Tin Tổng Hợp – 5/7/21
Lít-va lại bị sốc vì sự đền đáp của người Đài Loan: Khuyên góp 1 tháng bằng Lít-va gây quỹ 14 năm
Để cảm ơn Litva đã quyên góp 20.000 liều vắc-xin, người dân Đài Loan đã quyên góp cho các tổ chức phúc lợi xã hội địa phương khác nhau thông qua một nền tảng gây quỹ từ thiện quốc tế, bao gồm Quỹ cho trẻ em ung thư. Quỹ này cho biết, họ đã nhận được kết quả gây quỹ bằng 14 năm huy động chỉ trong vòng một tháng, trang Epoch Times cho hay.
Nhà văn Đài Loan Trương Tịnh Nhân, người đang làm công tác từ thiện quốc tế, đã mời mọi người quyên góp tiền cho các tổ chức phúc lợi xã hội của Litva để bày tỏ lòng biết ơn của họ trên Facebook vào ngày 23/6. Ngay sau khi bài đăng được đăng tải, các khoản quyên góp từ người dân Đài Loan đổ về các quỹ của Litva như thủy triều. Nhà văn mô tả vụ việc như một “phép màu”. Các phương tiện truyền thông Litva cũng chú ý đến nghị lực từ thiện của người dân Đài Loan.
Vài ngày trước, “Trung tâm cho người mang thai có nguy cơ cao” đã nhận được 770 lượt quyên góp từ Đài Loan, khiến 4 dự án gây quỹ của họ vượt qua mục tiêu ban đầu. Đây cũng là số tiền quyên góp lớn nhất nhận được kể từ khi thành lập tổ chức, đặc biệt là trên Facebook.
Mới đây, Edita Abrukauskienė, Giám đốc Quỹ Ung thư Trẻ em, nói với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan rằng sự hảo tâm của người Đài thật sự đã gây ra bất ngờ lớn. Từ ngày 23/6 đến ngày 2/7, trong vòng chưa đầy 10 ngày, người dân Đài Loan đã quyên góp ít nhất 25.000 Euro. Bà nói “Ngay cả những khoản quyên góp nhỏ cũng có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi và sẽ được sử dụng để cứu sống mạng người”.
Giám đốc điều hành của Liên minh các bà mẹ cho biết tổ chức này đã từng quyên góp được trung bình 300 đô-la Mỹ trong một tháng trên nền tảng gây quỹ từ thiện quốc tế GlobalGiving, nhưng hiện tại họ đã nhận được khoảng 50.000 đô-la Mỹ chỉ tính riêng trong tháng 6. Kết quả có thể đạt được sau 170 tháng là “tất cả là nhờ người Đài Loan”.
Tổng dân số của Lithuania là ít hơn 3 triệu. Bà nói rằng đối với 23 triệu người dân ở Đài Loan, vắc-xin củaLithuania chỉ là 20.000 liều, có thể là rất tầm thường. Nhưng người Đài Loan đã đền đáp bằng những tất cả tấm lòng và bà rất ngưỡng mộ vì điều đó. Bà cho biết” “Điều mà thế giới thiếu nhất hiện nay là tình hữu nghị và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các quốc gia”.
Phụng Minh
Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh tái lập lòng tin để cứu vãn Hiệp định Đầu tư Song phương
Tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh, do chính quyền Trung Quốc tổ chức, ngày 04/07/2021, đặc sứ Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh đối thoại chính trị để tái lập lòng tin, nhằm cứu vãn Hiệp định Đầu tư Song phương (CAI).
Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, đặc sứ Liên Âu tại Trung Quốc, ông Nicolas Chapuis, khẳng định không gian đối thoại chính trị giúp cho « sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau » giữa châu Âu và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng trong 18 tháng qua. Đặc sứ Nicolas Chapuis lo ngại thái độ « quá hung hăng » của Bắc Kinh đang gây trở ngại cho việc cải thiện quan hệ, cụ thể là việc thông qua Hiệp định Đầu tư Song phương.
Hiệp định Đầu tư Song phương Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc hiện đang bị Nghị Viện Châu Âu đình chỉ việc phê chuẩn. Các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là tại Tân Cương, đã buộc Liên Âu phải đưa ra nhiều trừng phạt. Bắc Kinh đã đáp trả. Theo ông Nicolas Chapuis, Trung Quốc đã đi quá xa khi « tấn công vào giới nghị sĩ châu Âu », bởi mà đối với một nền dân chủ, « tấn công các dân biểu tức là nhắm vào toàn bộ đất nước».
Đặc sứ Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại chính sách này, cũng như tiến hành phê chuẩn công ước quốc tế về lao động cưỡng bức, mở cửa cho các đầu tư châu Âu. Đây là các điều kiện tiên quyết để Nghị Viện Châu Âu có thể xem xét trở lại Hiệp định Đầu tư Song phương Liên Âu – Trung Quốc.
Cũng tại Diễn đàn nói trên, nhiều nhà ngoại giao châu Âu đã khẳng định đối thoại về nhân quyền là điều kiện căn bản giúp cải thiện quan hệ Âu – Trung. Theo Bloomberg, đại sứ Anh tại Trung Quốc, bà Caroline Wilson, nhấn mạnh rằng nhân quyền là « vấn đề nguyên tắc », không phải là công cụ cho các cạnh tranh « địa chính trị».
Việc các nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh đến vấn đề đối thoại chính trị, tôn trọng nhân quyền trong quan hệ với Trung Quốc diễn ra trước thềm cuộc đối thoại ba bên Pháp – Đức – Trung qua mạng hôm nay, 05/07/2021, theo phủ tổng thống Pháp. Tương lai của Hiệp định Đầu tư Song phương Liên Âu – Trung Quốc có thể là chủ đề của cuộc thảo luận giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trọng Thành
Toán đặc nhiệm mới sẽ điều tra vi phạm nhân quyền ở Myanmar
Một toán đặc nhiệm mới được thành lập hôm thứ Hai 5/7 để điều tra bằng chứng vi phạm nhân quyền ở Myanmar trong hơn 5 tháng sau khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi và khiến đất nước Đông Nam Á rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Dự án Myanmar Witness (Nhân chứng Myanmar) do chính phủ Anh tài trợ cho biết họ sẽ chia sẻ thông tin với Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên hợp quốc về Myanmar, cơ quan đang điều tra các các tội phạm quốc tế bị tình nghi ở Myanmar.
Reuters không thể liên lạc được với phát ngôn viên của chính quyền Myanmar để yêu cầu bình luận.
Sáng kiến mới được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây tìm cách gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền quân sự Myanmar về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, với việc Liên Hợp Quốc cho biết hơn 880 người đã bị lực lượng an ninh giết hại kể từ cuộc đảo chính – một con số mà chính quyền nói là phóng đại.
Myanmar Witness cho biết “sẽ độc lập thu thập, bảo quản, xử lý, điều tra, xác minh và xem xét các sự cố có thể đã vi phạm nhân quyền.”
Nhóm này cho biết họ sẽ khuyến khích người dân cung cấp thông tin và tự xác minh độc lập các vụ việc trên mạng xã hội – nơi người dân Myanmar đăng hình ảnh và video về các vụ giết người, hành hung và các vụ lạm dụng khác.
Myanmar Witness cho biết họ đã phát hiện và xác minh bằng chứng về các vụ trả đũa của quân đội Myanmar, pháo kích vào các khu vực dân sự và các đền chùa tôn giáo và các dấu hiệu cho thấy ý định hãm hại, nếu không muốn nói là giết hại người biểu tình.
Các quốc gia phương Tây và các nhóm bênh vực nhân quyền đã lên án hành động tàn bạo của lực lượng an ninh ở Myanmar. Trong khi đó chính quyền quân quản Myanmar nói rằng họ chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
(AFP) – Sạt lở bùn đất tại Nhật: Vẫn còn 80 người mất tích. Công tác cứu hộ hôm nay 05/07/2021 vẫn đang được tiến hành ở thành phố Atami, miền trung Nhật Bản, sau vụ sạt lở bùn gây chết người hôm thứ Bảy 03/07. Theo các quan chức tỉnh Shizuoka, lở đất đã cuốn trôi ít nhất 130 ngôi nhà và tòa nhà ở Atami. Đã có 3 người đã thiệt mạng. Còn 22 người mắc kẹt do lũ lụt đã được giải cứu. Chính quyền cho biết có 215 người sống sót trong khu vực bị thiên tai lần này.
(Reuters) – Vac-xin ngừa Covid-19 của tập đoàn dược phẩm Sanofi sẽ được lưu hành trước tháng 12/2021. Chủ tịch Sanofi Pháp, Olivier Bogillot, hôm nay 05/07/2021 tuyên bố trên đài France Inter như trên. Vac-xin ngừa Covid-19 của Sanofi không được sản xuất theo công nghệ ARN, mà với công nghệ được dùng trong sản xuất vac-xin ngừa cúm đã được thông qua cách nay vài năm.
(AFP) – Lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Trung Quốc họp trực tuyến. Theo nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp, tổng thống Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, 05/07/2021, đã có cuộc họp trực tuyến. Giữa châu Âu và Trung Quốc hiện có nhiều chủ đề gây căng thẳng như Hồng Kông, Đài Loan, và Biển Đông, cũng như tương lai của thỏa thuận đầu tư Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc.
(AFP) – RSF cập nhật danh sách «những hung thần của tự do báo chí». Trong ấn bản năm 2021 công bố hôm nay, 05/07/2021, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới lần đầu tiên nêu tên một lãnh đạo thuộc Liên Hiệp Châu Âu : Thủ tướng Hungary, Viktor Orban. Gần một nửa (17) trong số 37 nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo chính phủ trong danh sách « hung thần của tự do báo chí », năm nay lần đầu bị điểm tên, trong số này có tổng thống Syria Bachar al Assad, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko, tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Phái nữ năm nay không kém cạnh. Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và nữ thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng nằm trong số những gương mặt « hung thần » mới của báo chí.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210705-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p