Tin Tổng Hợp – 6/10/21
Tân thủ tướng Nhật Bản muốn “khóa chặt” cửa vào TPP đối với Trung Quốc?
Quan điểm đối ngoại của tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, vừa nhậm chức hôm 04/10/2021, hầu như không có gì thay đổi so với hai người tiền nhiệm là Yoshihide Suga, và nhất là Shinzo Abe. Đó là xây dựng một vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các giá trị phổ quát, như dân chủ và pháp quyền.
Để cụ thể hóa tầm nhìn này, ngoài việc củng cố Bộ Tứ bao gồm bốn nước Nhật, Mỹ, Úc và Ấn, nhằm chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, ông Kishida được cho là sẽ vận dụng một vũ khí thương mại, thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương CP-TPP theo hướng có thể gọi là “khóa chặt” cửa để Trung Quốc không thể gia nhập.
Hiệp định hiện mang tên gọi chính thức là Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương – tên tắt là CPTPP, bắt nguồn từ Hiệp Đinh Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được Hoa Kỳ thúc đẩy dưới thời chính quyền Barack Obama nhằm cân bằng ảnh hưởng càng lúc càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút ra khỏi thỏa thuận vào năm 2017, buộc Nhật Bản phải điều chỉnh, biến TPP thành CPTPP, và hiệp định mới đã được 11 nước TPP còn lại chấp thuân. Với việc tổng thống Joe Biden lên cầm quyền tại Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ Trở Lại”, tân thủ tướng Nhật Bản được cho là sẽ cố tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ trở lại với khối TPP.
Trong khi chờ đợi, trong tư cách là nước đầu tầu của khối CPTPP, Nhật Bản sẽ phải xử lý việc Trung Quốc gần đây đã đệ đơn xin gia nhập khối tự do mậu dịch này, ít lâu trước đối thủ là Đài Loan.
Ngay khi Bắc Kinh loan báo quyết định xin gia nhập, các quan chức Nhật Bản đã rất hoài nghi về khả năng Trung Quốc đáp ứng được các tiêu chuẩn cao đặt ra trong hiệp định, đặc biệt là những quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, chính tân thủ tướng Kishida cũng thừa nhận những trở ngại mà Trung Quốc sẽ gặp phải khi tham gia TPP, đặc biệt trên hai vấn đề: Tình trạng kiểm soát các doanh nghiệp Nhà nước và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 04/10 vừa qua trong cương vị thủ tướng, ông Kishida không ngần ngại cho biết: “Tôi cảm thấy là Trung Quốc khó có thể đạt được các tiêu chuẩn cao mà TPP đòi hỏi”.
Không thể hạ thấp tiêu chuẩn để mở đường kết nạp Trung Quốc
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là liệu các thành viên “có cảm tình” hay “sợ” Trung Quốc trong CPTTP có gây sức ép để hạ thấp tiêu chuẩn chung của khối nhằm mở đường kết nạp Trung Quốc hay không.
Trả lời hãng Kyodo, bà Mie Oba, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Kanagawa, nhận định là với thủ tướng Kishida, “Nhật Bản có thể sẽ bám sát lập trường cơ bản là duy trì và củng cố một trật tự mà Nhật Bản mong muốn thông qua CPTPP và các khuôn khổ khác”.
Đối với bà Oba, điều quan trọng là không được bẻ cong các quy tắc hiện hành để có thể kết nạp Trung Quốc. Vụ Trung Quốc và CPTPP, theo nhà nghiên cứu này sẽ là “sẽ là một bài trắc nghiệm về việc liệu một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có thể được duy trì hay không.”
Cùng một suy nghĩ, ông Takashi Terada, giáo sư bang giao quốc tế tại Đại Học Doshisha cho rằng Nhật Bản cần thúc đẩy sao cho đơn xin gia nhập TPP của Anh Quốc được xử lý nhanh chóng để “tạo tiền lệ” tốt, theo đó một thành viên có thể tham gia hiệp ước mà không cần phải thay đổi các quy tắc.
Vào tháng 2, Luân Đôn đã đệ đơn xin gia nhập TPP, sau khi nước này rời Liên Hiệp Châu Âu vào năm ngoái. Nếu đơn này được chấp nhận, thì Anh Quốc sẽ là nước mới đầu tiên được kết nạp vào khối, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào năm 2018.
Theo hãng Kyodo, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm sự phản đối từ các bên ký kết TPP ban đầu cũng như khả năng Hoa Kỳ – dù không còn nằm trong khối – gây sức ép trên các thành viên để bác bỏ việc Bắc Kinh tham gia một sáng kiến vốn do Mỹ đề ra.
Trọng Nghĩa
Biển Đông: Hải Quân phương Tây tham gia nhiều cuộc tập trận với đối tác Đông Nam Á
Quân đội năm nước trong nhóm Hiệp Ước Phòng Thủ Ngũ Cường (FPDA) bao gồm Singapore, Malaysia, Úc, New Zealand và Anh đã bắt đầu tiến hành hai tuần lễ tập trận thường kỳ, trên bộ, trên biển và trên không kể từ ngày 04/10/2021 vừa qua. Vế hải quân của cuộc tập trận dự kiến được tổ chức ở phía nam Biển Đông, đặc biệt có sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh Queen Elizabeth hiện đang có mặt trong vùng. Quảng cáo
Trong một thông cáo công bố hôm 05/10, bộ Quốc Phòng Singapore cho biết là cuộc tập trận thường niên Bersama Lima – năm nay được cải tên thành Bersama Gold 2021 để đánh dấu 50 năm ngày thành lập Nhóm Ngũ Cường – tập hợp 2.600 quân đến từ 5 nước thành viên.
Đặc biệt quan trọng là vế hải quân, sẽ diễn ra ở khu vực phía nam Biển Đông trong vùng biển quốc tế, huy động 10 chiến hạm và tàu quân sự, một tàu ngầm, 6 trực thăng hàng hải, 3 máy bay tuần tra hàng hải và 25 chiến đấu cơ.
Lực lượng không quân của nhóm Ngũ Cường sẽ tham gia các cuộc tập trận phòng không và hỗ trợ lực lượng hải quân trong các cuộc tập trận chống tàu ngầm.
Là một sự kiện thường niên, cuộc tập trận Bersama Gold 2021 năm nay rất được chú ý do sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đang triển khai hoạt động tại Châu Á.
Theo trang thông tin Đài Loan Taiwan News ngày 04/10, nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth dẫn đầu đã vượt qua eo biển Luzon từ Biển Philippines trên đường tới Singapore tham gia cuộc tập trận Bersama Gold.
Theo ghi nhận của báo Mỹ Newsweek, vào hôm qua, 05/10, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh đã có mặt ở ngoài khơi phía tây Philippines ở khu vực gần eo biển Luzon phân cách Đài Loan và Philippines, cùng lúc với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, hoạt động ở vùng phía bắc bãi cạn Scaborough mà Trung Quốc đã chiếm của Philippines.
Hôm qua, bộ Quốc Phòng Anh xác nhận là hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đã lên kế hoạch tập huấn cùng với chiến hạm và phi cơ của các nước bạn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada và New Zealand.
Theo Newsweek, hình ảnh vệ tinh cho thấy là Trung Quốc đã triển khai các tàu quân sự của họ để theo dõi từ xa hành tung của các nhóm tác chiến tàu sân bay Anh và Mỹ. Chiến hạm Trung Quốc được cho là thuộc Hạm Đội Nam Hải, phụ trách vùng Biển Đông.
Trọng Nghĩa
Dân biểu trình dự luật đặt tên một bưu điện ở Mỹ là Trần Hưng Đạo
Nữ Dân biểu Hạ viện Liên Bang Hoa Kỳ, Michelle Steel (đại diện địa hạt 48, California), Dân biểu Mỹ gốc Nam Hàn, vừa đệ trình dự luật đặt tên mới cho một bưu điện tại khu Litttle Saigon để tôn vinh vị anh hùng dân tộc Việt Nam, Trần Hưng Đạo.
https://www.voatiengviet.com/a/6260062.html
(RFI) – Một cựu nhân viên Facebook đánh động Quốc Hội Mỹ về độ nguy hiểm của mạng xã hội. Trong buổi điều trần kéo dài 2 tiếng trước Thượng Viện Mỹ ngày 05/10/2021, bà Frances Haugan, từ chức ở Facebook vào tháng 05, đã yêu cầu các nghị sĩ đưa ra những đạo luật chặt chẽ hơn để buộc mạng xã hội thay đổi. Bà cho rằng « Facebook có hại cho trẻ em, Facebook gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ ». Bà đã giải thích cặn kẽ một vài biện pháp được Facebook sử dung để phục vụ trước hết lợi ích của công ty, gây hại cho công chúng. Cũng theo người báo động, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Facebook đã xóa các thiết bị nhằm hạn chế các phát biểu thù hận trong chiến dịch tranh cử và chính quyết định này đã đóng vai trò chủ đạo trong vụ tấn công điện Capitol ngày 06/01/2021.
(AFP) – Mỹ thông báo có 3.750 đầu đạn hạt nhân. Ngày 05/10/2021, chính quyền Biden quyết định công bố thông tin được giữ bí mật trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump, khi công bố thống kê kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong đó có 3.750 đầu đạn hạt nhân tính đến ngày 30/09/2020. Quyết định này được cơ quan ngoại giao Mỹ giải thích là « sự minh bạch về kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân có ý nghĩa quan trọng cho nỗ lực không phổ biến vũ khí và giải trừ vũ khí, cũng như những cam kết đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ».
(AFP) – Bốn thượng nghị sĩ Mỹ muốn trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga. Đây là biện pháp « trả đũa » được bốn thượng nghị sĩ Mỹ (2 Dân Chủ và 2 Cộng Hòa) yêu cầu ngày 05/10/2021, trừ khi Matxcơva cấp thêm thị thực cho nhân viên sứ quán Mỹ tại Nga. Vào tháng Tám, Washington phản đối Matxcơva cấm Mỹ tuyển dụng nhân viên người Nga hoặc công dân nước thứ ba làm việc cho các cơ quan ngoại giao ở Nga. Hoa Kỳ đã buộc phải sa thải gần 200 nhân viên địa phương ở các phái bộ trên khắp nước Nga.
(Yonhap) – Liên Hoan Phim Quốc Tế Busan khai mạc. Liên hoan phim lần thứ 26 diễn ra tại thành phố cảng Busan trong 10 ngày, từ ngày 06/10/2021. Sự kiện điện ảnh lớn nhất châu Á sẽ tổ chức lễ khai mạc và bế mạc với nhiều khách mời quan trọng, trái với quy mô hạn chế trong năm 2020 vì dịch Covid-19. Hai diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Song Joong Ki và Park So Dam là người dẫn chương trình lễ khai mạc, với bộ phim mở màn là Heaven : To the Land of happiness của Im Sang Soo. Tổng cộng có 220 phim từ 70 nước được mời trình chiếu. Phim Anita của Leung Longman về nữ ca sĩ và nghệ sĩ Hồng Kông Anita Mui sẽ khép lại LHP Busan.
(AFP) – Papua New Guinea sẽ không còn tiếp nhận người di tản bị Úc từ chối. Trong một thông báo được cả hai chính phủ Úc và đảo quốc Papua New Guinea công bố ngày hôm nay, 06/10/2021, thỏa thuận song phương về việc tiếp nhận những người di cư bị Úc từ chối trong một trại tạm giam trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea sẽ bị hủy bỏ kể từ ngày 31 tháng 12 tới đây. Chính sách chuyển những người muốn nhập cư một cách bất hợp pháp vào Úc qua những trại mà ở bên ngoài lãnh thổ Úc, trên đảo Manus của Papua New Guinea hay tại đảo quốc Nauru xa hơn về phía đông, đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211006-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p