Tin Tổng Hợp – 5/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 5/8/21

COVID tại Mỹ tăng cao nhất trong vòng nửa năm

Reuters – Số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ lên mức cao nhất trong 6 tháng, hơn 100.000 ca nhiễm được ghi nhận hôm 4/8, theo kiểm đếm của Reuters, trong lúc biến thể Delta lan tràn tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Mỹ báo cáo trên 94.819 ca nhiễm trung bình 7 ngày, mức tăng gấp 5 lần trong chưa đầy một tháng, theo dữ liệu của Reuters tính tới 4/8. Con số trung bình 7 ngày phản ánh chính xác nhất mức tăng số ca nhiễm vì một số tiểu bang chỉ báo cáo số ca nhiễm một lần một tuần hay chỉ báo cáo trong ngày làm việc mà không báo cáo vào những ngày cuối tuần.

Chứng chỉ tiêm chủng vaccine Pfizer tại Seattle, bang Washington.
Chứng chỉ tiêm chủng vaccine Pfizer tại Seattle, bang Washington.

Bảy tiểu bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất-Florida, Texas, Missouri, Arkansas, Louisiana, Alabama và Mississippi-chiếm phân nửa số ca nhiễm và nhập viện trong tuần qua, điều phối viên COVID của Tòa Bạch Ốc Jeff Zients cho báo giới biết ngày 5/8.

Trong những tuần tới, số ca có thể tăng gấp đôi lên đến 200.000/ngày vì biến thể Delta, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, cảnh báo hôm 4/8.

Để chống lại biến thể Delta đang tăng mạnh, Mỹ dự tính tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba cho những ai có hệ thống miễn nhiễm kém, bác sĩ Anthony Fauci cho hay ngày 5/8.

Mỹ cùng với Đức, Pháp và Israel xúc tiến tiêm liều vaccine tăng cường, bất chấp yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước dồi dào vaccine ngưng tiêm tăng cường để dành vaccine cho các nước nghèo.

Florida tăng mạnh

Các tiểu bang ở miền nam Hoa Kỳ, với tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng thấp nhất nước, báo cáo số ca nhiễm và nhập viện nhiều nhất. Florida, Texas và Louisiana báo cáo tổng số ca nhiễm cao nhất trong khu vực trong tuần qua, theo phân tích của Reuters.

Florida nổi lên như một điểm nóng, hôm 5/8 ghi nhận số nhập viện kỷ lục là 12.373 bệnh nhân COVID được xác nhận tại các bệnh viện, theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS).

Bang này cũng có số trẻ em nhập viện vì COVID cao nhất nước Mỹ, dữ liệu của HHS cho thấy.

“23% các ca nhập viện mới vì COVID tại Mỹ là ở Florida, và các bệnh viện tại tiểu bang này lại quá tải,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki tuyên bố ngày 4/8.

Louisiana và Arkansas cũng đang vất vả với số kỷ lục hay gần kỷ lục các bệnh nhân COVID nhập viện, theo Reuters.

Tổng thống Joe Biden ngày 3/8 kêu gọi các lãnh đạo Florida và Texas, nơi chiếm gần một phần ba số ca nhiễm mới tại Mỹ- theo đúng các hướng dẫn y tế công cộng về đại dịch hay “chớ cản đường.”

Để chặn đứng sự lây lan của virus corona, thành phố New York sẽ buộc cư dân phải có bằng chứng tiêm chủng mới được tới các tiệm ăn, phòng tập thể dục và các cơ sở kinh doanh khác. Một số công ty tư nhân cũng buộc nhân viên và khách hàng phải tiêm chủng. Trong lúc Delta lây lan, một số công ty ở Mỹ cũng đang hoãn lại kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng làm việc.

https://www.voatiengviet.com/a/covid-tai-my-tang-cao-nhat-trong-vong-nua-nam/5992457.html

Hoa Kỳ và Nhật Bản tuyên bố ủng hộ đặc phái viên ASEAN về Miến Điện

Ngay sau khi Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN hôm qua, 04/08/2021, thông báo bổ nhiệm ngoại trưởng thứ hai của Brunei, ông Erywan Yusof, làm đặc phái viên của khối về Miến Điện, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã lập tức lên tiếng ủng hộ quyết định của khối Đông Nam Á.

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng thứ hai của Brunei Erywan Pehin Yusof phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 30/09/2019.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng thứ hai của Brunei Erywan Pehin Yusof phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 30/09/2019. REUTERS – BRENDAN MCDERMID

Theo hãng tin Kyodo, trong cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng thuộc khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS (East Asian Summit), ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc ASEAN bổ nhiệm đặc phái viên về Miến Điện trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ cuộc đảo chánh quân sự ngày 01/02 vừa qua tại quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh thêm rằng đặc phái viên ASEAN cần sớm bắt tay vào việc, sao cho đạt được những kết quả cụ thể, như đối thoại giữa tất cả các bên liên quan tại Miến Điện.

Về phần mình, trong một bản thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng xác định rằng Hoa Kỳ hoan nghênh việc của ASEAN bổ nhiệm ông Erywan Yusof làm đặc phái viên về Miến Điện, với một nhiệm vụ quan trọng là thiết lập được đối thoại giữa chính quyền quân sự và phe đối lập.

Hồ sơ Miến Điện là một trong những trọng tâm của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 mở ra từ thứ Hai, 02/08, dưới quyền chủ tọa của chủ tịch luân phiên năm nay là Brunei. Dù đã được nhất trí từ đầu, việc bổ nhiệm đặc sứ ASEAN đã gặp khó khăn, và mãi đến hôm qua, 04/08, các nước mới cử ra được nhân vật có trách nhiệm thực thi bản Đồng Thuận 5 điểm mà khối Đông Nam Á đã đề ra để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Miến Điện.

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ thảo luận với đại diên “chính phủ dân sự” Miến Điện

Cũng liên quan đến tình hình Miến Điện, hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman đã nói chuyện qua điện thoại với bà Zin Mar Aung, người đã được bổ nhiệm làm quyền ngoại trưởng trong Chính Phủ Thống Nhất Quốc Gia Miến Điện (NUG), do các thành viên của chính phủ dân cử trước đây và các nhân vật đối lập với chính quyền quân sự thành lập.

Theo hãng Kyodo, đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên được công bố giữa một quan chức cấp cao của Mỹ với chính quyền đối lập “dân cử” của Miến Điện.

Đối với giới quan sát, việc tiếp xúc với đại diện chính quyền dân cử Miến Điện đồng nghĩa với sự công nhận tính chính đáng của chính quyền này. Trước các đồng nhiệm trong khối ASEAN, ngoại trưởng Mỹ đã không ngần ngại “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về cuộc đảo chính quân sự” ở Miến Điện và kêu gọi ASEAN “có hành động chung để thúc giục quân đội chấm dứt bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công và khôi phục tiến trình dân chủ tại Miến Điện”.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210805-hoa-k%E1%BB%B3-v%C3%A0-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-%C4%91%E1%BA%B7c-ph%C3%A1i-vi%C3%AAn-asean-t%E1%BA%A1i-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

TNS Marco Rubio (CH): Sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Mỹ giống như một ‘vở kịch kinh dị’

Ngọc Mai

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (ảnh: Marco Rubio/Flickr).

Vào ngày 4/8, Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ tổ chức một phiên điều trần công khai để vạch trần các mối đe dọa ngày càng tăng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, trang The Hill cho hay.

Theo các quan chức, các mối đe dọa này bao gồm các hoạt động phản gián của ĐCSTQ như tấn công mạng nhằm vào các công ty và tổ chức quan trọng của Mỹ, gây ảnh hưởng xấu và đánh cắp hàng tỷ đô la tài sản trí tuệ của Mỹ.

Tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner (Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện) và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (Phó Chủ tịch Ủy ban) đã cùng kêu gọi các đồng minh quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ cùng chống lại ảnh hưởng từ ĐCSTQ.

Chủ tịch Ủy ban Mark Warner tuyên bố rằng mục đích của buổi điều trần là làm cho công chúng ở Hoa Kỳ nhận thức được ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ đối với xã hội Mỹ, bao gồm cả việc xâm nhập về học thuật, trộm cắp tài sản trí tuệ và các cuộc tấn công mạng. Ông hy vọng công chúng Mỹ sẽ gia tăng nhận thức về ĐCSTQ.  

Ông nói, “Ủy ban Tình báo [Thượng viện] hiếm khi tổ chức các phiên điều trần công khai, nhưng Phó Chủ tịch Rubio và tôi đều tin rằng câu chuyện này cần đến tai công chúng Mỹ”.

Tại buổi điều trần, cả ông Turner và ông Rubio đều công nhận ảnh hưởng lâu dài của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ là mối đe dọa đang diễn ra. Họ kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thành lập một “mặt trận hợp tác khoa học và công nghệ” với các đồng minh ở các nước dân chủ để chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.

Ông Rubio (R) nói tại phiên điều trần rằng, các thành viên của Ủy ban Tình Báo Thượng viện có một cái này sâu sắc về “vở kịch kinh dị” đang diễn ra trong thế kỷ 21 này. Ông Rubio nhấn mạnh: “Cánh tay dài của [ĐCS] Trung Quốc không phải là một mối đe dọa trong tương lai, nó đã ở đây rồi”.

Vào tháng 4, Giám đốc FBI Christopher Wray đã làm chứng với Ủy ban Tình báo Thượng viện, cơ quan này đã mở một cuộc điều tra mới rằng “cứ 10 giờ” FBI lại điều tra về hơn 2.000 trường hợp liên quan đến Trung Quốc. 

William Evanina, cựu Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, hôm thứ Tư đã làm chứng rằng chỉ riêng trong năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh cắp từ 300 tỷ đến 600 tỷ USD về tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ

Ông Evanina nhấn mạnh: “Chủ đề [về sự xâm nhập của ĐCSTQ] hôm nay … là một mối đe dọa hiện hữu, và nó là mối đe dọa chiến lược, ác độc, hung hãn và phức tạp nhất mà quốc gia của chúng ta từng phải đối mặt”. 

Các nhà lãnh đạo ủy ban lưu ý rằng, ĐCSTQ đã có thể ảnh hưởng đến các công ty và chính sách của Hoa Kỳ là vì các công ty Hoa Kỳ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc và do xu hướng của Bắc Kinh gây áp lực lên các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ để đánh cắp dữ liệu và nghiên cứu. 

Thượng nghị sĩ Rubio nói: “Ngày nay, Trung Quốc đang thực hiện vụ chuyển giao tài sản bất hợp pháp lớn nhất từ ​​quốc gia này sang quốc gia khác trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền kiểm soát nhiều hơn những gì người Mỹ có thể nói, những gì người Mỹ có thể nghe, những gì người Mỹ có thể đọc, những gì người Mỹ có thể xem, hơn bất kỳ chính phủ nước ngoài nào từng có [ảnh hưởng] trong lịch sử của chúng ta”.

Ông Warner, ông Rubio và các thành viên ủy ban khác nhấn mạnh rằng, mối quan ngại của họ về các hành động của Trung Quốc nằm ở chính phủ ĐCSTQ chứ không phải người dân Trung Quốc hay người Mỹ gốc Hoa, đồng thời kêu gọi sự cần thiết phải hành động để đối đầu với ĐCSTQ về các hành động của họ.  

Các lĩnh vực bất đồng khác giữa Washington và Bắc Kinh bao gồm lo ngại về cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với Hồng Kông và cách đối xử của họ với nhóm dân tộc Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Ngọc Mai

https://www.dkn.tv/the-gioi/tns-marco-rubio-su-tham-nhap-cua-dcstq-vao-my-giong-nhu-mot-vo-kich-kinh-di.html

Đô đốc Aquilino: Mỹ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để bảo đảm thịnh vượng cho tất cả các nước

Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp:  Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz tại Biển Đông ngày 06/07/2020.
Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp: Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz tại Biển Đông ngày 06/07/2020. AP – Petty Officer 3rd Class Jason Tarleton

Đô đốc John C. Aquilino, tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacom), khẳng định Indo-Pacom dành nhiều thời gian với các đồng minh và đối tác của Washington để làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, bảo đảm quyền tự do hàng hải cho tất cả, duy trì ổn định, hòa bình và sự thịnh vượng chung của khu vực, bảo đảm rằng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế được duy trì và các đòi hỏi bất hợp pháp không thể được đưa ra mà không bị phản đối. Quảng cáo

Những tuyên bố trên được đô đốc Aquilino đưa ra hôm qua, 04/08/2021, tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado, Mỹ. Theo trang mạng của bộ Quốc Phòng Mỹ, đô đốc John C. Aquilino nhấn mạnh Indo-Pacom tập trung mối quan tâm vào các hoạt động của Trung Quốc, bởi hành động của nước này thường không khớp với các phát biểu của Bắc Kinh. Tư lệnh bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương khẳng định điều ông quan tâm nhất không phải là lời nói, mà là hành động của Bắc Kinh.

Một trong những mối quan tâm đặc biệt của Indo-Pacom là các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, mà theo đô đốc Aquilino, đang ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia trong khu vực. Đô đốc Aquilino khẳng định khoảng 1/3 lượng khí thiên nhiên hóa lỏng trung chuyển qua Biển Đông và 1/4 giao thương toàn cầu được thực hiện qua vùng biển này. Các quốc gia giáp Biển Đông cũng phải dựa vào nguồn tài nguyên của vùng biển này. Biển Đông cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực.

Theo đô đốc Aquilino, những yêu sách trái phát luật của Bắc Kinh đối với toàn bộ Biển Đông có “tác động trực tiếp và tiêu cực đến mọi quốc gia trong vùng”, gây hại cho sinh kế của người dân trong khu vực, cho dù đó là các hoạt động đánh bắt cá, hay tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương khẳng định “việc thực thi các biện pháp răn đe tổng hợp” của Indo-Pacom phải được tiến hành ngay lập tức và phải coi đó là “nhu cầu cấp bách”. Vị đô đốc cũng nhấn mạnh Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương suốt hơn 80 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy để bảo đảm hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng.

Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210805-aquilino-m%E1%BB%B9-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-th%E1%BB%8Bnh-v%C6%B0%E1%BB%A3ng

(AFP) – Covid-19: Anh Quốc bỏ cách ly đối với du khách Pháp đã được chích các vac-xin châu Âu và Mỹ phê duyệt. Thông báo được chính phủ Anh đưa ra tối hôm qua 04/08/2021 và có hiệu lực từ Chủ Nhật 08/08, nhưng chỉ được áp dụng cho những người đến từ Pháp lục địa, chứ không phải người Pháp từ lãnh thổ hải ngoại, nơi dịch đang diễn biến nghiêm trọng. Cách nay 3 tuần, chính quyền của thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích là “phân biệt đối xử” khi ra quy định du khách Pháp đến Anh phải có chứng nhận y tế với lý do phòng ngừa biến thể Beta đang lây lan ở Pháp.

(Reuters) – Covid-19: Mỹ sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ. Một đại diện của Nhà Trắng hôm qua 04/08/2021 cho biết kế hoạch nói trên. Tuy mở cửa trở lại cho du khách, nhưng các biện pháp hạn chế vẫn chưa được chính quyền dỡ bỏ, vì số ca nhiễm mới thường nhật vẫn tăng trong cả nước.

(Reuters) – Úc sẽ bồi thường tổn thất cho thân nhân của những nạn nhân thuộc “thế hệ bị đánh cắp”. Chính quyền Úc hôm nay, 05/08/2021, thông báo một số thân nhân của các nạn nhân của chính sách cưỡng bức trẻ em thổ dân rời khỏi gia đình trong khuôn khổ chiến dịch đồng hóa sẽ được nhận 75.000 đô la Úc. Những người dưới 18 tuổi từng bị bắt cóc khỏi gia đình trong khuôn khổ chính sách nói trên cũng sẽ được bồi thường. Các cộng đồng thổ dân Úc hoan nghênh quyết định của thủ tướng, nhưng cho rằng vẫn còn nhiều điều chính phủ phải làm để đi đến hòa giải.  

(RFI) – OSCE sẽ không cử quan sát viên cho cuộc bầu cử ở Nga. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 04/08/2021 thông báo  “sẽ không thể cử” các quan sát viên đến Nga theo dõi cuộc bầu cử Quốc Hội dự kiến vào tháng 9, do những hạn chế về số quan sát viên mà Matxcơva áp đặt. Theo OSCE, quyền “ấn định một cách độc lập số lượng quan sát viên” là “cần thiết cho bất kỳ cuộc quan sát quốc tế nào”.

(AFP) – Hoa Kỳ: Donald Trump cố ngăn chặn lệnh gửi các bản khai thuế cho Hạ Viện Mỹ. Các luật sư của Donald Trump đã đệ đơn khiếu nại vào hôm qua, 04/08/2021, nhằm ngăn chặn việc gửi các tờ khai thuế của cựu tổng thống Mỹ đến Hạ Viện Mỹ, đang do đảng Dân Chủ kiểm soát. Lý do khiếu nại được nêu lên là yêu cầu giao nộp này xuất phát từ động cơ chính trị. Ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ những năm 1970 liên tục từ chối tiết lộ bản khai thuế của mình.

(Reuters) – Ca sĩ Rihanna chính thức trở thành tỷ phú, theo bảng xếp hạng của Forbes. Ca sĩ kiêm doanh nhân Rihanna đã trở thành ca nhạc sĩ giàu nhất thế giới, với tài sản ước tính lên đến 1,7 tỷ đô la, theo bảng xếp hạng mà tạp chí Mỹ Forbes công bố vào hôm qua, 04/08/2021. Tuy nhiên, nguồn tài sản chính của ca sĩ người gốc đảo Barbados, vùng Caribê, không phải là âm nhạc, mà là từ các công ty mỹ phẩm và đồ lót mà cô nắm phần hùn. Ca sĩ nổi tiếng với các ca khúc như “Umbrella” hay “Diamonds” hiện là người phụ nữ giàu thứ hai trong giới showbiz thế giới, sau Oprah Winfrey, một người dẫn chương trình và nhà sản xuất người Mỹ. 

(AFP) – Ấn Độ thử tầu sân bay tự đóng. Trong tuần này Ấn Độ tiến hành các hoạt động chạy thử con tàu sân bay tự đóng đầu tiên. Tàu sân bay INS Vikrant, dài 262 mét, bắt đầu các thử nghiệm ngoài khơi Kerala miền nam Ấn Độ từ hôm qua. Đây là chiếc tàu sân bay thứ 2 của hải quân Ấn Độ sau tàu INS Vikramaditya, do Liên Xô đóng và được mua về năm 2004. Hải quân Ấn Độ đang thuyết phục chính phủ để được trang bị thêm chiếc tàu sân bay thứ 3. Trung Quốc, nước đang tranh giành ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ Dương hiện cũng đã có 3 tàu sân bay. Theo chính quyền Ấn Độ, hiện tại nước này đang tiến hành đóng khoảng 44 tàu chiến và tàu ngầm. 

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu triệu mời đại biện Belarus tại Bruxelles. Cơ quan ngoại giao châu Âu hôm qua đã triệu đại biện sứ quán Belarus tại Bruxelles lên để yêu cầu  Minsk ngừng ngay lập tức hành động lợi dụng chính trị hóa người tị nạn. Sự việc liên quan đến Litva, một nước thành viên của EU. Litva cho biết từ đầu năm nay đã ghi nhận có 2000 di dân mới đến từ Irak và đã vượt trái phép qua biên giới với Belarus. Chính quyền Litva nghi ngờ Minsk được Nga ủng hộ đã tổ chức dòng người di dân này để trả đũa các đòn trừng phạt của EU.

(AFP) – Israel không kích vào Liban. Hôm nay, 05/08/2021, không quân Israel nhận đã tiến hành các đợt oanh kích đầu tiên kể từ nhiều năm nay tại Liban, đồng thời khẳng định đợt oanh kích này nhắm vào các địa điểm đã phóng rốc két từ Liban về Israel. Theo thông cáo của quân đội Israel, không quân nước này vẫn thường xuyên không kích vào các vị trí tình nghi của lực lượng hồi giáo Palestine Hamas trong dải Gaza, cũng như tiến hành các đợt không kích tại Syria vào những thành phần thân Iran. Nhưng lần không kích vào Liban gần đây nhất của Israel là vào năm 2014.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210805-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p