Tin Tổng Hợp – 29/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 29/9/21

Nhật Bản: Đảng cầm quyền bầu cựu ngoại trưởng thời Abe làm chủ tịch

Đảng Dân chủ – Tự do cầm quyền (PLD) ở Nhật Bản hôm nay, 29/09/2021, đã bầu ông Fumio Kishida làm chủ tịch đảng. Cựu ngoại trưởng dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, ông Fumio sẽ được chỉ định làm thủ tướng thay ông Yoshihide Suga. Quảng cáo

Cựu ngoại trưởng Fumio Kishida vừa được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng PLD. Ảnh ngày 29/09/2021.
Cựu ngoại trưởng Fumio Kishida vừa được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng PLD. Ảnh ngày 29/09/2021. REUTERS – POOL

Về nguyên tắc, nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ có tân thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu ngày 04/10 tại Quốc Hội Nhật. Cựu ngoại trưởng Fumio Kishida, 64 tuổi, đắc cử vòng hai cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng với 257 phiếu, vượt xa 170 phiếu của đối thủ, chính trị gia Taro Kono, 58 tuổi, vốn là một trong các chính trị gia rất được lòng dân tại Nhật. Tân chủ tịch đảng Dân chủ – Tự do Nhật Bản nổi tiếng là người tranh đấu cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông đã đóng góp nhiều cho việc Barack Obama, tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ viếng thăm thành phố bị bom nguyên tử Mỹ hủy diệt năm 1945. 

Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo: 

« Đảng Dân chủ – Tự do cầm quyền liên tục tại Nhật Bản hoặc gần như vậy, từ khi Thế chiến Hai kết thúc đến nay, đã chọn làm chủ tịch một cựu chuyên gia ngân hàng ở Hiroshima, thành phố là nạn nhân của vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Fumio Kishida tranh đấu cho giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng điều nghịch lý là chính trị gia này cũng là người phản đối Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, mà nước Nhật – đồng minh của Hoa Kỳ – chưa bao giờ phê chuẩn. 

Tuy nhiên, ông Fumio Kishida cũng cho biết cụ thể là ông sẽ chấp nhận ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc chừng nào Hiệp ước này được các cường quốc nguyên tử công nhận. 

Fumio Kishida cũng là người ủng hộ điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng của Nhật Bản, bất chấp tai nạn hạt nhân Fukushima. Là người chủ trương tìm đồng thuận, ít có sức thu hút, cựu ngoại trưởng Nhật Bản muốn đấu tranh chống lại các bất bình đẳng xã hội, nạn nghèo đói, tình trạng bấp bênh gia tăng trong đại dịch Covid-19. Fumio Kishida nhấn mạnh đến đòi hỏi tái cấu trúc nền kinh tế thứ ba thế giới để mang lại các phương tiện giúp nước Nhật tiếp tục duy trì được khả năng cạnh tranh, cho dù dân Nhật đang già đi nhanh chóng. 

Ông Fumio Kishida kế nhiệm thủ tướng Yoshihide Suga, vào lúc uy tín của ông Suga rớt xuống mức thấp nhất trong các thăm dò dư luận, vì cách xử lý đại dịch bị đánh giá là ít gây được niềm tin trong công luận, cũng như quyết tâm duy trì bằng được kỳ Thế Vận Hội Tokyo, bất chấp sự phản đối của đa số dân Nhật». 

Ông Fumio Kishida – xuất thân trong một gia đình nhiều thế hệ tham gia chính trường – lần đầu tiên đắc cử dân biểu năm 1993. Fumio Kishida đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng trong chính phủ Shinzo Abe từ năm 2012 đến 2017. Năm 2020, ông cũng đã từng ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Dân chủ – Tự do, nhưng bị thua trước đối thủ Yoshihide Suga. 

Thủ tướng tương lai của nước Nhật phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ dẫn dắt nền kinh tế Nhật phục hồi sau đại dịch đến các đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Về mặt kinh tế, ông Kishida hứa hẹn một kế hoạch đầu tư lớn để thúc đẩy kinh tế Nhật phục hồi sau cú sốc đại dịch, nhưng cũng cam kết sẽ siết chặt chi tiêu công trong bối cảnh nợ công của Nhật đã lên đến 256% GDP năm 2020, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).

Sau khi được Quốc Hội mãn nhiệm bầu làm thủ tướng, đảng Dân chủ – Tự do với sự lãnh đạo của Fumio Kishida sẽ bước vào cuộc tranh cử Quốc Hội mới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210929-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%B1u-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-th%E1%BB%9Di-abe-l%C3%A0m-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch

Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sắp thành tân Thủ tướng Nhật

Reuters – Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo Đảng Dân chủ Cấp tiến LDP đang cầm quyền ở Nhật -một thắng lợi đảm bảo ông sẽ trở thành Thủ tướng kế tiếp của Nhật Bản trong vài ngày tới.

Cựu Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo Đảng Dân chủ Cấp tiến LDP ngày 29/9/2021.
Cựu Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo Đảng Dân chủ Cấp tiến LDP ngày 29/9/2021.

Đương kim Thủ tướng Yoshihide Suga không ra tái cử, sau một năm nắm quyền.

Ông Kichida đánh bại cựu Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại giao Taro Kono, trong cuộc bỏ phiếu vòng nhì.

Ông Kichida là một người nhẹ nhàng, ăn nói nhỏ nhẹ, được sự ủng hộ chừng mực từ công chúng, có thể là một vấn đề cho đảng LPD trong những cuộc bầu cử sắp tới.

Chiến thắng của ông Kishida có phần chắc không tạo ra sự chuyển hướng nào lớn lao trong chính sách của Nhật đối phó với Trung Quốc và vực dậy nền kinh tế bị tác hại vì COVID.

Trong bài diễn văn nhận sự đề cử, ông Kishida thề quyết:

“Từ nay, tôi sẽ, bằng tất cả năng lực của mình, thẳng tay làm việc. Các thành viên của đảng trong nước và tất cả thành viên quốc hội, xin hãy hợp tác làm việc với tôi.”

Ông Kishida dự kiến sẽ lập nội các mới và cải tổ lãnh đạo đảng LDF vào đầu tháng 10, trước cuộc bấu cử dự trù vào đầu tháng 11.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-ngoai-truong-fumio-kishida-sap-thanh-tan-thu-tuong-nhat/6250960.html

Thượng nghị sĩ Canada cảnh báo việc phóng thích Mạnh Vãn Châu có thể tăng cường chính sách ‘ngoại giao con tin’ của Bắc Kinh

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu được trả tự do và trở về Trung Quốc hôm 26/9 (ảnh: Youtube/The Straits Times).

Theo Thượng nghị sĩ Canada Leo Housakos, việc thả “hai công dân tên Michaels” cùng thời điểm giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu được tại ngoại chứng tỏ Bắc Kinh đang sử dụng chính sách ngoại giao con tin và tạo ra một tiền lệ rắc rối cho các giao dịch trong tương lai với chính quyền Trung Quốc. 

“[Trong] trường hợp cụ thể này, Trung Quốc đã thắng. Họ đã có được những gì họ muốn, họ gây áp lực lên chúng tôi về mặt chính trị, họ gây áp lực lên các hệ thống tư pháp của chúng tôi”, Thượng nghị sĩ Housakos nói với tờ The Epoch Times”. 

“Tôi lo lắng nhất là điều này càng khiến chính quyền Trung Quốc bạo dạn hơn”, ông nói thêm.

Ông Housakos lý giải, vì chính quyền Trung Quốc “đã có được những gì họ muốn” trong vụ bà Mạnh, do đó họ có thể sẽ sử dụng ngoại giao con tin như một chiến lược liên tục trong các tình huống tiềm năng khác phát sinh.

“Họ có thể ngẫu nhiên chọn lựa công dân của bất kỳ quốc gia nào trong khối các nền dân chủ phương Tây của chúng ta để giữ làm con tin. Không có gì ngăn cản họ làm điều này một lần nữa”.

Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, đã bị bắt tại Vancouver vào ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Washington cũng đề nghị dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử với cáo buộc nói dối HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom, một công ty kinh doanh ở Iran, khiến HSBC có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự vì vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Vài ngày sau, ngày 10/12, hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị bắt giam với những cáo buộc vô căn cứ tại Trung Quốc. 

Theo  thỏa thuận truy tố trì hoãn với các công tố viên Hoa Kỳ được ký vào ngày 24/9, bà Mạnh được phép không nhận tội nhưng phải đồng ý với các cáo buộc chống lại bà, như được nêu trong một tài liệu. Cùng ngày, một tòa án Canada đã loại bỏ các điều kiện tại ngoại của bà, cho phép bà bay trở về Trung Quốc. Cũng trong ngày hôm đó, hai công dân Canada tên Michaels đã được thả và được phép bay về Canada.

Về điều này Thượng Nghị sĩ  Housakos nhấn mạnh: “Vào thời khắc bà Mạnh Vãn Châu được phóng thích họ đã tống hai ông Michael vào máy bay. Chính quyền Trung Quốc đã làm điều này một cách giữa thanh thiên bạch nhật, củng cố luận điểm rằng những gì họ đã làm chính là ngoại giao con tin”.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/canh-bao-viec-phong-thich-manh-van-chau-co-the-tang-cuong-chinh-sach-ngoai-giao-con-tin-cua-bac-kinh.html

(AFP) – Việt Nam: GDP quý 3 giảm 6,17% vì phong tỏa chống dịch. Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/09/2021 và là kết quả kém nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành thống kê từng quý kể từ năm 1986. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 2,9% nhờ kiểm soát được dịch và các doanh nghiệp vẫn hoạt động. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 với biến thể virus Delta lây lan mạnh đã buộc nhiều thành phố lớn bị phong tỏa, các khu công nghiệp cũng lần lượt bị đóng cửa gây xáo trộn hoạt động sản xuất.

(AFP) – Số vụ giết người tại Mỹ tăng gần 30% trong năm 2020. Theo dữ liệu được công bố ngày 27/09/2021, Hoa Kỳ có 21.500 vụ giết người trong năm 2020. Nhiều chuyên gia cho rằng việc có nhiều người sử dụng súng hơn có thể là nguyên nhân giải thích cho số vụ giết người gia tăng. Hơn 20 triệu khẩu súng các loạt được bán ra trong năm 2020, tăng 60% so với năm trước. Tuy nhiên, có thể còn nhiều lý do khác như thiếu nhân lực cảnh sát và số cuộc tuần tra hàng ngày giảm. Bang Louisiana đứng đầu danh sách về số vụ giết người, trong khi đó tại thành phố Houston, bang Texas, trung bình mỗi ngày có 1 người chết vì bị bắn.

(AFP) – Pháp giảm số thị thực cấp cho Maroc, Algérie, Tunisia. Ngày 28/09/2021, phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal xác nhận thông tin của đài Europe 1, theo đó Pháp quyết định giảm 50% số thị thực được cấp cho Algérie và Maroc và 30% cho Tunisia. Lý do là có ít công dân ba nước này bị trục xuất khỏi Pháp (theo diện OQTF) đã không thể hồi hương do lãnh sự của ba nước từ chối cấp giấy thông hành cho phép một cá nhân về nước: trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ có 22 người hồi hương trong tổng số gần 8.000 người thuộc diện QPTF. Biện pháp của Paris bị Maroc đánh giá tối 23/09 là «không chính đáng», theo Algérie là «không cân xứng».

(AFP) – Mỹ đề nghị Trung Quốc hạn chế nhập dầu của Iran. Hôm qua, 28/09, một quan chức cao cấp của Mỹ (giấu tên) cho biết, qua đường ngoại giao, Hoa Kỳ đã đề nghị Trung Quốc giảm mua dầu lửa của Iran trong khi mà Washington đang tìm cách thuyết phục Teheran nối lại đàm phán thỏa thuận 2015 về hạt nhân Iran. Bán dầu cho  các công ty Trung Quốc là một nguồn thu không nhỏ để cứu vớt nền kinh tế Iran đang bị kiệt quệ vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo ước tính, từ tháng giêng đến tháng 8 năm nay, Trung Quốc nhập khoảng 553 nghìn thùng dầu thô của Iran.

(AFP) – Võ sĩ Manny Pacquiao giải nghệ nuôi tham vọng làm tổng thống  Philippines. Huyền thoại quyền anh của Philippines, võ sĩ Manny Pacquiao, hôm nay 29/09/2021, thông báo quyết định tháo găng sau hơn 25 năm theo nghiệp đấm box để ra tranh cử tổng thống Philippines vào tháng 5/2022. Là nhà vô địch thế giới ở 8 hạng thi đấu, đồng thời là thượng nghị sĩ, Pacquiao, 42 tuổi, giờ đây nuôi tham vọng kế tục tổng thống Rodrigo Duterte. Võ sĩ quyền anh, người hùng của Philippines thừa nhận đây là một quyết định khó khăn nhất cuộc đời anh. Thực tế Pacquiao đã bước vào chính trị từ 2010, khi được bầu là dân biểu, trước khi trở thành thượng nghị sĩ năm 2016. Võ sĩ đã kết hôn và 5 người con là thần tượng của hàng triệu người hâm mộ Philippines cũng như trên thế giới.

(RSF) – Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho nhà báo điều tra Hoàng Tuyết Cầm. Nhà báo độc lập Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin, gọi là Sophia Huang), 33 tuổi, bị bắt hồi tuần trước, ngày 19/09/2021, tại tỉnh Quảng Đông, với tội danh «lật đổ chính quyền». Theo Phóng viên Không Biên Giới (RSF), dường như nữ phóng viên này bị giam giữ tại một địa điểm bí mật, và có nguy cơ bị tra tấn. Nhà báo Hoàng Tuyết Cầm nổi tiếng với các hoạt động trong phong trào nữ quyền «Me Too» tại Trung Quốc. Năm 2019, cô Hoàng từng bị bắt giam ba tháng, sau khi đưa tin về các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, với cáo buộc «gây rối loạn trật tự xã hội». Trung Quốc đứng thứ 177 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, theo xếp hạng của RSF, với ít nhất 122 phóng viên bị giam giữ.

(AFP) – Giải thưởng «Right Livelihood» (còn được gọi là «Nobel khác») được trao ba nhà hoạt động và tổ chức môi trường Nga, Canada, Ấn Độ và một nhà tranh đấu nhân quyền Camerun. Đồng sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Nga Ecodefense, Vladimir Slivyak, được trao giải vì «cuộc tranh đấu vì môi trường và đóng góp cho phong trào xã hội chống lại nền công nghiệp than đá và hạt nhân tại Nga». Tổ chức Ấn Độ «Legal Initiative for Forest and Environment (LIFE)» được tặng thưởng vì «các cách tân trong lĩnh vực tư pháp nhằm củng cố năng lực của các cộng đồng để bảo vệ các nguồn tài nguyên, và có nhiều dân chủ về môi trường hơn tại Ấn Độ». Nhà hoạt động Canada, bà Freda Huson, nổi tiếng về các hoạt động bảo vệ các thổ dân tại Canada, được tặng thưởng vì nỗ lực «bảo vệ đất đai của các cộng đồng thổ dân, chống lại các đường ống dầu khí nguy hại» và đóng góp để khôi phục văn hóa của cộng đồng thổ dân nơi bà xuất thân. Giải «Nobel khác», được một công dân Thụy Điển gốc Đức, thành lập năm 1980, trao tặng phần thưởng hàng năm khoảng 100.000 euro cho những người được vinh danh.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210929-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p