Tin Tổng Hợp – 5/4/22: TT Zelensky phát biểu trực tuyến trong cuộc họp HĐBA LHQ; Mỹ đứng đầu về tặng vaccine cho csvn; Covid-19: Thượng Hải phong tỏa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 5/4/22: TT Zelensky phát biểu trực tuyến trong cuộc họp HĐBA LHQ; Mỹ đứng đầu về tặng vaccine cho csvn; Covid-19: Thượng Hải phong tỏa

Chiến tranh Ukraina: Tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến trong cuộc họp Hội Đồng Bảo An

Theo thông báo của Anh Quốc, nước hiện là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, định chế này sẽ họp lại vào hôm nay, 5/4/22 để bàn về cuộc tấn công Ukraina của Nga, đặc biệt là những vụ thảm sát thường dân tại những khu vực bị lực lượng Nga chiếm đóng. Lần đầu tiên từ ngày Nga khởi động cuộc chiến hôm 24/02, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phát biểu trước Hội Đồng thông qua cầu truyền hình.

Trong một video được phát đi vào khuya hôm qua, rạng sáng hôm nay, tổng thống Zelensky cho biết là trong bài phát biểu của mình, ông sẽ kêu gọi quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và trang bị thêm vũ khí cho Ukraina. Ông cũng sẽ đề cập đến các vụ thảm sát thường dân mà ông cáo buộc là do lính Nga tiến hành. Theo ông Zelensky: “Sẽ đến lúc tất cả những người Nga đều biết được toàn bộ sự thật về việc ai trong số những đồng hương của họ là kẻ sát nhân, ai đã ra lệnh”.

Trước đó, trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraina đã đích thân đến thị sát thị trấn Bucha, nằm cách thủ đô Kiev khoảng 30 km về phía tây bắc, nơi hàng chục thi thể thường dân Ukraina được phát hiện sau khi lực lượng Nga rút đi.

Trên mạng Twitter, phái bộ Anh tại Liên Hiệp Quốc xác nhận phát biểu được dự trù của tổng thống Ukraina, và khẳng định thêm là trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Bảo An, Anh Quốc sẽ bảo đảm sao cho “sự thật về các tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraina” được nghe thấy.

Nga đã kiên quyết bác bỏ những tố cáo của Ukraina. Trong cuộc họp báo tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, đại sứ Nga Vasily Nebenzia đã cáo buộc Ukraina “dàn dựng” thi thể của những thường dân thiệt mạng ở Bucha, gọi những hình ảnh và video được công bố về vụ này là các bằng chứng “giả mạo và dối trá”. Đại sứ Nga hứa sẽ cung cấp bằng chứng “thật” vào hôm nay.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng “không thể loại trừ việc thường dân bị chết trong chiến tranh”. Theo hãng AFP, việc đại diện Nga sử dụng từ “chiến tranh” đáng chú ý vì cho đến nay, Matxcơva luôn luôn gọi cuộc chiến Ukraina là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina.

Cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay là một sự kiện đã được lên kế hoạch từ trước đây với sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres. Nga đã từng yêu cầu triệu tập khẩn cấp một phiên họp của Hội Đồng Bảo An vào hôm qua, 04/04 để bàn về điều mà Matxcơva gọi là “hành động khiêu khích” của Ukraina ở Bucha, nhưng đòi hỏi của Nga đã bị Anh Quốc bác bỏ với lý do là đã có cuộc họp được dự trù vào hôm nay, với một chương trình nghị sự bao quát hơn.

Cũng liên quan đến các vụ thảm sát thường dân tại Ukraina, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua cho biết rằng ông muốn thấy một “phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh” được mở ra sau vụ phát hiện các thi thể trong quần áo dân sự ở Bucha.

Một lần nữa, tổng thống Mỹ đã gọi đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, là một “tội phạm chiến tranh”, một con người “tàn bạo… phải chịu trách nhiệm” về thảm cảnh đang diễn ra.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220405-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-zelensky-ph%C3%A1t-bi%E1%BB%83u-tr%E1%BB%B1c-tuy%E1%BA%BFn-trong-cu%E1%BB%99c-h%E1%BB%8Dp-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an

Mỹ đứng đầu về tặng vaccine COVID-19 cho Việt Nam, gần 38 triệu liều

05/04/2022 – VOA Tiếng Việt

Một lô vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ viện trợ cho Việt Nam.
Một lô vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ viện trợ cho Việt Nam.

Mỹ hiện là nước trợ giúp vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất cho Việt Nam, với tổng cộng gần 38 triệu liều sau nhiều đợt bàn giao tính đến nay, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói trên trang Facebook chính thức của họ hôm 5/4.

Riêng trong vòng 1 tuần qua, chính phủ Mỹ tặng Việt Nam hơn 1,7 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech qua chương trình COVAX, vẫn theo đại sứ quán.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai chương trình vaccine COVID-19 một cách hiệu quả và thành công”, Đại sứ quán Mỹ khẳng định.

Trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch, Mỹ không chỉ viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam mà còn giúp bằng một số chương trình hỗ trợ cũng như cung cấp một loạt thiết bị khác, trong đó có hơn 110 tủ đông âm sâu, 100 máy thở, 2 máy giải trình tự gien, 1 hệ thống tạo oxy lỏng di động, hàng trăm nghìn khẩu trang chất lượng cao, v.v… với tổng giá trị lên đến gần 23,5 triệu đô la, theo công bố của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID).

Trên bình diện toàn cầu, Mỹ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho cơ chế COVAX, và thông qua USAID, chính phủ Mỹ đã đóng góp 4 tỷ đô la để hỗ trợ COVAX mua và phân phối vaccine COVID-19 tới 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được tổng cộng hơn 207 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Trong đó, hơn 71 triệu liều là tiêm mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 là hơn 68 triệu liều và mũi 3 là hơn 1,5 triệu liều.

Số ca nhiễm hàng ngày ở Việt Nam giảm mạnh xuống còn khoảng 50.000 – 55.000 trong 3 ngày nay từ mức kỷ lục 180,5 nghìn ca cách đây gần 3 tuần.

Đại dịch đã làm hơn 42.600 người thiệt mạng ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ 0,4% trên tổng số ca nhiễm. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua là 38.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dung-dau-ve-tang-vaccine-covid-19-cho-viet-nam-gan-38-trieu-lieu/6515918.html

Covid-19: Thượng Hải phong tỏa toàn thành phố

Medical worker in protective suit, Shanghai, 4 April 2022

Chính quyền Thượng Hải tuyên bố áp dụng lệnh phong tỏa cho toàn bộ 25 triệu dân sau khi số ca nhiễm Covid bùng phát mạnh ở thành phố này.

Cho tới giờ, phong tỏa được áp dụng riêng rẽ cho hai nửa đông và tây Thượng Hải, nhưng giờ đây toàn thành phố sẽ bị phong tỏa vô thời hạn.

Thượng Hải là thành phố lớn nhất bị phong tỏa cho tới nay.

Trung tâm tài chính quan trọng này phải đối mặt với một làn sóng Covid mới từ hơn một tháng nay. Q

Giới chức đã ra tay sau khi số ca nhiễm mới lên tới hơn 13.000 ca/ngày, mặc dù con số này không phải là cao so với nhiều nước khác.

Người dân ở một số khu cho biết chính sách phong tỏa nghiêm ngặt có nghĩa không ai được phép ra khỏi khu dân cư, thâm chí chỉ để nhận hàng thiết yếu.

Người dân nói họ gặp khó khăn khi đặt thực phẩm và nước uống trên mạng. Có mặt hàng họ chỉ được mua với số lượng hạn chế vì thiếu nguồn cung ứng hay nhân viên giao hàng.

Phân tích của Stephen McDonell, Phóng viên thường trú BBC tại Trung Quốc

Chính sách zero Covid của Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn.

Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện phong tỏa trước đây, nhưng không trên phạm vi lớn như siêu đô thị Thượng Hải lần này.

Thách thức về cung ứng hàng thiết yếu cho 25 triệu người đến tận nhà của họ là vô cùng lớn.

Mạng xã hội ở đây những ngày này đầy những người dân phàn nàn họ không thể đặt thực phẩm vì hệ thống giao hàng bị nghẽn.

Các cơ sở cách ly tập trung – nhiều nơi phải dùng giường xếp và không có chỗ tắm – chật cứng người nhiễm Covid nằm chen chúc.

Một trong số ít những kênh truyền thông đáng tin cậy, Caixin, đưa tin rằng những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm sẽ được đưa tới các tỉnh lân cận. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người dân Thương Hải.

Chiến lược xóa bỏ Covid hoàn toàn của Trung Quốc gần như trở thành câu thần chú, với chính phủ nước này chế nhạo các quốc gia khác đã hy sinh người dân của mình để mở cửa.

Một số chuyên gia y tế ở đây tìm cách gửi thông điệp rằng với những người đã tiêm chủng, nhiễm Omicron không nhất thiết khiến họ phải vào viện – rằng bạn có thể tự điều trị ở nhà và tự khỏi.

Ít người ở Trung Quốc biết điều này. Giới chức và truyền thông nhà nước không cho họ biết. Vậy nên phong tỏa được tiếp tục và không chỉ riêng cho Thượng Hải. Thành phố Cát Lâm (3,6 triệu dân), Trường Xuân (9 triệu dân), Từ Châu (9 triệu dân), thành phố gang thép Đường Sơn (7,7 triệu dân) và nhiều thành phố và làng mạc khác đang bắt người dân ở trong nhà.

Sức ép lên con người, và chi phí kinh tế của tất cả những đợt phong tỏa này, chắc hẳn là rất lớn.

Policemen and staff workers get tested for the coronavirus disease (COVID-19) at a makeshift nucleic acid testing centre inside barriers of an area under lockdown amid the coronavirus disease (COVID-19) pandemic, in Shanghai, China March 24, 2022
Chụp lại hình ảnh, Xét nghiệm Covid tại một trung tâm ở Thượng Hải hồi cuối tháng Ba

Thượng Hải đang là phép thử cho chủ trương zero Covid của Trung Quốc, trong bối cảnh sự tức giận của dân chúng về các quy định cách ly ngày một lớn.

Chính sách này khiến Trung Quốc một mình một kiểu so với hầu hết các quốc gia khác đang chung sống với virus.

Nhưng khả năng lây lan nhanh cũng như tính chất nhẹ hơn của biến thể Omicron đặt ra nhiều câu hỏi liệu chiến lược hiện nay có bền vững trong tương lai không.

“Hiện nay, công tác phòng chống Covid của Thượng Hải đang trong giai đoạn khó khăn nhất và quan trọng nhất,” Wu Qianyu, một quan chức của ủy ban y tế thành phố nói.

“Chúng ta phải tuân thủ chính sách chung là tích cực quét sạch Covid không chần chừ, không nao núng.”

Hôm thứ Hai, Thượng Hải ghi nhận số ca không triệu chứng kỷ lục với 13.086 ca, sau khi chương trình xét nghiệm toàn thành phố lấy mẫu từ 25 triệu dân trong vòng 24 giờ.

Ít nhất 38.000 người đã được điều động tới Thượng Hải từ những khu vực khác, trong cái mà truyền thông nhà nước gọi là chiến dịch y tế toàn quốc lớn nhất kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa hồi đầu năm 2020.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60998260

(AFP) – Bắc Kinh lại kêu gọi Matxcơva và Kiev hòa đàm. Trong bối cảnh quốc tế đang tập trung tố cáo Nga về các vụ sát hại thường dân, ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Ukraina, nhấn mạnh «điều quan trọng là rút ra bài học từ kinh nghiệm đau thương này để duy trì đúng đắn an ninh bền vững tại châu Âu». Bắc Kinh cho đến nay vẫn từ chối lên án cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraina. Cuộc điện đàm tối thứ Hai 04/04/2022 giữa ngoại trưởng Vương Nghị và đồng nhiệm Dmytro Kouleba là cuộc trao đổi đầu tiên của lãnh đạo cấp cao hai nước kể từ ngày 01/03/2022.

(AFP) – Nhật Bản tiếp đón 20 người Ukraina chạy trốn khỏi chiến tranh. Đây là 20 người Ukraina đã sang Ba Lan lánh nạn khi chiến tranh nổ ra và được ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tiếp nhận khi sang thăm Vac-xa-va. Chuyến bay của chính phủ Nhật chở họ đã hạ cánh xuống sân bay Tokyo hôm nay 05/04/2022. Những người được «giải cứu» lần này được cấp visa 90 ngày, sau đó là thẻ cư trú từng năm cho phép họ tìm việc làm. Nhưng họ chỉ được lưu trú 5 năm tại Nhật. Từ trước tới nay, Nhật Bản vẫn hạn chế việc tiếp nhận người tị nạn, mỗi năm chỉ nhận vài chục người trong số hàng ngàn người nộp hồ sơ.

(AFP) – Tội ác chiến tranh ở Ukraina: Viện công tố quốc gia Pháp chống khủng bố (Pnat) mở 3 cuộc điều tra mới. Theo thông cáo hôm nay 5/4/22 của Pnat, đây là các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh nhắm vào công dân Pháp tại Ukraina từ khi Nga tấn công vào nước này. Tư pháp Pháp chỉ có thể thực hiện các cuộc điều tra bên ngoài lãnh thổ trong trường hợp nạn nhân là người Pháp, hoặc thủ phạm thường trú trên lãnh thổ Pháp.

(WB) – Ngân Hàng Thế Giới giảm dự báo tăng trưởng vùng Đông Á xuống còn 5%. Trong báo cáo Cập Nhật Tình Hình Kinh Tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4 năm 2022 với tựa đề «Đương đầu Bão tố», công bố hôm nay, 05/04/2022, Ngân Hàng Thế Giới nhận định đà phục hồi kinh tế tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bị ba yếu tố chủ chốt đe dọa: Chiến tranh tại Ukraina, chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Trên cơ sở đó, Ngân Hàng Thế Giới đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực xuống còn 5% trong năm 2022, thấp hơn 0,4 điểm so với dự báo 5,4% vào tháng 10/2021.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220405-tin-tong-hop

(Reuters) – Covid-19: Trung Quốc tung quân đội vào chiến dịch xét nghiêm tại Thượng Hải. Hơn 2000 quân nhân và hàng chục ngàn nhân viên y tế đã được huy động vào chiến dịch xét nghiệm tầm soát diện rộng 26 triệu dânvào hôm nay 4/4/22. Một số người dân Thượng Hải được yêu cầu dậy từ trước khi trời sáng để làm xét nghiệm ngay tại khu vực sinh sống. Nhiều người xếp hàng chờ xét nghiệm khi vẫn đang mặc quần áo ngủ. Nhiều tỉnh và cả thủ đô Bắc Kinh đã cử tổng cộng 10.000 nhân viên y tế đến hỗ trợ chiến dịch xét nghiệm tầm soát của Thượng Hải.

(AFP) – Thủ tướng Pakistan bất ngờ thoát khỏi phiên bỏ phiếu truất phế ở Quốc hội. Vào đầu phiên họp xem xét khả năng truất phế thủ tướng, được tổ chức ngày 03/04/2022, phó chủ tịch Quốc hội, vốn thân cận với thủ tướng Imran Khan, đã bất ngờ thông báo từ chối bỏ phiếu vì cho rằng việc này trái Hiến Pháp. Ngay sau đó, thủ tướng Imran Khan tố cáo «sự can dự của nước ngoài» để lật đổ ông và đề nghị tổng thống giải tán Quốc Hội, triệu tập bầu cử lập pháp trong 3 tháng tới. Sáng hôm nay 04/04, Tòa tối cao Pakistan bắt đầu xem xét liệu lý do giải tán Quốc Hội có hợp hiến không.

(AFP) – Serbia: Tổng thống mãn nhiệm tuyên bố thắng cử. Hôm qua, 03/04/2022, cử tri Serbia được kêu gọi bầu chọn mới tổng thống và 250 nghị sĩ cũng như nhiều dân biểu hội đồng xã, trong đó có thủ đô Beograd. Tổng thống mãn nhiệm Aleksandar Vucic, tuyên bố đảng Serbia Tiến Bộ đã giành được gần 44% phiếu bầu cho cuộc bầu cử lập pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay, 04/04, có lời chúc mừng và hoan nghênh mối quan hệ «đối tác chiến lược» giữa Beograd và Matxcơva.

( AFP ) – Hồng Kông: Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ không tái ứng cử. Hôm nay, 4/4/22, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo là bà sẽ rút lui vào tháng 6, sau một nhiệm kỳ đầy biến động với các cuộc biểu tình đòi dân chủ và thành phố bị cô lập với thế giới do đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Hồng Kông cho biết bà sẽ không tái ứng cử vào tháng 5 khi một ủy ban chỉ định trưởng đặc khu mới và như vậy khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/06, bà sẽ rút khỏi chính quyền. 

( AFP ) – Sri Lanka Tổng thống kêu gọi đối lập tham gia chính phủ. Hôm nay, 04/042022, tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã kêu gọi phe đối lập tham gia vào một chính phủ “đoàn kết dân tộc”, trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân xuống đường đòi ông từ chức do tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Trong đêm qua, 26 bộ trưởng cùng với thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã đệ đơn từ chức. Tổng thống đã bổ nhiệm lại 4 bộ trưởng và sẽ bổ nhiệm các ghế còn lại sau khi thảo luận với phe đối lập. Nhưng lãnh đạo chính của phe đối lập Sajith Premadasa đã tuyên bố sẽ không tham gia một chính phủ vẫn do người anh của tổng thống, Mahinda Rajapaksa, làm thủ tướng.

( AFP ) – Pháp: Lại biểu tình bạo động tại đảo Corse. Cũng như những lần trước, hôm qua, 4/4/22, cuộc biểu tình tưởng niệm Yvan Colonna, nhà hoạt động đòi độc lập cho đảo Corse, tại thành phố Ajaccio, đã biến thành xung đột dữ dội với cảnh sát. Theo nhà chức trách, đã có 15 người bị thương, gồm 14 người biểu tình và một cảnh sát. Colonna, kẻ sát hại tỉnh trưởng đảo Corse Claude Erignac, đã bị một phạm nhân Hồi giáo cực đoan hành hung trong tù và sau nhiều ngày hôn mê đã qua đời ngày 21/03. Bạo động hôm qua đã khiến chính phủ Pháp phải dời lại các cuộc thảo luận về khả năng cho đảo Corse được hưởng quy chế tự trị.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220404-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p