Tin Tổng Hợp – 27/3/22: Nga hai lần oanh kích Lviv đúng vào lúc TT Mỹ thăm Ba Lan; Người tị nạn Ukraine thành ‘mồi ngon’ của tội phạm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 27/3/22: Nga hai lần oanh kích Lviv đúng vào lúc TT Mỹ thăm Ba Lan; Người tị nạn Ukraine thành ‘mồi ngon’ của tội phạm

Chiến tranh Ukraina: Nga hai lần oanh kích thành phố Lviv đúng vào lúc TT Mỹ thăm Ba Lan

Kể từ ngày Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, thành phố Lviv ở phía tây Ukraina ít khi bị tấn công. Tuy nhiên vào hôm qua, 26/03/2022, thành phố này đã liên tiếp hứng chịu hai loạt tên lửa của Nga. Giới phân tích nhận định, các đợt oanh kích này là động thái của Matxcơva nhằm “dằn mặt” tổng thống Mỹ Joe Biden, vì được tiến hành đúng vào lúc lãnh đạo Mỹ viếng thăm Ba Lan, chỉ cách Lviv 70 cây số.

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Ukraina, đang có mặt tại Lviv, tên lửa của Nga đã nhắm vào một kho dầu và nhiều mục tiêu quân sự khác không xa khu vực trung tâm thành phố.

« Hôm Thứ Bảy, vào khoảng 16 giờ chiều, còi báo động đã hú vang ở trung tâm thành phố Lviv, và ba tiếng nổ lớn đã được nghe thấy, vào lúc nhiều khách bộ hành, vốn đã quen với còi báo động, vẫn không chịu tìm chỗ trú ẩn.

Ngay lập tức một cột khói đen cực lớn đã bốc lên, và theo những thông tin đầu tiên, tên lửa hành trình loại Kalibr của Nga đã rơi xuống một kho nhiên liệu lớn, cách trung tâm khoảng 3 km.

Chính quyền đã cho biết tổn thất sơ bộ với 5 người bị thương, đồng thời yêu cầu cư dân ở lại càng lâu càng tốt trong các hầm trú ẩn, một yêu cầu không thừa vì chỉ sau 19 giờ tối một chút, một loạt tên lửa thứ hai lại rơi xuống thành phố, lần này có dấu hiệu nhằm vào các mục tiêu quân sự.

Cho đến nay, Lviv tương đối ít bị bắn phá, chỉ bị một vụ oanh kích lớn hôm 16 tháng 3, nhắm vào một nhà máy sửa chữa gần sân bay.

Vào tối hôm qua, ông Andriy Sadovy, thị trưởng thành phố Lviv cho biết tên lửa đã được bắn từ Sebastopol, vùng Crimée, cách đó khoảng hơn 900 cây số đường chim bay.

Đợt không kích thứ hai cũng xảy ra đúng vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden đang phát biểu ở thủ đô Ba Lan để tố cáo hành động xâm lược của Nga. Theo ông Andriy Sadovy, đó là cách Nga “chào đón” tổng thống Mỹ đến một nơi chỉ cách biên giới Ba Lan 70 km

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220327-chien-tranh-ukraina-nga-oanh-kich-lviv-tt-my

Người tị nạn Ukraine trở thành ‘mồi ngon’ của tội phạm tình dục

Refugee on Polish-Ukrainian border
Chụp lại hình ảnh, Refugees are forced to put their trust in strangers

Đã năm tuần trôi qua kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lăng tàn bạo vào Ukraine. Phóng viên BBC Katya Adler nhìn vào cuộc sống của những người bị ảnh hưởng tực tiếp bởi cuộc chiến.

Bom đạn, máu, chấn thương tâm lý. Đó là những gì đang xảy ra với người dân Ukraine. Trẻ con không được đi học, người ốm không được chăm sóc y tế, không có nơi nào để họ có thể sinh sống yên ổn ở Ukraine.

Khoảng 10 triệu người Ukraine đã bỏ nhà bỏ cửa đi lánh nạn, Liên Hiệp Quốc nói. Hầu hết đi tị nạn tại các vùng khác, an toàn hơn ở Ukraine, nhưng có hơn 3,5 triệu người đã chạy ra nước ngoài.

Họ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bởi nam giới dưới 60 tuổi được chính phủ Ukraine yêu cầu ở lại chiến đấu.

Phải rời bỏ nhà cửa, mất phương hướng và thường là không biết sẽ đi đâu tiếp, người tị nạn Ukraine buộc phải đặt niềm tin vào những người xa lạ.

Tuy cảnh bom đạn đã ở lại phía sau, nhưng người tị nạn Ukraine cũng không hoàn toàn là đã an toàn khi ở nước ngoài.

“Với những kẻ săn mồi và bọn buôn người thì cuộc chiến tại Ukraine không phải là thảm họa,” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cảnh báo trên Twitter. “Đó là cơ hội – và phụ nữ cùng trẻ em là mục tiêu chúng nhắm tới.”

Trong thời bình, các băng đảng buôn người khét tiếng là hoạt động tích cực tại Ukraine và các quốc gia láng giềng. Màn sương chiến tranh đem đến cho chúng độ che phủ hoàn hảo để tăng hoạt động.

Nhiều trẻ em đi một mình ra khỏi Ukraine, không có người lớn đi cùng. Thủ tục đăng ký có phần chắp vá tại Ba Lan và các vùng giáp biên khác, nhất là trong thời gian đầu của cuộc chiến, khiến cho việc trẻ em bị mất tích hoặc việc hiện thời các em đang ở đâu là điều không được người ta biết đến.

Woman and child

Nhóm phóng viên BBC tới vùng biên giới Ba Lan – Ukraine để tìm hiểu.

Tại một bến tàu hỏa rất quen thuộc với việc người tị nạn tràn tới, nhóm phóng viên BBC gặp một phụ nữ trẻ từ Ukraine tới tị nạn.

Cô Margerita Husmanov, ở độ tuổi ngoài 20, tới đây từ hai tuần trước và quyết định ở lại để giúp đỡ các đồng hương tị nạn khỏi rơi vào tay kẻ xấu.

Cô nói cô cảm thấy mình rất dễ bị tổn thương.

“Đó là lý do vì sao tôi lo sợ cho sự an toàn của họ,” cô nói. “Phụ nữ và trẻ em từ một cuộc chiến khủng khiếp bỏ chạy tới đây. Họ không biết tiếng Anh, không biết tiếng Ba Lan. Họ không biết điều gì đang xảy ra và họ tin tưởng vào bất kỳ ai nói chuyện với họ.”

“Ai cũng có thể xuất hiện tại bến tàu này. Ngày đầu tiên tôi hoạt động tình nguyện, chúng tôi bắt gặp ba người đàn ông từ Ý tới. Họ tìm kiếm những phụ nữ đẹp để đem bán cho hoạt động tình dục.”

“Tôi đã gọi điện cho cảnh sát và kết quả cho thấy tôi đã đúng. Đó không phải là ảo giác. Thật khủng khiếp.”

Margherita Husmanov
Chụp lại hình ảnh, Margherita Husmanov là người tị nạn, sau đó chuyển sang làm tình nguyện viên

Cô nói các quan chức địa phương nay đã tổ chức mọi thứ khá hơn. Cảnh sát thường xuyên tuần tra ở bến tàu. Những người, đa phần là đàn ông, cầm biển ghi những điểm đến hấp dẫn, vốn hiện diện nhiều trong mấy tuần đầu tiên khi người tị nạn bắt đầu tới, nay hầu như đã biến mất.

Nhưng từ một số nguồn khác, chúng tôi phát hiện ra rằng kẻ xấu nay đang giả dạng làm các tình nguyện viên với áo phản quang trên người.

Elena Moskvitina, nay đã an toàn tại Đan Mạch, nói chuyện với phóng viên BBC qua Skype.

Cô và các con vượt biên giới, từ Ukraine vào Romania. Họ muốn tìm cách để được đưa ra khỏi khu vực vùng biên.

Cô kể rằng những tình nguyện viên giả tại một trung tâm tị nạn hỏi cô muốn được ở đâu. Một hôm sau, chúng tới và ráo riết nói rằng Thụy Sĩ mới là nơi tốt nhất để đến, và chúng sẽ đưa cô tới đó, trên chiếc xe tải chở đầy các phụ nữ khác.

Elena nói rằng những kẻ đàn ông đó nhìn cô và con gái của cô với ánh mắt khiến con gái cô sợ hãi.

Chúng yêu cầu cô cho chúng gặp con trai cô, khi đó đang ở một căn phòng khác. Chúng nhìn tới nhìn lui cậu bé, cô nói. Sau đó, chúng yêu cầu cô đi với chỉ chúng mà thôi, không có ai khác, và giận dữ khi cô yêu cầu chúng cho xem giấy căn cước cá nhân.

Để khiến những gã đàn ông đó rời khỏi gia đình mình, Yelena hứa sẽ gặp chúng khi có các phụ nữ khác cùng trên xe van. Nhưng ngay khi chúng rời đi, cô nói, cô dắt các con bỏ chạy.

Elżbieta Jarmulska
Chụp lại hình ảnh, Elżbieta Jarmulska giúp đưa người tị nạn Ukraine sang biên giới an toàn

Elżbieta Jarmulska, một doanh nhân can đảm người Ba Lan, là người sáng lập ra tổ chức Sáng kiến Phụ nữ Cầm lái (Women Take The Wheel Initiative). Bà nói mục tiêu của bà là đem đến cho người tị nạn Ukraine một “bong bóng an toàn”.

Nay, bà đã tuyển mộ hơn 650 “phụ nữ tuyệt vời” người Ba Lan, lái xe qua lại thường xuyên ở khu vực biên giới Ba Lan – Ukraine để giúp người tị nạn được di chuyển an toàn.

Phóng viên BBC cùng bà tới một trại tị nạn. Tại đó, bà chìa cho giới chức xem thẻ căn cước của mình và bằng chứng về quyền cư trú của bà, rồi hỏi có ai muốn tới Warsaw không.

Xe hơi của bà ngay lập tức đầy kín người. Hành khách là người tị nạn Nadia cùng ba đứa con của cô.

Elżbieta sắp xếp cho gia đình này vào chiếc xe chở đầy đồ dùng đã được lựa chọn cẩn thận, có nước uống, chocolate và thuốc chống say xe cho trẻ em.

Nadia nói với BBC về hành trình nguy hiểm của cô, rời đi từ Kharkiv. Cô thấy nhẹ cả người khi tới được Ba Lan cùng một tài xế là phụ nữ.

Nadia and her children
Chụp lại hình ảnh, Nadia cùng các con cảm thấy biết ơn vì đã được đưa qua biên giới an toàn

Cô đã nghe tới những rủi ro bị rơi vào tay bọn buôn người qua đài phát thanh của Ukraine. Nhưng cô vẫn quyết định đi.

Nhà của cô bị nã đạn pháo, cô nói. Rủi ro do chiến tranh hiện hữu rõ rệt hơn nhiều.

Rời khỏi vùng biên giới an toàn chưa phải là đã xong. Trong những ngày, tuần, thậm chí tháng sau đó, họ còn cần tới nơi nào đó để ngủ, cần ăn, cần cho con cái đi học, cần việc làm để tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Refugee on Polish-Ukrainian border

Tất cả những điều này khiến người tị nạn trở nên dễ bị tổn thương.

Các lãnh đạo EU đã thống nhất thông qua biện pháp mở cửa thị trường việc làm, trường học và việc chăm sóc y tế cho người Ukraine, nhưng người tị nạn cần được giúp đỡ để đăng ký và để được thông báo về các quyền của mình.

Một tình nguyện viên ở vùng biên giới Ba Lan – Ukraine nói rằng khi trong tình trạng không bạn bè và cần đến tiền, người ta rất dễ rơi vào việc làm những điều mà trước đó họ không bao giờ nghĩ tới.

Người phụ nữ này nói cô đã bị dụ dỗ làm gái bán dâm khi cô còn trẻ. Cô nói đó là lý do chính khiến cô nay muốn giúp đỡ người tị nạn Ukraine.

Cuộc chiến diễn ra đã năm tuần, và tiến trình rà soát những người nói muốn giúp đỡ người tị nạn Ukraine vẫn chưa hề hoàn hảo.

Tội phạm có tổ chức (gồm cả bọn buôn người để kinh doanh tình dục và buôn bán nội tạng, và thường là để khai thác nô lệ lao động) không phải là những mối nguy duy nhất. Người tị nạn còn bị khai thác bởi các cá nhân khác nữa.

Leaflet given to refugees

Người dân tại Ba Lan, Đức, Anh và các nơi khác đang mở rộng cửa đón người tị nạn, hầu hết đều mang ý tốt, nhưng không phải ai cũng vậy.

BBC tìm thấy thông tin qua một tin đăng trên mạng xã hội của một người phụ nữ Ukraine chạy trốn khỏi Düsseldorf ở Đức. Người đàn ông cho cô ở một phòng đã tịch thu giấy tờ tùy thân của cô và bắt cô phải dọn nhà cho ông ta miễn phí. Sau đó, ông ta đòi cô phục vụ tình dục. Cô từ chối, và bị hắn tống ra đường.

Trẻ ở tuổi thiếu niên là lứa tuổi khiến gây lo lắng thực sự. Các em ở tuổi này không có cảm giác an toàn, các em muốn được chấp nhận, được công nhận. Và việc ở trong tình trạng chạy tị nạn, xa gia đình, bạn bè, các em càng dễ bị khai thác, lợi dụng.

Chính phủ các nước trên toàn châu Âu đã cam kết đoàn kết với Ukraine.

Các nhóm nhân quyền muốn các chính phủ phải quan tâm nhiều hơn nữa tới những người đã phải bỏ chạy vì muốn giữ mạng sống. Họ cần được bảo vệ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60855153

(AFP) – Tai nạn hàng không: Trung Quốc thông báo tìm thấy hộp đen thứ hai. Truyền thông Trung Quốc, hôm nay, 27/03/2022, còn khẳng định không một ai trong số 132 hành khách và phi hành đoàn còn sống sót. Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern nối tuyến các thành phố của tỉnh Côn Minh, tây nam Trung Quốc và thành phố Quảng Châu phía nam bị rơi và vỡ tan hôm thứ Hai 21/3.

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-15, không phải Hwasong-17. Theo nhiều nguồn tin ngày 27/03/2022 của Mỹ và Hàn Quốc, tên lửa liên lục địa ICBM được Bình Nhưỡng phóng ngày 24/03 có thể là Hwasong-15 vì có hai ống phun động cơ, thay vì 4 như của Hwasong-17. Dù sao đây cũng là một thành công lớn vì tên lửa Hwasong-15 đã bay được 1.080 km thay vì 960 km và đạt độ cao hơn 6.200 km thay vì 4.500 km trong lần thử năm 2017. Ngoài ra, dường như Bắc Triều Tiên đang xây một «đường tắt» hướng đến đường hầm ở khu thử hạt nhân Punggye-ri, có thể là để chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 7.

(RFI/IQ Air) – Thủ đô New Delhi, thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2021. Báo cáo ngày 27/03/2022 của tổ chức IQ Air của Thụy Sĩ, cho thấy New Delhi giữ vị trí này 4 năm liên tiếp. Ngoài ra, 12 trên 25 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở miền bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm trung bình ở New Delhi đã giảm 15% trong năm 2021 so với năm 2018. Thành phố Milano của Ý đứng thứ 4, hai thành phố Thượng Hải và Vũ Hán của Trung Quốc lần lượt đứng thứ 8 và 9.

(AFP) – Hạt nhân Iran: Liên Âu tỏ ý lạc quan về việc “sắp” đạt thỏa thuận. Điều phối viên Liên Hiệp Châu Âu phụ trách các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, Enrique Mora có mặt tại Teheran hôm nay 27/03/2022 để gặp trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Baghéri. Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU, thỏa thuận có thể được đúc kết trong “vài ngày” tới đây.

(AFP) – Nga cáo buộc Azerbaijan vi phạm lệnh ngừng bắn. Bộ Quốc Phòng Nga ngày 26/03/2022, tố cáo các lực lượng Azerbaïdjan trong hai ngày 24 và 25/3 đã tiến vào khu vực do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga chịu trách nhiệm, và như vậy vi phạm lệnh ngừng bắn ký kết giữa ba bên sau cuộc chiến Nagorny-Karabakh năm 2020. Đáp trả đồng nhiệm, bộ Quốc Phòng Azerbaijan lấy làm tiếc là «tuyên bố của Nga không phản ảnh đúng sự thật và chỉ thông qua một chiều

(AFP) – Đức có kế hoạch mua lá chắn tên lửa. Trả lời nhật báo Bild, báo cáo viên về ngân sách quốc phòng cho Quốc Hội Đức cho rằng nước Đức «cần phải nhanh chóng trang bị một hệ thống lá chắn tên lửa trên toàn quốc nhằm phòng thủ chống lại mối đe dọa từ Nga». Vẫn theo vị quan chức này, «hệ thống lá chắn Arrow 3 của Israel là một giải pháp tốt» để phòng ngừa các loại tên lửa tầm xa. Được thiết kế giống hệ thống «Vòm Sắt» của Israel, hệ thống lá chắn Arrow 3 trị giá khoảng 2 tỷ euro có thể đưa vào vận hành kể từ năm 2025 tại 3 điểm ở Đức. Hiện quyết định chưa được đưa ra nhưng đảng Xã hội – Dân chủ của thủ tướng Đức ủng hộ kế hoạch này.

(AFP) – Người Nga ở Praha phản đối chính quyền Matxcơva gây chiến ở Ukraina. Khoảng 5.000 người, theo số liệu của ban tổ chức, chủ yếu là người Nga đã tập trung ở thủ đô Cộng Hòa Séc ngày 26/03/2022 để lên án cuộc tấn công Ukraina do tổng thống Putin ra lệnh và đòi chấm dứt chiến tranh với những khẩu hiệu «Putin, kẻ sát nhân», «chấm dứt chiến tranh» hoặc «Putin không phải là nước Nga». Trước đó, nhiều nhà hoạt động đã đổ sơn đỏ, tượng trưng cho máu của các nạn nhân, lên cầu thang trước đại sứ quán Nga ở Praha. Cùng ngày, vài nghìn người cũng xuống đường ở tại Luân Đôn (Anh), mang cờ Ukraina, đòi «hòa bình cho Ukraina».

(RFI) – Phần Lan ngừng chuyến tầu Allegro nối Helsinki và Saint Peterburg. Chuyến tầu cuối cùng nối trực tiếp hai thành phố trong vòng 3 giờ 30 vào ngày 27/03/2022. Từ đầu cuộc chiến Ukraina, hàng nghìn người Nga đã sử dụng tuyến đường này để rời đất nước. Quyết định ngừng tuyến đường sắt trực tiếp này không chỉ do điện Kremlin đơn phương đưa ra mà còn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây để cô lập Nga.

(AFP) – Trượt băng nghệ thuật: Pháp giành chức vô địch thế giới ở thể loại khiêu vũ trên băng. Trong giải vô địch thế giới về trượt băng nghệ thuật tổ chức tại Montpellier, miền nam nước Pháp, ngày hôm qua, 26/03, một tháng sau huy chương vàng Olympic, cặp vận động viên Pháp Gabriella Papadakis và Guillaume Cizeron đã lại đăng quang ngôi vô địch thế giới bộ môn khiêu vũ trên băng. Đây là lần thứ năm mà đôi vận động viên này đoạt chức vô địch thế giới, một kỷ lục của bộ môn trượt băng nghệ thuật Pháp. Thành tích này lại vẻ vang hơn nữa khi hai người đã giành chiến thắng với 229,82 điểm, một kỷ lục thế giới mới. Về sau Gabriella Papadakis và Guillaume Cizeron, để dành huy chương bạc và đồng là hai cặp vận động viên Mỹ. Riêng cặp Nga Victoria Sinitsina và Nikita Katsalapov, vô địch thế giới lần trước, và huy chương bạc tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, đã bị cấm thi đấu sau chiến dịch xâm lược Ukraina của Nga.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220327-tin-tong-hop