Tin Tổng Hợp – 28/02/23: Chính quyền Liên Bang Mỹ loại TikTok trong 30 ngày; Nhật, Úc có thể cùng Mỹ, Phi tuần tra Biển Đông; Ngoại trưởng Mỹ đến Kazakhstan; Tập chuẩn bị nhiệm kỳ ba, kêu gọi cải cách đảng và nhà nước; Công ty TC bị bắt quả tang ‘tiếp máu’ cho Nga

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 28/02/23: Chính quyền Liên Bang Mỹ loại TikTok trong 30 ngày; Nhật, Úc có thể cùng Mỹ, Phi tuần tra Biển Đông; Ngoại trưởng Mỹ đến Kazakhstan; Tập chuẩn bị nhiệm kỳ ba, kêu gọi cải cách đảng và nhà nước; Công ty TC bị bắt quả tang ‘tiếp máu’ cho Nga

Mỹ: Chính quyền Liên Bang yêu cầu loại TikTok trong vòng 30 ngày

28/02/2023 – Trọng Thành – Tại Hoa Kỳ, toàn bộ các cơ quan thuộc chính quyền Liên Bang phải bảo đảm là trong thời hạn một tháng, không còn phương tiện điện tử nào còn cài đặt các ứng dụng của TikTok, nền tảng kỹ thuật số được hơn một tỉ người sử dụng trên toàn cầu.

Lệnh cấm của chính quyền Mỹ được đưa ra hôm qua, 27/02/2023, ít ngày sau một lệnh tương tự của Ủy Ban Châu Âu cấm nhân viên sử dụng TikTok vì lý do an ninh. Lệnh cấm nói trên không liên quan đến các cơ sở không trực thuộc chính quyền Liên Bang, cũng như hàng triệu cá nhân sử dụng TikTok. Chính quyền nhiều nước phương Tây nghi ngờ các ứng dụng TikTok của công ty Trung Quốc ByteDance được Bắc Kinh sử dụng để thu thập thông tin.

Công chức Canada bị cấm dùng TikTok từ hôm nay

Hôm qua, chính quyền Canada cũng thông báo cấm công chức sử dụng Tiktok kể từ ngày 28/02.

Thông tin viên Pascale Guéricolas tường trình từ Québec:

‘‘Không còn các công thức nấu ăn, những bàn thắng đẹp nhất của đội khúc côn cầu yêu thích hay các mẹo trang điểm trên điện thoại công vụ của các công chức Canada. Chính quyền Canada lo ngại các dữ liệu cá nhân của họ sẽ lọt vào tay ban lãnh đạo của công ty Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, một công ty có liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo: “Tôi hy vọng rằng nhiều người Canada, cả doanh nghiệp và cá nhân, sẽ lưu tâm đến việc bảo mật dữ liệu của chính họ và có thể sẽ có các hành động phù hợp’’.

Một cuộc khảo sát vừa được tiến hành tại Canada để kiểm tra xem liệu dữ liệu của người dùng TikTok tại đây có được bảo vệ đầy đủ hay không, đặc biệt là với giới trẻ. Theo một số khảo sát, hơn ba phần tư dân Canada trong độ tuổi 18-24 sử dụng ứng dụng này. Về phần mình, công ty Trung Quốc lấy làm tiếc rằng chính phủ Canada đã không thông báo cho họ về quyết định liên quan đến các công chức. Người phát ngôn của công ty nói họ sẵn sàng thảo luận với chính quyền về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư’’.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230228-m%E1%BB%B9-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-li%C3%AAn-bang-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-lo%E1%BA%A1i-tiktok-trong-v%C3%B2ng-30-ng%C3%A0y

Nhật, Úc có thể tham gia cùng Mỹ, Philippines tuần tra Biển Đông

28/02/2023

Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Mỹ thả neo ngoài khơi Vịnh Manila của Philippines. Philippines đang đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ.
Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Mỹ thả neo ngoài khơi Vịnh Manila của Philippines. Philippines đang đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ.

Philippines đang đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao cấp cao cho biết hôm thứ Hai (27/2), trong một dấu hiệu lo ngại khác về các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược.

“Các cuộc họp đã được ấn định và có lẽ chúng tôi có thể mời Nhật và Úc tham gia”, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez nói với Reuters.

“Họ muốn tham gia tuần tra chung để đảm bảo có quy tắc ứng xử và tự do hàng hải”, đồng thời ông nói thêm rằng đây vẫn là “một ý tưởng đang được thảo luận”.

Nếu kế hoạch trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Philippines tham gia các cuộc tuần tra hàng hải đa phương trên Biển Đông, một động thái có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn trong vùng biển này.

Bộ ngoại giao Úc và các đại sứ quán của Hoa Kỳ, Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Nhật Bản sẽ “khám phá khả năng hợp tác với các đối tác để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và thực thi pháp luật hàng hải”, Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila nói hôm thứ Ba, đồng thời cho biết thêm rằng không có kế hoạch hay cuộc thảo luận cụ thể nào về các cuộc tuần tra chung.

Các cuộc đàm phán về tuần tra và tái cam kết với Hoa Kỳ nhấn mạnh mức độ mà Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. muốn tổ chức lại mối quan hệ với đồng minh lịch sử của mình, loại bỏ cách tiếp cận thù địch của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte đối với Washington trong khi vẫn theo đuổi sự can dự kinh tế chặt chẽ với cường quốc khu vực Trung Quốc.

Úc và Hoa Kỳ đã thảo luận riêng về các cuộc tuần tra chung với Philippines, giữa những lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ba bên và các cuộc tuần tra chung với các nước này sẽ “tốt cho Philippines và cho toàn bộ khu vực”, ông Romualdez nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi muốn có tự do hàng hải”.

https://www.voatiengviet.com/a/6982509.html

Ngoại trưởng Mỹ đến Kazakhstan, đồng minh truyền thống của Nga

Đăng ngày: 28/02/2023 – Trọng Thành – Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Kazakhstan hôm nay, 28/02/2023, với mục tiêu củng cố quan hệ hợp tác với Kazakhstan và bốn quốc gia Trung Á, tại khu vực vốn được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, và cũng là nơi Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng.

Theo AFP, tại thủ đô Asana, ngoại trưởng Mỹ đã gặp tổng thống Kassym-Jomart Tokaïev. Ông Blinken khẳng định: ‘‘Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Kazakhstan’’. Quốc gia này có hơn 7.500 km đường biên giới chung với Nga. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh cụm từ ‘‘chủ quyền lãnh thổ’’ vào thời điểm hiện tại có ý nghĩa quan trọng với Kazakhstan ‘‘hơn thường lệ’’.

Chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ ít ngày sau thời điểm đánh dấu tròn một năm cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. AFP cho biết, cho dù Matxcơva và Astana duy trì quan hệ mật thiết, nhưng căng thẳng bắt đầu xuất hiện từ nhiều tháng nay. Ngay từ đầu cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina, chính quyền của tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokaïev đã khẳng định rõ thái độ không hậu thuẫn Matxcơva trong cuộc can thiệp quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ gặp các đồng nhiệm của nhóm năm nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Kazakhstan, Uzbekistan, Tadjikistan, Kirghizstan, Turkmenistan. Tối nay, ông Blinken sẽ bay sang nước láng giềng Uzbekistan.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230228-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-kazakhstan-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng-c%E1%BB%A7a-nga

Tập Cận Bình, chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba, kêu gọi cải cách đảng và nhà nước ‘sâu rộng’

01/03/2023 – Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tính tái tổ chức “mạnh mẽ” và “sâu rộng” các cơ quan nhà nước và Đảng Cộng sản, với một phần kế hoạch sẽ được trình bày trước cuộc họp thường niên của quốc hội, truyền thông nhà nước loan tin ngày 28/2.

Lời kêu gọi đổi mới về cải cách thể chế đầy tham vọng sau khi ông Tập Cận Bình nắm chặt được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba, phá vỡ tiền lệ, trong một đại hội đảng lớn vào tháng 10 năm ngoái, nơi ông khẳng định vị trí của mình là nhà cai trị quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Cuộc họp sắp tới của quốc hội chủ yếu là chấp thuận và sẽ khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh vào ngày 5/3, nơi mà nhiều người cho rằng ông Tập sẽ đảm bảo nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là chủ tịch.

Lời kêu gọi cải cách thể chế cũng được đưa ra sau khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% vào năm ngoái – một trong những tốc độ yếu nhất trong gần nửa thế kỷ – suy yếu vì các biện pháp kiềm chế COVID nghiêm ngặt do ông Tập đề xướng vốn đã được dỡ bỏ vào tháng 12 năm ngoái.

Trong cuộc họp quan trọng kéo dài ba ngày của Ủy ban Trung ương đảng kết thúc hôm 28/2, ông Tập nói một phần của kế hoạch cải cách liên quan đến các thể chế nhà nước sẽ được trình bày trước quốc hội, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã loan tin.

Tại đại hội tháng 10 năm ngoái, đảng đã chỉ rõ rằng cần phải cải cách thể chế, bao gồm cả cải cách hệ thống tài chính, ông Tập nói.

Kế hoạch cải cách tổng thể sẽ “có mục tiêu, chuyên sâu và trên phạm vi rộng, chạm đến các lợi ích sâu xa”, ông Tập được trích dẫn trong một bài phát biểu trước Ủy ban Trung ương.

Ông không nói khi nào các kế hoạch cải cách các tổ chức đảng sẽ được trình bày để thảo luận. Tân Hoa xã không đưa ra chi tiết về những thay đổi.

‘Trẻ hóa’

“Sự trẻ hóa” của Trung Quốc phải được hướng dẫn bởi ông Tập và Ủy ban Trung ương vào lúc quản trị quốc gia được “hiện đại hóa”, Ủy ban Trung ương cho biết trong một thông cáo nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

“Cần phải thi hành đầy đủ, chính xác và toàn diện khái niệm phát triển mới”, ủy ban, cơ quan lớn nhất trong số các cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, nói.

Ủy ban Trung ương cũng thông qua danh sách đề nghị các ứng cử viên lãnh đạo để giới thiệu tại quốc hội.

Các nhà lập pháp dự kiến sẽ thông qua danh sách các vị trí hàng đầ tiếp theo của chính phủ trong Nội các sẽ do một thủ tướng mới đứng đầu trong 5 năm tới.

Nội các mới sẽ ngay lập tức được thử thách khi nền kinh tế, mặc dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn đang lung lay trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng yếu và lĩnh vực bất động sản đang suy thoái.

Ủy ban Trung ương Trung Quốc cho biết trong thông cáo của mình rằng sự phát triển của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với ba áp lực bao gồm nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu.

Năm ngoái, việc làm ở thành thị của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong sáu thập niên trong khi chi tiêu bình quân đầu người giảm hiếm thấy.

Tân Hoa Xã hôm 26/2 ca ngợi sự quan tâm của ông Tập Cận Bình đến quần chúng và sinh kế của họ.

“Lãnh đạo nhân dân không phụ lòng nhân dân, trăm triệu nhân dân yêu
mến lãnh tụ của mình!” hãng thông tấn tuyên bố trong một bài báo.

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-chuan-bi-cho-nhiem-ky-thu-ba-keu-goi-cai-cach-dang-va-nha-nuoc/6983101.html

Thêm loạt công ty Trung Quốc bị bắt quả tang ‘tiếp máu’ cho Nga

Liên Thành – 27/02/23

Tập đoàn Poly của Trung Quốc bị cáo buộc xuất khẩu linh kiện quân sự sang Nga. (Ảnh: Lấy từ Weibo).

Đã một năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, mặc dù Trung Quốc tuyên bố muốn khởi động đàm phán hòa bình, nhưng họ đã tăng cường quan hệ đối tác với Nga và bị cáo buộc hỗ trợ Nga. Mạng truyền hình cáp CNN của Mỹ đưa tin rằng họ có đủ bằng chứng cho thấy Tập đoàn China Poly của Trung Quốc đang bí mật gửi các bộ phận lắp ráp vũ khí cho Nga.

Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa bạch ốc Jake Sullivan vài ngày trước cho biết Trung Quốc không có hành động cung cấp hỗ trợ liên quan cho Nga, nhưng họ cũng không loại trừ lựa chọn này. Washington đã nói rõ với phía Trung Quốc rằng các hoạt động liên quan sẽ khiến Trung Quốc “phải trả giá thực sự”.

Ông Sullivan đã đề cập rằng các công ty Trung Quốc tiếp tục cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga và theo thông tin do Tòa bạch ốc đang nắm giữ, Trung Quốc đã xem xét cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga.

Theo một báo cáo mới mà CNN có được, Mát-xcơ-va có thể đã nhận vũ khí quân sự từ Bắc Kinh. Dữ liệu thương mại cho thấy Trung Quốc đã gửi bộ phận lắp ráp trực thăng tấn công, hệ thống tên lửa, hệ thống thông tin liên lạc và các bộ kiện quân sự khác cho các doanh nghiệp quân sự của Nga, đây rõ ràng là “sử dụng cho mục đích quân sự”.

Báo cáo chỉ ra rằng các bộ phận vũ khí này đã được xuất khẩu sang Nga thông qua một số công ty Trung Quốc, và thậm chí khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, radar quân sự và dân sự cùng các thiết bị khác đã được chuyển đến Nga. Thống kê cho thấy Tập đoàn China Poly hoặc công ty con “Poly Technology” của tập đoàn này  đã xuất khẩu vũ khí quân sự sang Nga ít nhất 268 lần. China Poly và các công ty Trung Quốc khác bị cáo buộc cung cấp vũ khí quân sự cho Nga vẫn chưa có phản hồi nào kể từ khi bài báo này được đưa ra.

Báo cáo lập luận rằng Nga có thể đang sử dụng Bắc Kinh để phá vỡ các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách mua công nghệ tiên tiến trong danh sách đen, đồng thời cung cấp các hệ thống liên lạc và linh kiện vũ khí công nghệ cao cho quân đội Nga.

CNN đưa tin, những dữ liệu thương mại này cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đã trở nên thân thiết hơn, đồng thời Mỹ cũng lo ngại điều này sẽ dẫn đến hậu quả tai hại cho cuộc chiến Nga-Ukraina.

https://www.dkn.tv/the-gioi/them-loat-cong-ty-trung-quoc-bi-bat-qua-tang-tiep-mau-cho-nga.html