Tin Tổng Hợp – 6/10/22: Bắc Hàn bắn thêm 2 tên lửa đáp trả; Mỹ cắt khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến
Bắc Hàn bắn thêm 2 tên lửa đáp trả Mỹ và Nam Hàn
06/10/2022 – Thu Hằng– Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại thêm căng thẳng. Hôm nay, 06/10/2022, Bình Nhưỡng lại bắn hai tên lửa về phía biển Nhật Bản. Như vậy là chỉ cách nhau hai ngày, Bắc Triều Tiên hai lần bắn tên lửa nhằm đáp trả «các biện pháp trả đũa» của Seoul và Washington và các cuộc tập trận Mỹ – Hàn.
Thông tín viên RFI Trần Công tường trình từ Seoul:
«Vào lúc 6 giờ sáng hôm nay, Bắc Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) về phía đông bắc của biển Nhật Bản. Đây là một mục tiêu mới của Bắc Triều Tiên, thay vì đảo Risom như thường lệ. Hai tên lửa này cũng được bắn từ một địa điểm mới là Samseok, một khu vực nằm ở phía đông sân bay Sunan, khá xa khu vực trung tâm của Bình Nhưỡng. Đây cũng được xem là điều bất thường trong lần phóng này của Bắc Triều Tiên.
Ngoài mục tiêu thị uy và đáp lại việc Mỹ đưa tàu sân bay Reagan quay trở lại Hàn Quốc, vụ phóng tên lửa hôm nay còn gửi một thông điệp mới đến chính quyền Seoul: kể cả khi sân bay Sunan bị tấn công phủ đầu, nếu chiến tranh xảy ra, Bắc Triều Tiên vẫn có thể phản công từ những vị trí khác.
Theo tính toán, hai loại tên lửa được bắn lần này là KN-23 và KN-24, với tầm bắn của cả hai đều được ghi nhận là tăng so với các lần bắn trước đây và bao phủ được toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc. Điều này cho thấy Bắc Triều Tiên đang theo đuổi việc cải tiến các loại tên lửa và toàn bộ Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với tên lửa tầm ngắn của Bắc Triều Tiên nếu chiến tranh xảy ra.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã họp khẩn cấp với Ủy ban Thường Vụ Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để thảo luận về các biện pháp đối phó. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân khẳng định rằng thế trận phòng thủ liên hợp sẽ được củng cố hơn nữa để đối phó với bất kỳ đe dọa nào đến từ Bắc Triều Tiên. Ông lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên là một thách thức không thể coi thường đối với cộng đồng quốc tế». Theo AFP, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngay lập tức lên án vụ thử tên lửa lần thứ 6 chỉ trong vòng hai tuần, xem đây là «điều hoàn toàn không chấp nhận được».
Vụ bắn tên lửa sáng 06/10 diễn ra chỉ ít giờ sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được triệu tập theo đề nghị của Pháp, Anh, Albania, Na Uy và Ireland, bàn về vụ thử tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo AFP, các nước trong Hội đồng vẫn bị chia rẽ. Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ «đầu độc» môi trường an ninh trong vùng Đông Á với «các cuộc tập trận do Mỹ và nhiều nước khác trong vùng tiến hành». Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield lên án «nỗ lực hiển nhiên của Trung Quốc và Nga để thưởng cho những hành động xấu» của Bắc Triều Tiên. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Soo Kim của tổ chức nghiên cứu và tham vấn Rand Corporation dự báo Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa, vì «vào thời điểm này, đối với ông Kim Jong Un, lùi bước hoặc dừng các hành động gây hấn có thể sẽ gây phản tác dụng đối với các lợi ích của ông ấy. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực và tài chính đã đổ vào những vụ thử vũ khí này».
Mỹ cắt khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến
04/10/2022 – Reuters – VOA – Hoa Kỳ trong tuần này dự kiến sẽ công bố các biện pháp mới hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ máy tính hiệu năng cao, ba người được thuyết trình về vấn đề này nói với Reuters.
Ba nguồn tin vừa kể cho biết các biện pháp này nhằm cắt đứt khả năng của Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến. Tờ New York Times là hãng tin đầu tiên tường thuật về các biện pháp mới có thể được đưa ra trong tuần này, đồng thời cho biết thêm rằng Washington cũng có kế hoạch hạn chế bán các vi mạch do Mỹ sản xuất cho các dự án trung tâm dữ liệu và cho các dự án siêu máy tính mạnh nhất của Trung Quốc.
Tòa Bạch Ốc không trả lời ngay yêu cầu bình luận và Bộ Thương mại từ chối phát biểu.
Reuters tháng trước đưa tin chính quyền Biden đã lên kế hoạch vào tháng 10 mở rộng các quy định hạn chế đối với các lô hàng của Mỹ đến Trung Quốc đối với các chất bán dẫn được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo và các công cụ sản xuất chip.
Các quy tắc này là một phần trong nỗ lực tăng cường của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát công nghệ có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc.
Hồi tháng 8, Reuters đưa tin rằng Hoa Kỳ đang xem xét hạn chế chuyển các lô hàng thiết bị sản xuất chip cho các nhà sản xuất chip bộ nhớ ở Trung Quốc.
Quan chức Nga nói với Chủ tịch nước Việt Nam: ‘Phương Tây có tiêu chuẩn kép’
5 tháng 10 2022 – Người đứng đầu Viện Kiểm sát Liên bang Nga nói với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng phương Tây ‘có tiêu chuẩn kép’ và rằng đường ống dẫn khí Nord Stream bị phương Tây ‘phá hoại’, theo tường thuật của truyền thông Nga.
Chiều 4/10/2022, tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Viện trưởng Tổng Viện Kiểm sát Liên bang Nga Igor Krasnov.
Tường thuật của báo chí nhà nước Việt Nam không đưa chi tiết nào tranh cãi về cuộc gặp.
Theo đó, ông Igor Krasnov bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam, cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp.
Hai bên nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử lâu đời Việt Nam – Liên bang Nga vẫn được duy trì và đang đạt được thành tựu tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Nhưng hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga dẫn lời ông Igor Krasnov nói tại cuộc gặp:
“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất khó khăn. Cấu trúc của an ninh quốc tế tưởng chừng như không thể lay chuyển được, đến nay đang bị phá hủy. Các chính trị gia và nhà ngoại giao từ các nước phương Tây ngày càng có các tiêu chuẩn kép.”
Ông Krasnov cáo buộc: “Đỉnh cao của sự hung hăng và hoài nghi là lập trường công khai của họ về các hành động ác độc gần đây đối với đường ống dẫn khí Nord Stream. Đầu tiên, họ tuyên bố ý định loại bỏ cơ sở hạ tầng này, sau đó họ không cố gắng che giấu hành động phá hủy nó, và cuối cùng họ cáo buộc Nga phá hoại. Bạn thấy rằng điều này là hoàn toàn điên rồ.”
Ông Krasnov ca ngợi Việt Nam: “Trong những điều kiện này, điều đặc biệt có giá trị là Việt Nam, bất chấp những khiêu khích và thông tin sai lệch, vẫn là người bạn và đối tác chiến lược đáng tin cậy của chúng tôi.”
Trước đó, vào hôm 26/9, có bốn vị trí rò rỉ được ghi nhận trong các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Nga và các nước phương Tây nói đây là hành động phá hoại và cáo buộc lẫn nhau phải chịu trách nhiệm.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckmx111pd0eo
(RFI) – Ukraina muốn lập tòa án quốc tế xét xử Nga. Hôm 4/10/22, bộ trưởng Tư Pháp Ukraina Andriy Kostine đã đến Paris để thuyết phục các cơ quan tư pháp quốc tế và các cơ quan chức năng của Pháp giúp ông thành lập một tòa án quốc tế để xét xử Nga về “tội ác xâm lược”. Ukraina không thể sử dụng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và muốn thành lập một tòa án quốc tế do nước này chưa gia nhập Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế.
(AFP) – Nga nối lại đường bay trực tiếp đến Cuba. Sau 7 tháng gián đoạn, ngày 5/10/22, chuyến bay đầu tiên của hãng Nordwind Airlines đã hạ cánh xuống Varadeoro, cách phía đông thủ đô La Habana khoảng 150 km. Công ty lữ hành Cubatur cho biết đã tiếp đón những hành khách của chuyến bay đầu tiên «trong khuôn khổ chuyến du lịch đánh dấu sự phục hồi các chuyến bay du lịch từ thủ đô của Nga» đến Cuba, nhưng không cho biết chính xác về số du khách, cũng như lộ trình bay.
(AFP) – Một nhà báo Nhật Bản bị kết án tổng cộng 10 năm tù ở Miến Điện. Ông Toru Kubota bị kết án ngày 06/10/2022 với hai cáo trạng: tung tin có hại cho an ninh quốc gia và kích động phong trào chống quân đội cầm quyền. Nhà báo tự do 26 tuổi hiện bị giam ở nhà tù Insein, Rangun, nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị khác. Ông bị bắt vào cuối tháng 07 khi đưa tin về một cuộc biểu tình chống tập đoàn quân sự. Tokyo cho biết «sẽ tiếp tục kêu gọi chính quyền Miến Điện trả tự do cho ông Kubota». Toru Kubota là nhà báo nước ngoài thứ 5 bị tập đoàn quân sự Miến Điện bắt giam sau cuộc đảo chính vào tháng 02/2021.
(AFP) – Pháp: Chính phủ đưa ra các biện pháp đối phó với khủng hoảng năng lượng. Trong kế hoạch được công bố ngày 6/10/22, rất nhiều biện pháp sẽ được áp dụng trong cơ sở hành chính: khuyến khích công chức làm việc từ xa nhiều ngày trong tuần để đóng cửa công sở, các tòa nhà hành chính sẽ dùng nước lạnh để rửa tay, hạ nhiệt độ hệ thống sưởi xuống còn 18 độ… Mục tiêu là giảm 10% tiêu thụ năng lượng để vượt qua mùa đông. Đây cũng là bước đầu để hướng tới giảm 40% tiêu thụ năng lượng cho đến năm 2050 để đạt trung hòa khí thải.
(RFI) – Hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ Anh Quốc kết thúc. Hội nghị được tổ chức ở thành phố Birmingham đã kết thúc hôm qua 5/10/22 trong bầu không khí ảm đạm. Bà Liz Truss, được bổ nhiệm làm thủ tướng cách đây đúng một tháng, đã có bài phát biểu đầu tiên trước các cử tri của mình. Tuy nhiên, thủ tướng Anh đã không trả lời cụ thể khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội. Bà Truss đang phải đối mặt với nhiều khó khăn không chỉ trước công chúng, mà cả trong nội bộ đảng của bà.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221006-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p