNTech ở Manila, Philippines vào ngày 26 tháng 2 năm 2021. (Ezra Acayan / Getty Images)
Một cuốn sách mới có tên “Sự mù quáng cố ý” của một nhà báo ở Vancouver – cáo buộc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hỗ trợ tổ chức rửa tiền ở Hong Kong, Ma Cao và Vancouver để chuyển ma túy bất hợp pháp vào Bắc Mỹ. Nếu nhóm Duterte liên quan đến ma túy bất hợp pháp, sẽ tương đối dễ dàng cho ĐCSTQ lợi dụng điều này.
Các cáo buộc này ít nhất có thể giải thích phần nào hành vi ủng hộ Trung Quốc của ông Duterte, bao gồm cả nhiều năm Philippines “làm ngơ” trước việc nhập cư bất hợp pháp của Trung Quốc và cờ bạc trực tuyến diễn ra ở Manila.
Ngày đăng tweet can đảm của Ngoại trưởng Locsin, ông Duterte “khét tiếng” đã kêu gọi sự khéo léo. Tổng thống Philippines nói: “Trung Quốc vẫn là ân nhân của chúng ta. Chỉ vì chúng ta có xung đột với Trung Quốc không có nghĩa là chúng ta phải thô lỗ và thiếu tôn trọng”.
Ông nói thêm rằng: “Trên thực tế, chúng ta có nhiều điều để cảm ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc trong quá khứ và sự giúp đỡ mà Trung Quốc đang dành cho chúng ta bây giờ”.
Duterte có “đòn bẩy” mà ông ấy không sử dụng. Năm 2019, Philippines xuất khẩu 13,6 tỷ USD sang Trung Quốc, nhưng nhập khẩu 36,2 tỷ USD. Do đó, Philippines là nước nhập khẩu ròng. Việc nước này không sử dụng sức mạnh người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn để đối trọng Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông – là một sai lầm, hoặc tệ hơn.
Vào ngày 3 tháng 5, Tổng thống Duterte đã nhận được liều vaccine Sinopharm COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc – là liều đắt nhất thế giới với giá 145 USD cho hai liều, đặc biệt khi hiệu quả chỉ thấp có 50,4%.
So với hiệu quả 95% của vaccine Pfizer với giá 39 USD; và 76% của Oxford với giá 8 USD; vaccine của Trung Quốc không thể đánh bại đối thủ. Tuy nhiên, ông Duterte đã nhiều lần bày tỏ sự ưa thích đối với vaccine từ Trung Quốc và Nga.
Cho đến nay, Philippines đã cung cấp 1,9 triệu liều vaccine COVID-19, chủ yếu là từ Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc. Việc tiêm phòng của ông Duterte là một màn quảng cáo cho Sinopharm, được công bố bởi người phụ tá Bong Go của ông.
Các biện pháp kinh tế và quân sự cứng rắn chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn về mặt chính trị và quân sự, đặc biệt là vì hải quân Trung Quốc đang vượt qua Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Trung Quốc đánh cắp công nghệ quân sự của Mỹ và châu Âu, họ hiện có các nhà máy đóng tàu hải quân lớn nhất và sản xuất nhiều tàu thương mại (tính theo trọng tải) hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất thép nhiều hơn Hoa Kỳ 14 lần.
Thời gian đang đến rất nhanh để hải quân Trung Quốc có thể đánh bại hải quân Mỹ trên Biển Đông. Tại thời điểm đó, Trung Quốc có thể sử dụng mưu đồ để đẩy lùi Mỹ và kiểm soát triệt để hơn các đặc khu kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.
“Đề nghị” chia sẻ doanh thu từ khai thác hydrocacbon của Bắc Kinh sẽ tăng lên 100% – so với từ mức 50% lên 75% gần đây mà Trung Quốc yêu sách – đó là tỷ lệ được đưa ra vào khoảng năm 2015, theo một trong những nguồn tin ngoại giao.
Tỷ lệ này nên là 0% đối với Trung Quốc, việc không chia sẻ nguồn thu từ hydrocarbon ở Biển Đông với Trung Quốc – đã dẫn đến việc hải quân Trung Quốc quấy rối các giàn khoan dầu của Việt Nam. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Philippines.
Theo ước tính của Hoa Kỳ, các mỏ dầu và khí trị giá 3 nghìn tỷ USD đến 8 nghìn tỷ USD nằm dưới Biển Đông. Nhưng theo Trung Quốc, hydrocacbon còn nhiều hơn thế nữa: từ 25 nghìn tỷ USD đến 60 nghìn tỷ USD. Nếu Trung Quốc giành được quyền kiểm soát, doanh thu từ hydrocarbon sẽ làm tăng GDP của Trung Quốc, vốn đã cao hơn theo sức mua tương đương và tăng với tốc độ nhanh hơn của Hoa Kỳ hoặc Liên minh châu Âu.
Thời gian còn rất ngắn. Những lời nói dũng cảm của Bộ trưởng Locsin là một khởi đầu tốt mà Hoa Kỳ và các đồng minh nên làm theo – không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.
Tác giả: Anders Corr có bằng Cử nhân về khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng Tiến sĩ của Đại học Harvard (2008). Ông là hiệu trưởng của Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Ông là tác giả của “Tập trung quyền lực” (sắp xuất bản năm 2021) và “Không xâm phạm”, đồng thời biên tập “Quyền năng lớn, Chiến lược lớn”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Thanh Vân – Theo The Epoch Times
Việt Nam và Hoa Kỳ, những đồng minh tình thế?
06/05/2021
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong một chuyến thăm chính thức Hà Nội, Việt Nam ngày 27/02/2019. AP – Evan Vucci
Phải mất một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam mới gởi lời chúc mừng đến ông Joe Biden. Tại Việt Nam, người dân biết đến Donald Trump nhiều hơn và mong ông trúng cử hơn là Joe Biden. Đó là vì không những Donald Trump đã hai lần đến Việt Nam (2017 và 2019) mà vì ông còn được người Việt Nam đánh giá rất cao trong chính sách chống Trung Quốc.
Sự xác quyết của Trung Quốc trên trường quốc tế vô hình chung đang đẩy Hà Nội xích lại gần với Washington. Nhưng chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (IRSEM), lưu ý rằng mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ luôn chứa đựng nhiều cảm xúc. Điều này giải thích vì sao yếu tố kinh tế chiếm ưu thế hơn so với chính trị. Thực tế là như vậy, chớ nên nhầm lẫn !
Nếu như vị trí địa chiến lược nằm ngay giữa vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đã biến Việt Nam thành một quốc gia trục chính cho sự dấn thân của Mỹ trong khu vực để đối phó với Trung Quốc, thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì một chính sách cân bằng và không có chuyện chọn phe.
Cho dù niềm khát khao của các chiến lược gia tại Washington có ra sao, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước thành viên vẫn chưa sẵn sàng gia nhập một liên minh chống Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo. Và những nước này cũng sẽ không đi theo Trung Quốc để gạt Hoa Kỳ ra khỏi những vấn đề của khu vực.
Biển Đông: Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam mừng thầm
Năm 2020 đánh dấu 25 năm nối lại quan hệ song phương giữa hai cựu thù (1995-2020). Nhìn từ Hà Nội, học thuyết Trump không phải là nguồn gốc của một tầm nhìn, một chiến lược đặc biệt hay được đổi mới nào của Mỹ đối với châu Á. Các phát biểu của Trump chỉ « hùng hồn » hơn bao giờ hết và không ai ngờ là những lời lẽ cứng rắn đó lại rất được người dân Việt Nam đánh giá cao.
Về mặt cơ bản, chính sách của Mỹ đối với Hà Nội đi cùng với sự chuyển hướng chính trị sang châu Á có từ thời chính quyền Obama, ban đầu là « xoay trục » rồi sau đó là « rebalancing » (tái cân bằng). Ngay từ năm 2009, ngoại trưởng Hillary Clinton có tuyên bố rằng Hoa Kỳ « trở lại » với Đông Nam Á.
Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện nhằm thắt chặt mối quan hệ đôi bên trên phương diện quốc phòng. Điều này được thể hiện cụ thể sau cuộc khủng hoảng 2014 giữa Hà Nội và Bắc Kinh tại quần đảo Hoàng Sa, khi Trung Quốc cho triển khai một giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những bế tắc ngoại giao năm 2019 xung quanh bãi đá ngầm Thị Tứ (Vanguard Bank).
Bất kể là gì, trước tiên, hai nước nỗ lực giải quyết hậu quả của cuộc chiến tàn khốc (1965-1975). Đôi bên ký kết một thỏa thuận mới xử lý các vấn đề có liên quan đến chất độc mầu da cam như khử nhiễm chất độc tại hai sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, hay hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tại những vùng bị nhiễm độc.
Về phần mình, Việt Nam cho phép mang 726 hài cốt trong số 1973 lính Mỹ bị mất tích trong các trận đánh. Một cách biểu tượng, Daniel Kritenbrink là đại sứ Mỹ đầu tiên khi tại nhiệm đã đến thăm nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi chôn cất hơn 10 ngàn quân lính Việt Nam đã chết trong cuộc xung đột.
Để đánh dấu những bước tiến này, Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và ASEAN năm 2019, và nhất là, Việt Nam cũng là một trong số ba nước được đặc cách miễn áp dụng đạo luật « Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act » để tiếp tục được mua vũ khí của Nga, quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Việt Nam.
Cùng lúc, Washington tăng cường hậu thuẫn Hà Nội trong các cuộc tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh tại Biển Đông. Tháng 7/2020, cả hai nước ký kết một bản ghi nhớ nhằm « hỗ trợ ngư dân Việt Nam chống lại những hành động hăm dọa bất hợp pháp » của Trung Quốc. Tháng 10/2020, Marshall Billingslea, đặc sứ của Donald Trump về làm chủ vũ khí, nhân chuyến thăm Hà Nội, tái khẳng định khả năng Hoa Kỳ chống việc Trung Quốc bố trí tên lửa nhắm vào « hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh » tại châu Á.
Tân chính quyền mới của Mỹ không cần chờ đợi gì để thông báo ngay rằng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ không thay đổi. Nhưng trong mọi trường hợp, Việt Nam luôn ngần ngại những định hướng quá bao trùm của nền ngoại giao đa phương của Mỹ. Năm 2019, trong sách Trắng mới nhất về quốc phòng, Việt Nam đã thêm điều « KHÔNG » thứ tư như là nguyên tắc chủ đạo cho chính sách an ninh đất nước, cổ vũ không « dùng đến vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế ».
Nếu như giờ đây mục tiêu của Washington là mở rộng mối hợp tác an ninh với Hà Nội sang nhiều lĩnh vực khác như bán thiết bị quân sự và tình báo, rõ ràng người ta nhận thấy sự hợp tác này bị giới hạn bởi bản chất của « mối quan hệ đối tác toàn diện », có nghĩa là chủ yếu là những hoạt động HADR (Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thiên tai Humanitarian Assistance and Disaster Relief) như an toàn hàng hải, các chiến dịch gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và cứu tế trong trường hợp có thảm họa. Tác giả lưu ý, kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận về bán vũ khí hồi tháng 4/2016, giữa hai nước chưa có một hợp đồng mua bán vũ khí lớn nào được ký kết.
Giám sát việc tăng cường quan hệ thương mại song phương
Nếu như việc củng cố quan hệ với Mỹ được công bố công khai, thì các nhà lãnh đạo Việt Nam tập trung trước hết vào lĩnh vực kinh tế. Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho ngành xuất khẩu Việt Nam. Nhưng không vì vậy mà Donald Trump bỏ lỡ cơ hội chỉ trích tình trạng thâm thủng mậu dịch với nước này, khi cáo buộc chính quyền Hà Nội thực hiện các chính sách gian lận.
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam ngày một lớn và tăng nhanh, từ 47 tỷ đô la năm 2019 lên 63 tỷ trong năm 2020. Washington còn cho rằng Hà Nội đã hạ giá đồng nội tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Tháng 10/2020, chính quyền Donald Trump xem các nhà lãnh đạo Việt Nam là những kẻ thao túng tiền tệ, lên tiếng đe dọa ban hành nhiều biện pháp thuế quan mới.
Cách hành xử này của Mỹ giải thích phần nào Việt Nam luôn chủ trương hướng đến đa phương nhiều hơn. Năm 2015, thái độ quay ngoắt của ông Trump đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của Việt Nam. Ở Hà Nội, người ta còn nhớ là những cuộc tranh luận xung quanh thỏa thuận này đã làm dấy lên những chỉ trích từ cộng đồng người Việt ở Mỹ, các nghiệp đoàn và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền liên quan đến cách điều hành đất nước và mô hình phát triển của chính phủ.
Trong một bối cảnh như vậy, khi kết thúc 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11/2020 tại Hà Nội giữa 10 nước thành viên khối ASEAN, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, Việt Nam hoan nghênh một thỏa thuận cho phép nước này hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cho những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao (giầy dép, nông nghiệp, ô tô, điện tử, viễn thông).
Đâu là vị thế mới của Mỹ tại Đông Nam Á?
Sự trở lại mạnh mẽ của các chiến lược liên minh này và tư tưởng thực dụng kinh tế, khởi thủy của những chính sách ngoại giao cân bằng tại Đông Nam Á, cuối cùng phải đối mặt với sự trỗi dậy của những tiếng nói châu Á ngày càng mạnh mẽ và công khai.
Theo quan điểm của Hà Nội, tính chất khó lường và những trục trặc trong chính sách của Mỹ đối với khu vực đang củng cố quan điểm của những người cho rằng sự hiện diện của phương Tây tại Đông Nam Á, cùng với thời gian, dường như chỉ làm phát sinh hỗn loạn, chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và giờ đây là những thiệt hại « vạ lây » do cuộc đọ sức mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với họ, việc Trung Quốc tái khẳng định sức mạnh không hẳn đi kèm với sự trở lại của các xung đột, mà là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị cho nhiều nước, phần lớn là quốc gia chuyên chế, ngày càng ít phải hứng chịu sự can thiệp của phương Tây.
Thách thức lớn nhất cho Bắc Kinh năm 2021, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản là mọi sự phải hanh thông, là đạt được sự chấp nhận, dù là ảo tưởng, rằng Trung Quốc có quy cách ứng xử hòa bình. Do vậy, trong mọi trường hợp, Việt Nam nhận thức rõ là đối với Washinton họ chỉ là một đồng minh theo tình thế trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Bắc Kinh. Dàn lãnh đạo mới tại Hà Nội biết rõ là họ sẽ phải tiếp tục đa dạng hóa và đa phương hóa chính sách đối ngoại để bảo vệ các lợi ích quốc gia, một chiến lược mà cũng là một cách thức trấn an Trung Quốc.
RFI (Theo tạp chí Diplomatie số ra tháng 4-5/2021)
Bình luận: Bốn dấu hiệu cảnh báo ‘tương lai mờ mịt’ của Tập Cận Bình
Vũ Dương | DKN
Tác giả Vương Hữu Quần đã có bài bình luận về tình hình chính trị ở Trung Quốc với bài viết “Bốn dấu hiệu cảnh báo tương lai mờ mịt của ông Tập” được đăng trên trang Epochtimes.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ được tổ chức vào năm tới và Tập Cận Bình đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Nhìn bề ngoài, ông Tập có vẻ là người nắm quyền kiểm soát quyền lực cao nhất, nhưng trên thực tế, ông Tập phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Đánh giá tình hình trong và ngoài nước hiện nay, có ít nhất bốn dấu hiệu lớn cảnh báo tương lai của ông Tập vẫn còn nguy hiểm.
Thứ nhất: Chính quyền trung ương đang bị đe dọa
Vào ngày 1/5, ấn phẩm “Tìm kiếm sự thật” của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đăng một bài báo của Trương Khánh Lê, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, với tiêu đề “Duy trì sự thống nhất và tập trung của Đảng là quan trọng đối với thành công hay thất bại của Đảng”.
Bài báo đã nhiều lần trích dẫn phát biểu của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và ông Tập Cận Bình, nhấn mạnh cần phải “kiên quyết bảo vệ vị trí nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và vị trí nòng cốt của toàn đảng…”.
Trong những năm gần đây, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ được bổ nhiệm đều không nằm ngoài việc duy trì địa vị cốt lõi và quyền lực của Tập. Vào ngày 24/4, một loạt các quan chức cấp cao của Thâm Quyến đều đã được thay thế. Vào ngày 30/4, các thành viên lãnh đạo mới của Thành ủy Thâm Quyến đã được ra mắt. Trong số 13 ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy của khóa trước, chỉ một người còn tại vị.
Việc thay đổi gần như toàn bộ lãnh đạo chủ chốt ở Thâm Quyến có thể liên quan đến sự không trung thành với ông Tập và không tuân theo “chính quyền trung ương của ông Tập”. Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên do ĐCSTQ điều hành. Địa bàn chính thức của Thâm Quyến có quan hệ mật thiết với cấp cao nhất của ĐCSTQ. Một ví dụ điển hình trong việc không tuân theo “chính quyền trung ương của ông Tập” là trường hợp của Trương Cao Lệ, thân tín của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, và là cựu Bí thư Thành ủy Thâm Quyến.
Việc thay đổi chính thức ở Thâm Quyến có liên quan gì đến một số quan chức cấp cao ở cấp cao nhất của ĐCSTQ?
Thứ hai, Ông Tập đang lâm nguy khi đề cập đến “Trận chiến đẫm máu trên sông Tương Giang”
Vào ngày 25/4, khi đến thăm khu tưởng niệm trận chiến Tương Giang ở Quảng Tây, ông Tập đã nói rằng: “Dù khó khăn đến đâu, hãy nghĩ về ‘Hành khúc của Hồng quân và trận chiến trên sông Tương Giang”.
Trận chiến Tương Giang là thất bại lớn nhất trong lịch sử của ĐCSTQ. Vào tháng 11/1931, khi Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng ba tỉnh đông bắc Trung Quốc, ĐCSTQ đã thành lập Cộng hòa Xô viết Trung Hoa tại Giang Tây trong lãnh thổ của Trung Hoa Dân quốc. Sau đó, ĐCSTQ đã bị chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bao vây năm lần. Đến tháng 10/1934, ĐCSTQ đã thất bại trong chiến dịch chống bao vây và đàn áp lần thứ năm và buộc phải sơ tán khỏi Giang Tây và chạy trốn về phía tây. Tháng 11 cùng năm, bên bờ sông Tương Giang ở Quảng Tây, Hồng quân ĐCSTQ đã bị quân Trung Hoa Dân quốc đánh cho tơi tả, tổn thất hơn 2/3 quân lực.
Những lời nói của ông Tập đã vô tình tiết lộ hoàn cảnh hiện tại của ông, đó là ông cũng đang trong thời kỳ “khốn khó nhất”. Đối ngoại, ông Tập Cận Bình bị cộng đồng quốc tế đứng đầu là Hoa Kỳ bao vây; trong nội bộ, hơn 500 quan chức cấp cao từ cấp phó tỉnh (bộ) trở lên bị ông Tập điều tra, xử lý trong 8 năm chống tham nhũng. Những ‘con hổ’ và những ‘Lão hổ, ‘Vua hổ’ đứng sau những ‘con hổ’ ấy đều muốn lật đổ ông Tập ngay lập tức.
Thứ ba, liên tục có những thông tin rò rỉ liên quan đến ông Tập
Ngày 30/12/2020, Tòa án sơ thẩm quận Mậu Nam, thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, tuyên án 24 người trẻ tuổi trong một vụ án liên quan đến mạng internet. Trong đó, Ngưu Đằng Vũ, chỉ mới 20 tuổi, bị cáo buộc là chủ mưu của trang “Esu Wiki”, bị kết án 14 năm tù, và bị phạt 130.000 Nhân dân tệ.
Ngày 26/1, Đài Á châu Tự do đưa tin, vụ án bị cho là chính trị hóa mức độ cao này, là do thông tin cá nhân của con gái và anh rể ông Tập Cận Bình là Tập Minh Trạch và Đặng Gia Quý bị công khai.
Trong khi đó, mẹ của Ngưu Đằng Vũ cho biết, bà tin chắc rằng con trai mình không thể nào làm việc phạm pháp và lên án chính quyền sử dụng thủ đoạn bức cung nhục hình. Nếu vụ án này được chứng minh là một vụ án oan lớn, rất có thể những người chống ông Tập đã chỉ đạo những người bên dưới cố tình tạo ra một vụ án oan và khiến người dân căm ghét ông Tập.
Vào ngày 16/11/2019, New York Times đã xuất bản một báo cáo dài có tựa đề “Tài liệu bị rò rỉ tiết lộ cách Trung Quốc tổ chức giam giữ hàng loạt người Hồi giáo”, trong đó tiết lộ đã thu được một tài liệu nội bộ của ĐCSTQ dày 403 trang. Chúng là lô tài liệu chính phủ lớn nhất bị rò rỉ từ bên trong ĐCSTQ cầm quyền trong nhiều thập kỷ. Chúng cung cấp cho mọi người thông tin nội bộ chưa từng có về việc đàn áp liên tục của ĐCSTQ ở Tân Cương. Sự cố rò rỉ này có lẽ là do một người trong đảng chống ông Tập cố tình tung tin và nhân cơ hội chống ông Tập.
Thứ tư, ĐCSTQ bị cáo buộc phạm tội diệt chủng
Vào ngày 30/3, tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blincoln cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã chứng kiến nạn diệt chủng ở Tân Cương nhắm vào chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác”.
Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo trong một cuộc họp báo trước khi rời nhiệm sở, cũng đưa ra một tuyên bố kết luận rằng ĐCSTQ đã phạm “tội ác diệt chủng và chống lại loài người” ở Tân Cương. Mới đây một viện nghiên cứu chính sách và chiến lược của Mỹ đã công bố báo cáo điều tra độc lập của hơn 50 chuyên gia và học giả trên thế giới cũng đã công nhận ĐCSTQ đã phạm trọng tội nói trên.
Đối với ông Tập, diệt chủng là một tội ác không thể chịu đựng được.
Lực lượng chống Tập lớn nhất trong ĐCSTQ hiện tại là ai? Đó là phe của ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông không muốn làm bù nhìn như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông đã phát động chiến dịch ‘đả hổ’ để giành quyền lực cao nhất từ tay ông Giang Trạch Dân. Hầu hết trong số hơn 500 quan chức cấp cao bị điều tra và xử lý trong 8 năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền đều là những người được Giang và Tăng đề bạt và tái bổ nhiệm. Có thể nói Giang và Tăng là hai ‘hổ chúa’ đứng sau tất cả những “con hổ” này.
Tân Cương từ lâu đã nằm trong tay của phe Giang và Tăng, vì vậy không có gì khó hiểu khi những tài liệu mật của ĐCSTQ về Tân Cương bị rò rỉ một cách dễ dàng như vậy.
Tập Cận Bình hiện đang đối mặt với một trận chiến sinh tử
Kể từ khi ông Tập nắm quyền, hàng loạt quan chức ĐCSTQ đã rớt đài vì chính sách chống tham nhũng của ông. Nếu ông Tập không thể tái đắc cử nhiệm kỳ 3, và để người của họ Giang và họ Tăng nắm quyền, ông Tập chắc chắn sẽ bị thanh lý nghiêm trọng.
Những người thuộc “chính phủ ngầm” trong ĐCSTQ do phe phái của Giang và Tăng, bao gồm bảy ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ hiện nay như Vương Hộ Ninh, Hàn Chính, Triệu Lạc Tế, Quách Thanh Côn… có thể đang liên kết với nhau để khởi động một trận tổng tiến công nhằm vào Tập.
Vào ngày 29/1 vừa qua, chính quyền Tập đã thi hành án tử hình đối với quan chức cấp cao của phe Giang-Tăng là Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch tập đoàn Hoa Dung. Đây chỉ là cảnh mở đầu trong màn quyết đấu giữa hai phe phái lớn nhất trong ĐCSTQ hiện nay.
Liệu ông Tập có thể vượt qua muôn vàn áp lực để hoàn thành giấc mộng bá chủ của mình? Câu trả lời sẽ không còn quá lâu!
https://www.dkn.tv/the-gioi/binh-luan-bon-dau-hieu-canh-bao-tuong-lai-mo-mit-cua-tap-can-binh.html