Tin Tổng Hợp – 3/3/22: ‘Bộ Tứ’: Chuyện Ukraine không được xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 3/3/22: ‘Bộ Tứ’: Chuyện Ukraine không được xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ukraina: Nga chiếm được thành phố lớn đầu tiên, tiếp tục đẩy mạnh tấn công

Một tuần sau cuộc tấn công xâm lược toàn diện Ukraina, đến hôm nay, 03/03/2022, quân Nga đã chiếm được thành phố lớn đầu tiên, đó là thành phố Kherson ở miền nam Ukraina, đồng thời tiếp tục tăng cường pháo kích vào các thành phố khác trước các cuộc đàm phán hôm nay về lệnh ngừng bắn.

Các quan chức của Ukraina xác nhận trong đêm qua và sáng hôm nay, quân đội Nga đã tràn vào khắp nơi trong Kherson, thành phố có 290 nghìn dân nằm sát cạnh bán đảo Crimée. Matxcơva cũng đã thông báo đã kiểm soát được hoàn toàn thành phố sau các trận pháo kích dữ dội.

Theo AFP, thị trưởng thành phố, Igor Kolykhaiev cho biết ông đã thảo luận tại một trụ sở cơ quan thành phố với những «vị khách có vũ trang», có thể hiểu là quân đội Nga. Ông cũng cho biết không hứa hẹn gì với người Nga và «chỉ yêu cầu họ không bắn vào người dân». Thị trưởng thành phố cũng thông báo lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế di chuyển bằng xe cộ trong thành phố.

Ở cách xa về phía đông, thành phố Marioupol, tình hình ngày càng tồi tệ hơn, theo lời một người dân địa phương. Theo quân đội Ukraina, thành phố chiến lược nằm giữa miền đông bắc và đông nam Ukraina vẫn tiếp tục «kháng cự».

Ở phía bắc, Kharkov, thành phố lớn thứ 2 của Ukraina nằm gần biên giới Nga, tiếp tục bị pháo kích dữ dội trong suốt đêm hôm qua. Quân Nga cũng mở các đợt oanh kích vào Izoum, một địa điểm cách Kharkov 12 km về hướng đông nam, làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, theo chính quyền địa phương. Quân Nga tiếp tục siết chặt vòng vây xung quanh thủ đô Kiev và tăng cường các đợt tấn công bằng tên lửa vào các vị trí lân cận thành phố.

Thông tín viên Sthéphane Siohan từ Kiev tóm lược tình hình chiến sự xung quanh thủ đô Kiev :

Sáng thứ Tư, đã có một trận pháo kích vào Jitomyr, thành phố có 260 nghìn dân, cách Kiev 150 km về phía tây. Một quả tên lửa đã bắn xuống sát cạnh một nhà trẻ, làm ít nhất ba người thiệt mạng và hơn chục người bị thương.

Ngoài thảm họa, giai đoạn mới của cuộc chiến tranh cho thấy hai chuyện : Một mặt, quân Nga, thất vọng với đà tiến quân bị chậm lại, đã bắt đầu đánh nhiều hơn vào các cơ sở hạ tầng dân sự. Mặt khác, qua hướng bắc Ukraina, quân Nga tăng sức ép lên tuyến đường E40 nối Kiev với thành phố Lviv ở phía tây.

Xa lộ lớn này là con đường sống của Ukraina kết nối nước này với Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu. Các xe tải vẫn vẫn qua tuyến đường này để chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm về thủ đô.

Nhưng cũng qua con đường đó, trong những tuần qua, vũ khí từ Ba Lan và các nước đồng minh được chuyển đến Ukraina.

Nếu Kiev bị cắt đứt hậu cứ ở phía tây và chỉ còn các tuyến đường về hướng nam không an toàn, thì thành phố sẽ bị bao vây khốc liệt. Trong khi đó việc cung cấp lượng thực thực phẩm cơ bản đang ngày càng khó khăn.

Quân Nga gia tăng cường độ tấn công trong khi các cuộc thương lượng Ukraina – Nga thứ 2 dự kiến diễn ra hôm nay tại một địa điểm chưa được xác nhận tại Belarus, gần biên giới với Ba Lan. Cuộc thương lượng lần thứ nhất không mang lại kết quả nào, vì Kiev đòi chấm dứt ngay lập tức cuộc xâm lược, còn Matxcova dường như chờ đợi quân đội Ukraina đầu hàng.

Liên Hiệp Quốc: Hơn 1 triệu người tị nạn

Ngày 02/03/2022, Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông báo, số thường dân thiệt mạng trong chiến tranh Ukraina tính đến tối thứ Ba 01/03 đã lên đến 227 người. Ngoài ra còn có 525 người bị thương.

Trong khi đó, Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) tối thứ Tư 02/03/2022 thông báo trong vòng 1 tuần, kể từ khi quân đội Nga tấn công Ukraina, đã có hơn 1 triệu người chạy sang các nước láng giềng lánh nạn. Trả lời RFI sáng hôm nay 03/03, phát ngôn viên HCR tại Pháp cho biết một nửa số người nói trên đã đến Ba Lan, số còn lại đến Hungary, Rumani, Moldavia và Slovakia. Biên phòng Rumani ghi nhận hơn 139.000 người đến từ Ukraina tính từ ngày 24/02/2022.

Anh Vũ – Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220303-ukraina-nga-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-l%E1%BB%9Bn-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng

Lãnh đạo ‘Bộ Tứ’: Chuyện Ukraine không được phép xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Reuters – Các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ, gồm các quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, hôm 3/3 đồng ý với nhau rằng những gì đang xảy ra đối với Ukraine không được phép xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 25/2/2022.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 25/2/2022.

Cuộc họp trực tuyến của nhóm bốn quốc gia được tổ chức vào thời điểm lo ngại đang gia tăng về Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nơi đã tăng cường mức độ cảnh giác, đề phòng Trung Quốc lợi dụng phương Tây mất tập trung để ra tay.

“Chúng tôi đã đồng thuận rằng không cho phép có động thái đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực kiểu này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Kishida nói, đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Kishida nói: “Chúng tôi cũng nhất trí rằng diễn tiến này càng cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhận thức về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Kurt Campbell, hôm thứ Hai 28/2 cho biết Hoa Kỳ vẫn duy trì tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù điều này sẽ khó khăn và tốn kém.

Ông nói Washington đã tác chiến tích cực ở cả hai chiến trường cùng một lúc trước đây, bao gồm cả trong Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Lạnh.

Hoa Kỳ coi Bộ Tứ và các mối quan hệ ngày càng tăng với Ấn Độ là yếu tố cần thiết cho nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc ở Thái Bình Dương, nhưng họ cũng đang ở trong một thế cân bằng tế nhị với New Delhi, vì mối quan hệ lâu nay của nước này với Nga.

Trong số 4 nước thuộc nhóm Bộ Tứ, chỉ có Ấn Độ là không lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Ấn Độ, và Ấn Độ hiện đang đối mặt với khả năng bị Mỹ trừng phạt vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ động thái nào của chính quyền Biden
nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì đã bắt tay với
Moscow có thể sẽ phản tác dụng và cản trở sự hợp tác trong Bộ Tứ.

Ông Campbell cho biết hôm 28/2 rằng Washington vẫn “lạc quan” về mối quan hệ với Ấn Độ.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trước cuộc họp hôm 3/3 rằng họ sẽ theo dõi một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ ở Washington, và sẽ “trao đổi quan điểm và đánh giá về những diễn tiến quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trung Quốc lên án Bộ Tứ là một cấu trúc Chiến tranh Lạnh và một bè phái “nhắm vào các nước khác”.

https://www.voatiengviet.com/a/6468634.html

Nga-Ukraine: Phương Tây còn có thể áp đặt biện pháp trừng phạt nào với Nga?

Đồng rouble của Nga rớt giá mạnh vào tuần trước
Chụp lại hình ảnh, Đồng rouble của Nga rớt giá mạnh vào tuần trước

Một loạt các hành động của phương Tây đã ra, nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Nga, đồng thời trừng phạt giới nội các của Vladimir Putin. Họ có thể áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt nào nữa?

Đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Mỹ, Anh, EU và hơn hai chục quốc gia khác đã trả đũa bằng các biện pháp kinh tế khiến đồng rouble Nga lao dốc, cắt các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và gây tổn hại cho các công ty nhà nước và giới tài phiệt chính trị (Oligarch), bao gồm cả chính ông Putin.

Mỹ cho biết hành động của họ đã tác động đến 80% tài sản ngân hàng ở Nga; và EU là 70%. Các đồng minh cũng đã thực hiện các bước để hạn chế việc Nga tiếp cận công nghệ quan trọng, như là vi mạch và laser; và tiến tới chống lại tiền mã hóa (cryptocurrencies).

Cùng nhau, các biện pháp này đại diện cho các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mà nước Nga của ông Putin từng phải đối mặt.

Và giới phân tích hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục thắt chặt – ví dụ, bằng cách đưa thêm nhiều loại công nghệ và công ty mới vào danh sách đen. Hành động gần đây nhất của Hoa Kỳ, hôm thứ Tư (02/3), nhắm vào thiết bị lọc dầu, trong số các bước đi khác.

“Chúng tôi hiện đang ở nấc thứ bảy hoặc tám trong số 10 bậc thang leo thang,” Emily Kilcrease, thành viên cấp cao và là giám đốc của Chương trình Năng lượng, Kinh tế và An ninh tại Washington think tank, Center for New American Security, nói. “Chắc chắn vẫn còn có thể thắt chặt.”

Ngoại trừ năng lượng

Nhiều công ty phương Tây, bao gồm BP, Apple và những công ty khác đã phản ứng trước tình hình bằng cách thực hiện các bước để tạm dừng dịch vụ hoặc rút khỏi nước Nga.

Nhưng hiện tại, thương mại vẫn có thể lưu chuyển – ít nhất không phải các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như dầu và khí đốt, mà Nga là nhà cung cấp lớn toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã miễn cưỡng đánh vào năng lượng, một phần vì sợ giá năng lượng tăng đột biến cũng sẽ gây thiệt hại kinh tế trong nước – đặc biệt là ở châu Âu, nơi phụ thuộc vào Nga với khoảng 40% lượng gas nhập khẩu và khoảng 30% dầu. nhập khẩu từ Nga..

Nhưng khi bạo lực ở Ukraine leo thang, ngày càng có nhiều áp lực buộc Mỹ và châu Âu phải hành động.

Phương Tây sẽ áp lệnh trừng phạt lên xuất khẩu dầu và gas của Nga?
Chụp lại hình ảnh, Phương Tây sẽ áp lệnh trừng phạt lên xuất khẩu dầu và gas của Nga?

Christopher Miller, giáo sư tại Tufts University’s Fletcher School và là chuyên gia về nền kinh tế Nga cho biết: “Cảm nhận của tôi là nó đang trở nên không thể biện hộ được về mặt chính trị khi nói rằng chúng ta sẽ tiếp tục trả tiền mua dầu, gas và than đá của Nga.”

“Điều đó vốn đã khó khăn về mặt chính trị cho các nhà lãnh đạo phương Tây và tôi nghĩ rằng nó sẽ trở nên thậm chí khó khăn hơn khi quân đội Nga leo thang sử dụng vũ lực.”

Đó là một bài toán khó.

Trong khi các giao dịch dầu và gas là chìa khóa để ngăn nền kinh tế Nga “sụt giảm nhanh chóng”, việc cắt đứt những rủi ro huyết mạch đó sẽ gây ra phản ứng cực đoan hơn từ phía Nga, Jeffrey Schott, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn tại Washington, phân tích.

“Mức độ áp lực kinh tế hiện nay là nghiêm trọng. Nếu bạn tiến hành cuộc chiến kinh tế, Putin có thể đáp trả bằng hành động mạng và quân sự mà sẽ chỉ làm cho sự chịu đựng trở nên tồi tệ hơn”, ông nói.

Điều cam kết hơn nữa, được các đồng minh phương Tây công bố trong tuần này, là giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ quốc gia chiến lược – một nửa trong số đó đến từ Mỹ – sẽ chỉ làm dịu sự tăng vọt tạm thời về giá cả.

Nga có thể chịu được việc mất khách hàng phương Tây, nếu họ có thể bán ít hơn trên thị trường toàn cầu với giá cao hơn, bà Kilcrease cho biết.

“Tôi nghĩ mọi người muốn xem thứ gì đó ở đó… nhưng bạn phải nghĩ về tác động của việc cắt giảm doanh số bán hàng đó thực sự sẽ như thế nào. Nó có gây tổn hại cho Nga không? Điều đó thực sự không rõ ràng,” bà nói.

Nỗi đau tức thì

Các lệnh trừng phạt đã gây ra sự tàn phá kinh tế ở Nga.

Trước khi đóng cửa tuần này, hai chỉ số chứng khoán chính của Moscow đã giảm hơn 20%. Đồng rouble đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đôla Mỹ, làm ảnh hưởng đến sức mua của các gia đình Nga tại thời điểm khi mà giá cả tăng cao và mức sống xấu đi đã là những mối lo ngại.

Chiến tranh đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở Nga
Chụp lại hình ảnh, Chiến tranh đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở Nga, quốc gia cũng đã chứng kiến mức sống trượt dốc trong những năm gần đây

Công ty tư vấn Capital Economics gần đây ước tính rằng các lệnh trừng phạt có thểthu hẹp nền kinh tế Nga15% trong năm nay.

Nỗi đau cũng không chỉ giới hạn ở nước Nga.

Giá dầu toàn cầu đã tăng hơn 10% kể từ đầu tháng Hai trong bối cảnh căng thẳng – và các nhà phân tích dự đoán nó sẽ vẫn tăng do sự không chắc chắn từ cuộc xung đột. Ukraine và Nga cũng cung cấp gần 30% lúa mì, 19% ngô và 80% dầu hoa hướng dương cho thế giới.

Đồng tiền ở những nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, như Kazakhstan, cũng bị ảnh hưởng.

“Đó là vấn đề với các lệnh trừng phạt – chúng không bao giờ chỉ nhắm vào một nơi duy nhất,” Kristy Ironside, giáo sư lịch sử Liên Xô và Nga tại Đại học McGill cho biết. “Chúng có xu hướng có tác động kích thích khác nên bất cứ điều gì [các nhà hoạch định chính sách] làm tiếp theo, họ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng về điều đó.”

Cũng không rõ bất ổn kinh tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vị thế của Putin ở quê nhà- hay liệu chúng sẽ khiến ông ấy sẵn sàng đàm phán để chấm dứt bạo lực ở Ukraine hay không.

Rốt cuộc, người Nga đã phải chịu đựng sự cô lập về kinh tế trước đây và khả năng chi trả cho du lịch quốc tế và pho mát nhập khẩu có thể không quan trọng nhiều đối với đất nước ông ấy.

“Miễn là lương hưu tiếp tục được trả và mọi người có thể tận hưởng một mức sống tương đối hợp lý… thì tôi nghĩ sẽ có một chút mất thời gian,” Giáo sư Ironside nói. “Nếu điều này được duy trì… tôi không biết.”

Giáo sư Miller cho biết ông không lạc quan rằng các lệnh trừng phạt sẽ buộc ông Putin phải đàm phán về vấn đề Ukraine. Nhưng nếu được duy trì, ông nói, chúng có thể hạn chế quyền lực của ông ấy.

“Bất cứ điều gì động chạm đến hệ thống tài chính sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn như một hệ quả,” Giáo sư Miller nói. “Điều đó sẽ có hiệu ứng gợn sóng tới toàn bộ nền kinh tế Nga.”

“Nó sẽ làm cho triển vọng kinh tế của Nga trong vài năm tới mờ đi đáng kể và do đó, khiến chính phủ Nga khó kiểm soát tình hình chính trị trong nước, trong khi đồng thời tiến hành một loạt cuộc chiến ở nước ngoài.”

“Đây là mục tiêu,” ông nói thêm. “Để tạo ra sự suy thoái từ trung hạn đến dài hạn lên khả năng của Nga.”

Natalie Sherman – Phóng viên Kinh tế, từ New York

https://www.bbc.com/vietnamese/business-60585151

(AFP) – Đức sẽ chuyển cho Ukraina thêm 2.700 hỏa tiễn phòng không do Liên Xô sản xuất. Chính phủ Đức hôm nay 03/03/2022 quyết định gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina đang bị Nga tấn công, với việc chuyển giao thêm 2.700 hỏa tiễn phòng không. Điều mỉa mai của lịch sử: các hỏa tiễn Strela là do Liên Xô sản xuất, lấy từ kho vũ khí của Đông Đức Cộng sản cách đây hơn 30 năm. Bộ Quốc Phòng Đức cũng gởi thêm cho Ukraina 18.000 nón sắt. Trước đó, hôm thứ Bảy, 26/02, Berlin đã cho phép viện trợ 500 hỏa tiễn Stinger, 1.400 súng bắn rốc-kết chống chiến xa, ngoài ra còn có 9 súng phóng lựu cũng của Liên Xô cũ.

(AFP) – Đến lượt Twitter chận RT và Sputnik của Nga tại châu Âu. Sau Facebook, Instagram và YouTube, hôm nay 03/03/2022 đến lượt mạng xã hội Twitter chận các tài khoản của hai phương tiện truyền thông Nga là RT (tức Russia Today cũ) và Sputnik tại Liên Hiệp Châu Âu (EU). Hai cơ quan này, bị cáo buộc là công cụ bóp méo thông tin của Matxcơva trong cuộc tấn công vào Ukraina, đã bị các quốc gia thành viên EU chính thức cấm hoạt động kể từ thứ Tư 02/03. Ngoài ra Twitter còn ghi chú «Truyền thông thuộc về Nhà nước Nga» ở tài khoản cá nhân các nhà báo RT. Riêng tại Pháp, quốc gia EU duy nhất cho đặt chi nhánh RT, câu này cũng được ghi bên cạnh tài khoản các cựu phóng RT.

(AFP) – Nga và Belarus bị cấm tham gia Thế vận hội người khuyết tật 2022. Tuy hôm qua được cho phép, nhưng đến hôm nay, 03/03/2022, các vận động viên Nga và Belarus rốt cuộc không được tham gia Thế vận hội mùa đông dành cho người khuyết tật, sẽ khai mạc tại Bắc Kinh ngày 04/03. Ủy ban Thế vận người khuyết tật Quốc tế (CIP) cho biết họ đã thay đổi quyết định vì «nhiều ê-kíp và vận động viên các nước dọa sẽ không tham dự». Trước đó Ủy ban Thế vận Quốc tế (CIO) đã tố cáo Nga xâm lăng Ukraina, cổ vũ các liên đoàn cấm Nga và Belarus tham gia mọi cuộc tranh tài thể thao. Nhiều liên đoàn như trượt băng, bóng bầu dục, quyền Anh, bơi lội… đã tẩy chay Nga.

(AFP) – Liên Âu trừng phạt 22 sĩ quan cấp cao của quân đội Belarus hậu thuẫn Nga xâm lược Ukraina. Danh sách được Bruxelles thông báo hôm qua, 02/03/2022. Các sĩ quan này sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm nhập cảnh và lưu lại Liên Âu. Trước đó, hôm 27/02, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Belarus : Nước này bị cấm xuất khẩu sang Liên Âu các mặt hàng liên quan đến những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất, như chất đốt, xi-măng, luyện kim …

(AFP) – Bốn chiến đấu cơ của Nga xâm phạm không phận Thụy Điển, phía đông đảo Godland ở biển vùng Baltic. Quân đội Thụy Điển coi vụ hai máy bay tiêm kích Nga Su-27 và 2 chiếc Su-24 xâm phạm không phận của nước này hôm qua, 02/03/2022, là nghiêm trọng, hoàn toàn không thể chấp nhận được. Vụ việc xảy ra sau khi Thụy Điển hôm 27/02 thay đổi lập trường có từ năm 1939, thông báo cung cấp cho Ukraina 5.000 vũ khí chống tăng.

(AFP) – Đài phát thanh độc lập của Nga Tiếng vọng Matxcơva (Ekho Moskvy) tự giải thể. Thông báo được Ekho Moskvy đưa ra hôm nay 03/03/2022, sau khi đài này bị chính quyền cấm phát thanh vì đã đưa tin quân đội Nga tấn công Ukraina. Trưởng ban biên tập Alexei Venedicktov viết trên tài khoản Telegram là cả đài và trang web của Ekho Moskvy đều sẽ ngừng hoạt động, với sự đồng ý của đa số thành viên hội đồng quản trị. Hiện nay, các phương tiện truyền thông Nga chỉ được đưa các thông tin do chính quyền cung cấp.

(AFP) – Ủy ban Quốc hội Mỹ phụ trách điều tra vụ tấn công Điện Capitol: Donald Trump đã phạm luật. Theo một biên bản ghi nhớ mà truyền thông Mỹ có được hôm 02/03/2022, Ủy ban điều tra khẳng định có đủ bằng chứng để kết luận ông Trump và các thành viên trong êkip vận động tranh cử đã có các hành vi phạm tội nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận cuối cùng, cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

(Reuters) – Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1998. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat công bố hôm nay, 03/03/2022, tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 01/2022 là 6,8%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất công nghiệp lại tăng ở mức kỷ lục : 30,6% trong vòng 1 năm. Điều này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu lo ngại, vì chi phí sản xuất tăng đẩy giá tiêu dùng tăng theo.

(AFP) – Tổng thống Phần Lan kêu gọi dân chúng giữ bình tĩnh, tỉnh táo khi quyết định về việc gia nhập NATO. Lời kêu gọi của ông Sauli Niinisto được đưa ra hôm nay 03/03/2022. Tổng thống Phần Lan nhấn mạnh cần giữ bình tĩnh và đánh giá kỹ càng tác động của cuộc khủng hoảng Ukraina đối với an ninh đất nước. Theo một cuộc thăm dò mới đây, lần đầu tiên đa số dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO. Hồi tuần trước, hàng trăm ngàn người đã ký tên ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220303-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p