Tin Tổng Hợp – 5/10/21
TT Thái Anh Văn cảnh báo: Để Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là thảm họa cho châu Á
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay 05/10/2021 cảnh báo nếu hòn đảo rơi vào tay Bắc Kinh, điều đó sẽ mang lại hậu quả « thảm khốc » cho châu Á. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục trong bốn ngày qua đã có đến 148 chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Đài Bắc cũng chuẩn bị bổ sung ngân sách quốc phòng.
Trong bài viết trên tờ Foreign Affairs, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh, nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan, điều đó có nghĩa là trong cuộc đối đầu giữa các giá trị hiện nay trên thế giới, toàn trị đã thắng được dân chủ. Bà đồng thời khẳng định Đài Loan sẽ chống trả bằng mọi cách nếu Trung Quốc tấn công.
Cũng trong hôm nay, thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) tuyên bố: Đài Loan phải luôn trong tình trạng cảnh giác trước các hoạt động quân sự thái quá của Bắc Kinh, làm phương hại đến hòa bình khu vực.
Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc:
«Các vụ xâm nhập ồ ạt vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đúng vào ngày lễ quốc khánh Trung Quốc. Từ đó đến nay lại càng dồn dập thêm: Quân Đội Đài Loan ghi nhận có 39 chiếc phi cơ hôm thứ Bảy, 52 chiếc Chủ nhật và hôm qua 56 chiếc bay vào.
Hoàn Cầu Thời Báo đắc chí viết « Trung Quốc đã dời cuộc diễu hành sang eo biển Đài Loan».
Đây là con số kỷ lục kể từ đợt xâm nhập năm ngoái, sau khi bà Thái Anh Văn – vốn kiên quyết chống lại việc sáp nhập vào Trung Quốc – tái đắc cử.
Hoa Kỳ, đối tác chính của Đài Loan, hôm Chủ nhật đã tỏ ra lo ngại trước hành động khiêu khích này, nhắc nhở rằng những cam kết với Đài Loan vẫn « vững chắc như bàn thạch».
Tuy vậy việc chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập sẽ còn diễn ra trong những ngày tới, vào lúc Đài Loan chuẩn bị mừng lễ quốc khánh Chủ Nhật này. Tất nhiên là Bắc Kinh không ưa, và chừng như quyết tâm phá rối ngày lễ.»
Đài Loan gia tăng ngân sách quốc phòng
Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết chi tiêu quân sự sẽ được tăng thêm 240 tỉ đài tệ (8,6 tỉ đô la) trong 5 năm tới, trong đó 64% dành cho Hải Quân kể cả hỏa tiễn và chiến hạm. Bản dự chi mà hãng tin Reuters có tham khảo được trình lên Quốc Hội hôm nay, và nhiều khả năng sẽ được thông qua vì đảng của bà Thái Anh Văn chiếm đa số tuyệt đối.
Cũng theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu quân sự, đặc biệt là chiến đấu cơ hiện đại, tàu đổ bộ, và các hoạt động không quân, hải quân gần Đài Loan. Do bị đe dọa chưa từng thấy, Đài Loan cần nhanh chóng củng cố khả năng răn đe để tránh xảy ra chiến tranh.
Gần 30 tỉ Đài tệ (1,5 tỉ đô la) được dành cho các loại hỏa tiễn Vạn Kiếm (Wan Chien), Hùng Phong (Hsiung Feng) IIE phiên bản nâng cấp, Hùng Thăng (Hsiung Sheng) ; một số hỏa tiễn được đặt trên xe quân sự để cơ động hơn, địch quân khó tìm thấy và phá hủy.
Thụy My
Tiết lộ thú vị về Việt Nam trong hồi ký Đại sứ Mỹ Ted Osius
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 2014 tới 2017, mới đây ra mắt hồi ký về Việt Nam có tựa đề Nothing is Impossible.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào tháng Tám, ông cho biết: “Chúng ta xây dựng lòng tin bằng cách hiểu biết lẫn nhau. Niềm tin là sản phẩm của mối quan hệ tốt đẹp.”
Nhận xét về hồi ký của Ted Osius, cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright nói đây là “một cuốn hồi ký hấp dẫn của một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất của Hoa Kỳ”.
BBC News Tiếng Việt chọn ra một số chia sẻ thú vị của Đại sứ Ted Osius trong hồi ký:
Đại sứ ‘đồng tính’
Trong hồi ký, Ted Osius cho hay: “Khi tôi gia nhập Bộ Ngoại giao năm 1989, thật không thể tưởng tượng được một nhân viên ngoại giao công khai đồng tính có thể lên vị trí đại sứ.”
“Trong thời kỳ chính quyền của Tổng thống George H. W. Bush, những nhân viên đồng tính được Cục An ninh Ngoại giao xác định thường là bị tước bỏ giấy phép an ninh của họ và buộc phải từ chức. Năm 1992, một vài người trong chúng tôi đã kết hợp lại với nhau. Một mặt cẩn thận bảo vệ tư cách thành viên của chúng tôi vì sợ bị trả thù, chúng tôi đã thành lập một nhóm có tên GLIFAA. Một cách lặng lẽ, chúng tôi bắt đầu vận động để không phân biệt đối xử, chỉ đơn giản là hy vọng giữ được công việc của chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được mục tiêu của chúng tôi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Clinton. Quan trọng hơn, tôi đã gặp người phối ngẫu tương lai của tôi thông qua GLIFAA.”
“Thái độ ở Hoa Kỳ đã thay đổi rõ rệt vào thời Tổng thống Obama đề cử tôi làm đại sứ tại Việt Nam…Những gì đã từng là một gánh nặng pháp lý bây giờ có thể là một yếu tố trung lập hoặc thậm chí là một lợi thế.”
John McCain và tấm phù điêu hồ Trúc Bạch
Tác giả kể lại lúc tháng Sáu 2014, khi ông liên lạc với các thượng nghị sĩ chủ chốt trước buổi điều trần ở Thượng viện để hy vọng được họ thông qua vị trí Đại sứ tại Hà Nội.
Buổi gặp quan trọng nhất là ngày 16/6 với Thượng nghị sĩ nổi tiếng John McCain.
Ông McCain cho Osius biết Pete Peterson, người cùng ở nhà tù Hỏa Lò với McCain ngày xưa, đã gọi để tiến cử Osius.
“Nếu Pete ủng hộ anh làm đại sứ, thì tôi sẽ bỏ phiếu xác nhận,” McCain nói.
McCain bảo Osius rằng vào năm 1985, một bức tượng nhỏ được dựng ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội, cạnh nơi mà McCain đã rơi xuống tháng 10 năm 1967.
“Bức phù điêu khá bẩn. Anh yêu cầu họ làm sạch nó được không?” McCain bảo.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã gặp McCain ở Đồi Capitol và tặng bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch.
Theo hồi ký của Osius, McCain chỉ ra trong bức ảnh, một con chim đang ị lên bia, và chức danh của McCain bị ghi sai thành lính không quân mặc dù ông là phi công của Hải quân Hoa Kỳ năm 1967. Tên của McCain cũng bị viết sai trong ảnh.
Tại buổi điều trần với ủy ban Thượng viện, ngày 17/6/2014, McCain hỏi những câu khó nhất, mặc dù trước đó nói ông ủng hộ Osius. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sau đó 100% bỏ phiếu thông qua để gửi tên của ông Ted Osius ra Thượng viện.
Tháng Năm 2015, John McCain thăm Hà Nội, khi mà Ted Osius đã là Đại sứ. Lúc này, bức phù điêu tại hồ Trúc Bạch đã được dọn sạch. Chức danh và tên của John McCain cũng đã được sửa lại cho đúng.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói ‘phải bảo vệ chủ quyền’
Trong hai ngày John McCain ở Hà Nội năm 2015, Đại sứ Ted Osius cho hay “toàn bộ các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đều muốn gặp” vị thượng nghị sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói với McCain về việc Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông.
“Việt Nam đã chiến đấu với Trung Quốc trong quá khứ, ông Sinh Hùng nói, và sẵn sàng chiến đấu một lần nữa.
Cần nhắc lại rằng trước đó, tháng Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khiến Việt Nam phẫn nộ.
Khi McCain gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo sách, ông Trọng nói với đoàn khách:
“Chúng tôi phải chuẩn bị. Chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền của chúng tôi.”
Cũng theo hồi ký, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói với McCain và các thành viên khác trong phái đoàn Mỹ rằng Trung Quốc đang xây dựng các đảo vì mục đích hậu cần, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và thiết lập các căn cứ quân sự.
Ông Thanh nói: “Nếu cộng đồng quốc tế sử dụng những hòn đảo đó cho dịch vụ, thì đó là sự thừa nhận ngầm về chủ quyền của Trung Quốc.” Ông Thanh cũng cảnh báo McCain rằng nếu Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không, khu vực sẽ coi đó là thách thức trực tiếp đối với Hoa Kỳ.
Dàn xếp cho ông Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ
Tháng Bảy 2015, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ.
Trong hồi ký, Đại sứ Ted Osius tiết lộ các khó khăn của việc chuẩn bị.
Ông cho biết ngay từ những tháng đầu làm đại sứ, ông thường xuyên được nhận thông điệp của phía Việt Nam rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gặp Tổng thống Barack Obama tại Mỹ.
“Việc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng Đông Nam Á đã đẩy họ vào vòng tay của Hoa Kỳ. Người dân Việt Nam muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ.”
Nhưng khó là Hoa Kỳ hiếm khi nào mời lãnh đạo đảng.
Ted Osius cho hay ban đầu, khi ông đề nghị Nhà Trắng tiếp, ông bị từ chối.
Giới chức Mỹ nói với Osius rằng ông Trọng có thể đi thăm Mỹ nhưng khó mà gặp được Obama.
Đại sứ Ted Osius đã phải nhờ nhiều người, trong đó có Tommy Vallely, là bạn và cố vấn cho Ngoại trưởng John Kerry.
Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Obama, phản đối chuyến thăm, nói rằng tổng thống Mỹ không cần gặp lãnh đạo đảng.
Ngoại trưởng John Kerry, khi ăn trưa với Obama, đã thuyết phục thành công.
Nhờ thế, Ted Osius có thể nói với Hà Nội rằng Tổng thống Obama đồng ý tiếp ông Trọng về nguyên tắc, tuy chưa có ngày cụ thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/5 đến ngày 2/6/2015.
Không lâu sau, hai nước đồng ý ông Trọng sẽ thăm Mỹ đầu tháng Bảy.
Theo hồi ký, lúc chuẩn bị gặp ông Trọng, Obama hỏi Osius nên dùng chức danh gì với ông Trọng.
Osius trả lời rằng nên gọi là Tổng Bí thư.
Cuộc nói chuyện dự định 45 phút nhưng đã kéo dài 90 phút.
Ngày hôm sau, ông Trọng hỏi Osius nghĩ thế nào về cuộc gặp giữa ông và Obama.
“Nhớ rằng ông ấy từng là thầy giáo, tôi cho điểm, ‘A cộng.’ Vị Tổng bí thư vốn vẫn dè dặt, nở nụ cười hiếm hoi.”
Đại sứ Ted Osius kể tiếp, tại Đại hội 12 năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng “gây ngạc nhiên cho đa số nhà quan sát”, kể cả phía Mỹ, khi ông tiếp tục tái đắc cử còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nghỉ.
Tác giả viết: “Ông Dũng có thể cũng ngạc nhiên như ai. Là một trong những lãnh đạo ảnh hưởng nhất lịch sử hiện đại Việt Nam, ông đã giành đươc lời hứa rằng gia đình ông sẽ không bị tấn công. Ông rút lui về miền Nam, và ông Trọng bắt đầu loại khỏi đảng bất kỳ ai mà ông xem là quá trung thành với ông Dũng.”
“Sự dịch chuyển chính trị chấn động đã diễn ra, và một lần nữa, Đảng, chứ không phải chính phủ, giữ thế kiểm soát ở Việt Nam.”
Đại sứ Ted Osius hồi tưởng: “Việc giúp có cuộc gặp của ông Trọng và Tổng thống Obama là thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của tôi. Chuyến thăm của tổng thống đến Việt Nam năm 2016 cũng quan trọng nhưng sẽ không đầy đủ, ý nghĩa nếu ông Trọng đã không thăm Mỹ trước.”
“Một số nhà quan sát đã ngụ ý rằng chuyến thăm Washington giúp củng cố ưu thế chính trị đang tụt giảm của ông Trọng, còn có người lại nói chuyến thăm cho ông Trọng sự chính danh lãnh đạo mà ông không thể có tại một quốc gia với hệ thống nghị viện. Dù sao thì ít nhất, chuyến đi của ông Trọng đã giúp có các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Việt thành công năm 2016 và 2017 vì mỗi chuyến đi cấp cao lại xây dựng từ chuyến đi trước đó.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58803627
Cựu Bộ trưởng Tư Pháp Trung Quốc ngã ngựa, một thực tế khiến nhiều người dở khóc dở cười đã xuất hiện
Với sự ngã ngựa của cựu Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Trung Quốc Phó Chính Hoa, một thực tế khiến nhiều người nước này cảm thấy nhục nhã đã xuất hiện, theo trang China News.
Đó là khi Phó Chính Hoa giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tất cả những người vượt qua kỳ kiểm tra năng lực nghiệp vụ tư pháp và đạt chứng chỉ vào thời điểm đó, trên bằng chứng nhận của họ đều có chữ ký của Bộ trưởng Phó Chính Hoa.
Với một người đã đạt được trình độ chuyên môn luật và đang hoạt động trong nghề luật, chắc hẳn mỗi lần mở giấy chứng nhận trình độ chuyên môn ra, anh ta sẽ chết lặng, vì chữ ký chứng nhận bằng cấp của anh ta lại là của một kẻ phạm tội.
Để tên của tội phạm trên giấy chứng nhận trình độ chuyên môn nghiệp vụ pháp lý tự nó đã là một thực tế vô cùng hài hước.
Trước Phó Chính Hoa, còn có Ngô Ái Anh, Bộ trưởng Tư pháp đã bị bãi nhiệm, là nữ bộ trưởng thứ hai của Bộ Tư pháp Trung Quốc, bà đã giữ chức Bộ trưởng Tư pháp trong 12 năm từ 2005 đến 2017.
Năm 2017, Ngô Ái Anh, thành viên của Ủy ban Trung ương, đã bị trừng phạt công khai sau Đại hội Đảng lần thứ 18, đồng thời bị khai trừ khỏi đảng.
Những người đạt được chứng chỉ năng lực chuyên môn pháp lý trong những năm đó phải đối mặt với thực tế rằng chữ ký trên chứng chỉ của họ là tên Ngô Ái Anh.
Giấy chứng nhận được ký bởi các nhà lãnh đạo đã tồn tại từ lâu, ban đầu là để tăng thẩm quyền của chứng chỉ. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều vụ án tham nhũng xảy ra, hệ thống chứng chỉ có chữ ký của lãnh đạo ngày càng bị chỉ trích.
Năm 2013, các sinh viên Đại học Y học cổ truyền Thành Đô tốt nghiệp với tấm bằng đáng hổ thẹn, vì hiệu trưởng trường đại học của họ và người sau đó ký thay cũng lần lượt bị ngã ngựa.
Phạm Hân Kiến, hiệu trưởng Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Thành Đô, bị cục thanh tra kỷ luật điều tra, giấy chứng nhận tốt nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp năm đó phải gấp rút làm lại. Do hiệu trưởng vắng mặt nên chữ ký đã được đổi thành của thư ký Trương Trung Nguyên.
Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, Trương Trung Nguyên cũng bị bộ phận kiểm tra kỷ luật bắt đi. Lần này học sinh tốt nghiệp toàn trường lúng túng vì giấy chứng nhận tốt nghiệp.
Khi quan chức, lãnh đạo Trung Quốc sa ngã và bị thanh trừng ngày càng nhiều, những tấm bằng được ký tên của lãnh đạo là tội phạm khiến mọi người dở khóc dở cười.
Vì vậy, để tránh sự bối rối như vậy, Hắc Lộ Quân nghiêm túc khuyến cáo rằng tất cả các chữ ký chứng chỉ trong tương lai không nên ký tên của người lãnh đạo cụ thể, và thay thế nó bằng một con dấu đặc biệt cho chức vụ.
Trong một xã hội tha hóa về đạo đức, thì uy tín và sự tôn nghiêm của một người, thậm chí là của lãnh đạo cũng không dành được sự tin tưởng 100% của xã hội.
Phụng Minh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đàm phán với Tổng thống Pháp về hợp tác an ninh châu Âu
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 5/10 đã thảo luận về việc Pháp thúc đẩy hợp tác an ninh hơn giữa các quốc gia châu Âu, Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết trong chuyến thăm nhằm cố gắng sửa chữa rạn nứt với Paris.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đang ở Paris để tìm cách xây dựng lại mối quan hệ sau khi một hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ, Úc và Anh dẫn đến việc Canberra huỷ bỏ một hợp đồng quốc phòng, với trị giá ban đầu 40 tỷ USD, mua tàu ngầm của Pháp.
Ông Blinken nói với ông Macron rằng Washington “chắc chắn ủng hộ các sáng kiến quốc phòng và an ninh của châu Âu” mà có thể tăng cường khả năng nhưng không làm suy yếu liên minh NATO, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Các quan chức Pháp nhấn mạnh rằng AUKUS là một lời cảnh tỉnh cho các quốc gia EU và rằng họ nên ứng phó với cuộc khủng hoảng gần đây giữa Paris và Washington bằng cách chấm dứt sự ngây thơ của khối khi bảo vệ lợi ích của mình và xây dựng năng lực quân sự của riêng mình trong khuôn khổ NATO.
Ông Macron khẳng định với ông Blinken rằng Pháp đã đồng ý bất kỳ sáng kiến mới nào không được cạnh tranh với NATO, theo lời quan chức Mỹ, người đã trả lời các phóng viên tại Paris sau khi ông Blinken gặp ông Macron, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và cố vấn ngoại giao của ông Macron – Emmanuel Bonne.
Ngoại trưởng Le Drian đã đưa Ngoại trưởng Blinken đi tham quan Bộ châu Âu và Ngoại giao tại Quai d’Orsay hơn một giờ trước khi hai người ngồi xuống bàn họp. Ông Blinken sau đó gặp Tổng thống Macron trong 30-40 phút tại Điện Élysée của tổng thống, nơi ông cũng nói chuyện riêng với ông Bonne.
Sau đó, Ngoại trưởng Blinken tham dự các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ở Paris.
(AFP) – Tập đoàn địa ốc Trung Quốc Fantasia mất khả năng chi trả. Sau xì-căng-đan Evergrande (Hằng Đại), hôm nay 05/10/2021 đến lượt Fantasia Holdings có trụ sở tại Thâm Quyến thông báo không thể trả món nợ 205,7 triệu đô la đã đến hạn vào hôm qua. Loan báo này được đưa ra vào lúc công ty quản lý Country Garden Services Holdings cho biết một chi nhánh của Fantasia không trả món nợ 700 triệu nhân dân tệ (108 triệu đô la), và dự báo tập đoàn này bị mất khả năng chi trả. Cơ quan thẩm định Fitch hôm qua đã đánh sụt điểm của Fantasia từ B xuống CCC-. Về phía S&P cũng hạ điểm tín nhiệm một tập đoàn địa ốc Trung Quốc khác là Sinic Holdings ở Thượng Hải, cho thấy lãnh vực địa ốc ở Hoa Lục đang chao đảo.
(AFP) – Philippines: Duterte chuẩn bị ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Trong bài diễn văn thu sẵn được phát tối qua 04/10/2021, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết đang chuẩn bị biện hộ trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI), hai ngày sau loan báo sẽ rút khỏi chính trường khi kết thúc nhiệm kỳ. Hồi tháng Chín, CPI đã cho phép mở điều tra về cuộc chiến chống ma túy đã làm cho hàng ngàn người chết tại Philippines, được đánh giá là tội ác chống nhân loại.
(AFP) – Khí đốt bắt đầu được bơm vào đường ống Nord Stream 2. Việc bơm khí đốt vào đường ống Nord Stream 2 dài 1.230 kilomet dưới biển Baltic đã được bắt đầu từ thứ Hai 04/10/2021. Dự án gây tranh cãi trị giá 10 tỉ euro đã được hoàn thành vào đầu tháng Chín, giúp đưa khí đốt từ Nga sang Đức, tránh trung chuyển qua Ukraina, bị chỉ trích là sẽ làm châu Âu càng thêm lệ thuộc vào Nga, gây thiệt hại cho Ukraina. Nord Stream 2 có công suất 55 tỉ mét khối, được hoàn tất vào lúc giá khí đốt ở châu Âu đã tăng đến mức kỷ lục.
(RFI) – California chạy đua với thời gian để chận dầu tràn trên biển. Một làn sóng thủy triều đen từ hôm qua 04/10/2021 đe dọa bờ biển California, các đơn vị cứu hộ đang cố gắng ngăn chận lớp dầu loang đã làm ô nhiễm bãi biển nổi tiếng Huntington Beach, vốn là thiên đàng của những người thích lướt ván và tắm biển. Nhiều xác chim và cá dính dầu đã được tìm thấy, chính quyền lo ngại một thảm họa môi trường, sử dụng các tàu tẩy rửa và rào chắn nổi trên mặt nước để ngăn chận. Đợt thủy triều đen có thể lên đến 480.000 lít dầu thô đã trải rộng trên 30km2, có thể do bị rò rỉ từ một đường ống dưới biển.
(AFP, Reuters) – Nga quay bộ phim đầu tiên trên vũ trụ. Sáng nay 05/10/2021 đạo diễn Klim Chipenko, 38 tuổi và nữ diễn viên Ioulia Peressild, 37 tuổi đã cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonour ở Kazakhstan để lên trạm không gian ISS, sau bốn tháng huấn luyện tích cực. Họ có 12 ngày để thực hiện bộ phim đầu tiên trên vũ trụ. Đạo diễn phải tự điều chỉnh camera, ánh sáng, âm thanh trong không gian chật hẹp của trạm và tình trạng phi trọng lực ; đồng thời chỉ đạo các diễn viên không chuyên vì ba phi hành gia trên ISS sẽ đóng trong phim này. Kịch bản mang tên « Thách thức » nói về một nữ bác sĩ được đưa lên không gian để cứu sống một phi hành gia. Với bộ phim này, Nga chen chân lên trước Mỹ – hồi tháng Năm đã định gởi tài tử nổi tiếng Tom Cruise lên vũ trụ nhưng NASA đã thay đổi kế hoạch, dời sang tháng này.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc: Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi chạy đua vũ trang. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm nay, 05/10/2021, khẳng định, trong suốt giai đoạn từ 06/02– 03/08/2021, Bắc Triều Tiên vẫn phát triển các chương trình vũ khí cho dù tình hình kinh tế nghiêm trọng do những biện pháp phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19. Cũng theo văn bản này, nếu như từ năm 2017 đến nay, Bắc Triều Tiên không tiến hành một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo hay vụ thử hạt nhân nào, những « cuộc thử nghiệm phối hợp với công nghệ đạn đạo và có hướng dẫn » đã được tiến hành và những hoạt động này đã diễn ra tại những địa điểm quan trọng có liên hệ đến chương trình hạt nhân.
(AFP) – Pháp: Giáo Hội Công Giáo Pháp bị tố ấu dâm. Ngày 05/10/2021, Ủy ban điều tra độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, công bố một bản báo cáo, được ví như là một « trận sóng thần » cho Giáo Hội Công Giáo Pháp, theo đó, từ năm 1950, ước tính có khoảng 216 ngàn trẻ em và trẻ vị thành niên là nạn nhân của giới tăng lữ và thầy tu. Cũng theo báo cáo này, nếu tính gộp cả số nạn nhân của những người làm việc trong các định chế của Giáo Hội (giáo viên, giám thị, lãnh đạo các phong trào thanh niên…) thì con số này tăng lên đến 330 nghìn người. Giáo hoàng Phanxicô ngay lập tức có phản ứng, bày tỏ « nỗi buồn vô hạn » trước « thực tế kinh hoàng » này.
(AFP) – Căng thẳng Pháp – Algeri: TT Pháp tìm cách hạ nhiệt. Trên đài phát thanh France Inter hôm nay, 05/10/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông mong muốn «có một sự hòa giải» bởi vì ông nghĩ rằng «nói chuyện với nhau để tiến lên là điều tốt nhất». Cũng theo nguyên thủ Pháp, «đương nhiên lúc nào cũng có những bất đồng nhưng cuộc sống được tạo ra là để nói ra những bất đồng đó và cũng là để chia sẻ chúng».
(AFP) – Mỹ: Thâm hụt mậu dịch nghiêm trọng hơn so với dự kiến. Theo giải thích của bộ Thương Mại Mỹ ngày hôm nay, 05/10/2021, mức nhập khẩu cao báo hiệu nhu cầu trong nước tăng lên. Thâm hụt mậu dịch tăng 4,2%, đạt mức 73,3 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 1,4% (287 tỷ USD), trong khi xuất khẩu chỉ ở mức 0,5% (213,7 tỷ USD).
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211005-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p