Tin Tổng Hợp – 5/10/22: Mỹ, Nam Hàn bắn nhiều tên lửa, sau Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo; Putin tiếp quản nhà máy hạt nhân của Ukraine; Gỗ Nga ‘đội lốt’ Trung Hoa qua ngả Việt Nam để tránh Mỹ trừng phạt;

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 5/10/22: Mỹ, Nam Hàn bắn nhiều tên lửa, sau Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo; Putin tiếp quản nhà máy hạt nhân của Ukraine; Gỗ Nga ‘đội lốt’ Trung Hoa qua ngả Việt Nam để tránh Mỹ trừng phạt;

Mỹ, Hàn Quốc bắn nhiều tên lửa ra biển, một ngày sau Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

05/10/2022 – Thanh Phương

Theo bộ tổng tham mưu Hàn Quốc, hôm nay, 05/10/2022, quân đội Hàn Quốc và quân đội Hoa Kỳ mỗi bên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ATACMS “để tấn công với độ chính xác cao vào một mục tiêu ảo trên biển Nhật Bản”. Đây là hành động của liên minh Mỹ-Hàn nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng hôm qua bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung gian ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. 

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận thất bại của vụ phóng tên lửa tầm ngắn thứ năm Hyunmoo-2. Tên lửa này đã rơi ít lâu sau khi được bắn lên.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:

“Sáng sớm hôm nay, liên minh Mỹ Hàn tiếp tục bắn 4 tên lửa chiến thuật tầm ngắn (ATACMS) vào các mục tiêu giả định trên biển. Tiếp theo kế hoạch răn đe, tàu sân bay Reagan đã được điều động quay trở lại Hàn Quốc. Đây được xem là một động thái bất thường của liên minh. Tham mưu trưởng liên quân giải thích rằng điều này chứng tỏ khả năng tác chiến khẩn cấp của các lực lượng tổng hợp trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích tiếp theo của Bắc Triều Tiên. Và các hành động đáp trả đều được quyết định với sự tham vấn bộ trưởng Quốc Phòng của Mỹ và Hàn Quốc.

Phía quân đội Hàn Quốc cũng bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn có tên Hyunmoo-2, tuy nhiên tên lửa này đã gặp trục trặc kỹ thuật và quay ngược về căn cứ ngay sau khi được phóng. Tuy không có thương vong nào được xác nhận cho tới lúc này, quân đội đang tích cực điều tra nguyên nhân của tai nạn.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức vào chiều hôm nay một cuộc họp công khai về vụ phóng tên lửa hôm qua của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khó có khả năng Hội Đồng Bảo An ban hành các trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên, do Trung Quốc và Nga đã nhiều lần phản đối các trừng phạt bổ sung nhắm vào Bình Nhưỡng. Các nghị quyết trừng phạt thường chỉ được thông qua khi Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích quy mô lớn như thử hạt nhân hoặc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”.

Washington khẳng định bảo vệ Nhật Bản

Trong một cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cùng lên án vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm này, tổng thống Biden khẳng định cam kết “không gì lay chuyển” của Hoa Kỳ bảo vệ Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật còn bày tỏ quyết tâm “tiếp tục các nỗ lực để hạn chế khả năng của Bắc Triều Tiên tiến hành các chương trình phát triển bất hợp pháp các tên lửa đạn đạo và các vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Về phần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hôm qua, ông đã lên án hành động “leo thang” của Bình Nhưỡng và kêu gọi chế độ Kim Jong Un nối lại đối thoại nhằm tiến tới “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.”

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221005-m%E1%BB%B9-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-b%E1%BA%AFn-nhi%E1%BB%81u-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-ra-bi%E1%BB%83n-m%E1%BB%99t-ng%C3%A0y-sau-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-ph%C3%B3ng-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-%C4%91%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BA%A1o

Putin tuyên bố ‘tiếp quản’ nhà máy điện hạt nhân của Ukraine

Một chiếc xe bọc thép của Nga bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ngày 1 tháng 9 năm 2022
Chụp lại hình ảnh, Một chiếc xe bọc thép của Nga bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ngày 1 tháng 9 năm 2022

65tháng 10 2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/10 đã ra sắc lệnh nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine.

Nhà máy này là cơ sở hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng Ba nhưng vẫn do các nhân viên người Ukraine điều hành.

Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) vào tháng Ba ngay sau khi xâm lược Ukraine.

Nhà máy này nằm ở khu vực miền nam Ukraine, Zaporizhzhia, một trong bốn khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin chính thức sáp nhập vào Nga hôm thứ Tư. Quảng cáo

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh đưa Nhà máy điện hạt nhân ZNPP vào danh sách tài sản liên bang.

“Chính phủ Nga sẽ thực hiện các biện pháp để thiết lập quyền sở hữu liên bang đối với Nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở khác cần thiết cho hoạt động”, sắc lệnh được công bố hôm thứ Tư.

Trước cuộc xâm lược của Nga, nhà máy này đã sản xuất khoảng một phần năm lượng điện của Ukraine. Nga đã sáp nhập Zaporizhzhia và ba khu vực khác sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý – bị chính phủ Kyiv và phương Tây tố cáo là bất hợp pháp và mang tính cưỡng chế.

Moscow không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong bốn khu vực này.

Trong ngày 3/10, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn luật về việc kết nạp bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine vào Liên bang Nga.

Các văn bản sáp nhập – được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 30/9 – đã được đưa ra Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua ngày 4/10. 

Kyiv đã phản ứng bằng một nỗ lực mới, nhanh chóng nộp đơn xin gia nhập Nato.

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg đã nói rằng quyết định này thuộc về 30 thành viên của khối.

Nhưng ông lên án việc Moscow sáp nhập lãnh thổ Ukraine, gọi động thái này là “sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi cuộc chiến nổ ra”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cáo buộc Tổng thống Putin có “âm mưu lừa đảo” nhằm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Ukraine, đồng thời cho rằng động thái này là “chà đạp lên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời thể hiện sự không tôn trọng đối với các quốc gia hòa bình trên khắp thế giới”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Việc sáp nhập bất hợp pháp do Putin tuyên bố sẽ không thay đổi bất cứ điều gì. Tất cả các vùng lãnh thổ bị quân xâm lược Nga chiếm đóng trái phép đều là đất của Ukraine và sẽ luôn là một phần của quốc gia có chủ quyền này.”

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ “sát cánh với Ukraine để đối phó với sự xâm lược của Nga và giúp Ukraine khôi phục chủ quyền hoàn toàn lãnh thổ”.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cl41n32dndyo

EIA: Gỗ Nga ‘đội lốt’ Trung Quốc qua ngả Việt Nam để tránh trừng phạt của Mỹ

5/10/2022 – VOA Tiếng Việt

Ván ép được cho là được làm từ gỗ bạch dương của Nga được xếp lên một tàu ở Hải Phòng, Việt Nam, để xuất sang Mỹ vào tháng 5/2022. (Ảnh do EIA cung cấp)
Ván ép được cho là được làm từ gỗ bạch dương của Nga được xếp lên một tàu ở Hải Phòng, Việt Nam, để xuất sang Mỹ vào tháng 5/2022. (Ảnh do EIA cung cấp)

Một báo cáo mới của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) phát hiện ra rằng gỗ bạch dương của Nga được “ngụy trang” thành các sản phẩm từ châu Á nhập vào Mỹ bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với Nga vì cuộc xâm lược ở Ukraine.

Điều tra của EIA, tổ chức giám sát phi lợi nhuận có trụ sở chính ở Anh, cho biết hầu hết các sản phẩm gỗ bạch dương hiện đang được xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có nguồn gốc từ Nga.

Báo cáo cho thấy con đường “vòng vo” của gỗ bạch dương từ Nga vào Mỹ qua Trung Quốc và Việt Nam, trong đó các công ty của Trung Quốc nhập gỗ của Nga rồi đóng gói lại và xuất khẩu sang Việt Nam.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phát hiện của nhóm điều tra của EIA tại Mỹ, hầu hết người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể không nhận ra rằng phần lớn gỗ bạch dương trong các sản phẩm đang được các nhà bán lẻ lớn cung cấp “có nguồn gốc từ Nga, và đi qua Trung Quốc và Việt Nam trước khi vào Mỹ.”

Lệnh trừng phạt

Hàng trăm nghìn mét khối gỗ ván bạch dương được nhập khẩu vào Mỹ nỗi
năm, một số được biến thành các sản phẩm và phần còn lại được các nhà
bán lẻ như Amazon, Home Depot hay Walmart trực tiếp đưa đến tay người
tiêu dùng Mỹ.

Việc nhập khẩu trực tiếp từ Nga sang Mỹ bị biến động ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay. Nhiều quốc gia, gồm cả Mỹ, đã áp dụng các biện pháp ngừng nhập khẩu hàng hóa, bao gồm bạch dương và các loại gỗ khác, từ Nga có thể liên quan đến tài trợ hoặc kéo dài cuộc xung đột. Việc các nhà lập pháp Hoa Kỳ bỏ phiếu tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga khiến thuế suất đối với gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngày tăng lên, trong đó thuế đối với gỗ ván ép bạch dương của Nga tăng 50%. Việt Nam nhập khẩu rất nhiều gỗ bạch dương đã được xẻ để làm gỗ ván ép và sau đó xuất sang Mỹ. Và những tấm gỗ ván đó đến từ Trung Quốc mà phần lớn nguồn cung cho sản phẩm của Trung Quốc này là từ Nga. Alex Bloom, nhà phân tích thương mại và chính sách châu Á của EIA

Mỹ cũng nhập khẩu một lượng lớn gỗ ván bạch dương từ các quốc gia khác như Việt Nam và Indonesia. Trong khi nhập khẩu từ Nga giảm vì các chế tài, lượng gỗ ván bạch dương nhập từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng mạnh, hơn 200%, vào tháng 3 và tháng 4 năm nay.

Việt Nam hầu như không trồng gỗ bạch dương, loại cây mọc ở vùng khí hậu lạnh, trong khi Nga chiếm 1/5 lượng rừng bạch dương trên toàn thế giới và là nhà cung cấp gỗ bạch dương lớn nhất toàn cầu. Còn Trung Quốc, quốc gia buôn bán và tiêu thụ gỗ lớn nhất thế giới, có lịch sử nhập khẩu một lượng lớn gỗ của Nga, trong đó gỗ bạch dương luôn là một trong các mặt hàng trao đổi thương mại hàng đầu giữa hai nước.

Cho tới một vài năm trước đây, hơn một nửa số lượng gỗ ván nhập khẩu vào Mỹ là từ Trung Quốc. Nhưng vào năm 2017, Bộ Thương mại Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã áp thuế chống bán phá giá lên gỗ ván ép cứng của Trung Quốc. Theo điều tra của EIA, nhiều chủ nhà máy Trung Quốc xuất khẩu gỗ ván ép sang Mỹ đã chuyển đến Việt Nam, hoặc xuất khẩu gỗ ván ép gần thành phẩm cho đối tác Việt Nam để lách thuế quan của Mỹ.

Thiết bị quân sự bị hủy diệt của Nga được trưng bài tại trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine hôm 29/6. Một công ty của Việt Nam bị Mỹ cáo buộc hỗ trợ cho quân đội Nga bất chấp Moscow đang bị chế tài của phương Tây vì xâm lược Ukraine.

XEM THÊM:

Mỹ cho công ty Việt Nam vào danh sách đen vì ‘hỗ trợ quân đội Nga’

Trong thời gian cao trào của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung
Quốc, nhiều sản phẩm của Trung Quốc bị phát hiện “đội lốt” hoặc dán mác
Việt Nam để tránh bị đánh thuế khi xuất sang Mỹ, trong đó có nhôm và gỗ.

“Chúng tôi nhận thấy được xu hướng đó và chúng tôi thấy rằng Việt Nam thực sự nhập khẩu rất nhiều gỗ bạch dương đã được xẻ để làm gỗ ván ép và sau đó xuất sang Mỹ”, Alex Bloom, nhà phân tích thương mại và chính sách châu Á của EIA ở văn phòng Washington DC, nói với VOA. “Và những tấm gỗ ván đó đến từ Trung Quốc mà phần lớn nguồn cung cho sản phẩm của Trung Quốc này là từ Nga.”

Trong năm 2021, 90% lô hàng gỗ ván bạch dương, trị giá 63 triệu USD, đến Việt Nam từ Trung Quốc trong khi quốc gia Đông Nam Á hầu như không nhập khẩu gỗ bạch dương từ Nga, theo điều tra của EIA. Các dữ liệu thương mại cho thấy trong khi lượng xuất khẩu gỗ ván của Trung Quốc sang Mỹ giảm 360% thì lượng hàng này của Trung Quốc xuất sang Việt Nam tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020.

“Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra, có một xu hướng rất rõ ràng là thị trường Trung Quốc bắt đầu chuyển dịch sang Việt Nam”, Haibing Ma, chuyên viên về chính sách châu Á của EIA ở Washington DC, nói với VOA. “Nếu so sánh dữ liệu xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Trung Quốc sang Mỹ và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thì điều thú vị là xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh và xuất khẩu của Việt Nam lại tăng mạnh hàng năm.”

Gỗ bạch dương của Nga được chất lên tàu tại một cảng ở Suifenhe của Trung Quốc.
Gỗ bạch dương của Nga được chất lên tàu tại một cảng ở Suifenhe của Trung Quốc.

‘Trá hình’ nguồn gốc

Để khẳng định nguồn gốc gỗ bạch dương từ Trung Quốc qua Việt Nam trước khi được tái xuất sang Mỹ, các nhà điều tra của EIA đã nói chuyện với các viên quản lý của 5 nhà xuất khẩu gỗ ván bạch dương của Trung Quốc. Các công ty này chiếm 60% lượng xuất khẩu gỗ ván bạch dương của Trung Quốc sang Việt Nam. Theo kết luận của cuộc điều tra, hơn 90% lượng gỗ bạch dương mà họ xuất sang Việt Nam có nguồn gốc từ Nga.

Một người chủ nhà máy gỗ ở Trung Quốc cho nhóm điều tra biết rằng tất cả gỗ bạch dương mà công ty của họ dùng là từ Nga và được đóng gói lại ở Trung Quốc rồi tái xuất sang Việt Nam với nhãn ghi Trung Quốc là nơi xuất xứ. Họ [các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ] không truy dấu nguồn nguyên liệu gốc. Chúng tôi luôn làm việc này [thay đổi nguồn gốc xuất xứ gỗ Nga thành Trung Quốc] từ xưa đến nay. Chủ một công ty xuất khẩu gỗ của Trung Quốc

Một chủ công ty khác của Trung Quốc cho biết gỗ bạch dương mà họ xuất khẩu sang Việt Nam “hoàn toàn là từ Nga”.

“Họ [các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ] không truy dấu nguồn nguyên liệu gốc”, chủ công ty không được nêu tên này nói. “Chúng tôi luôn làm việc này từ xưa đến nay”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về phát hiện trong báo cáo của EIA. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thuộc Bộ Công thương Việt Nam, từ chối bình luận về phát hiện của báo cáo tại thời điểm này. Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho VOA biết qua email rằng “khi có thông tin chính thức sẽ được đăng tải đầy đủ và trả lời theo thẩm quyền được giao”.

Việt Nam có một mối quan hệ chặt chẽ về chính trị, kinh tế và quốc phòng với Nga từ thời Liên bang Xô Viết. Nga là nước cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam trong thời gian chiến tranh với Mỹ và hiện vẫn là nguồn cung các thiết bị quốc phòng lớn nhất cho quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng nhằm tránh lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine và bỏ phiếu phản đối nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Theo nhận định của bà Bloom, nếu các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng gỗ của Nga đưa vào Việt Nam rồi tái xuất sang Mỹ thì nó sẽ “làm giảm sản lượng nhập khẩu của các sản phẩm này từ Việt Nam” vào Hoa Kỳ.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden gần đây đã đưa một công ty của Việt Nam vào danh sách đen thương mại
vì cho rằng công ty này cung cấp hỗ trợ cho quân đội của Nga, hiện đang
bị Mỹ và phương Tây cô lập do cuộc xâm lược vào Ukraine.

Thời gian qua, các mặt hàng của Việt Nam liên tục bị khởi xướng điều tra và áp dụng thuế phòng vệ thương mại của Mỹ, trong đó có mặt hàng gỗ. Mới đây, gỗ dán và tủ gỗ, sản phẩm quan trong của ngành công nghiệp Việt Nam, đang bị Mỹ điều tra. Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 8 đưa ra kết luận sơ bộ liên quan đến “xuất xứ Trung Quốc” của gỗ dán Việt Nam. Cuộc điều tra kéo dài từ tháng 6 đã khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ sụt giảm trong 3 tháng liên tiếp từ tháng 5-7.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã khởi xướng một cuộc điều tra về nguồn gốc gỗ bị nghi là được khai thác bất hợp pháp rồi nhập khẩu vào Việt Nam. Chính quyền Tổng thống Biden hồi đầu năm nay cho biết họ đang tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra này.

Tuy nhiên theo nhà phân tích thương mại và chính sách của EIA, chưa có hành động chính sách nào ở Hoa Kỳ nhắm vào trừng phạt việc nhập khẩu gỗ của Nga một cách không trực tiếp. Theo bà Bloom, người tiêu dùng Mỹ cần được biết nguồn gốc sản phẩm gỗ từ đâu để có thể đưa ra các quyết định cho chính mình.

Các nhà điều tra của EIA khuyến cáo chính phủ Mỹ nên làm việc với các đối tác Việt Nam để thực thi các yêu cầu về thông tin nguồn gốc được nêu trong Đạo luật Lacey Act, đặc biệt trong việc phân biệt nguồn gốc giữa “quốc gia sản xuất” và “quốc gia thu hoạch”. Theo báo cáo của EIA, đạo luật này hiện chưa được thực thi một cách tích cực tại Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/eia-go-nga-doi-lot-trung-quoc-qua-nga-viet-nam-de-tranh-trung-phat-cua-my/6777623.html

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu ban hành loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Thỏa thuận được đại sứ của 27 nước nhất trí ngày 05/10/2022. Danh sách những cá nhân, thực thể Nga bị trừng phạt trong loạt biện pháp mới sẽ được đăng trong Công báo thứ Năm 06/10 và chính thức có hiệu lực. Đây là loạt trừng phạt thứ 8 của Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi Nga xâm lược Ukraina ngày 24/02.

(RFI) – Phần Lan dự tính xây tường rào dọc biên giới với Nga. Sau quyết định đóng cửa biên giới với khách du lịch Nga, ồ ạt chạy sang Phần Lan để trốn quân dịch vào tuần trước, chính quyền Helsinki dự tính xây tường rào dọc biên giới dài đến 1.300 km. Đề xuất được lực lượng biên phòng đưa ra và được thủ tướng Sanna Marin chấp thuận ngày 03/10/2022, nhưng vẫn muốn được Quốc Hội thông qua. Dù rất tốn kém và kéo dài nhiều năm, dự án được kỳ vọng là giúp kiểm soát được những đợt di dân ồ ạt trong tương lai hoặc các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận từ Nga.

(AFP) – Slovenia là nước Đông Âu đầu tiên cho phép kết hôn đồng tính. Theo dự thảo luật được Nghị Viện Slovenia thông qua ngày 04/10/2022, các cặp đôi đồng tính còn được quyền nhận con nuôi. Slovenia, tách ra từ khi Nam Tư tan rã, là nước đầu tiên trong khối Cộng sản, thông qua cải cách này ở châu Âu. Đa số các nước láng giềng vẫn không hợp thức hóa quan hệ của các cặp đồng tính.

(AFP) – Giải chạy việt dã Bắc Kinh trở lại. Sau hai năm ngừng vì dịch Covid-19, thủ đô của Trung Quốc sẽ đón các vận động viên quốc tế trở lại tranh tài ở giải chạy việt dã (marathon) Bắc Kinh 2022, dự kiến diễn ra vào 11. Theo thông báo ngày 04/10/2022 của ban tổ chức, khoảng 30.000 vận động viên sẽ tham gia cuộc thi. Giải chạy việt dã Bắc Kinh là sự kiện thể thao quy mô lớn duy nhất được tổ chức tại Trung Quốc năm nay.

(Reuters) – Bộ Quốc Phòng Đài Loan đe dọa trả đũa nếu Bắc Kinh vượt ‘‘lằn ranh đỏ’’. Bộ trưởng Quốc Phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng), hôm nay 05/10/2022, trong một cuộc họp tại một tiểu ban của Quốc Hội Đài Loan, đã đưa ra thông báo như trên. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan không nói rõ đâu là ‘‘các lằn ranh đỏ’’ với Đài Loan, nhưng đề xuất các lằn ranh đỏ cần bao gồm việc phi cơ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Đài Loan. Đối với lãnh đạo bộ Quốc Phòng Đài Loan, đường trung tuyến – tức đường phân đôi eo biển Đài Loan – không phải là lằn ranh đỏ.  Trong cuộc họp này, ông Khâu Quốc Chính đã lên án Trung Quốc đã phá hủy thỏa thuận ngầm về ‘‘đường trung tuyến’’, với việc liên tục đưa các phương tiện quân sự vượt qua lằn ranh này trong thời gian qua.

(AFP) – Elon Musk gây phẫn nộ tại Ukraina, với cuộc trưng cầu ý kiến trên mạng về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraina. Tỉ phú Hoa Kỳ Elon Musk vốn được coi là người ủng hộ cuộc kháng chiến tự vệ chống xâm lược Nga của người Ukraina. Tuy nhiên cuộc trưng cầu ý kiến trên mạng, về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraina đi kèm theo khả năng nhân nhượng về lãnh thổ cho Nga và ‘‘quy chế trung lập’’ với Ukraina, theo sáng kiến của ông, đã bị lên án dữ dội. Nhiều giới chức trong chính quyền Ukraina, và kể cả tổng thống Zelensky đã chỉ trích Elon Musk. Nguyên thủ Ukraina đề xuất một cuộc thăm dò dư luận khác với câu hỏi: ‘‘Quý vị yêu mến Elon Musk nào ? Người ủng hộ Ukraina hay người ủng hộ Nga?”.  

(AFP) – Tỉ phú Elon Musk một lần nữa tuyên bố mua lại Twitter, đảo ngược quyết định trước đó. Hôm qua, 04/10, ông chủ của Tesla tuyên bố rút cục sẽ mua lại mạng xã hội nói trên với giá cả đã được thỏa thuận hồi tháng 4/2022.  Cụ thể là với giá 44 tỉ đô la. Giá cổ phiếu của Twitter đã tăng hơn 22% vào lúc đóng cửa sàn chứng khoán New York, sau khi hãng tin Bloomberg loan tải tin trên.

(AFP) – Tổng thống Indonesia yêu cầu kiểm tra an toàn toàn bộ các sân bóng đá nước này, sau tai nạn khiến 131 người chết. Tổng thống Joko Widodo hôm nay 05/10, đến thành phố Malang, phía đông đảo Java, để gặp gỡ gia đình các nạn nhân, và những người bị thương. Ông cũng đến sân vận động, nơi vừa xảy ra một trong các thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Nguyên thủ Indonesia cũng đã ra lệnh đình chỉ mọi trận đấu tại các sân vận động. Thời gian có thể kéo dài từ hai đến ba tuần lễ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221005-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p