Tin Tổng Hợp – 6/3/22
Tổng thống Vladimir Putin đe dọa xóa bỏ quy chế Nhà nước của Ukraina
Cuộc tấn công của Nga chống Ukraina chuyển sang một khúc quanh mới. Bước vào ngày thứ 10 của cuộc chiến, ngày hôm qua, 05/03/2022, tổng thống Nga đe dọa sẽ xóa bỏ «Nhà nước Ukraina», nếu chính quyền Ukraina không thay đổi chính sách.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Poutine cảnh báo Ukraina sẽ có thể mất «quy chế Nhà nước», nếu Kiev tiếp tục từ chối nhân nhượng các đòi hỏi của chính quyền Matxcơva. Nhân chuyến thăm trường đào tạo tiếp viên của hãng hàng không Nga Aeroflot, ở ngoại ô Matxcơva, nói chuyện với các nữ nhân viên tại đây nhân sắp tới ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chính quyền Kiev « cần phải hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm những điều như hiện nay, họ sẽ đe dọa tương lai của chính Nhà nước Ukraina. Nếu điều này xảy ra, họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm».
Thừa nhận bán đảo Crimée là của Nga, vùng Donbass thuộc lực lượng ly khai thân Nga, đòi hỏi chính quyền Kiev «phi quân sự hóa», cam kết tuân thủ «quy chế trung lập», không gia nhập các liên minh là các đòi hỏi chính của điện Kremlin với Ukraina. Chính quyền Kiev cương quyết bác bỏ các yêu sách nói trên, được coi như đồng nghĩa với hành động đầu hàng.
Tổng thống Nga cũng so sánh các trừng phạt quốc tế chống cuộc can thiệp quân sự của Nga giống như một «hành động tuyên chiến». Tuy nhiên, ông Putin cũng thừa nhận là tình hình hiện nay «chưa đến mức như vậy». Chủ nhân điện Kremlin cũng cảnh báo sẽ coi tất cả các quốc gia tham gia vào việc thiết lập một vùng cấm bay tại Ukraina, theo yêu cầu của chính quyền Kiev, là «bên tham chiến», bởi việc thành lập vùng cấm bay «đe dọa quân đội Nga».
Hàng không Nga: lĩnh vực chịu thiệt hại hàng đầu do các trừng phạt quốc tế
Không phải ngẫu nhiên tổng thống Nga chọn đưa ra phát biểu đe dọa xóa bỏ Nhà nước Ukraina trước các nhân viên hàng không Nga. Hàng không là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng do các đòn trừng phạt quốc tế. Hãng hàng không Nga Aeroflot đã phải tuyên bố đình chỉ toàn bộ các tuyến bay quốc tế kể từ ngày 08/03. Cơ quan quản lý hàng không quốc gia Nga Rossaviatsia cũng yêu cầu tất cả các hãng hàng không Nga đình chỉ các tuyến bay ra nước ngoài, để tránh nguy cơ các phương tiện bay bị tịch thu, bởi một số lớn máy bay dân dụng Nga đang sử dụng hiện nay là thuê của các hãng phương Tây.
Trọng Thành
Mỹ: lốc xoáy lớn ở bang Iowa, 6 người chết
AP – Sáu người đã thiệt mạng hôm 5/3 khi một cơn lốc xoáy quét qua trung
tâm Iowa, làm hư hại các tòa nhà và làm đổ cây cối và đường dây điện,
chính quyền cho biết, theo AP.
Các quan chức quản lý khẩn cấp ở Madison County cho biết ngoài những
người thiệt mạng còn có 4 người bị thương khi cơn lốc xoáy ập xuống khu
vực phía tây nam của thành phố Des Moines vào khoảng 4:30 chiều. Trong
số những người thiệt mạng có cả trẻ em và người lớn.
Thống đốc Iowa Kim Reynolds đã ban hành một tuyên bố về thảm họa đối
với hạt Madison, cho phép các nguồn lực của tiểu bang được sử dụng để hỗ
trợ các nỗ lực ứng phó và phục hồi.
Bà Reynolds nói: “Trái tim của chúng tôi đau nhói. Tôi biết người dân Iowa sẽ đứng lên và cùng nhau giúp đỡ trong thời điểm cần thiết này.”
Giám đốc Quản lý Khẩn cấp hạt Madison Diogenes Ayala cho biết có 25 đến 30 ngôi nhà bị thiệt hại nặng nề do trận lốc xoáy.
https://www.voatiengviet.com/a/my-loc-xoay-lon-o-bang-iowa-6-nguoi-chet/6472202.html
Nhiều người Thái Lan đăng ký tình nguyện sang Ukraine ‘đấu tranh cho dân chủ’
Hôm 3/3, Reuters đưa tin nhiều người Thái Lan đã đăng ký tham gia tình nguyện cho Ukraine, giúp đỡ đất nước này trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga diễn ra ngày càng ác liệt.
Tờ báo này phỏng vấn Chanaphong “Ball” Phongpai, 28 tuổi, cựu lính không quân Nga và hiện là nhà hoạt động chính trị. Anh cho biết anh cảm thấy buồn cho người dân Ukraine, đặc biệt là sau khi có báo cáo về các cuộc tấn công của Nga nhằm vào dân thường.
“Tôi đã tham gia vào việc đòi hỏi dân chủ ở đất nước của mình… và phản đối chế độ chuyên chế.”Họ (người Ukraine) cũng đang đấu tranh cho dân chủ và hiện đang bị xâm lược bởi một siêu cường và một bạo chúa, vì vậy tôi đã tự hỏi bản thân mình có thể làm gì cho họ,” Chanaphong nói với Reuters. Chanaphong và năm người bạn đã đến đại sứ quán Ukraine ở Bangkok hôm thứ Tư và gặp một nhân viên ở đó sau khi đăng ký trên một trang web thu thập thông tin về những người được tuyển dụng có tiềm năng.
Tuần này, chỉ trong một ngày, một nhóm trực tuyến bằng tiếng Thái đã tập hợp được hơn 2.000 người quan tâm đến việc tham gia tình nguyện cho Ukraine, người tổ chức của nhóm nói với Reuters.
Được biết, ĐSQ Ukraine ở Thái Lan chưa trả lời về thông tin này, nhưng nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức đang xem xét những ứng viên và yêu cầu họ nộp tài liệu trực tuyến, bao gồm bằng chứng về việc huấn luyện quân sự và lý lịch tư pháp trong sạch.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Thái Lan, Chanaphong làm việc với tư cách là cố vấn an ninh tư nhân. Anh cho biết quá trình huấn luyện hai năm trong lực lượng không quân của mình có thể giúp Ukraine sơ tán dân thường, các khu vực canh gác và đảm bảo đường tiếp tế.
“Những người đàn ông khác và tôi được đào tạo cơ bản về vũ khí, vì vậy tôi nghĩ mình có thể giúp ích cho việc cứu người Ukraine khỏi cuộc khủng hoảng này,” anh nói.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek nói rằng không có luật nào ngăn cản công dân Thái Lan tham gia lực lượng tình nguyện nước ngoài, nhưng khuyên những người tham gia tình nguyện như anh Chanaphong nên cân nhắc nguy hiểm tiềm ẩn khi lực lượng Nga tấn công các thành phố của Ukraine bằng vũ khí hạng nặng.
Thái Lan nằm trong số 141 quốc gia trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu hôm thứ Tư (02/03) lên án Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow ngừng chiến và rút các lực lượng quân sự của họ.
Tuy vậy, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vẫn giữ quan điểm trung lập kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/2.
Không rõ liệu Chanaphong hay những người bạn của anh có được nhận vào “đội quân quốc tế” Ukraine hay không, nhưng họ đã bắt đầu chuẩn bị.
“Chúng tôi đấu tranh cho dân chủ ở đây. Họ đấu tranh cho nền dân chủ của họ ở đó,” anh nói. “Chúng tôi giống như những người bạn. Cảm nhận giống nhau, cùng một hệ tư tưởng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-60618910
Ca sĩ Mai Khôi: “Mong Việt Nam có dân chủ, có đa đảng và các quyền cơ bản của con người, không còn Tù nhân Chính trị”
Nữ ca sỹ, nhà hoạt động cho Quyền Tự do biểu đạt – Mai Khôi
Nữ ca sỹ, nhà hoạt động cho quyền tự do biểu đạt – Đỗ Nguyễn Mai Khôi (Mai Khôi) từng nhận được nhiều giải thưởng về âm nhạc ở Việt Nam và có các buổi biểu diễn riêng với hàng ngàn khán giả. Sự nghiệp ca hát của Mai Khôi có thể còn phát triển khá mạnh tại Việt Nam nếu như cô không chọn “bước rẽ”: dấn thân vào con đường lên tiếng, đấu tranh cho nhân quyền của Việt Nam. Chính vì bước rẽ đó, cô đã nhiều lần bị câu lưu, bị phạt và bị đe doạ đến sự an toàn của bản thân. Hiện cô đang sinh sống tại Mỹ.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Đài Á châu Tự do đã có buổi trò chuyện với cô ca sỹ này – người vừa được trao giải thưởng Four Freedoms (Tứ tự do) do Viện Roosevelt trao – về cuộc sống hiện tại và những dự án mà cô đang thực hiện nhằm thúc đầy cho Quyền tự do biểu đạt của người dân Việt Nam.
Cao Nguyên: Xin chào Mai Khôi, trước hết, chị có thể chia sẻ rằng hiện chị đang trả lời RFA từ đâu và cuộc sống hiện nay của chị như thế nào?
Mai Khôi: Mình đang trả lời RFA từ một thành phố rất đẹp ở tiểu bang Pennsylvania. Hiện tại đang ở trong chương trình Nghệ sĩ cư trú, để thực hiện dự án âm nhạc kể chuyện đa phương tiện tên là Bad Activists.
Cuộc sống của Mai Khôi ở đây cũng rất là thú vị. Khôi được gặp được rất nhiều người nghệ sỹ, nhà hoạt động khác đến từ các nước khác nhau như là những nhà hoạt động đến từ Sudan, Bangladesh và các nước châu Phi… Rất là thú vị vì tụi mình có cùng một cảnh ngộ vì những hoạt động đấu tranh cho những giá trị tự do và nhân quyền nên bị đe dọa và buộc phải sống tha hương. Tụi mình đang sống với nhau trong một khu phố rất đẹp.
Cao Nguyên: Chị được biết đến là một nghệ sỹ và là nhà hoạt động cho Quyền Tự do biểu đạt, vậy trong những năm hoạt động thúc đẩy tự do biểu đạt cho Việt Nam, việc làm nào khiến chị tâm đắc nhất và điều gì chị chưa thể thực hiện?
Mai Khôi: Trong suốt ba năm qua, mình và các bạn của mình đã chiến đấu chống lại lực lượng An ninh mạng AK47 để bảo vệ tự do biểu đạt trên không gian mạng trên mạng xã hội. Việc mà mình tâm đắc nhất là tạo được sức ép để cho công ty Facebook phải thay đổi chính sách của họ, để loại bỏ các nhóm dư luận viên chuyên báo cáo hàng loạt để làm đóng các tài khoản Facebook của các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Mặc dù tình hình Việt Nam vẫn còn rất là tệ, nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giam và xử phạt những người bày tỏ bất đồng chính kiến trên mạng xã hội, nhưng mà phải nói rằng đây là một thành công nho nhỏ của Khôi và nhóm của Mai Khôi.
Tuy nhiên có những điều nuối tiếc mình vẫn chưa làm được, đó là có những hoạt động mà đang dang dở. Lúc đó Khôi buộc phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức cho nên Khôi đang còn nhiều điều dang dở chưa thực hiện xong và cho tới giờ là ba năm rồi không quay lại được Việt Nam để hoàn tất những công việc đó cùng với nhóm của mình.
Lúc đó mình bị công an đe doạ là sẽ bắt mình. Công an đã từng tạm giữ Mai Khôi một số lần rồi và theo kinh nghiệm thì nếu họ cứ bắt tạm giam nhiều lần thì họ sẽ bắt bỏ tù mình luôn, thì mình thấy rằng mình chưa cần thiết phải ngồi tù cho nên mình phải đi trước khi họ hành động (cười).
Cao Nguyên: Chị đánh giá thế nào về tình hình tự do biểu đạt ở Việt Nam hiện nay? Chị đang thực hiện những công việc gì để ủng hộ Quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam?
Mai Khôi: Tình hình tự do biểu đạt của Việt Nam hiện nay đang rất tệ. Mặc dù Quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam chưa bao giờ được bảo vệ cả. Người dân đi ra đường biểu tình thì bị bắt, bị theo dõi, bị phạt, bị đuổi ra khỏi nhà… Kể cả những người thể hiện chính kiến ở trên mạng xã hội cũng bị phạt, cũng bị bắt bỏ tù thì tình hình về tự do biểu đạt ở Việt Nam chưa bao giờ tốt cả và nó đang ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, mình vẫn phải tiếp tục cố gắng chiến đấu và hành động, vẫn phải luôn luôn tiếp tục sống trong hy vọng.
Mai Khôi vẫn đang tiếp tục làm việc với nhóm của Khôi để thúc đẩy Facebook tiếp tục thay đổi thêm các chính sách khác của họ để bảo vệ Quyền tự do biểu đạt của mọi người và bảo vệ các tài khoản Facebook cá nhân của các nhà hoạt động. Họ (Facebook – PV) cần phải làm nhiều hơn nữa và họ cần bị thúc ép, thì công việc mà Khôi vẫn đang tiếp tục làm là kết hợp với báo chí quốc tế để tạo sức ép và vận động để Facebook hành động nhiều hơn.
Ngày nay mạng xã hội nắm một quyền lực rất lớn trong các hoạt động tạo ra phong trào hoặc là tạo ra sức ép để thay đổi chính sách, và vì là nó có sức mạnh như thế nên các chính quyền độc tài mới ra sức triệt tiêu. Đó là việc mà rất ít người hiểu được cái công việc này của Khôi.
Cao Nguyên: Có rất nhiều người yêu quý chị, ủng hộ con đường đấu tranh của chị, nhưng cũng có những ý kiến chỉ trích chị trên phương tiện truyền thông, cả từ chính phủ Việt Nam lẫn những người bất đồng chính kiến. Chị đối mặt với những việc đó ra sao?
Mai Khôi: Khi có một số xung đột hoặc là những tranh cãi xảy ra thì thường Mai Khôi im lặng và mình tiếp tục nhắm một hướng mà đi thôi, đó là cách duy nhất. Mình sẽ vẫn tiếp tục những hành động của mình để mình đóng góp cho sự thay đổi và hành động cho sự đúng đắn, cho nhân quyền và những giá trị tự do khác. Còn những lời chỉ trích, chê bai mà thiếu căn cứ, vô văn hóa và thiếu hiểu biết thì mình bỏ ngoài tai thôi.
Cao Nguyên: Sắp đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị có mong ước hay chia sẻ gì dành cho phụ nữ Việt Nam?
Mai Khôi: Ở Việt Nam, 63% phụ nữ là đã từng bị bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế. 63% những người phụ nữ đã từng bị lạm dụng bởi người đàn ông của họ và đây là một con số rất là lớn. Khôi hi vọng rằng là trong tương lai chính quyền Việt Nam sẽ quan tâm đến vấn đề này hơn nữa và có những chính sách đầu tư vào vấn đề phụ nữ bị lạm dụng để mà thay đổi cái tình trạng này. Bởi vì con số này nó là quá lớn.
Phụ nữ Việt Nam ai cũng nên hiểu được quyền của chính mình, đó là điều cần thiết nhất. Khi họ hiểu được quyền của chính họ thì họ sẽ sử dụng quyền đó một cách đúng đắn, họ sẽ không bị bạo lực, bị lạm dụng, họ sẽ được phát triển theo cách mà họ mong muốn.
Cao Nguyên: Chị có lo ngại an toàn nếu trở về Việt Nam không?
Mai Khôi: Mình không phải là lo ngại về sự an toàn của mình khi trở về Việt Nam, mà hiện tại là mình chưa trở về Việt Nam để làm gì được. Mình thấy rằng là ở Việt Nam không có ai được thực sự an toàn cả, bởi vì quyền của mỗi người dân đâu có được bảo vệ. Chỉ cần nói ra điều gì hơi trái ý chính quyền thì sẽ có nguy cơ bị bắt, bị phạt.
Việc mà tôi có về Việt Nam hay không nó không phải là vì an toàn hay không an toàn toàn, nếu như có chuyện cần giải quyết thì mình phải về.
Cao Nguyên: Chị mong ước về một đất nước Việt Nam như thế nào trong tương lai?
Mai Khôi: Mình mong ước Việt Nam có dân chủ, có đa đảng và các quyền cơ bản của con người được bảo vệ, và tất cả các tù nhân chính trị nên được thả hết. Mình mong ước muốn tương lai Việt Nam không có tù nhân chính trị.
Xin cảm ơn chị Mai Khôi rất nhiều vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Năm 2018, Mai Khôi nhận Giải thưởng Václav Havel của nước Cộng hoà Séc, cho Bất đồng chính kiến sáng tạo. Cũng trong năm này, Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa Mai Khôi vào danh sách “12 nhà hoạt động nhân quyền truyền cảm hứng để theo dõi”.
(AFP) – Pháp: Hơn 40.000 người biểu tình chống việc Nga xâm lược Ukraina, trong ngày 05/03/2022, với khẩu hiệu «Không gây chiến tranh ở châu Âu». Riêng tại thủ đô Paris, sở cảnh sát cho biết có 16.000 người tuần hành từ quảng trường République đến quảng trường Bastille, phản đối cuộc chiến của Putin.Tại thủ đô của nhiều nước châu Âu khác, hàng trăm ngàn người cũng tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Ukraina.
(AFP) -Mỹ: Người ủng hộ Ukraina biểu tình đòi phương Tây can thiệp chống Nga. Hàng chục ngàn người Ukraina, người Mỹ gốc Ukraina và thuộc các quốc tịch khác, thứ Bảy 05/03/2022 đã biểu tình tại quảng trưởng Times Square tại New York đòi Mỹ, Liên Âu và NATO quan thiệp vào chiến tranh Ukraina, thiết lập vùng cấm bay trên vùng trời Ukraina đối với Nga, chặn đứng Putin… Nhiều người còn lập luận chỉ nay mai thôi chiến tranh thế giới cũng sẽ nổ ra.
(AFP) – Nga xâm lược Ukraina: Người tị nạn vượt mốc 1,5 triệu. Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi hôm nay 06/03/2022 cho biết: «Hơn 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraina đã vượt sang các nước láng giềng trong vòng mười ngày», kể từ đầu chiến tranh. «Đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu, kể từ sau Thế chiến thứ hai». Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn hôm thứ Bảy thông báo gần 1,37 triệu người tị nạn chạy ra nước ngoài.
(Reuters) – Chiến tranh Nga – Ukraina: Lần đầu tiên hai ngoại trưởng Mỹ – Trung điện đàm. Theo một tuyên bố của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm hôm qua, 05/03, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) nhấn mạnh với ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken: «Chúng tôi khuyến khích các đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraina». Về phía Hoa Kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price dẫn lời ngoại trưởng Blinken, nhấn mạnh là thế giới đang theo dõi xem quốc gia nào thực sự «đứng lên bảo vệ các nguyên tắc cơ bản về tự do, về quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia». Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina.
(AFP) – Pháp chỉ trích Anh Quốc “thiếu nhân đạo” trong việc tiếp nhận người tị nạn Ukraina. Trong thư gửi đồng nhiệm Anh, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Darmanin ngày 05/03/2022 chỉ trích Luân Đôn có thái độ «hoàn toàn không phù hợp» và «thiếu nhân đạo» đối với người tị nạn Ukraina đến Anh qua ngả Calais, Pháp. Trong những ngày qua, khoảng 150 người Ukraina chạy trốn khỏi đất nước đang có chiến tranh và muốn đến Anh đoàn tụ gia đình đã bị nhà chức trách Anh yêu cầu quay lại Paris hoặc Bruxelles để xin visa đến Anh.
(Reuters) – Bộ trưởng Quân Lực Pháp và lãnh đạo Rumani thăm binh sĩ NATO triển khai gần biên giới với Ukraina. Tại căn cứ Mihail Kogalniceanu của NATO, gần cảng Constanta, có hơn 1.000 quân nhân đến từ 7 nước NATO. Ngay sau khi Nga tấn công Ukraina, Pháp và Bỉ đã khẩn cấp điều 800 binh sĩ đến căn cứ của NATO tại Rumani, nơi đang có vài trăm quân nhân Mỹ đồn trú. Các lãnh đạo Rumani trong đoàn đi ngày hôm nay 06/03/2022 cùng với bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly gồm tổng thống Klaus Iohannis, thủ tướng Nicolae Ciuca và bộ trưởng Quốc Phòng Vasile Dincu.
(AFP) – Bắc Triều Tiên thông báo vụ thử nghiệm mới quan trọng để phát triển vệ tinh do thám. Thông báo được Bình Nhưỡng đưa ra hôm nay 06/03/22. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đó là một vụ thử nghiệm tên lửa. Còn theo Hàn Quốc, vụ thử tên lửa sáng 05/03/2022 của Bắc Triều Tiên là tên lửa đạn đạo.
(Reuters) – Iran và IAEA đồng ý về một cơ chế cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA), Nga cản đường. Hôm qua, 05/03/2022, ngoại trưởng NgaSergei Lavrov cho biết Nga đang yêu cầu Hoa Kỳ đảm bảo bằng văn bản là các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga do xung đột ở Ukraina, sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác về thương mại, đầu tư, và hợp tác quân sự, kỹ thuật với Iran. Matxcơva đóng một vai trò trung tâm trong việc tái đàm phán hiệp ước JCPOA 2015. Đòi hỏi của Nga có thể khiến việc phục hồi thỏa thuận hạt nhân 2015 đổ vỡ. Về phần mình, Mỹ khẳng định trừng phạt Nga không ảnh hưởng đến đàm phán về Thỏa thuận 2015.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220306-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p