Tin Tổng Hợp – 4/8/21
Bị cáo buộc quấy rối tình dục 11 phụ nữ, Thống đốc New York thề không từ chức
Thống đốc New York Andrew Cuomo (DC) sờ soạng, hôn hoặc nói những từ ngữ khiêu gợi đối với 11 phụ nữ là vi phạm pháp luật, Tổng chưởng lý bang này tuyên bố hôm 3/8, dẫn đến việc các công tố viên địa phương mở cuộc điều tra hình sự và kêu gọi ông từ chức hoặc bị luận tội.
Kết quả của cuộc điều tra kéo dài 5 tháng về các cáo buộc quấy rối tình dục cho thấy Thống đốc bang New York đã tạo ra một môi trường làm việc “độc hại” và văn phòng của ông đã trả đũa bất hợp pháp người đầu tiên tố cáo vụ việc ra công chúng.
Sau khi Tổng chưởng lý bang, Letitia James, công bố kết luận của cuộc điều tra, Tổng thống Joe Biden và các đảng viên nổi tiếng khác của Đảng Dân chủ đã kêu gọi vị thống đốc từng là ngôi sao một thời của đảng từ chức.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố bằng video được đưa ra sau cuộc họp báo của Tổng chưởng lý James, ông Cuomo, 63 tuổi, nói rõ rằng ông không có ý định làm như vậy và phủ nhận rằng mình đã có hành động không phù hợp.
“Sự thật khác nhiều so với những gì đã được miêu tả”, Thống đốc bang New York nói.
Giữ vị trí thống đốc ở nhiệm kỳ thứ ba kể từ năm 2011, ông Cuomo nói các kết luận điều tra là không chính xác và không công bằng. Ông nói những người tố cáo ông đã hiểu sai lời nói, cử chỉ và phong thái của ông, và khẳng định hành vi của mình luôn nhằm để truyền sự ấm áp đến những người phụ nữ.
Cuộc điều tra đánh dấu sự sụp đổ nhanh chóng của vị thống đốc đã trở thành một nhân vật nổi tiếng của Mỹ trong những ngày đầu đại dịch COVID-19, khi ông cho thấy tiếng nói đầy thẩm quyền của mình trong các cuộc họp báo hàng ngày.
Các kết luận điều tra được nêu chi tiết trong một báo cáo dài 168 trang đối với người từng được coi là ứng cử viên tổng thống tiềm năng và là cựu Bộ trưởng Bộ Gia cư của Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton hiện đang gây trở ngại cho công việc của ông.
“Những gì cuộc điều tra này tiết lộ là cách ứng xử đáng lo ngại của thống đốc bang New York”, Tổng chưởng lý James, cũng là một đảng viên Đảng Dân chủ, nói. “11 phụ nữ này đã ở trong một môi trường làm việc nguy hiểm và độc hại”.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng: “Tôi nghĩ ông ấy nên từ chức”.
“Tôi chắc chắn rằng có một số cái ôm là hoàn toàn vô tội. Nhưng rõ ràng tổng chưởng lý đã nói có những chuyện là không oan”, ông Biden nói.
Chủ tịch Hạ viện của bang New York do đảng Dân chủ kiểm soát cho biết một cuộc điều tra luận tội nên kết thúc “càng nhanh càng tốt” sau khi nhận được bằng chứng từ cuộc điều tra của bà James.
Cuộc điều tra dân sự cho thấy hành động của Cuomo và các cố vấn cấp cao của ông “vi phạm nhiều luật liên bang và tiểu bang”, văn phòng của bà James cho biết, nhưng bà không truy tố ông về tội hình sự.
Sau khi báo cáo được công bố, Thẩm phán quận Albany, David Soares, thông báo văn phòng của ông đã mở một cuộc điều tra để xem liệu có hành vi nào tăng nặng đến mức tội phạm hay không. Ông Soares cũng yêu cầu bằng chứng từ cuộc điều tra và hoan nghênh “bất kỳ nạn nhân nào” công khai ra mặt.
Mỹ, Indonesia đối thoại chiến lược, cam kết bảo vệ Biển Đông
Hôm qua, 03/08/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo khởi động một cuộc “đối thoại chiến lược” giữa Hoa Kỳ với Indonesia. Hai nước cam kết sẽ hợp tác với nhau trên nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, ông Blinken thông báo như trên sau khi tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tại Washington. Hai nước đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” từ năm 2015, nhưng theo lời ngoại trưởng Mỹ trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Marsudi, mãi cho đến nay, hai nước mới thật sự khởi động đối thoại chiến lược. Reuters trích thông báo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp, ông Blinken và bà Marsudi đã “bày tỏ quan điểm chung về an ninh hàng hải” và cam kết “bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục cộng tác với nhau về an ninh mạng và ngăn ngừa tội phạm trên mạng”. Cũng theo thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ, hai bên cũng đã cam kết làm việc với nhau để phòng chống đại dịch Covid-19 và đối phó với khủng hoảng khí hậu, đồng thời thúc đẩy các quan hệ kinh tế và mậu dịch song phương.
Indonesia là quốc gia lớn nhất trong 10 thành viên ASEAN, một khối mà Washington hiện nay xem là có vai trò chủ chốt trong nỗ lực tạo đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực châu Á. Cuộc thảo luận với ngoại trưởng Indonesia Marsudi diễn ra trước cuộc họp trực tuyến giữa ngoại trưởng Mỹ Blinken với các đồng nhiệm ASEAN trong tuần này. Cuộc họp được xem là một trong những nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy các nước Đông Nam Á hợp lực với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc.
Về phần ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN hôm qua, ông đã kêu gọi hai bên nên “nắm tay nhau để khai mở một thời kỳ hợp tác mới”. Theo Tân Hoa Xã, ông Vương Nghị tuyên bố ASEAN có một vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và là đối tác hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Lãnh đạo Ngoại Giao Trung Quốc không quên nhắc lại là Bắc Kinh đã cung cấp tổng cộng hơn 190 triệu liều vac-xin ngừa Covid cho 10 nước Đông Nam Á và cam kết là Trung Quốc sẽ “cố gắng hết sức” để đáp ứng nhu cầu của ASEAN về vac-xin và về các thiết bị vật liệu khác để chống Covid.
Như một lời cảnh cáo gởi đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố: “Biển Đông không phải và không nên trở thành đấu trường cho các cường quốc và chúng ta sẽ không để cho họ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.
Thanh Phương
Các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi Maroc không dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc
Các nhà hoạt động nhân quyền Maroc hôm thứ Ba kêu gọi nước này không dẫn độ một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ có tên Yidrissi Aishan sang Trung Quốc, do lo ngại anh có thể bị giam giữ hoặc tra tấn tùy tiện, trang US News cho hay.
Yidrissi Aishan đã bị giam giữ tại một nhà tù gần Casablanca sau khi bị bắt theo thông báo của Interpol do Trung Quốc đệ trình. Các luật sư của anh cho biết chính quyền Trung Quốc cáo buộc anh tội khủng bố và anh phải đối mặt với một phiên điều trần dẫn độ ở Maroc.
Khadija Riadi thuộc Hiệp hội Nhân quyền Maroc nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi Maroc duy trì các công ước quốc tế về chống tra tấn mà họ đã chấp thuận và không dẫn độ công dân Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc, nơi anh ấy có nguy cơ bị tra tấn và giam giữ tùy tiện”.
Tổ chức Ân xá quốc tế tuần trước cho biết, Aishan, 34 tuổi, sống cùng vợ và ba con ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh được cư trú vì lý do nhân đạo.
Một nhóm nhân quyền cho biết, anh làm việc cho một tờ báo tiếng Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, tố cáo tội ác của Bắc Kinh với thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc.
Luật sư người Maroc của Aishan, Miloud Kandil, cho biết các cáo buộc của Trung Quốc thiếu bằng chứng, trong khi cơ quan tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần tha bổng cho anh và bác bỏ việc dẫn độ.
Ông Kandil nói: “Mọi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đều bị coi là những kẻ khủng bố tiềm tàng trong mắt chính quyền Trung Quốc. Do đó, việc dẫn độ anh ấy là vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế”.
(Reuters) – Tokyo 2020: Hai vận động viên Trung Quốc đeo huy hiệu Mao Trạch Đông lên nhận giải. Ngày 03/08/2021, ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo đã bối rối khi trao huy chương cho hai vận động viên đua xe đạp Trung Quốc vì họ đeo huy hiệu cài áo hình Mao Trạch Đông lên bục nhận giải. Hành động này được cho là vi phạm Điều 50 của Hiến Chương Olympic về cấm tuyên bố quan điểm chính trị trong lễ nhận huy chương. Phía Trung Quốc cho biết sẽ không để sự việc tái diễn.
(Reuters) – Một vận động viên Belarus trên đường sang Ba Lan tị nạn. Vận động viên Belarus Krystsina Tsimanouskaya, 24 tuổi, hôm nay 04/08/2021 rời Tokyo đến Vienna, trước khi sang Ba Lan, nơi cô được cấp chiếu khán nhân đạo. Thay vì bay thẳng, cô đã thay đổi lộ trình vào giờ chót. Tối Chủ nhật, cô cho biết đã tránh được bị cưỡng bức về nước vì đã chỉ trích Liên đoàn thể dục Belarus, nhờ sự giúp đỡ của Ủy Ban Thế Vận và được cảnh sát bảo vệ ở sân bay Tokyo-Haneda. Hàng ngàn người đối lập đã bị chính quyền Belarus bắt giữ hoặc phải lưu vong. Nhà hoạt động Vitali Chychov lưu vong ở Ukraina hôm qua đã được phát hiện chết trong tư thế treo cổ ở gần nhà, được cho là một vụ giết người ngụy tạo. Hồi tháng Năm, chuyến bay trên đó có nhà báo đối lập Roman Protassevitch bị buộc phải hạ cánh và ông bị bắt giữ, gây phẫn nộ cho toàn thế giới.
(AFP) –Litva đẩy lùi người nhập cư qua ngả Belarus. Litva đang trải qua cuộc khủng hoảng di dân chưa từng có và buộc phải thông báo hôm 03/08/2021 sẽ không tiếp nhận bất kỳ ai cố tình thâm nhập lãnh thổ và « sẽ bị đưa đến trạm kiểm soát biên giới quốc tế gần nhất ». Chính quyền Vilnius buộc phải mạnh tay do nghi ngờ nước láng giềng Belarus, được Nga hậu thuẫn, cố tình tạo nên làn sóng nhập cư này để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu mà Litva là thành viên từ năm 2004.
(AFP) – Mỹ: Một cảnh sát bị sát hại ngay gần Lầu Năm Góc. Vụ tấn công bằng dao xảy ra ngày 03/08/2021 tại một trạm xe buýt cách trụ sở của bộ Quốc Phòng vài mét. Thủ phạm bị bắn chết tại chỗ. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, có mặt tại Lầu Năm Góc khi xảy ra vụ việc, đã yêu cầu treo cờ rủ để tưởng nhớ nạn nhân. Cuộc điều tra về « hoàn cảnh dẫn đến vụ tấn công » vẫn đang được tiến hành.
(Reuters) – Tổng thống Pháp vận động quyên góp để giúp Liban. Đúng một năm sau vụ nổ ở cảng Beyrouth, tổng thống Emmanuel Macron một lần nữa cố gắng vận động được 350 triệu đô la để giúp đỡ nuớc này, trong một hội nghị hôm nay 04/08/2021 do Liên Hiệp Quốc phối hợp tổ chức, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với khoảng 40 nhà lãnh đạo các nước. Ông Macron cũng loan báo việc Pháp tặng 100 triệu euro và 500.000 liều vac-xin chống Covid. Hội nghị năm ngoái tổ chức sau vụ nổ đã huy động được 280 triệu đô la.
(AFP) – Iran vượt ngưỡng 4 triệu người nhiễm Covid. Hôm nay 04/08/2021 Iran đã vượt qua ngưỡng 4 triệu ca dương tính với virus corona, với gần 40.000 người mới bị lây nhiễm trong 24 giờ qua. Số trường hợp tử vong là 409, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng vì Covid tại Iran lên 92.194.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210804-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p