Tin Tổng Hợp – 27/3/21
(Yonhap) – Đại sứ Mỹ ở Việt Nam được thăng chức. Nhà Trắng hôm qua 26/03/2021 thông báo, tổng thống Joe Biden đã quyết định bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Việt Nam vào chức vụ trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ông Daniel Kritenbrink sẽ thay thế ông David Stilwell, đã từ chức khi ông Biden nhậm chức tổng thống hôm 20 tháng Giêng vừa qua. Kritenbrink làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2017, từng có thời gian làm việc tại Tokyo và Bắc Kinh. Ông nói thông thạo tiếng Trung và Nhật.
(AFP) – Dự trù giải tỏa kênh Suez trong ngày hôm nay 27/03/2021. Chủ con tàu hàng bị mắc kẹt giữa kênh Suez, Ai Cập từ hôm thứ Ba 23/03, gây tắc nghẽn toàn bộ tuyến đường lưu thông hàng hải quốc tế lớn, cho biết hy vọng tối ngày hôm nay con tàu sẽ được giải thoát khỏi mắc kẹt. Trước đó nhiều chuyên gia cho rằng phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần mới có thể giải cứu được con tàu. Ông Yukito Higaki, chủ tịch công ty vận tải Shoei Kisen của Nhật nói trong cuộc họp báo ngày hôm qua 26/03, các công việc cứu hộ đang tiến hành rất khẩn trương hy vọng tối nay con tàu sẽ được giải tỏa. Tàu không bị thủng, không có vấn đề gì về bánh lái, hay cánh quạt vì thế sau khi được giải tỏa, tàu có thể hoạt động bình thường.
(AFP) – Washington mời Mátxcova và Bắc Kinh tham gia thượng đỉnh khí hậu thế giới. Hoa Kỳ mời lãnh đạo Nga và Trung Quốc tham gia và các thảo luận về vấn đề khí hậu trái đất bị nóng lên, tổng thống Joe Biden thông báo ngày 26/03/2021. Ông Biden cho biết thêm là ông không nói chuyện trực tiếp với các đồng nhiệm Nga và Trung Quốc nhưng sẵn sàng chào đón các lãnh đạo hai nước trên tham gia hội nghị. Tổng thống Mỹ dự trù tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế, trực tuyến vào ngày 22/04 tới đây, với sự tham gia của 40 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ trên thế giới, trong nỗ lực biến vấn đề biến đổi khí hậu thành một hồ sơ quốc tế ưu tiên. Đây cũng là hồ sơ mà các quan chức Mỹ cho rằng có thể thống nhất được với Trung Quốc cho dù còn nhiều bất đồng sâu sắc trên các vấn đề quốc tế khác.
(HRW/Reuters) – Các doanh nghiệp nên chống lại những lời đe dọa tẩy chay của Trung Quốc. Trong thông cáo ngày 27/03/2021, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) kêu gọi các doanh nghiệp bị tẩy chay ở Trung Quốc cần kiên định chống lại tình trạng lao động cưỡng bức, đồng thời lên án Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp nước ngoài « đồng lõa với những lạm dụng », vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Sau Nike, H&M, đến lượt Hugo Boss bị cộng đồng mạng và người nổi tiếng Trung Quốc cáo buộc « giở trò hai mặt » sau khi thương hiệu này liên tục đưa ra những quan điểm trái ngược về việc mua sợi bông Tân Cương.
(Le Figaro) – Pháp chuẩn bị khởi công đóng tầu sân bay mới. Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly sẽ tham dự lễ khởi công ngày 29/03/2021 tại tập đoàn Naval Group ở Lorient (phía tây nước Pháp). Hai tập đoàn Naval Group và Chantiers de l’Atlantique tham gia đóng tầu sân bay thế hệ mới (Pang) thay cho tầu Charles-de-Gaulle vào khoảng năm 2038. Giai đoạn 1 của dự án kéo dài 2 năm và có ngân sách 200 triệu euro.
(RFI) – Pháp gánh « nhiều trách nhiệm nặng nề và không thể chối cãi » trong những sự kiện dẫn đến diệt chủng người Tutsis năm 1994. Paris can thiệp vào Rwanda kể từ những năm 1990 và « đứng về » phía chế độ Hutu ở nước này. Đây là kết luận của bản báo cáo gần 1.200 trang được ủy ban Duclert chính thức trao cho tổng thống Emmanuel Macron ngày 26/03/2021. Cách đây hai năm, ông Macron giao cho khoảng 15 sử gia, dưới sự điều phối của nhà sử học Vincent Duclert, nghiên cứu «tài liệu lưu trữ Pháp liên quan đến Rwanda và vụ diệt chủng người Tutsis» từ những năm 1990 đến 1994, dưới thới tổng thống François Mitterrand.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210327-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Phụ nữ: Người trả giá đắt nhất cho Covid
Nạn nhân hàng đầu của khủng hoảng đại dịch Covid-19 là phụ nữ. Đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội yếu thế. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này là chủ đề chính của tuần san Courrier International. «Thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh, việc nhà quá tải… Từ Hoa Kỳ cho đến Nhật Bản, khắp nơi phụ nữ phải trả giá đắt cho khủng hoảng». Tuần san Courrier International tổng hợp tình hình, giới thiệu các ghi nhận về thực trạng và giải pháp trên báo chí nước ngoài. Từ vài tháng trở lại đây, trên báo chí nước ngoài, liên tục xuất hiện nhiều bài vở về tình cảnh khốn khổ của phụ nữ. The Washington Post cho biết hai triệu rưỡi phụ nữ Mỹ mất việc làm, trong lúc báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết từ đây cho đến sang năm, sẽ có thêm 47 triệu phụ nữ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng, theo nhà báo Mỹ Hanna Rosin. Trong bài viết trên tạp chí New York Magazine, nữ ký giả nhận định: các điều kiện của phụ nữ hiện nay bị tụt lùi một bước dài, trở về tương tự như trong những năm 1980. Chỉ trong vòng một năm, các tiến bộ của ba thập niên tan biến.
Một số nước công nghiệp phát triển, như Hoa Kỳ, cũng là nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô. Kế hoạch 1.900 tỉ euro tổng thống Mỹ vừa ban bố hôm 11/03, tập trung đầu tư cho phụ nữ và trẻ em.
Courrier International dành 6 trang để giới thiệu bài phỏng vấn nhà tư tưởng nữ quyền Mỹ gốc Ý Silvia Federici, trên New York Times, người được coi là một trong những nhà tư tưởng nữ quyền quan trọng nhất của thế kỉ XX. Cách đây nhiều thập niên, nhà tư tưởng Mỹ đã báo động về thực trạng lao động của người phụ nữ trong gia đình bị hạ thấp ý nghĩa, các xã hội tư bản nhìn chung đã không thừa nhận lao động đặc biệt này. Lao động của người phụ nữ trong gia đình không chỉ liên quan đến việc mang thai, đẻ con, giáo dục con cái, mà còn là tất cả mọi công việc đóng góp vào việc duy trì sức khỏe, vào bữa ăn hàng ngày, vào tất cả những gì liên quan đến sự phát triển của các thành viên trong gia đình.
Theo nhà tư tưởng Mỹ, có rất nhiều điểm có thể làm để cải thiện tình trạng phụ nữ : nỗ lực thay đổi tận gốc rễ chế độ tư bản hiện nay (vốn chủ yếu dựa trên nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận), ngăn chặn việc thương mại hóa các lĩnh vực xã hội (từ y tế, nông nghiệp, đến trông nom trẻ…). Theo bà Silvia Federici, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng là cơ hội để xây dựng các hình thức đoàn kết, tương trợ xã hội mới. Bài phỏng vấn của New York Times mang tựa đề : « Silvia Federici : người đã dự báo tất cả ».
Báo Hồng Kông South China Morning Post đặc biệt nhấn mạnh là tình trạng nghèo khó trở nên nghiêm trọng hơn với phụ nữ và trẻ em, không thể đảo ngược được, nếu không có các chính sách lớn, từ phía chính phủ các nước. Báo Hồng Kông nêu trường hợp một phụ nữ Việt Nam, như một ví dụ cho thấy người phụ nữ phải gánh chịu các thiệt hại kép. Cô Dương Thị Huyền, 28 tuổi, vốn là giáo viên dạy yoga, kể từ tháng 2/2020, không còn tìm được việc làm, trong bối cảnh dịch bệnh, do các trung tâm yoga thích tuyển dụng nam giới, do nam có điều kiện đầu tư cho công việc hơn. Người giáo viên yoga này giờ phải chuyển sang bán quần áo trên mạng, để kiếm chút đỉnh tiền nuôi con, tuy nhiên, công việc cũng không chạy vì khách hàng giờ đây cũng mua sắm ít hơn.
Pháp: Nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng sa lầy
Nước Pháp trầy trật đối phó với đại dịch là chủ đề chính của l’Obs. « Vac-xin : Cuộc chiến kỳ lạ » là tựa trang bìa của tuần báo L’Obs. L’Obs truy tìm nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng bị sa lầy tại Pháp.
Bài xã luận l’Obs ghi nhận nguyên nhân đầu tiên là quan điểm « quá thận trọng » của chính phủ Pháp, chọn con đường tiêm chủng với tốc độ được xác định là vừa phải, để không gây phản ứng chống đối từ phía những người ngờ vực vac-xin. Việc chính phủ tập trung trước hết cho các nhóm dân cư có nguy cơ cao, rồi dần dần mở rộng, nhìn chung được đánh giá là chính sách đúng đắn về mặt dịch tễ học, nhưng do áp dụng cứng nhắc, nến khiến các cơ sở y tế địa phương không rảnh tay lựa chọn các biện pháp mềm dẻo hơn, để nhanh chóng có nhiều người được tiêm chủng. Ngoài việc điều hành chiến dịch tiêm chủng trong nội bộ nước Pháp, châu Âu bị chỉ ra như một nguyên nhân chính, khi toàn khối lâm vào tình trạng thiếu vac-xin.
Vẫn về đại dịch Covid-19 tại Pháp, tuần báo l’Express có bài phỏng vấn nhà dịch tễ học Dominique Costagliola, chỉ trích mạnh mẽ phong cách điều hành của tổng thống Macron, mà theo bà, đã không biết lắng nghe các nhà dịch tễ học thực sự. Theo nhà dịch tễ học nổi tiếng này, nước Pháp có nguy cơ tiếp tục phải đối mặt với làn sóng dịch mới vào cuối năm nay, đầu sang năm. Để ngăn chặn được làn sóng mới, phải đạt được mức tiêm chủng cho từ 80-90% cho nhóm dân cư có nguy cơ cao, tức nhóm cao hơn 50 tuổi. Mà tỉ lệ này là khó đạt được vào tháng 9 tới, với tốc độ tiêm chủng hiện nay. Nhà dịch tễ học Dominique Costagliola đoạt giải thưởng lớn của INSERM năm 2020, vì các đóng góp của bà trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tranh cử tổng thống Pháp
Về chính trị nước Pháp, Chủ đề chính của Le Point tuần này là tham vọng ra ứng cử tổng thống Pháp của chính trị gia đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa (LR), ông Xavier Bertrand, chủ tịch vùng Hauts-de-France.
Covid-19: Món «lộc trời cho» với chế độ cộng sản Việt Nam
Cũng về Covid, nhưng tại Việt Nam, l’Express có bài phân tích : « Đối với chế độ cộng sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 là một cơ hội trời cho ». Trái ngược với nhiều quốc gia phát triển, Việt Nam là một quốc gia được coi là ốc đảo bình yên, với số lượng chính thức ca nhiễm Covid chỉ là hơn 2.500, và 35 người chết trong một năm. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch. Theo l’Express, « thành công » của chính quyền Việt Nam cơ bản là do tái sử dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dân cư vốn có của chế độ cộng sản, các biện pháp của thời chiến, vào mục tiêu y tế. Đó là truy lùng nhanh nhất những ai tiếp xúc với người bị nhiễm virus, hoặc có nguy cơ lây nhiễm, và tiến hành các biện pháp cách ly mạnh tay. Nhìn chung, việc áp dụng trở lại các biện pháp của chế độ cộng sản thời chiến cũng khiến cho chính quyền hiện tại tăng cường khả năng kiểm soát xã hội. Chính vì vậy, l’Express gọi đại dịch Covid-19 là « một cơ hội trời cho » với chế độ cộng sản Việt Nam.
Miến Điện: Trung Quốc có thể mất tất cả với chính sách bắt cá hai tay
Về thời sự chính trị châu Á, đáng chú ý có bài «Miến Điện: Trung Quốc có thể mất tất cả với tập đoàn quân sự» của báo Nhật được Courrier International giới thiệu. Bài viết của báo The Diplomat, Nhật Bản, vạch rõ thái độ hai mặt của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Miến Điện hiện nay, và hệ quả gậy ông đập lưng ông của thái độ này. Nhưng không chỉ Trung Quốc thiệt hại. Toàn bộ khu vực sẽ phải gánh chịu hậu quả, nếu tập đoàn quân sự tiếp tục chính sách đàn áp.
Nguyên tắc của Bắc Kinh lâu nay là «không can thiệp vào công việc nội bộ» của nước khác, với Trung Quốc, đảo chính và khủng hoảng chính trị tại Miến Điện chỉ là công việc nội bộ của Miến Điện. Với quan điểm này, Trung Quốc đã không ủng hộ các dự thảo tuyên bố của Hội Đồng Bảo An lên án đảo chính. Tuy nhiên, trước tình hình ngày một trở nên tồi tệ hơn tại Miến Điện, với số người chết do bạo lực quân đội tăng lên hàng ngày, Trung Quốc không thể giữ nguyên thái độ không can thiệp. Dù sao hành xử của Bắc Kinh hiện nay là cố gắng duy trì tính hai mặt : một mặt chấp nhận một phần các lên án quốc tế nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện, mặt khác vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp.
Theo The Diplomat, sở dĩ Bắc Kinh bảo vệ đến cùng nguyên tắc «không can thiệp vào công việc nội bộ» của nước khác, do lo sợ đến lượt mình, Trung Quốc cũng sẽ bị quốc tế gây áp lực mạnh hơn trong các hồ sơ nhân quyền (như Tân Cương, Tây Tạng hay Hồng Kông). Theo một số nguồn tin rò rỉ từ nội bộ, đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã có đàm phán bí mật với tập đoàn quân sự để bảo vệ an toàn cho các đường ống dẫn dầu nối liền Miến Điện với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, sự an toàn của các cơ sở kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện có lẽ khó được bảo đảm, nếu tình hình tồi tệ hơn.
Vấn đề là thái độ nước đôi của Bắc Kinh, dung túng tập đoàn quân sự, không chỉ khiến lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện bị tổn hại, mà khiến toàn khu vực có thể chịu hậu quả dây chuyền.