Tin Tổng Hợp – 4/10/22: Sáp nhập lãnh thổ Ukraina: nước cờ hiểm của Putin, Bắc Hàn bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 4/10/22:  Sáp nhập lãnh thổ Ukraina: nước cờ hiểm của Putin, Bắc Hàn bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật

Sáp nhập lãnh thổ Ukraina: Một nước cờ hiểm của ông Putin

Thứ Sáu ngày 30/09/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sáp nhập bốn vùng chiếm đóng và ly khai của Ukraina vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin thật sự tính gì khi đặt cược leo thang xung đột qua việc sáp nhập một phần lãnh thổ phía đông và nam của Ukraina? 

Để hiểu được nước cờ của ông Putin, chỉ cần nghe theo những giải thích của hai chính khách Nga, Konstantin Zatulin – quan chức cao cấp tại Nghị Viện Duma, thuộc đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất – và Andranik Migranyan, giáo sư Viện Quan Hệ Quốc Tế Matxcơva, cựu cố vấn tổng thống Nga, khi trả lời trang mạng thông tin Aljazeera của Qatar, đăng ngày 29/09/2022. 

Cả hai nhân vật này khẳng định, quyết định huy động binh sĩ dự bị và trưng cầu dân ý sáp nhập lãnh thổ của tổng thống Putin nhằm chứng tỏ với phương Tây rằng Nga không có ý định từ bỏ các mục tiêu chính trị và quân sự tại Ukraina bất chấp các thất bại gần đây. Do vậy, sẽ không có chuyện lùi bước hay có những nhượng bộ nào. Đối với ông Putin, đây là một cuộc chiến của nước Nga để bảo vệ sự sinh tồn và vị thế của Nga trên trường thế giới, chống lại các nỗ lực gây chia rẽ hay giáng những thiệt hại không gì bù đắp được cho Nga. 

Sự việc cũng cho thấy, Nga quyết tâm thay đổi triệt để tình thế và đặt phương Tây cũng như là Ukraina trong một thế bất lợi. Quyết định này xem như khép lại mọi cánh cửa đàm phán và mở ra khả năng «thủ tiêu hoàn toàn» Ukraina với tư cách là một quốc gia độc lập. Bởi vì, kể từ giờ, bất kỳ một vùng lãnh thổ nào mà Nga chiếm được từ Ukraina đều có thể bị sáp nhập vào Nga. 

Đối với nhà nghiên cứu về Nga, bà Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, khi trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express của Pháp, đây còn là một cam kết của ông Putin đối với phe «diều hâu» mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tại Nga. Chủ nhân điện Kremlin muốn chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đi đến cùng và ông đã đặt sự việc trong thế không thể đảo ngược. Nhà nghiên cứu này lưu ý, «điều số 67 trong Hiến Pháp mới của Nga quy định, không ai có thể chuyển nhượng lãnh thổ Nga. Điều đó cũng liên quan đến người kế nhiệm, sẽ bị trói buộc vì điều khoản này.» 

Hơn nữa, chiến lược sáp nhập lãnh thổ của Nga còn có một mục tiêu khác: Làm cho Ukraina và nhất là phương Tây, hiện đang chịu áp lực kép là khí đốt và an ninh, phải sợ hãi. Hai chính khách Nga khẳng định Matxcơva muốn phương Tây ngừng vũ trang cho Ukraina và gây sức ép với Kiev, buộc nước này phải chấp nhận các điều kiện chấm dứt chiến tranh của Nga. 

Chỉ có điều như quan sát của nhà địa chính trị học Anatol Lieven, Viện Quincy của Mỹ, trong cuộc xung đột này, chính quyền Biden đã đáp trả hành động gây hấn của Nga bằng cách tăng cường hỗ trợ Ukraina. Và mỗi lần như thế, Matxcơva đã phản ứng không phải bằng cách lùi bước mà là leo thang quân sự.  

Và hành động này của Nga đang làm cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cuối cùng thêm phần phức tạp, dập tắt hy vọng một cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Matxcơva và Kiev. Trong hoàn cảnh bế tắc này và trước hành động ngày càng quyết liệt của Nga, nhà địa chính trị học Anatol Lieven, cho rằng chính quyền Biden phải có trách nhiệm lớn hơn trong các nỗ lực ngoại giao nhằm kềm hãm và hạn chế xung đột. 

Nếu chu kỳ leo thang này tiếp tục không được kiểm soát, thì viễn cảnh xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga có nhiều xác suất nổ ra. Theo chuyên gia Anatol Lieven, tình hình hiện nay đặc biệt nguy hiểm, những bài học từ thời Chiến Tranh Lạnh, như việc chính quyền Eisenhower từ bỏ dùng quân sự để đẩy lùi Liên Xô ở Đông Âu, hay cuộc khủng hoảng «Vịnh Con Lợn» ở Cuba là những kinh nghiệm quý giá mà Mỹ cùng với phương Tây cần phải nhớ đến.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221003-s%C3%A1p-nh%E1%BA%ADp-l%C3%A3nh-th%E1%BB%95-ukraina-m%E1%BB%99t-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%E1%BB%9D-hi%E1%BB%83m-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-putin

Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo ngang qua lãnh thổ Nhật Bản

4/10/22 – Thanh Phương, Trần Công

Lần đầu tiên từ 5 năm qua, Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, khiến Tokyo phải phát lệnh báo động, kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn.

Theo quân đội Hàn Quốc, hôm nay, 03/10/2022, Bình Nhưỡng đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung gian bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản về phía đông trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên từ năm 2017, Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo như vậy ngang qua nước Nhật.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:

“Sáng sớm hôm nay, Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung gian (IRBM) bay ngang qua Nhật Bản. Theo tính toán của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa này có thể chạm tới đảo Guam của Mỹ. Tên lửa đạn đạo có tên Hwasong-12 của Bắc Triều Tiên được dự đoán có tầm bắn 4.500 km, đạt độ cao 970 km và đạt vận tốc Mach 17. Theo phía Hàn Quốc, tên lửa Hwasong-12 này là tên lửa có tầm bắn xa nhất trong số các tên lửa do Bắc Triều Tiên đã bắn từ trước đến nay”.

Dường như mục tiêu của vụ bắn tên lửa lần này là nhằm thể hiện khả năng Bắc Triều Tiên có thể đánh trúng các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn chứng tỏ khả năng răn đe và đánh bại quân tiếp viện của Mỹ tới Hàn Quốc nếu chiến tranh xảy ra.

Đáp trả hành động leo thang này của Bắc Triều Tiên, liên quân Mỹ-Hàn đã tiến hành một phi vụ của phi đội tấn công kết hợp và ném bom chính xác. Bốn chiếc F-15K của Hàn Quốc và 4 chiếc F-16 của Mỹ đã tham gia phi vụ này. Phi đội đã ném 2 quả bom tấn công trực diện liên hợp (JDAM) vào một mục tiêu ảo trên biển.

Tham mưu trưởng liên quân Mỹ – Hàn cho biết: “Liên quân đang được đặt ở tư thế sẵn sàng đáp trả các hành động khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc và Mỹ cũng đang củng cố thế trận phòng thủ kết hợp trước các vụ bắn tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên.”

Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ thử vũ khí hạt nhân vào cuối tháng này. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết đây là thời điểm tốt nhất để Bình Nhưỡng đạt được mục đích chính trị của vụ thử hạt nhân nhằm gây ảnh hưởng tới bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ khai mạc vào giữa tháng này.”

Về phản ứng của Nhật Bản, thủ
tướng Fumio Kishida hôm nay đã cực lực lên án vụ bắn tên lửa đạn đạo của
Bắc Triều Tiên, xem đây là một “hành vi bạo lực”. Trước đó, chính quyền Tokyo đã phải phát lệnh báo động. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình:

“Chính quyền Tokyo đã phát lệnh báo động ở miền bắc Nhật Bản, kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn. Công ty đường sắt East Railways đã tạm ngưng hoạt động của các tuyến đường sắt tại những vùng mà tên lửa Bắc Triều Tiên bay ngang qua. Quân đội Nhật Bản đã không khởi động hệ thống bắn chặn tên lửa Bắc Triều Tiên sau khi đánh giá rằng tên lửa này không gây nguy hại cho người dân.

Tên lửa được bắn hôm nay là cùng loại với tên lửa đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào năm 2017, với ý định đe dọa cả đảo Guam của Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Yasukazu Hamada ghi nhận là loại tên lửa này chưa bao giờ bay xa đến thế. Ông cho biết là Nhật Bản không loại trừ khả năng trang bị các vũ khí để có thể mở cuộc tấn công ngăn ngừa nhắm vào các cơ sở phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Mặc dù bị những hạn chế của bản Hiến Pháp chủ hòa, Nhật Bản cũng đang thảo luận về khả năng tấn công phủ đầu khi nước này phải đối đầu với một mối đe dọa quân sự.”

Về phần Hoa Kỳ, Nhà Trắng thông báo Washington sẽ tham khảo hai đồng minh Seoul và Tokyo để bàn về biện pháp đáp trả “mạnh mẽ” vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên. Theo thông cáo của Nhà Trắng, khi nói chuyện với hai đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã nhắc lại cam kết “không gì lay chuyển” của Mỹ bảo vệ hai đồng minh châu Á. 

Chủ tịch Hội Đồng châu Âu Charles Michel hôm nay cũng đã mạnh mẽ lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, xem đây là một hành động gây nguy hiểm cho an ninh khu vực.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221004-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-b%E1%BA%AFn-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-%C4%91%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BA%A1o-ngang-qua-l%C3%A3nh-th%E1%BB%95-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n

(AFP) – Bắc Triều Tiên ủng hộ Nga sáp nhập Ukraina. Trong thông cáo được hãng tin KCNA trích dẫn, bộ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Jo Chol Sul hôm nay 04/10/2022, bày tỏ ủng hộ Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ chiếm được từ Ukraina. Trước đó lãnh đạo ngoại giao nước này đã nhận định rằng cuộc trưng cầu dân ý mà phe ly khai tổ chức ở Ukraina là hoàn toàn hợp pháp. Bình Nhưỡng cũng lên án Hoa Kỳ và đồng minh sử dụng Hội đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì uy thế để chống lại Nga.

(AFP) – Pháp: Cánh tay mặt của tổng thống Macron bị khởi tố. Ngày 23/09/2022, Alexis Kohler, nhân vật thân cận nhất của tổng thống Pháp từ năm 2017 bị khởi tố, với cáo buộc trục lợi bất hợp pháp theo như cuộc điều tra về những mối liên hệ của ông với hãng tầu MSC. Phe đối lập đòi ông Kohler phải từ chức, nhưng điện Elysée hôm qua, 04/10/2022, khẳng định vẫn giữ ông này tại chức. Một vụ việc khác cũng đang gây khó khăn cho đảng cầm quyền, hôm qua Tòa Công Lý Cộng Hòa (CJR), quyết định đưa bộ trưởng Tư Pháp Eric Dupond-Moretti ra tòa với cáo buộc lạm dụng chức danh để trả thù các thẩm phán mà ông phản đối khi còn làm luật sư. Tuy nhiên, luật sư của ông Dupont-Moretti cho biết đã kháng nghị lên tòa phá án về quyết định này.

(AFP) – Ý: Tập đoàn khí đốt ENI chấp nhận chi 20 triệu euro. Hãng dầu khí lớn nhất của Ý hôm qua, 03/10/2022 cho biết, sẵn sàng giải ngân 20 triệu euro tiền bảo lãnh để giải tỏa việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga đến Ý thông qua Áo mà tập đoàn Gazprom thông báo hôm thứ Bảy 01/10. Giám đốc điều hành của ENI giải thích rằng «sự tắc nghẽn là do Gazprom dường như phải nộp tiền bảo lãnh cho hãng điều hành trung chuyển khí đốt từ Áo đến Ý

(NEW YORK TIMES) – Hoa Kỳ dự trù thông báo các biện pháp hạn chế giao thương với công ty công nghệ Trung Quốc. Dựa theo một số nguồn tin thạo hồ sơ, nhật báo New York Times cho biết hôm nay 04/10/2022, Washington có thể công bố các biện pháp trong tuần này, nhằm hạn chế việc bán các chip bán dẫn được sản xuất ở Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Không những vậy, tất cả các công ty sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ để chế tạo chip cũng bị liên quan. Hiện vẫn chưa rõ doanh nghiệp nào của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về tin này.

(AFP) – Úc hồi hương hàng chục phụ nữ và trẻ em từ các trại giam ở Syria. Phát ngôn viên bộ Nội Vụ Úc, Clare O’Neil tuyên bố ngày hôm qua, 03/10/2022 sẽ hồi hương khoảng 20 phụ nữ và 40 trẻ em, hiện đang ở các trại tị nạn ở phía Bắc Syria do người Kurd kiểm soát. Các trại tị nạn chủ yếu tiếp đón những người chạy nạn từ chiến tranh Syria. Tuy nhiên, đây cũng là nơi giam giữ những người « thuộc công dân nước thứ ba», như Bỉ, Pháp, hay Canada vì có liên kết với Nhà nước Hồi giáo (IS), đa số họ là người thân của lính thánh chiến. Chính quyền Kurd đã kêu gọi các nước đón công dân của mình về do trại đang trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia này vẫn quan ngại vì lý do an ninh.

(AFP) – Một quan chức Nga hy vọng Matxcơva có thể tiếp tục hoạt động tại Trạm Không Gian Quốc tế (ISS) sau năm 2024. Hôm qua, 03/10/2022, giám đốc cơ quan không gian Roscosmos của Nga, ông Sergei Krikaliov đã bày tỏ hy vọng có thể gia hạn với Cơ Quan Không Gian Mỹ (NASA), tiếp tục tham gia vào các hoạt động của ISS sau khi thỏa thuận hợp tác giữa hai bên kết thúc vào năm 2024. Trong khi Mỹ và Nga căng thẳng kể từ chiến tranh Ukraina nổ ra, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực không gian không bị ảnh hưởng.

(AFP) – Donald Trump kiện CNN. Trong đơn kiện ngày 03/10/2022, cựu tổng thống Mỹ cáo buộc kênh truyền hình Mỹ đã bôi xấu ông khi bày tỏ e sợ rằng ông có thể thắng nhiệm kỳ tổng thống năm 2024. Cựu chủ nhân Nhà Trắng đòi kênh truyền hình này bồi thường thiệt hại và tiền lãi là 475 triệu đô la.

(AFP) – Cúp Qatar 2022: Paris tẩy chay «bán phần». Chính quyền thành phố Paris hôm qua, 03/10/2022, cho biết Paris sẽ không lập các khu vực cho người hâm mộ cũng như lắp các màn hình lớn tại nơi công cộng để truyền các trận đấu Cúp Bóng Đá Thế Giới tại Qatar. Trước đó, các thành phố Marseille, Bordeaux, Nancy và Reims cũng đã đưa ra những quyết định tương tự.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221004-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p