Tin Tổng Hợp – 31/7/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ukraina: Làm thế nào tránh một cuộc chiến tranh hao mòn?

30/07/2022 – Thụy My – Uy tín của CIA lên cao qua cuộc chiến tranh Ukraina với các thông tin hữu ích. Vũ khí hạng nặng của phương Tây đã giúp xoay chuyển tình thế, tuy nhiên đồng minh chỉ giúp nhỏ giọt. Ukraina có thể thắng được cuộc chiến này, nhưng cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi phản công quy mô, và có sự hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế.

Những biến tướng của kỹ nghệ phục vụ nhu cầu thư giãn cá nhân, nạn trẻ em suốt ngày dán mắt vào màn hình, đó là hồ sơ của L’Express L’Obs tuần nàyRiêng Le Point tiếp tục bám theo thời sự quốc tế với «Sự trở lại huy hoàng của CIA và cuộc chiến ở Ukraina». Tuần báo giải thích «Cơ quan tình báo Mỹ tiến hành cuộc chiến bí mật chống Vladimir Putin, và chuẩn bị cho những thử thách tương lai như thế nào».

Giám đốc CIA, «nhà Putin học»

Một lần nữa, CIA lại phải đối mặt với kẻ thù cách đây 75 năm, đó là Nga. Giám đốc CIA hiện nay, ông Bill Burns xuất thân từ ngành ngoại giao, có biệt danh «nhà Putin học». Ngay từ năm 1995, ông đã cảnh báo Washington về sự thù địch của Nga đối với việc Ukraina, vừa tuyên bố độc lập trước đó bốn năm, muốn xích lại gần NATO. Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2019, Burns đã cho biết đối với giới tinh hoa Nga, viễn cảnh Ukraina gia nhập NATO là «khó chịu» nhất trong số các «lằn ranh đỏ». Đó là cảm nhận của ông sau hai năm rưỡi trao đổi với các nhân vật quan trọng của Nga.

Tháng 3/2021, Matxcơva đã tập hợp đông đảo binh lính ở biên giới Ukraina, Bill Burns được bổ nhiệm làm người đứng đầu CIA. Trình bày trước Thượng Viện, ông phác họa ra một bức tranh ngày càng phức tạp. «Đó là một thế giới mà những mối đe dọa quen thuộc vẫn tiếp tục – từ khủng bố, vũ khí nguyên tử đến một nước Nga hung hăng, một Bắc Triều Tiên khiêu khích và Iran thù địch». Nhưng đó còn là một thế giới với những thách thức mới : biến đổi khí hậu, mất an ninh dịch tễ, tin tặc, và một ban lãnh đạo Trung Quốc thù nghịch, bành trướng là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất.

CIA từng mang tai tiếng với những vụ tra tấn, ám sát, và đã không dự báo được Mùa xuân Ả Rập năm 2011, mù lòa trước cuộc xâm lăng Crimée năm 2014, không ngăn chận được Taliban quay lại Afghanistan năm 2021… Nhưng qua cuộc chiến tranh Ukraina, uy tín của CIA lên cao hơn bao giờ hết. Tình báo Mỹ đã báo trước nhiều tháng về cuộc xâm lược của Nga, với vô số chi tiết cụ thể. Ông Joe Biden quyết định sử dụng những thông tin này, công bố ý đồ của Vladimir Putin, dù rốt cuộc ông chủ điện Kremlin vẫn không từ bỏ tham vọng.

Thông tin, chìa khóa của nhiều chiến công

Phải chăng có bóng dáng CIA phía sau vụ soái hạm Moskva bị đánh chìm hôm 14/04? Truyền thông Mỹ trong đó có kênh NBC khẳng định điều này. Tình báo Mỹ cung cấp cho Ukraina rất nhiều tọa độ của các «High Value Targets» (mục tiêu giá trị cao), giúp tiêu diệt nhiều tướng Nga trên chiến trường. Ông Bill Burns công nhận phía Ukraina sử dụng thông tin rất hiệu quả.

Le Point cho biết thêm, tháng 11/2021, ba tháng trước cuộc xâm lăng, giám đốc CIA đến Matxcơva gặp Vladimir Putin, mang theo những hình ảnh mà các vệ tinh do thám Mỹ chụp được về những chuẩn bị của quân Nga. Putin hết sức «sững sờ» về chất lượng những bức hình này. Hoa Kỳ quyết định chia sẻ thông tin cho các đồng minh, trước khi công bố rộng rãi kết luận của tình báo: Putin sẽ tấn công nước láng giềng. Pháp tỏ ra nghi ngờ vì Matxcơva sẽ phải trả cái giá rất đắt, nhưng CIA đã có lý.

Theo ông Bill Burns, tổng thống Nga quyết định gây chiến dựa trên «các giả thiết hoàn toàn sai lầm và một vài ảo tưởng, nhất là về Ukraina và quyết tâm kháng chiến. Putin thực sự tin vào suy đoán của mình. Trong nhiều năm trời, tôi đã nghe nói riêng không ít lần rằng Ukraina không phải là một quốc gia đúng nghĩa. Nhưng quốc gia ấy, Ukraina, đã đáp trả!».

Ukraina cố tái chiếm Kherson, Putin nếu thua có thể hủy diệt thành phố

Về tình hình cụ thể trên chiến trường, The Economist nhận thấy «Ukraina tập trung sức lực để tấn công tái chiếm Kherson». Quân đội Ukraina hiện ở cách thành phố này chưa đầy 30 km, và hôm 27/07 hệ thống pháo phản lực đa nòng Himars do Mỹ viện trợ đã phá hư cây cầu chính để tiếp liệu và đưa quân từ Crimée sang Kherson. Những đợt pháo tương tự đã phá hủy nhiều kho đạn của Nga gần Kherson, và một số hỏa tiễn S-300 mà quân Nga sử dụng để tấn công Mykolaiv. Drone và đạn pháo cũng biến vài chục chiếc trực thăng tác chiến Nga thành đống sắt vụn tại sân bay Chornobaivka ở phía bắc Kherson.

Theo nhà phân tích quân sự Oleg Zhdanov, để tái chiếm Kherson, phía Ukraina phải tiếp tục oanh kích các căn cứ địch, cắt đứt đường tiếp tế và đẩy lùi quân Nga sang bên kia bờ sông Dniepr. Giờ đây việc này không còn quá xa vời. Nhờ có Himars, không còn tuyến tiếp liệu nào cho quân Nga ở Kherson nằm ngoài tầm bắn của rốc-kết Ukraina. Ông Zhdanov cho rằng Ukraina có thể chiếm lại được Kherson trong vài tuần nữa. Nếu Nga ngưng tấn công ở Donbass, Ukraina có thể gởi quân tiếp viện đến miền nam. Nhưng các quân nhân Ukraina từ mặt trận về ít lạc quan hơn, dù tinh thần lên cao, nhưng họ rất thiếu vũ khí phòng không, pháo và đạn dược. Một quân nhân dự bị đang nằm dưỡng thương tại một bệnh viện Mykolaiv giải thích: «Chúng tôi có rất nhiều mục tiêu nhưng 10 cái chỉ được chọn 1, và thế là phải chọn mục tiêu lớn nhất».

Tái chiếm Kherson sẽ mang lại sức bật cho Ukraina, và giúp chiếm lại được các vùng nối liền với Crimée bị Nga chiếm từ 2014. Bên cạnh đó là đập Nova Kakhovka cách Kherson 60 km về phía đông, nguồn nước cho Crimée tùy thuộc vào đập này. Nhưng Matxcơva không dễ gì nhả Kherson ra. Theo bộ Quốc Phòng Anh, quân Nga đang củng cố các vị trí phòng thủ trên toàn miền nam, và chuẩn bị sáp nhập vùng này thông qua «trưng cầu dân ý» giả tạo vào tháng Chín. Ukraina lo ngại Vladimir Putin thà biến Kherson thành đống tro tàn còn hơn là rút khỏi thành phố này.

Tiêu hủy đạn pháo, đánh vào đầu não quân Nga

Làm thế nào Ukraina có thể tránh được một cuộc chiến tranh tiêu hao? The Economist đặt câu hỏi với chuyên gia quân sự Anh quốc, tiến sĩ Jack Watling của tổ chức RUSI. Cuộc xâm lăng ngày 24/02 khiến các đồng minh của Kiev phải vội vã cung cấp cho quân đội Ukraina những gì có được trong tay và dễ sử dụng nhất. Nhưng một khi chiến tranh kéo dài, cần ủng hộ một cách bài bản hơn để có thể giành được chiến thắng.

Trận chiến khốc liệt ở thành phố Severodonetsk là minh chứng cho những thách thức sắp tới. Nga giành phần thắng nhờ huy động xe bọc thép bao vây khiến những con đường dẫn đến Severodonetsk đều nằm trong tầm pháo, cho bộ binh tấn công và sau đó nã pháo ồ ạt khiến hàng ngàn binh sĩ Ukraina tử trận và bị thương. Hiện nay chiến sự đang tạm lắng, và hai vấn đề được đặt ra. Làm thế nào ngăn quân Nga lặp lại những gì ở Severodonetsk? Và làm sao chiếm lại được những lãnh thổ đã mất?

Trước hết cần «tước vũ khí» quân Nga. Thiếu huấn luyện, tinh thần kém khiến quân đội Nga lệ thuộc vào việc bắn pháo để tiêu diệt hay đẩy lui địch thủ. Trong lúc căng thẳng nhất của trận đánh Severodonetsk, Nga bắn đến 20.000 quả đạn pháo một ngày, và được cho là có đủ đạn dược để duy trì nhịp độ này trong nhiều năm. Nhưng sự lệ thuộc vào pháo binh cũng chính là điểm yếu của Nga.

Do vũ khí thông minh có hạn và pháo thủ cũng thiếu, Nga chủ yếu dựa vào số lượng lớn đầu đạn không chính xác, được tập trung ở các kho đạn lớn và bộ phận hậu cần chuyển đến đơn vị. Những kho đạn quy mô này trở thành mục tiêu dễ tấn công. Trong hai tuần qua, những đợt pháo chính xác bắn từ xa của Ukraina đã khiến quân Nga bị thiếu đạn. Tuy nhiên Matxcơva vẫn có thể tiếp thêm đạn, và thời gian duy trì áp lực của Ukraina tùy thuộc vào số lượng rốc-kết mà phương Tây có thể cung cấp.

Ukraina không nên tổng phản công quá sớm

Tranh thủ lúc bớt bị hỏa lực Nga áp chế, Ukraina cũng cần đồng minh viện trợ thêm nhiều đạn 155 ly vì số đạn dược thời Liên Xô cũ đã cạn. Kiev cần có nhiều drone để định vị các mục tiêu, nhưng Matxcơva dùng chiến tranh điện tử để ngăn chận, nên cũng cần giúp Ukraina phương tiện chống các thiết bị gây nhiễu của Nga. Cuối cùng là phá hủy các sở chỉ huy, Nga khó thể nhanh chóng thay thế được những người có chuyên môn đã chết và như vậy làm chậm lại cuộc xâm lược.

Nhưng một chiến thắng thực sự là phải giải phóng được các vùng đất đã bị chiếm, và như vậy phải phản công một cách quy mô. Cần biết rằng Ukraina có khoảng 5 lữ đoàn tinh nhuệ (mỗi lữ đoàn có từ 2.000 đến 4.000 quân) có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Những đơn vị này phải chiến đấu ở tiền tuyến suốt năm tháng qua, đã bị thiệt hại nặng nề và suy kiệt. Đa số binh sĩ Ukraina hiện nay gồm nhiều tân binh chỉ được huấn luyện vài ngày, phải tự học hỏi trên thực địa. Cho dù được bố trí thêm một số chiến sĩ dày dạn, những đơn vị này vẫn thiếu những người chỉ huy lão luyện có thể hợp đồng tác chiến.

Nếu muốn đánh đuổi quân Nga ra khỏi bờ cõi, lực lượng Ukraina phải được chuẩn bị thật tốt. Bình thường bộ binh phải được huấn luyện trong 28 tuần, trong khi quân tình nguyện Ukraina đang được đào tạo ở Anh chỉ học có ba tuần. Các đối tác của Kiev có thể giúp huấn luyện người chỉ huy và tân binh, tuy nhiên phải chú ý không để Ukraina tung ra đợt phản công trước khi đội ngũ thực sự sẵn sàng, nếu không sẽ có nguy cơ bị thiệt hại nặng. Theo tiến sĩ Watling, Ukraina có thể thắng được cuộc chiến này, nhưng cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế.

Nếu Nga dùng vũ khí nguyên tử sẽ là tự sát

Đối với nhà nghiên cứu James Sherr của Mỹ, phương Tây không việc gì phải lo ngại khi tỏ ra cứng rắn trước Matxcơva. Trả lời phỏng vấn L’Express, ông nhấn mạnh nếu Nga vượt qua ngưỡng nguyên tử sẽ là tự sát.

Theo James Sherr, mục tiêu của Putin chưa bao giờ giới hạn ở Donbass, chỉ là cách ru ngủ phương Tây mà thôi. Nga thực ra muốn hủy hoại Ukraina cả về kinh tế lẫn chính trị, và không cần phải chiếm toàn bộ lãnh thổ mới thực hiện được. Viện trợ quân sự cho Ukraina hết sức quan trọng để phản công, như hệ thống pháo tầm xa Himars đã chứng tỏ uy lực. Tuy nhiên Washington chỉ chuyển giao nhỏ giọt, và đạn cũng không đủ. Mỹ cũng như các nước phương Tây khác lo rằng nếu bị thất bại nặng nề, Vladimir Putin sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử.

Nhiều nước hy vọng Nga sẽ biết điều hơn, và một thỏa thuận giữa Matxcơva và Kiev đặt được nền móng cho sự ổn định lâu dài. Nhưng đây là một phân tích sai lầm, vì Nga luôn muốn lập lại trật tự an ninh ở châu Âu. Tháng 12/2021, Matxcơva đưa ra dự thảo đòi NATO rút tất cả lực lượng khỏi châu Âu, có nghĩa là Ba Lan, các nước Baltic và Rumani không còn có thể tự vệ.

Nếu Nga sáp nhập các lãnh thổ của Ukraina, thì tấn công vào đây sẽ bị coi là tấn công vào nước Nga, và phương Tây sẽ dè dặt không dám hỗ trợ Kiev. Có lẽ vì vậy mà Matxcơva vội vã loan báo việc chuẩn bị sáp nhập Zaporijia và Kherson. Chuyên gia Sherr nhấn mạnh, không thể để bị Nga bắt chẹt, và không cách nào đạt được mục tiêu nếu không chấp nhận rủi ro. Cần nhắc nhở Nga về sức mạnh quân sự của phương Tây, và NATO cũng có vũ khí nguyên tử.

Chính khách dân túy châu Âu tiếp tay cho Putin

Trong khi đó Le Point tỏ ra lo lắng về những đồng minh của Vladimir Putin ở Tây Âu. Mùa hè bắt đầu với những tin vui cho ông chủ điện Kremlin: các đối thủ của ông ta tại châu Âu lần lượt rời ghế. Hôm 20/07, thủ tướng Boris Johnson đọc bài diễn văn từ biệt trước Nghị Viện và hôm sau tại Roma, ông Mario Draghi bỏ cuộc chơi sau 17 tháng giữ chức thủ tướng. Cả hai nằm trong số những nhà lãnh đạo kiên quyết nhất trong việc giúp Ukraina chống quân xâm lược.

Nếu Boris Johnson phải từ chức là do chính ông, thì Mario Draghi bị rơi vào một cuộc «phục kích». Cả ba chính khách hợp sức chống lại ông – Giuseppe Conte (thủ lãnh phong trào 5 Sao), Matteo Salvini (chủ tịch đảng cánh hữu dân túy Lega) và Silvio Berlusconi (chủ tịch đảng Forza Italia) – có điểm chung đều là người quen biết cũ của Putin. Ngược lại ông Draghi trong những tháng vừa qua đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo lập đoàn kết phương Tây và tiến hành một loạt trừng phạt chưa từng thấy đối với Nga. Người kế nhiệm của Draghi chắc chắn sẽ hợp gu Matxcơva hơn.

Cử tri Pháp cũng góp phần khiến Putin hài lòng khi làm yếu đi Emmanuel Macron, một trong những tiếng nói quan trọng tại Liên Hiệp Châu Âu (EU). Họ đưa vào Quốc Hội 88 dân biểu cực hữu và 75 cực tả, thuộc hai đảng luôn đồng lõa với Kremlin. Ở Hungary, Viktor Orban, đồng minh chính của Matxcơva trong EU đạt được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội; và ở Đức, liên minh cầm quyền chia rẽ về vấn đề khí đốt Nga. Quốc gia giàu có nhất châu Âu vẫn tỏ ra hà tiện trong việc gởi vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Tuần báo nhắc lại hôm 16/06 tại Kiev, tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky: «Châu Âu ở bên cạnh các bạn, và sẽ còn tiếp tục ủng hộ các bạn cho đến ngày chiến thắng». Phần hai của câu nói này thì còn phải chờ thời gian trả lời.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220730-ukraina-l%C3%A0m-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-tr%C3%A1nh-m%E1%BB%99t-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-tranh-hao-m%C3%B2n

(NHK/Belga) – Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị đánh giá Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cuộc họp diễn ra ngày 01/08/2022 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. Được hơn 190 nước phê chuẩn, Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) nhằm làm giảm nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân được sử dụng trên thế giới. Việc áp dụng TNP được xem xét 5 năm một lần.

(Reuters) – Quân đội Miến Điện dùng máy bay do Nga sản xuất tấn công thường dân. Trong thông báo ngày 29/07/2022, tổ chức Myanmar Witness, chuyên theo dõi các vụ vi phạm nhân quyền, có trụ sở tại Luân Đôn, khẳng định đã xác thực được thông tin máy bay huấn luyện kiêm tấn công Yak-130 của Nga được triển khai nhiều lần ở các khu dân cư. Ngoài ra, quân đội Miến Điện bị cáo buộc sử dụng hỏa tiễn và pháo cỡ 23 mm tấn công nhiều khu vực dân cư.

(Reuters) – Doanh nghiệp Anh quay lưng với Trung Quốc. Trả lời báo Financial Times và được Reuters trích dẫn ngày 30/07/2022, tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) Tony Danker cho biết lý do là «các doanh nghiệp Anh dự đoán giới chính trị gia sẽ thúc đẩy một thế giới tách rời Trung Quốc» nên đang xem xét các chuỗi cung ứng. Tuần trước, giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài Anh (MI6) Richard Moore tuyên bố từ giờ Trung Quốc là ưu tiên chính của Anh, trước cả vấn đề chống khủng bố. Năm 2021, Trung Quốc là nguồn hàng nhập khẩu lớn nhất của Anh (chiếm 13%) và là nước tiếp nhận lớn thứ 6 hàng hóa của Anh.

(Khmer Times) – Philippines sẽ khẳng định ‘‘chiến thắng La Haye’’ tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN. Tổng thống tiền nhiệm Philippines, Rodrigo Duterte, bị lên án đã nhu nhược trước Trung Quốc, khi gạt sang một bên phán quyết về Biển Đông của Tòa La Haye. Trước thềm hội nghị ngoại trưởng ASEAN (từ ngày 2 đến 6/8), tổ chức tại Phnom Penh, bộ trưởng Ngoại Giao Philippines, Enrique Manalo, khẳng định Phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông là nguyên tắc chỉ đạo giải quyết tranh chấp. Trả lời họp báo hôm thứ Năm 28/07, trợ lý ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh quan điểm của Manila là phán quyết của Tòa La Haye và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS là hai ‘‘mỏ neo’’ cho lập trường của Philippines về Biển Đông.

(Kyodo News) – Hai ngoại trưởng Nhật – Trung sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị ASEAN mở rộng. Bộ trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị có kế hoạch tổ chức hội đàm trực tiếp vào ngày thứ Năm 04/08 bên lề các cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tại Cam Bốt, theo các nguồn tin chính phủ hôm qua 30/07. Đây sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc kể từ tháng 11/2020. Đối thoại diễn ra bối cảnh căng thẳng giữa hai nước, trước thềm kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ song phương ngày 29/9. An ninh tại eo biển Đài Loan và hợp tác quốc tế phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ là các hồ sơ chính.

(AFP) – Tên lửa không gian Trung Quốc mất kiểm soát rớt xuống vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mỹ chỉ trích Trung Quốc không chia sẻ thông tin. Tên lửa không gian Trung Quốc phóng từ Chủ Nhật tuần trước trở lại bầu khí quyển hôm qua, thứ Bảy, 30/07. Trong một tuyên bố được đăng trên mạng WeChat, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc thông báo tọa độ nơi rớt xuống, thuộc vùng biển Sulu, cách bờ biển phía đông của đảo Palawan, Philippines khoảng 57 km. Theo phía Trung Quốc, ‘‘hầu hết các thiết bị của tên lửa đã tiêu tan’’ trong quá trình rơi xuống. Trước thông báo của Trung Quốc, trên Twitter, bộ Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ xác nhận rằng tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc trở lại bầu khí quyển trên Ấn Độ Dương vào ngày 30/07. Lãnh đạo NASA Bill Nelson chỉ trích Bắc Kinh không cung cấp thông tin, theo thông lệ quốc tế.

(AFP) – Mỹ: Lũ lụt ở bang Kentucky của Mỹ khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. Mưa xối xả tại khu vực phía đông của bang miền tây nam trong đêm từ thứ Tư sang thứ Năm gây trận lũ lụt lớn, nhiều người dân phải trú ẩn trên mái nhà, để chờ giúp đỡ. Thống đốc bang, ông Andy Beshear, hôm qua, 30/07, cho biết việc tìm kiếm và cứu hộ đang tiếp tục, số người chết có thể gia tăng. 

(Le Figaro) – Pháp: Chính phủ bối rối vì bị chỉ trích lãng phí nhiên liệu. Chỉ 10 ngày sau khi kêu gọi người dân Pháp có «những hành động nhỏ» để tiết kiệm năng lượng, chính phủ Pháp bị chỉ trích vô trách nhiệm vì lãng phí, dù trước đó điện Elysée đã ra chỉ thị cấm để mô tơ hoạt động khi xe không chạy. Tuy nhiên, theo nhiều phóng viên có mặt tại sân phủ tổng thống Pháp ngày 29/07/2022, xe ô tô chờ các bộ trưởng đang họp Hội đồng Bộ trưởng vẫn để mô tơ chạy để giữ nhiệt độ ở mức 27°C, tránh nóng cho các bộ trưởng.

(AFP) – Một thanh niên Pháp có nguy cơ lĩnh án 116 năm tù tại Mỹ. Sébastien Raoult, 21 tuổi, bị bắt tại sân bay Rabat-Salé ở Maroc ngày 31/05/2022 trong khuôn khổ một cuộc điều tra quốc tế giữa FBI và Maroc. Mỹ cáo buộc tin tặc người Pháp này tham gia vào một vụ tấn công mạng nhắm vào các doanh nghiệp, trong đó có nhiều công ty Mỹ. Theo AFP ngày 29/07, luật sư của thanh niên trên phản đối yêu cầu dẫn độ của Mỹ vì thân chủ «chỉ sống ở Pháp và Maroc. Nếu có tấn công mạng thì là từ Pháp. Như vậy, thẩm phàn phải là thẩm phán Pháp».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220731-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Ngoại trưởng Nga – Mỹ điện đàm. Lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh tại Ukraina, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov nói chuyện với nhau qua điện thoại. Nội dung chủ yếu liên quan đến số phận hai công dân Mỹ : nữ vận động viên bóng rổ Brittney Griner, bị cáo buộc tàng trữ ma túy và cựu quân nhân Paul Whelan, bị buộc tội làm gián điệp và bị Nga kết án 16 năm tù. Để Matxcơva trả tự do cho hai công dân này, Washington sẽ phải thả Victor Bout, một tay lái súng người Nga nổi tiếng đang thụ án tù nhiều năm tại Hoa Kỳ. Ông Antony Blinken nói với báo chí rằng cuộc nói chuyện thẳng thắn và trực tiếp, nhưng không cho biết gì về phản ứng của phía Nga.

(AFP) – Matxcơva cấm 32 quan chức và nhà báo New Zealand nhập cảnh vào Nga. Trong số các nhân vật bị Nga cấm nhập cảnh, có thị trưởng Wellington, Aukland, tư lệnh hải quân New Zealand. Thông cáo được bộ Ngoại Giao Nga đưa ra hôm 30/07/2022 là nhằm đáp trả biện pháp cấm nhập cảnh tương tự của New Zealand nhắm vào Nga do chiến tranh Ukraina. Hồi tháng 04, Matxcơva đã cấm thủ tướng Jacinda Ardern, nhiều bộ trưởng và dân biểu New Zealand đến Nga.

(AFP) – Paris triệu đại sứ Miến Điện về vụ hành quyết đối lập. Ngày 29/07/2022, bộ Ngoại Giao Pháp đã triệu mời đại sứ Miến Điện tại Paris để phản đối việc chính quyền quân sự nước này vừa hành quyết 4 tù nhân chính trị. Bộ Ngoại Giao Pháp nhân dịp này cũng kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện chấm dứt ngay lập tức các hành vi bạo lực cũng như trả tự do cho tất cả nhưng người bị chế độ quân sự vô cớ bắt giam kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021. Thông báo hành quyết 4 nhà đối lập của chính quyền Miến Điện hôm 25/07 đã làm dấy lên những phản ứng phẫn nộ trên toàn thế giới, cũng như tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

(RFI) – Venezuela nhượng gần 1 triệu ha đất nông nghiệp cho Iran. Teheran muốn trồng đậu nành và ngô trên 1 triệu ha đất canh tác tại Venezuela để bảo đảm an ninh lương thực. Việc chuyển nhượng 1 triệu ha đất nông nghiệp nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận chiến lược kéo dài 20 năm. Thỏa thuận được ký kết hồi tháng 06, sau chuyến công du của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đến Teheran. Thông tín viên RFI ngày 29/07/2022 cho biết do bị quốc tế cô lập, chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro thời gian qua xích lại gần Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

(AFP) – Tại Mỹ, ít nhất 16 người thiệt mạng vì mưa lớn, lũ lụt kỷ lục. Mưa lớn gây lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử tại bang Kentucky, Hoa Kỳ, làm ít nhất 16 người chết, tính đến ngày 29/07/2022. Con số nạn nhân có thể sẽ còn tăng gấp đôi khi mà mưa vẫn chưa dứt tại tiểu bang miền trung Hoa Kỳ này. Tổng thống Joe Biden đã ban bố tình trạng «thảm họa thiên nhiên». Các trận mưa như trút nước đổ xuống vùng phía đông bang Kentucky trong đêm 27-28/07 đã biến các con đường thành sông, kéo theo sụt lở đất và lũ bùn khiến nhiều người chết. Tại nhiều nơi, người dân phải trèo lên mái nhà chờ cứu hộ đến.

(AFP) – Ba ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi. Ngày 30/07/2022, Tây Ban Nha ghi nhận ca tử vong thứ hai liên quan đến bệnh đầu mùa khỉ sau khi một ngày trước đó, nước này và Brazil lần lượt thông báo các tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh này. Tuy nhiên, hiện chưa biết bệnh đậu mùa khỉ có phải là lý do gây tử vong hay không. Trước đó, đã có 5 ca tử vong nhưng đều ở châu Phi. Tổng cộng từ tháng 05 đến nay, thế giới có 8 người chết liên quan đến đậu mùa khỉ. Với gần 4.300 ca bệnh, Tây Ban Nha là một trong những nước có nhiều người nhiễm bệnh nhất thế giới, ngoài châu Phi.

(AFP) – Ca sĩ Shakira bị tư pháp Tây Ban Nha đề nghị 8 năm tù vì trốn thuế. Trong cáo trạng ngày 29/07/2022, Viện Công Tố Barcelona cũng ghi rõ ca sĩ người Colombia bị yêu cầu nộp phạt 24 triệu euro vì đã không khai khoản thu nhập 14,5 triệu euro từ năm 2012 đến 2014. Tư Pháp Tây Ban Nha giờ đây quyết định khởi tố. Shakira không chấp nhận cáo trạng của Viện Công Tố cho biết sẵn sàng ra tòa. Cô cho rằng các khoản thu nhập trên là từ các vòng lưu diễn ở nước ngoài và cô không sống quá 6 tháng/1 năm ở Tây Ban Nha nên không phải nộp thuế thu nhập tại đây.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220730-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p