Tin Tổng Hợp – 31/5/21
(Xinhua/NHK) – Quân Đội Miến Điện ngừng các chiến dịch quân sự đến cuối tháng Sáu. Theo thông cáo ngày 30/05/2021 của tập đoàn quân sự, quyết định kéo dài thời hạn ngừng mọi chiến dịch quân sự trên toàn quốc là để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với 10 tổ chức vũ trang dân tộc đã tham gia ký Thỏa thuận Ngừng bắn Quốc gia (NCA) từ tháng 10/2015 và để mở cửa lại trường học từ ngày 01/06. Phong trào chống tập đoàn quân sự lan sang lĩnh vực thể thao. Nhiều cầu thủ bóng đá Miến Điện đã từ chối tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu với Nhật Bản ở vòng đấu loại Giải vô địch Bóng đá Thế giới 2022. Trả lời NHK ngày 31/05, tuyển thủ Zaw Min Tun, từng 10 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, cho biết anh từ chối vì muốn sát cánh với người dân Miến Điện.
(AFP) – Thế Vận Hội Tokyo 2020 thắt chặt điều kiện đối với khán giả trong nước. Theo một tờ báo Nhật Bản ngày 31/05/2021, trong trường hợp được phép tham dự các cuộc thi đấu Thế Vận Hội Tokyo, diễn ra từ 23/07 đến 08/08/2021, khán giả Nhật Bản sẽ phải cung cấp giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc chứng nhận đã tiêm chủng. Khán giả cũng sẽ bị cấm hò hét cổ vũ và ăn uống trong khu vực thi đấu. Khán giả nước ngoài vẫn bị cấm đến dự Thế Vận Hội Tokyo 2020.
(AFP) – Covid-19 : Singapore bắt đầu tiêm ngừa cho trẻ 12-15 tuổi từ ngày 03/06/2021. Vac-xin tiêm cho lứa tuổi này là Pfizer. Thủ tướng Singapore tuyên bố như trên nào hôm nay 31/05/2021. Các trường học cấp 1 và cấp 2 ở Singapore đã phải đóng cửa từ giữa tháng 05. Quốc gia 5,7 triệu dân cho đến nay ghi nhận 62.000 ca nhiễm và 33 ca tử vong vì virus corona.
(AFP) – Trung Quốc sẽ xóa quy định hạn chế sinh tối đa hai con. Theo Tân Hoa Xã ngày 31/05/2021, mọi cặp vợ chồng sẽ được phép sinh con thứ ba. Quyết định được chính quyền Bắc Kinh đưa ra chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc công bố kết quả điều tra dân số cho thấy tỉ lệ sinh đẻ ở quốc gia đông dân nhất toàn cầu đã giảm mạnh.
(AFP) – Thủ tướng Anh muốn G7 đạt thỏa thuận về hộ chiếu vac-xin. Trả lời đại truyền hình CBC của Canada ngày 30/05/2021, ông Boris Johnson cho rằng «cần phải có một thỏa thuận ở cấp G7 về cách áp dụng hộ chiếu vac-xin». Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh G7 ở Cornouiailles, tây nam Anh Quốc, từ ngày 11-13/06. Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng tiêm chủng toàn cầu vào năm 2022 vì «không ai được an toàn chừng nào cả thế giới chưa được an toàn».
(Reuters) – Nga tuyên bố sẽ bảo vệ và trợ giúp Belarus nếu Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt kinh tế nhắm vào Minsk. Hãng tin RIA trích dẫn một quan chức ngoại giao Nga cho biết như trên vào ngày 31/05/2021. Nhiều nước châu Âu đã áp đặt quy định hạn chế các hãng hàng không của Belarus hạ cánh xuống sân bay hoặc bay qua không phận của họ sau vụ Belarus ép một máy bay của hãng Ryanair hạ cánh xuống Minsk để bắt một nhà đối lập. Liên Âu hiện giờ đang xem xét đến các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhắm vào Minsk.
(RFI) – Cựu trùm mafia tố Ankara tiếp tay khủng bố Hồi Giáo cực đoan. Sedat Peker, từng là trùm mafia, bị tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ truy nã, hiện đang trốn ở nước ngoài, ngày 30/05/2021, đã cho đăng trên Youtube một video mới có thể ảnh hưởng đến chính quyền Ankara. Trong đoạn vidéo, người này khẳng định đã tham gia vào việc vận chuyển vũ khí sang Syria cho SADAT – một tập đoàn quân sự tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Những đoàn xe tải chở đầy vũ khí đã được giao cho Mặt trận Al-Nosra, vốn bị quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Những thông tin này từng được nhà báo điều tra Can Dundar tiết lộ năm 2015. Tuy nhiên, ông Dundar, bị chính quyền tổng thống Erdogan kết tội « tiết lộ bí mật quốc gia » và bị kết án 27 tù giam, buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài.
(AFP) – Cédéao đình chỉ quy chế thành viên của Mali. Trong cuộc họp ngày 30/05/2021 tại Accra, thủ đô của Ghana, lãnh đạo các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (Cédéao) lên án cú đảo chính đúp của tướng Assimi Goita, đồng thời yêu cầu bổ nhiệm ngay lập tức một thủ tướng mới thuộc xã hội dân sự, nhưng không yêu cầu khôi phục chức vụ cho cựu tổng thống Bah Ndaw và thủ tướng Moctar Ouane bị bắt giữ từ ngày 24/05. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo sẽ rút quân Pháp khỏi Mali nếu quốc gia châu Phi này «không còn tính chính đáng dân chủ và không có quá độ».
(RFI) – Liên Hiệp Quốc yêu cầu điều tra về tình trạng bạo lực ở Colombia. Từ thứ Sáu 28/05 đã có 13 người thiệt mạng vì bạo lực tại Colombia, nơi phong trào biểu tình kéo dài liên tiếp từ suốt một tháng nay. Chính phủ của tổng thống Ivan Duque đã đàm phán với một số đại diện của những người biểu tình nhưng không đạt được kết quả. Ngày 30/05, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đã yêu cầu «nhanh chóng mở các điều tra hiệu quả, độc lập, trung lập và minh bạch» về những người được cho là có liên quan đến các vụ bạo động gây thương tích hoặc tử vong, kể cả các quan chức nhà nước.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210531-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p