Tin Tổng Hợp – 6/2/22
Tình báo Mỹ: Nga đã sẵn sàng 70% phương tiện để tấn công Ukraina
Bản tin của AFP hôm 06/02/2022 trích dẫn một số quan chức Mỹ cho biết tình báo Hoa Kỳ thẩm định Nga tăng cường chuẩn bị cho một cuộc tấn công Ukraina và đã tập trung đến «70% các phương tiện cần thiết» cho mục tiêu này. Thông tin được đưa ra vào lúc tình hình tại chỗ vẫn căng thẳng và cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao tránh để xảy ra chiến tranh.
Một số nguồn tin thông thạo của tình báo Hoa Kỳ trong những ngày vừa qua đã thông báo với các dân biểu Mỹ và các đối tác châu Âu là Matxcơva dường như đã «hội tụ đủ các phương tiện» để có thể phát động chiến dịch tấn công Ukraina trong hai tuần nữa. Với 110.000 quân hiện diện tại biên giới sát Nga và Ukraina, điện Kremlin có thể tính tới kịch bản can thiệp quân sự trong những ngày sắp tới.
Căn cứ vào thông tin được một số quan chức Hoa Kỳ cung cấp, AFP tuy nhiên lưu ý là tình báo Mỹ không khẳng định tổng thống Vladimir Putin đã tính tới giải pháp quân sự hay chưa. Lãnh đạo Nga để «ngỏ mọi khả năng» trong đó có hai kịch bản, hoặc chỉ xâm chiếm Ukraina một cách giới hạn hoặc chiếm toàn bộ quốc gia láng giềng này.
Trước mắt tình báo Hoa Kỳ thẩm định, Nga cần khoảng 150.000 quân trong trường hợp tiến hành một cuộc « xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraina » vào giữa tháng 2/2022.
Vẫn theo các nguồn tin nói trên, trong kịch bản xấu nhất, thủ đô Kiev sẽ bị bao vây và chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ bị lật đổ trong 48 giờ. Thiệt hại về nhân mạng ước tính lên tới từ 25.000 đến 50.000 thường dân. Từ 5.000 đến 25.000 quân nhân Ukraina có nguy cơ thiệt mạng. Thiệt hại về phía Nga ước tính lên tới từ 3.000 đến 10.000 quân. Một cuộc xung đột như vậy, có nguy cơ đẩy từ 1 đến 5 triệu người di tản chủ yếu là sang Ba Lan.
Trước mắt Matxcơva bác bỏ mọi đồn
đoán về ý định xâm chiếm Ukraina song AFP nhắc lại, Nga đang tập trận
với Belarus. Trong khuôn khổ chương trình thao diễn quân sự chung này,
giới quan sát phát hiện lính Nga đã hiện diện ở phía bắc Ukraina và tại
khu vực gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Đáng quan ngại hơn nữa là
tuần trước, khoảng 1.500 lính đặc nhiệm của Nga, chiến đấu cơ và máy bay
ném bom cùng với tên lửa đã được điều đến vùng biên giới với
Ukraina.
Nỗ lực ngoại giao: Mọi chú ý hướng về Pháp
Về mặt ngoại giao Pháp tăng tốc các cuộc tham khảo đồng minh. Hôm qua 05/02/2022 tổng thống Emmanuel Macron thảo luận với thủ tướng Anh, Boris Johnson, với tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg trước khi lên đường đến Matxcơva và Kiev đầu tuần tới.
Thông cáo của điện Elysée cho biết, với các đối tác châu Âu, nguyên thủ Pháp đã nhấn mạnh đến việc «cần tiếp tục đối thoại để làm hạ nhiệt tình hình» trên cơ sở tinh thần «đoàn kết, hoàn toàn tôn trọng những nguyên tắc cơ bản về an ninh châu Âu, chủ quyền các quốc gia» .
Thanh Hà
Đài Loan: Số người Hồng Hông được cấp thẻ cư trú năm 2021 cao kỷ lục
Ba năm từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng phát mạnh ở Hồng Kông và một năm rưỡi sau khi luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông chính thức có hiệu lực, người dân đặc khu hành chính ồ ạt tìm cách rời khỏi Hồng Kông để tránh nguy cơ bị bắt bớ. Một trong những điểm trú thân được nhiều Hồng Kông chọn đến nhiều là Đài Loan, hòn đảo nằm cách Hồng Kông 700 km (1,5 giờ bay).
Theo số liệu của chính phủ Đài Loan, chỉ riêng trong năm 2021, đã có hơn 11.000 người Hồng Kông được cấp thẻ cư trú. Và đây là con số cao kỷ lục. Tuy nhiên, theo nhiều người tị nạn Hồng Kông, không dễ để được cấp thẻ cư trú tại hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh và tìm cách thu hồi, kể cả bằng vũ lực.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre gửi về bài tường trình:
«Đầu đội mũ lưỡi trai và cổ quàng khăn mang màu cờ Hồng Kông, người thanh niên Hồng Kông 22 tuổi nói rằng anh đã bỏ trốn vì sợ bị bắt giữ. Hiện giờ anh là sinh viên ở Đài Bắc. Thanh niên này giải thích: «Tôi đã chọn Đài Loan vì đây là một trong những quốc gia dân chủ nhất ở châu Á. Ngôn ngữ của chúng tôi cũng khá giống nhau, vì cũng như chúng tôi, người Đài Loan sử dụng tiếng Trung phồn thể. Thêm vào đó, họ cũng rất thân thiện với chúng tôi, nhiều người đã ủng hộ chúng tôi trong các cuộc biểu tình!»
Đài Loan độc lập trên thực tế nhưng vẫn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh của Trung Quốc, vì thế Đài Loan rất nhanh chóng đã thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái với người dân Hồng Kông.
Thế nhưng, đối với Daniel, một nhiếp ảnh gia 22 tuổi người Hồng Kông, sự đoàn kết này vẫn còn thiếu những biện pháp cụ thể. Anh nói: «Tôi nghĩ chính phủ Đài Loan có ý định giúp đỡ người dân Hồng Kông, nhưng trên thực tế, luật định lại không thực sự cởi mở đón nhận chúng tôi. Chẳng hạn, để được công nhận là người cư trú ở Đài Loan, chúng tôi phải làm việc 5 năm với mức lương cao gấp đôi mức lương tối thiểu. Điều này là rất khó đối với một thanh niên mới tốt nghiệp!»
Cảm thấy không có tương lai, nhiều người trong số những thanh niên Hồng Kông này đang phải suy nghĩ tìm lối thoát. Nhưng việc quay trở lại Hồng Kông vẫn là điều không thể. Daniel giải thích: «Tất nhiên, tôi muốn trở lại Hồng Kông nhưng điều này là không thể do luật an ninh quốc gia. Đó là một vấn đề liên quan đến các nguy cơ, rủi ro, chứ không phải sự lựa chọn cá nhân».
Thùy Dương
Quốc hội Anh lên án tội ác của ĐCSTQ trùng ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh
Vào ngày 4/2, ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh, Quốc hội Anh đã
thảo luận về hai sửa đổi trong Đạo luật Mô người, cáo buộc ĐCSTQ phạm
tội ác diệt chủng vì hậu thuẫn cho hành vi mổ cướp nội tạng đối với các
học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số khác.
Hai điều khoản sửa đổi nhằm mục đích ngăn chặn công dân Anh không đến
các nước như Trung Quốc để cấy ghép nội tạng, cũng như cấm hoạt động
lưu diễn trưng bày xác chết từ Trung Quốc.
Lãnh chúa Philip Hunter đã chỉ ra trong cuộc thảo luận rằng,
Birmingham đã tổ chức một cuộc triển lãm xác chết được gọi là “Real
Bodies” vào năm 2018. Các xác chết là từ Đại Liên ở Trung Quốc, và tất
cả đều không có giấy tờ tùy thân cũng như không được sự đồng ý của người
nhà những thi thể đó.
Ông nói: “Điều đáng chú ý là giữa năm 1999 và 2013, trại lao động ở
Đại Liên nổi tiếng với cuộc bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp
Luân Công. Đó là những vụ giết người hàng loạt của một nhà nước độc tài,
chúng ta không thể để yên”.
Ông cũng đề cập đến phán quyết của “Tòa án về Trung Quốc” ở London
năm 2019 rằng hoạt động mổ cướp nội tạng đối với các tù nhân lương tâm
của ĐCSTQ đã tồn tại trong nhiều năm và hiện vẫn tồn tại, và rằng các
học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính. Vào tháng 6
năm 2021, 12 chuyên gia về Quy trình Đặc biệt của Liên hợp quốc trích
dẫn “các nguồn đáng tin cậy” nói rằng ở Trung Quốc, các học viên Pháp
Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc
giáo đã bị giết để lấy nội tạng.
Ông Hunter nói: “Đây là bối cảnh mà chúng tôi đang tranh luận về
những sửa đổi này. Tôi rất buồn vì đây là ngày khai mạc Thế vận hội mùa
đông ở Trung Quốc. Chúng ta phải làm mọi cách để ngăn chặn việc làm đáng
ghê tởm này”.
Hai sửa đổi do ông Hunter đề xuất đã được nhiều nghị sĩ ủng hộ.
Nam tước Ilora Finlay cho biết bà “rất ủng hộ những sửa đổi này”.
“Tôi không thấy có lý do gì để bất kỳ ai không ủng hộ những sửa đổi
này”, bà nói, “Chúng đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản”.
“Mới hôm qua, tôi nhận được một lá thư từ một người phụ nữ. Mẹ của cô
ấy, một học viên Pháp Luân Công, đã bị tống vào tù và sau đó thực sự
biến mất. Cô ấy không biết mẹ mình ở đâu và không thể nhận được bất kỳ
tin tức nào từ bà. Tình hình này đang diễn ra khắp nơi. Nó đang xảy ra ở
Trung Quốc.”
Bernard Ribeiro, thành viên của Hạ viện và là cựu chủ tịch của Hiệp
hội Bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia Anh, cho biết ông lo ngại về tội ác đang
tiếp diễn về việc mổ cắp tim, gan, thận, giác mạc và các cơ quan nội
tạng khác của ĐCSTQ. Ông đề cập rằng vào tháng 1 năm nay, Hiệp hội Y
khoa Anh đã lên án các bác sĩ Trung Quốc vì đã tham gia vào các vụ vi
phạm nhân quyền và diệt chủng, và xã hội đã thúc giục chính phủ Anh gây
áp lực cho Đảng Cộng sản Trung Quốc để dừng những hoạt động vô nhân đạo
này và cho phép các nhà điều tra của Liên hợp quốc vào vùng Tân Cương.
Nam tước Northover bày tỏ rằng bà hoàn toàn ủng hộ cả hai sửa đổi.
“Chúng ta không thể nói rằng chúng tôi không biết về cưỡng bức thu hoạch
nội tạng”, bà nói, trước phán quyết của tòa án độc lập và vô số bằng
chứng khác.
Bà cũng lưu ý rằng “một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Na
Uy và Israel , đã có hành động ngăn cản [công dân] du lịch ghép tạng ở
Trung Quốc. Chúng ta tất nhiên cũng phải làm như vậy.”
Nghị sĩ Alton của Liverpool cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sửa
đổi. Ông cảm ơn Ngài Hunter vì những nỗ lực không mệt mỏi của để bảo đảm
nước Anh không bao giờ đồng lõa với một trong những tội ác lớn nhất
chống lại nhân loại.
Ông lên án Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì
đã thành lập “Phòng 610” và ra lệnh “xóa sổ Pháp Luân Công”, khiến
những học viên Pháp Luân Công trở thành nạn nhân chính của nạn cưỡng bức
mổ cướp nội tạng.
Ông nói, “Cái mà bây giờ được coi là ‘Trò chơi diệt chủng’ đang khởi động ở Bắc Kinh, và chúng ta nên có cuộc tranh luận đúng lúc này tại Quốc hội. Kể từ khi Đức Quốc xã tổ chức Thế vận hội ở Berlin năm 1936, chúng ta chưa từng thấy lý tưởng Olympic bị phỉ báng như vậy”.
Nghị sĩ Patrick Cormack cho biết: “Tôi chỉ muốn hết lòng ủng hộ những sửa đổi này. Không có thương vụ nào hèn hạ hơn việc buôn bán nội tạng người; không có Thế vận hội nào đáng xấu hổ hơn những gì đang diễn ra ở Trung Quốc lúc này”.
Phụng Nghi – Theo Aboluowang
(Truyền thông Việt Nam) – Bóng đá nữ Việt Nam lần đầu dự World Cup. Đội tuyển quốc gia bóng đá nữ Việt Nam, ngày 06/02/2022 đã đạt được kỳ tích, lần đầu tiên trong lịch sử được dự World Cup bóng đá nữ, sau trận thắng đội tuyển Đài Loan 2-1, trên sân vận động Navi Mumbai, Maharashtra (Ấn Độ). Đây là cuộc đối đầu trong khuôn khổ trận tranh tấm vé vớt đi dự vòng chung kết Cúp bóng đá nữ thế giới. Tuyển nữ Việt Nam trở thành đội thứ 5 của châu Á dự vòng chung kết World Cup 2023, giải đấu sẽ diễn ra tại Australia và New Zealand. Các cầu thủ nữ Việt Nam đã làm nên chiến công lịch sử cho bóng đá Việt Nam, lần đầu tiên có mặt ở một vòng chung kết thế giới.
(Le Temps) – Lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới và thủ tướng Trung Quốc thảo luận về Covid-19. Bên lề Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, lãnh
đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus thứ Bảy 05/02/2022
thông báo đã gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khác Cường (Li Keqiang) để
thảo luận về dịch bệnh, đặc biệt về cuộc điều tra về nguồn gốc virus
corona hiện vẫn đang bế tắc và về sự cần thiết có những tiến bộ lớn
trong năm nay về công bằng trong tiêm chủng để 70% dân số thế giới được
chủng ngừa Covid-19.
(Le Dauphine) – Olympic Bắc Kinh: Cuộc đua trượt tuyết đường núi bị hủy, vì gió mạnh. Do thời tiết không thuận lợi, để bảo đảm an toàn cho vận động viên và thành viên các đoàn, ban tổ chức hôm nay quyết định cuộc đua trượt tuyết đường núi dành cho nam theo dự kiến diễn ra vào Chủ Nhật 06/02 bị lùi đến thứ Hai 06/02.
(AFP) – Úc kêu gọi Miến Điện «trả tự do ngay lập tức» cho chuyên gia kinh tế Sean Turnell. Ngày 06/02/2022 bộ Ngoại Giao Úc đòi tập đoàn quân sự Miến Điện trả tự do cho giáo sư Turnell, cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi. Sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 giáo sư người Úc này đã bị bắt giữ, bị cáo buộc về tội « vi phạm luật pháp Miến Điện về bí mật quốc gia ». Với tội danh này ông có thể bị tuyên án 14 năm tù.
(AFP) – Achentina tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh.
Sau lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, hôm 06/02/2022 lãnh đạo
Trung Quốc và Achentina đặt bút ký thỏa thuận cho phép Buenos tham gia
dự án Vành Đai Con Đương. Tới nay gần 150 quốc gia trên thế giới hưởng
ứng sáng kiến được Bắc Kinh khởi động từ năm 2013.
(AFP) – Cuba đánh thuế 10% vào các mặt hàng nông phẩm. Vào lúc đời sống của người dân đã chật vật vì dịch Covid-19 và những tác động kinh tế kèm theo, hôm 05/02/2022 La Habana thông báo thêm một loại thuế mới đánh vào các mặt hàng nông phẩm. Biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp đến giới tiểu thương và người tiêu dùng tại Cuba. Mức thuế 10 % đánh vào nông sản được áp dụng từ Thứ Hai 07/02/2022. Năm 2021, lạm phát tại Cuba vượt ngưỡng 70 %.
(Reuters) – Hàn Quốc vượt ngưỡng 1 triệu ca Covid-19.
Sau hai năm đối phó với virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc,
Seoul hôm nay 06/02/2022 thông báo vượt ngưỡng 1 triệu người lây nhiễm
và 6.800 người thiệt mạng. Biến thể Omicron đẩy số bệnh được ghi nhân
thêm hàng ngày liên tục tăng cao. Chính quyền tăng cường các biện pháp
cách ly và phong tỏa để chống dịch.
(AFP) – Covid- Pháp: Hơn 32.000 người phải điều trị tại bệnh viện cho đến cuối ngày 05/02/2022. Tuy nhiên theo Cơ quan Y Tế, số ca nhiễm mới bắt đầu giảm. Cho cả tuần số ca nhiễm mới giảm 36 %. Bộ Trưởng Y Tế Olivier Véran đưa ra con số 80 % dân Pháp đã chích ngừa Covid-19.
(AFP) – Điện ảnh Châu Âu áp đảo liên hoan phim quốc tế Berlin 2022.
Ngày 06/02/2022, ban tổ chức công bố danh sách 18 bộ phim tranh giải ở
hạng mục chính thức. Trong số này có ba bộ phim của Hàn Quốc, Trung Quốc
và Indonsia đại diện cho châu Á. Châu Mỹ chiếm một vị trí khiêm tốn với
ba tác phẩ : một của điện ảnh Canada, một của Hoa Kỳ và một tác phẩm
thứ ba do hợp tác giữa điện ảnh của Mỹ và Mêhicô, Achentina. Phần còn
lại được dành cho các bộ phim của châu Âu. Đặc biệt năm nay, Thụy Sĩ có
hai tác phẩm dự thi. Liên hoan Berlin mở ra từ ngày 10 đến 20/02/2022.
(AFP) – Nữ danh ca làng điện ảnh Bollywood, Lata Mangeshkar từ trần hôm 06/02/2022, thọ 92 tuổi. Được mệnh danh là «con chim họa mi» của Ấn Độ, tiếng hát của bà đã lấy được nước mắt cố thủ tướng Nehru. Là người độc quyền ngự trị trong làng giải trí, điện ảnh quốc gia từ năm 1947 cho đến tận ngày hôm nay, Lata Mangeshkar để lại dấu ấn trong 1.000 bộ phim Ấn Độ và khoảng 27.000 ca khúc cho hậu thế.
(RFI) – Colombia: Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ bùng nổ từ sau phong tỏa chống dịch Covid-19. Thông tin viên đài RFI tạiMedellin ngày 05/02/2022 cho biết một trong những phòng khám tư nhân có uy tín nhất ở thành phố này thực hiện tới gần 800 ca phẫu thuật thẩm mỹ chỉ trong một tháng. Các thủ thuật hút mỡ, thu gọn vòng bụng, cấy ghép ngực… đều thu hút nhiều phụ nữ, không chỉ trong nước và có rất nhiều khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu. Đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 đã tạo ra hiệu ứng «Zoom». Nhiều người làm việc trực tuyến nhiều và thường xuyên thấy hình ảnh của mình trên màn hình nên muốn mình đẹp hơn. Chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở Colombia hiện giờ khá thấp so với ở Âu – Mỹ.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220206-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p